Cây Leo Hạnh Phúc

Ai học về chụp hình thường phải qua một bài rất căn bản về nghệ thuật ánh sáng gọi là ánh sáng Rembrandt. Đó là tên của một họa sĩ người Hà Lan vào thế kỷ 17 đã tìm ra cách diễn tả loại ánh sáng không đến từ bên ngoài mà phát khởi từ nội tâm. Chẳng hạn như bức vẽ chính mình năm 1671, Rembrandt đã diễn tả một người đã cao tuổi, nghèo túng, với bộ mặt râu ria lởm chởm, cằm hai múi bạnh ra, tóc bạc, áo quần xác xơ. Vậy mà ánh sáng từ bên trong đã làm nổi lên được nét đẹp nhân bản với khuôn mặt dịu hiền của một con người có lòng tốt.  

NHÀ TÔI

Thời còn mài đũng quần trên ghế trung học, tôi rất mê truyện Cây Leo Hạnh Phúc và Nhà Tôi của Duyên Anh, một khám phá tuyệt diệu nhất, kỳ ảo nhất về hạnh phúc, một tác phẩm rực rỡ thương yêu, mà cũng diễn tả đúng cái nếp sống hạnh phúc giản đơn theo tâm thức của người Việt mình. Nào có gì đâu. Không thấy nói phải đi party cung phụng cười ruồi với mấy “xếp” lớn, hay phải đi ăn tiệm sang cho thêm phần gợi hứng theo tâm lý bày đặt. Nhà có thể bình thường thôi, không phải loại nhà mấy trăm ngàn Mỹ kim với hồ tắm, có phòng đậu xe riêng… Nhưng mái nhà này chứa được cái cốt tủy của gia đình đầy ắp chất tình.

Này nhé, Cây Leo Hạnh Phúc tả lại buổi Tối Ở Nhà trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: “Cơm nước xong xuôi, trời vừa tối. Ngọn đèn treo ở giữa nhà. Cha ngồi đọc báo. Mẹ và chị kim chỉ vá may. Tôi học bài, bà đang kể cổ tích cho hai đứa em nghe… Ánh sáng của ngọn đèn tỏa xuống ngập kín căn phòng nhỏ. Thứ ánh sáng hạnh phúc kỳ diệu chỉ thấy dưới mái nhà vào những buổi tối xum họp. Bất hạnh cho những ai không có mái nhà xum họp. Càng bất hạnh cho những ai có mái nhà mà không biết hưởng tối ở nhà.”

Một trong những thiệp Giáng Sinh tôi thích nhất trong đời lại là một tấm thiệp hang đá Bêlem không hề có vách núi, cũng không có lều tranh nào cả. Hài nhi Giêsu nằm gọn ngủ ngon ở giữa. Hình Đức Maria và Thánh Giuse cúi khum xuống thành mái nhà che chở, giữ hơi ấm, bật sáng lung linh giữa đêm đen lạnh buốt, làm rạng lên vẻ huy hoàng giữa những gì xem ra túng nghèo xơ xác.

Thảo nào mà người Việt thường dùng tiếng nhà tôi để chỉ về vợ hay chồng mình. Vợ hay chồng mới đúng là nhà mình chứ không phải là cái nhà mấy trăm ngàn Mỹ kim. Đánh mất con tim thì cái nhà có mắc tiền và rộng mấy cũng vẫn chỉ là một cõi tha ma trống vắng rợn người.

TIN VUI GỬI NGƯỜI ĐANG NHỚN NHÁC

Những ai đang nhớn nhác chạy ra ngoài để tìm lợi tức gia tăng trong sổ ngân hàng, để lo mua sắm thêm tiện nghi cho nhà cửa thêm sang, sẽ giật mình lắm khi đọc mà phát thèm cái khung cảnh một buổi xum họp gia đình đầm ấm mà lại rất đơn giản trên đây. Nhớn nhác đến nỗi đánh mất không biết hưởng tối ở nhà thì quả là một giá phải trả quá đắt của nếp văn minh hiện tại.

Giầu có, sang trọng, hạnh phúc, đâu có phải đến từ đồng tiền hay những bộ quần áo đắt giá, mà phải đến từ nội tâm, từ bên trong cửa nhà, và ngay cả từ những gì xem ra tầm thường có sẵn trong kiếp nhân sinh. Đó cũng là câu truyện Thiên Chúa đã nhập thể mang thân xác làm người, đi vào lịch sử con người, sống chia sẻ thân phận con người như bất cứ ai.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người.” (Gioan 1:14)

Chính tình thương của một Thiên Chúa làm người đã biến cuộc bể dâu của mỗi người hiện hữu trên mặt đất này mang một ý nghĩa đích thực. Chứ không phải là bị vất ra đó, lớn lên đó, giẫy giụa trong “bể khổ trầm luân” đến buồn nôn như giọng hiện sinh phi lý của Jean Paul Sartre hay bất cứ triết thuyết nào. Rằng cuộc sống này đáng sống lắm, Chúa Trời đất đã yêu thương tạo dựng để con người bước vào hưởng niềm hạnh phúc của vườn địa đàng.

