Học yêu Thánh Giá

Tình cờ tôi nghe bài hát “học yêu Thánh Giá” (Khắc Dũng, Thủy Tiên)[mp3j track=”http://daobinh.com/mp3/HocYeuThanhGia-KhacDung-ThuyTien.mp3″ title=”học yêu Thánh Giá” flip=”y”]
Lời ca ngắn gọn mà sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng cho tôi cảm nhận sâu lắng về tình yêu Thánh GiáChúa Giêsu.

Thánh Giá là chữ T.

Người nằm giang tay chữ Y.

Là tình yêu, yêu đến tận cùng.

Yêu nhân gian chiều ngang.

Yêu đời mình chiều sâu.

Yêu Chúa là chiều cao.

Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu.

Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng.

Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y. Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống. Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan hát lên : “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Kinh Tiền Tụng đã chú giải : “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Thánh Bonaventura viết : “Thánh Giá là cây tòan hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon“. Cây Thánh giá còn được phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy trong lời trong kinh ‘A Rất Thánh Giá’: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình. Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả. Từ xưa đến nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”.

Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là : “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta. Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn! (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16). Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ. Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó. Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá,Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất:Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa. Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình. Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.

Bài 2. CHÓP ĐỈNH CỦA SỰ ĐAU KHỔ!

P. Trần Đình Phan Tiến

Kính thưa quý vị! Suy tư về Thánh giá là suy tư về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu KITÔ, Con Thiên Chúa làm Người. Vì thế, không ai có thể suy cùng, hiểu tận một mầu nhiệm quá lớn lao đối với nhân loại, là mầu nhiệm Thập giá.

Vâng! Bản thân Thập giá không có gì để suy tôn, nhưng chúng ta suy tôn về một mầu nhiệm của đau khổ, nơi đó Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại. Tại sao Thiên Chúa lại muốn cứu độ con người qua mầu nhiệm Thập giá ? Thưa, chúng ta hãy so sánh hai vấn đề: ĐAU KHỔ và TÌNH YÊU.

Tình yêu càng lớn, đau khổ càng nhiều. Đó là quy luật, mà từ khi biết có tình yêu , người ta đã biết điều nầy. Bởi vì khi yêu, người ta mới đủ nghị lực cũng như can đảm để gánh lấy đau khổ. Còn nếu thiếu hương vị của tình yêu, người ta không thể gánh lấy đau khổ đến cùng.

Vâng! Với ý nghĩa đó, con người đôi lúc rất sợ “yêu”, bởi vì giá trị của tình yêu gắn liền với đau khổ. Nhưng khởi nguyên, Thiên Chúa không tạo ra đau khổ, đau khổ chỉ có mặt khi có sự đối nghịch với Thiên Chúa. Như vậy, cho thấy, đau khổ là hệ lụy của sự chống lại Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta hiểu được Thiên Chúa là sự hoan lạc vô biên, vì tận cùng của sự sống không phải là đau khổ. Như vậy, có mâu thuẫn khi nói: “Thiên Chúa là tình yêu”? Thưa hoàn toàn không. Bởi vì , nơi Thiên Chúa không có sự đau khổ, vì Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống. Đau khổ chỉ gắn liền với cái chết, chết tâm linh và chết thân xác.

Như vậy, vấn đề cứ quẩn quanh, lúc thì nói: Tình yêu gắn liền với đau khổ. Lúc thì nói: Đau khổ gắn liền với cái chết. Và người ta thường nói: “Chỉ có cái chết mới hết khổ”. Như vậy, hệ lụy của đau khổ chỉ có nơi thân xác?! Còn linh hồn thì sao?! Thưa, linh hồn chính là bảo tồn của sự sống. Ai cũng biết, sự sống nơi thế gian không là vĩnh cửu. Vậy sự sống vĩnh cửu ở đâu, nếu như không ở nơi có Thiên Chúa hiện hữu? Nhưng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người , Đấng từ trời mà xuống” (Ga 3,13). Như vậy, vấn đề nằm ở nơi: “Đấng từ trời mà xuống”.

“Đấng từ trời mà xuống” đã gánh lấy đau khổ cho nhân loại. Như vậy, tình yêu được nối kết và hiện hữu giữa nhân loại, nhờ “Đấng từ trời mà xuống”. Nên chi, chúng ta nói: “Thập giá là nơi tình yêu ngự trị”, bởi vì Thập giá không còn đơn thuần là nơi biểu thị sự đau khổ đơn phương. Mà là nơi đã có “Tình yêu” đồng hành. Vì đau khổ và nhục nhã nơi Thập giá đã được Thiên Chúa đóng ấn bởi Người Con Một của Thiên Chúa là đấng cứu chuộc Giêsu-Kitô. Vì: “Như ông Môi-sen đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (c 14). Để làm gì? Thưa , “để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (c15).

Từ đó, tình yêu được gắn kết với đau khổ, vì tình yêu đã tự nguyện gánh lấy đau khổ. Đau khổ không chỉ là án phạt của nhân loại, mà là nơi đó tình yêu đã song hành. Như vậy, Thập giá là nơi sự chết đã được “đóng đinh” nhân danh Đấng từ trời mà xuống. Đồng nghĩa, mọi sự khổ đau của nhân loại cũng được đóng đinh vào Thập giá, khi chúng ta nhìn lên Đấng đã được đóng đinh, được treo lên, được đâm thâu, chúng ta tin vào Người thì chúng ta được cứu độ.

Tình yêu và đau khổ không còn mâu thuẫn với nhau nữa, mà là đã song hành với nhau. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã biểu lộ rõ ràng tình yêu của Ngài cho nhân loại. Chúa Giêsu không còn mãi trên Thập giá với sự chết của nhân loại. Nhưng từ đó, Người đã biểu dương quyền sống của Thiên Chúa và Đấng là Con Thiên Chúa cho mọi kẻ tin vào Người.

Như vậy, có thể nói tình yêu và đau khổ đã được Đấng từ trời mà xuống quân bình bởi sự hóa giải của Người. Từ đó , chúng ta nhận thấy rằng: Chóp đỉnh của Đau khổ chính là Thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã dạy cho chúng ta rằng: Đau khổ của Thập gía sinh ra hoa trái, vì nơi đó không còn là sự trừng phạt của Thiên Chúa, mà là nơi đó tình yêu của Thiên Chúa đã biểu lộ và chuẩn nhận.

Con Rắn Đồng ngày xưa là biểu tượng của sự tha thứ của Thiên Chúa, nó chỉ là một vật tượng trưng về lòng xót thương của Thiên Chúa, chứ nó không phải là linh vật, nó không có sức mạnh cứu độ, nó chỉ nhờ vào Lời phán dạy Thiên Chúa mà thôi!

Nhưng Đấng từ trời mà xuống được giương lên trên Thập giá thì tất cả nhân loại được “cứu”, từ đó Thập giá và sự đau khổ của nó không còn là sự đau khổ đơn thuần, mà là nơi tình y6eu ngự trị. Vì vậy, nơi đó được gọi là THÁNH GIÁ nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến mà thờ lạy.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Chia sẻ Bài này:

Related posts