- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Hy vọng sống muôn đời

Theo chu kỳ Phụng Vụ, Giáo Hội lập ra tháng các linh hồn với mục đích nhắc nhớ chúng ta một nghĩa vụ, là phải cứu các linh hồn còn đang phải thanh luyện nơi ngục hình, đang khát khao mong đợi ngày được giải thoát để về hưởng Chúa trong hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa đã hứa cho những tôi trung con thảo của Chúa; đồng thời, Giáo Hội hướng lòng chúng ta lên tưởng nhớ, khát mong hạnh phúc vĩnh củu đời sau, là cùng đích và cứu cánh của cuộc sống con người.

I. NIỀM TIN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Người Hy Lạp cũng như người Á Đông chúng ta lại rất coi trọng và tin tưởng rằng, chết chưa phải là hết. Lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời làm cho họ phải băn khoăn lo lắng không ít.

Các Tín Hữu hồi Giáo Hội sơ khai và nhất à các Tín Hữu của Giáo Đoàn Thessalonica rất xao xuyến, thắc mắc về số phận của thân nhân mình đã qua đời.

Trước tâm thức công cộng đó, xưa cũng như nay, Đông Phương cũng như Tây Phương, Thánh Phaolô đã viết bức thư gởi cho Giáo Đoàn Thessalonica như chúng ta vừa nghe, để giải thích cho họ biết về số phận của những người đã ra đi, mặc khải cho chúng ta một giáo lý vững chắc về cuộc sống đời sau, làm cho chúng ta được phấn khởi với niềm xác tín vào tín điều: “Xác loài người ngày sau sống lại”. Giáo lý đó nâng đỡ tinh thần chúng ta trong lúc phải đau buồn vì mất người thân yêu, nó còn bảo đảm cho chúng ta rằng: Người thân yêu của chúng ta đã ra đi và cả chúng ta nữa, sẽ đạt hạnh phúc Chúa hứa ban, qua chính việc Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, như lời Thánh Phaolô viết: “Đức Kitô đã chết và đã sống lại; thì cũng vậy, những người đã chết trong Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người” (I Thess 4:14). Chúng ta cũng cần lưu ý, chỉ những kẻ đã sống và chết cho Chúa Kitô, những kẻ thuộc về Chúa Kitô nhờ ơn thánh thì mới được đem đến làm một với Người và cùng được đồng hưởng hạnh phúc với Chúa. Trái lại, những ai không sống và chết cho Chúa Kitô, không thuộc về Chúa nhờ ơn thánh, thì cũng chẳng được đem đến với Người và được đồng hạnh phúc với Người.

Cũng một Đức Tin dạy chúng ta rằng: Các người thân yêu của chúng ta đã ra đi, nếu chưa thanh sạch đủ để xứng đáng hưởng Chúa trong hạnh phúc vĩnh cửu, thì phải chịu thanh luyện trong ngục hình bằng nhiều thứ hình khổ giác quan, vì thân xác đã đồng lõa với linh hồn xúc phạm đến Chúa, nhưng nhất là hình khổ khát mong gặp Chúa mà chưa được. Đó là một khổ hình làm ray rứt tâm can, thiêu đốt trí lòng các linh hồn nơi luyện ngục hơn hết.

Chúng ta có nhiệm vụ cứu vớt các ngài bằng cách dâng lời cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, ăn chay, bố thí và dâng Thánh Lễ cầu cho các ngài. Các ngài không còn có thể lập công trạng để cứu mình được, vì đã hết thời lập công; các ngài trông nhờ ở chúng ta, mong đợi nơi những người thân yêu còn đang sống nơi dương thế. Các ngài rất thần thế trước tôn nhan Chúa, được Chúa thương yêu trìu mến, các ngài không thua lòng quảng đại của chúng ta, sẽ cầu bầu cho chúng ta, đền đáp cân xứng cách bội hậu, cho những ơn phúc chúng ta đã làm để cứu giúp các ngài. Nên chúng ta hãy năng tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn luyện tội; ngày mai đây khi chúng ta qua đi, chúng ta cũng sẽ được đền đáp và được các người thân yêu còn lại nơi trần gian nhớ đến và cầu cho chúng ta; trái lại, chúng ta bỏ qua hay quên lãng hoặc không quan tâm gì tới việc cứu giúp các linh hồn trong luyện hình, thì Chúa công bằng vô cùng cũng để người ta quên chúng ta như vậy, hoặc Chúa sẽ lấy công phúc việc lành của người thân yêu cầu cho chúng ta, để ban cho các linh hồn khác xứng đáng lãnh nhận hơn chúng ta.

II. ĐỂ ĐƯỌC VUI SỐNG MUÔN ĐỜI

Khi tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn nơi ngục hình, những người thân yêu của chúng ta đã ra đi, cũng là lúc cần nhắc lại cho chúng ta một chân lý bất di dịch là ai trong chúng ta cũng phải lìa khỏi cõi đời này, để đi sang thế giới bên kia bằng cái chết. Vì chết không phải là hết như những người vô thân chủ trương, nhưng chết đi là tiến tới cõi sống muôn đời.

Không kể những người vô thần, những người không tin tưởng ở cuộc sống vĩnh cửu, họ chỉ bám riết lấy cuộc sống đời này, với mọi mánh lới cho dù là quỉ quyệt giam ngoa, để cố tìm thỏa mãn nơi cuộc sống tam bợ đời này; ngay cả những người mệnh danh là Tín Hửu, là con cái Thiên Chúa, nhiều người cũng sống dường như không tin tưởng gì; sống phản lại với niềm tin, không màng tưởng gì đến đời sau, đến những sự vĩnh cửu và hạnh phúc mai hậu.

Trái lại, các Thánh hằng xác tín và chân nhận giá trị đích thực, những sự thật siêu nhiên vĩnh cửu của đời sống mai hậu và hạnh phúc bất diệt, nên các ngài hằng khát khao tìm kiếm Chúa, tha thiết ước mong gặp được Chúa, để được hưởng kiến Chúa, chiếm hữu được Chúa là chính hạnh phúc chân thật các ngài hằng mơ tưởng ngày đêm, từng phút từng giây, các ngài lấy làm sung sướng được thoát ly khỏi cái xác hay chết và đời tạm gửi này, để có thể chiếm hửu được điều các ngài hằng tin tưởng, vì xác tín rằng: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Đức Tin Công Giáo dạy: Chết chưa phải là hết, nhưng là bước sang một cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu và hạnh phúc của con cái Thiên Chúa. Hạnh phúc mà chính Chúa đã hứa ban cho các con cái ngoan thảo trung thành của Người.

Kết Luận

Vậy chúng ta làm thế nào để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu, chiếm hửu được Chúa là chính nguồn hạnh phúc chân thật, là cùng đích của chúng ta, như các Thánh và các linh hồn tuyển phúc, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta?

Chúng ta cần phải sống niềm tin, trung thành với niềm tin đến cùng, khát khao mong đợi tìm kiếm Chúa cho tới khi gặp được Người, chiếm hữu được Người như các Thánh và như tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân yêu của chúng ta đã ra đi trước chúng ta, khi lià bỏ cõi đời để về với Chúa.

Lm. Minh Vận, CMC

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]