DƯA HẤU VÀ QUÁI VẬT

Truyện kể về một nhà truyền giáo ngày xửa ngày xưa bỏ quê hương mình để tới một xứ lạ của những người U Mê. Một hôm ông ta thấy rất đông người chạy hốt hoảng từ ngoài đồng về trong lúc họ gặt lúa. Hỏi ra thì biết họ vừa trông thấy một con quái vật ở trong ruộng lúa.

Nhà truyền giáo tìm hiểu thì thấy chẳng có con quái vật nào hết, mà chỉ là trái dưa hấu, vì chưa bao giờ đám dân đó thấy dưa hấu. Thế nên nhà truyền giáo bèn tình nguyện đi giết ”con quái vật”. Ông ta lấy dao cắt trái dưa ra từng miếng và ăn ngon lành trước mặt mọi người để làm chứng rằng không sao đâu.

Nhưng đám Dân U Mê lại sợ hãi tột độ! Thấy máu đỏ của con quái vật bị người lạ mặt đang nhai ngấu nghiến thì nghĩ ngay rằng ông ta còn nguy hiểm quái gở hơn quái vật, và ông ta sẽ giết đám chúng mình, nếu không tìm cách đuổi ông ta đi gấp!

Thế là nhà truyền giáo bỏ chạy không kịp ngoái cổ lại.

Một thời gian sau, một nhà truyền giáo khác cũng đến xứ Dân U Mê, và cũng chứng kiến cảnh họ hốt hoảng bỏ chạy khi gặp dưa hấu vì vẫn nghĩ là quái vật. Nhưng thay vì tình nguyện đi giết ”quái vật”, ông ta hòa mình vào đám dân đó: cũng run rẩy sợ hãi, cũng thấy quả là con quái vật nguy hiểm, và cũng hốt hoảng chạy trốn như đám Dân U Mê.

Sau một thời gian dài chia sẻ mọi tâm tình của Dân U Mê, nhà truyền giáo này đã chiếm được cảm tình của họ. Và dần dần ông ta đã cảm hóa được họ nhận ra dưa hấu thay vì là con quái vật, thì lại là một loại trái cây rất tươi mát ngon lành. Và từ đó Dân U Mê đã hết U Mê, và bắt đầu trồng dưa hấu.

PHÚT TÌM LẠI ĐẦM ẤM

Phép lạ nào có thể biến những con quái vật đáng sợ thành những trái thơm ngon? Đó chính là tình thương chia sẻ. Mà tình thương lại không mua bán được ở ngoài đường, nhưng phải từ nội tâm, từ bên trong nhà, như kiểu diễn tả ánh sáng của họa sĩ Rembrandt.

Vẫn biết và thèm cảnh xum họp gia đình tối ở nhà đầm ấm và dễ dàng như vậy mà con người thời nay không thực hiện được mới lạ. Bận quá, không thể có giờ cho nhau, không xếp được giờ xum họp gia đình tối ở nhà! Vì còn phải lo tiến thân để đua chen với người. Thế ra mình cũng đang cài bẫy để sập chính mình và nhà mình mới khổ.

Trong những rối loạn về gia đình hiện nay, bao nhiêu khảo cứu về phương pháp tâm lý, sinh lý, xã hội học, cũng chẳng giải quyết gì. Vẫn biết tình thương là số một, tại sao mình không dám đặt lại giá trị và xếp đặt lại ưu tiên đời sống? Và bắt đầu ngay hôm nay, mình để giờ xây dựng tình thương gia đình bằng sự hiện diện, tạo bầu khí xum họp kiểu tối ở nhà. Mình cũng cần để giờ mỗi ngày cho chính mình, gặp lại được lòng mình, để ánh sáng nội tâm lóe lên từ thẳm sâu. Rồi mình sẽ chứng nghiệm phép lạ tìm lại được đầm ấm rất giản đơn chứ có quá phức tạp như vẫn kiếm tìm đâu!

Lm. Trần Cao Tường

(từ tác phẩm Khúc Sáo Ân Tình, Thời Điểm xuất bản)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment