5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 12-2014

21/12/14                               CHÚA NHẬT TUẦN 4 MV – B

                                                                             Lc 1,26-38

GẶP GỠ-TRAO ĐỔI-ƯNG THUẬN

“Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en… đến gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se.” (Lc 1,26-27)

Suy niệm: Việc gặp gỡ chàng Kim Trọng làm cho nàng Thúy Kiều phân vân: “trăm năm biết có duyên gì hay không?” Cuộc gặp gỡ sứ thần Gáp-ri-en cũng khiến cô thiếu nữ thành Na-da-rét có đôi chút bối rối về cách thức thực hiện cuộc “tình duyên” muôn đời của Thiên Chúa với con người. Rồi cuối cùng sứ thần cũng nghe được tiếng “xin vâng” từ người thiếu nữ này. Đức Maria được sứ thần chào bằng một danh xưng đặc biệt “Đấng đầy ân sủng” vì được Thiên Chúa đổ đầy ân sủng trên con người của Mẹ. Sau tiếng “xin vâng,” “Đấng đầy ân sủng” ấy sẽ sinh ra Đức Giê-su, Đấng là nguồn-mạch-mọi-ân-sủng. Noi gương Đức Ma-ri-a, ta cũng dám liều lĩnh đáp lại tiếng xin vâng, tin tưởng và cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Khi truyền tin, bạn không chỉ đem tới cho ai đó một tin (vui hoặc buồn); nhưng còn nhằm thông truyền đức tin cho người ấy, bởi khi họ tin vào lời truyền có thế giá của bạn, đức tin của họ sẽ bắt đầu chớm nở.

Chia sẻ: Có khi nào bạn chia sẻ (truyền) tin vui (đức tin) cho ai chưa, nhất là khi tin vui ấy xuất phát từ sự trải nghiệm ngọt ngào của ơn thánh Chúa trong đời bạn?

Sống Lời Chúa: Phân vân, tự hỏi trước các vấn nạn của đức tin là điều bình thường. Tuy nhiên, bạn khó đáp lời xin vâng nếu chỉ xử lý các vấn nạn ấy theo cảm quan tự nhiên. Hãy noi theo gương Mẹ Ma-ri-a, thưa xin vâng với trọn niềm tin và phó thác nơi Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con biết noi gương Mẹ nói lời “Xin vâng” trước lời mời gọi của Chúa, trong niềm hy vọng, cậy trông nơi Chúa.


22/12/14                                             THỨ HAI TUẦN 4 MV

                                                                             Lc 1,46-56

“THỤT LÙI” MỖI NGÀY

“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.(Lc 1,48)

Suy niệm: Trong xã hội cạnh tranh hiện nay, từ ngữ “thụt lùi” thường được dùng để diễn đạt ý tiêu cực, thua kém, chậm tiến. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải cứ nhắm mắt lao về phía trước là mau đạt hiệu quả, thành công. Trái lại cần phải có những “bước lùi” để nhìn lại mình, để nhìn thấy con đường phía trước rộng hơn, để điều chỉnh đường đi, để đổi mới cuộc sống. Thật vậy, chính nhờ thao tác ‘thụt lùi’ mà Đức Mẹ đã nhìn rõ vị trí của Mẹ là “phận nữ tỳ hèn mọn.” Không những thế, Mẹ còn nhìn thấy cả một lịch sử của dân tộc Mẹ: “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người.” Nhưng trên hết, Mẹ thấy bàn tay của Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử đó, không chỉ trong quá khứ, mà còn hiện tại và tương lai nữa: “vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.” Như thế, nơi sự ‘thụt lùi’ nơi Mẹ, chúng ta không thấy đó sự thua kém. Nhưng nhờ đó, Mẹ ‘đã nhảy mừng hớn hở trong lòng’ và đã kết dệt bài ca Magnificat, ngợi khen Thiên Chúa.

Mời Bạn: Trong những ngày kề cận lễ Giáng sinh, Hội Thánh chọn những đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy những con người liên hệ gần gũi với biến cố Giáng sinh. Mẹ đã được nhắc đến trong ngày hôm nay, và đời sống của Mẹ thật xứng đáng được Thiên Chúa chọn, để làm Mẹ của Ngôi hai Thiên Chúa. Chúng ta cũng bắt chước Mẹ, sống ‘thụt lùi’ khiêm tốn mỗi ngày để Thiên Chúa cất nhắc lên.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm thánh gia nơi hang đá, để học khiêm nhường.

Cầu nguyện: Hát bài “Linh hồn tôi tung hô Chúa…” để cùng với Mẹ, ngợi khen Thiên Chúa.


23/12/14                                               thứ ba tuần 4 mv

Th. Gio-an Kê-ti, linh mục                                Lc 1,57-66

sự sống con người cao quý

Bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. (Lc 1,57-58)

Suy niệm: Thiên Chúa can thiệp đặc biệt nơi bà Ê-li-sa-bét để bà có đứa con trong tuổi già. Đây là ân huệ hết sức lớn lao và có tính nền tảng: hồng ân sự sống! Ta chúc tụng Chúa cùng với bà con láng giềng của bà Ê-li-sa-bét. Nhưng không phải chỉ những trường hợp đăc biệt mới do Chúa can thiệp mà tất cả những gì trong trật tự tự nhiên cũng đều do Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục sáng tạo cho tới ngày tận thế. Người có đức tin hay người khiêm nhường luôn khám phá thấy cái hữu hạn của con người. Có được sự sống, sức khỏe, có thai… tất cả đều có sự can thiệp của Thiên Chúa toàn năng. Vì thế không được phá thai, không được giết người. Quả là khủng khiếp khi mỗi năm tại Việt Nam có trên 1 triệu rưỡi ca phá thai. Cả thế giới sẽ là bao nhiêu?

Mời Bạn: Biết cảm tạ Chúa vì bạn có trên đời này và bao ơn lành hằng ngày bạn có được là do quyền năng và tình thương vô biên của Thiên Chúa.

Chia sẻ: Chung vui với người vui, sẻ chia sẻ đau khổ với người khổ đau để bày tỏ lòng chân thành trân trọng phẩm giá của mỗi người.

Sống Lời Chúa: Ở Đà Nẵng, Huế, Pleiku, Sài Gòn, Nha Trang…nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân hằng ngày quan tâm đến những thai nhi bị giết chết tại các bệnh viện. Mỗi chúng ta sẵn sàng tiếp tay với họ để ngăn chặn tình trạng suy đồi luân lý này.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Cám Ơn: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng…” để cảm tạ Chúa đã sinh ra chúng ta từ hư không, cho chúng ta được làm người, được làm con cái Chúa.


24/12/14                                              THỨ TƯ TUẦN 4 MV

                                                                             Lc 1,67-79

NIỀM VUI ĐƯỢC “VẦNG ĐÔNG VIẾNG THĂM”

“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.(Lc 1,78-79)

Suy niệm: Bài Thánh ca “Chúc tụng” Benedictus mở đầu bằng lời “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en” là một bài Thánh ca tuyệt đẹp, đầy ắp những hình ảnh Thánh Kinh và lời ngôn sứ trong Cựu Ước, được đặt vào miệng ông Da-ca-ri-a, thực sự là một lời ngôn sứ vừa đúc kết lại cả một lịch sử ơn cứu độ, vừa chuyển tiếp báo tin sự xuất hiện của “Vị Cứu Tinh quyền thế”, của “Vầng Đông tự chốn cao vời đến viếng thăm.” Bài Thánh ca làm dậy lên niềm vui và hy vọng của những ai cảm nghiệm mình có Chúa, được cứu độ, được tự do và bình an.

Mời Bạn: Ơn đầu tiên mà Thánh ca Benedictus nói đến là ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban cho dân Người: “Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên…” Chỉ khi lãnh nhận được ơn tha thứ này chúng ta mới cảm nghiệm được Niềm Vui của Tin Mừng mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói đến ngay từ những câu đầu trong Tông huấn của ngài: “Những ai chấp nhận quà tặng ơn cứu độ của Đức Giê-su đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn” (EG 1).

Sống Lời Chúa: Bắt đầu một ngày, bạn nhìn lên Thánh Giá Chúa Giê-su để nhớ mình đã được tha thứ (x. Ep 2,16) và nhờ đó bạn tràn ngập Niềm Vui của Tin Mừng trong cả ngày sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là “Vầng Đông từ chốn cao vời đến viếng thăm” con, xin dẫn con “đi trên nẻo đường bình an” để con luôn “sống thánh thiện công chính trước nhan Chúa”.


25/12/14   THỨ NĂM ĐẠI LỄ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

                                                                             Lc 2,15-20

NÀO TA ĐI!

Khi các thiên sứ rời những người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.”(Lc 2,15)

Suy niệm: Người đời thường chủ trương: an cư lạc nghiệp. Vì thế họ làm tất cả những gì có thể, để đạt mục tiêu đó. Tin Mừng Giáng Sinh hôm nay nhắc nhở chúng ta về một hướng sống khác: Sự an lạc đích thực đòi hỏi người ta trước tiên phải “đi ra” khỏi chính mình. Đức Ki-tô muốn đem lại sự an lạc cho nhân loại, đã “đi ra” khỏi địa vị Con Thiên Chúa của mình, để đến “cắm lều” giữa chúng ta (x. Ga 1,14), hiểu theo đúng nghĩa đen là ở trong hang dành cho chiên cừu trú ngụ. Để đón nhận được ơn “an lạc” Chúa hứa cho những người thiện tâm (Lc 2,14), các mục đồng cũng rủ nhau đi ra khỏi nơi trú ngụ an toàn của họ để đến “xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho biết”.

Mời Bạn: Cuộc đời là một chuỗi những cuộc ra đi. Điều quan trọng mà Lời Chúa hôm nay lưu ý chúng ta, là hãy sống một cuộc đời có định hướng rõ rệt, để từ đó không ngừng ra đi. “Những mục đồng” đã rủ nhau đi, tới nơi Chúa đã chỉ, và khi ra về, họ tôn vinh ca tụng Thiên Chúa. Tiến trình cần thiết và đơn giản là: đi (và rủ nhau đi) – xem (sự việc như Chúa đã cho biết) – về (tôn vinh ca tụng Chúa).

Sống Lời Chúa: Trong ngày đại lễ và kiêng việc xác này, gia đình tôi dành thời gian “rủ nhau” đi nhà thờ – xem hang đá – để nhờ ơn Chúa Hài Nhi, về sống tâm tình tôn vinh ca tụng Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, cảm tạ Chúa đã ra đi và đến với chúng con. Xin giúp con thực hiện tốt tiến trình này. Amen.


26/12/14            THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS

Th. Tê-pha-nô, tử đạo tiên khởi                    Mt 10,17-22

TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN

“Đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10,19-20)

Suy niệm: Tử đạo là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất vào Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Thánh Tê-pha-nô đã có đức tin và tình yêu như thế, đến mức tận dụng những giờ phút tại pháp trường để rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa. Làm thế nào thánh Tê-pha-nô có đủ can đảm chấp nhận cuộc tử đạo? Ai giúp cho ngài? Chính là Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ trên ngài tràn đầy “Thần Khí và khôn ngoan” (Cv 6,3). Chúa Thánh Thần đã ngự đến trên các Tông Đồ với hình lưỡi lửa, cũng ngự đến trên Tê-pha-nô các tông đồ cầu nguyện và đặt tay trên ông (Cv 6,6). Chúa Thánh Thần đến với Tê-pha-nô cũng là Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, Đấng đã thúc đẩy Tê-pha-nô nhiệt tình loan báo về Thiên Chúa trong cơn khốn khó. Cũng chính Chúa Thánh Thần thúc giục Ki-tô hữu ngày hôm nay trung thành với đức tin, không phải bán thời gian, nhưng là toàn thời gian.

Mời Bạn: Mỗi ngày mới là một cơ hội mới Chúa dành cho bạn thực thi tình yêu của bạn dành cho Chúa. Vậy, bạn sẵn sàng nói về Chúa Giê-su Hài Đồng cho những người chưa biết Chúa không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc hy sinh dâng lên Chúa Hài Đồng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa đã đến với Mẹ Ma-ri-a và Mẹ cất cao lời ngợi khen Chúa. Chúa cũng đến trên thánh Tê-pha-nô, khiến ngài cũng cất lời loan báo về Chúa Giê-su. Nay xin Chúa đến với chúng con, biến đổi chúng.


27/12/14            THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS

Th. Gio-an, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng   Ga 20,2-8

VỊ TÔNG ĐỒ CỦA TÌNH YÊU

“Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước…”  (Ga 20,4.8)

Suy niệm: Người ta không chạy khi người ta có thể nhẩn nha bước đi. Người ta chỉ chạy khi có một áp lực từ bên ngoài hay từ bên trong mình. Nghĩa là, người ta chỉ chạy khi người ta cảm thấy cần phải… chạy! Có phải vì Gio-an trẻ khoẻ hơn Phê-rô mà ông chạy mau hơn đến mộ của Thầy không? Chưa chắc. Cứ xem Gio-an nhường cho Phê-rô bước vào mộ trước, ta sẽ thấy người môn đệ trẻ này vẫn còn ý tứ giữ lễ ‘kính trên nhường dưới’ đó chứ. Thế tại sao Gio-an đã chạy mau hơn, dù chỉ là để ‘đến trước vào sau’? Hẳn là vì trong lòng Gio-an có một sức thúc giục rất mạnh. Gio-an thấy cần phải chạy thật nhanh, để xem thực hư thế nào về chuyện mộ thầy trống rỗng. Sức thúc giục ấy chính là tình yêu. Gio-an yêu mến Thầy tha thiết, vì Gioan biết mình là “người môn đệ Chúa yêu.”

Mời Bạn: Chúng ta có thể đo lường lòng mến của mình đối với Chúa Giê-su đấy bạn ạ. Cách nào? Bằng cách xem mình có ‘chạy’ tìm Chúa hay không khi lỡ lạc mất Người. Bằng cách xem mình có cảm nhận được Người thúc giục để ‘chạy’ đến gặp Người nơi những anh chị em bé mọn nhất ở chung quanh đời mình hay không.

Chia sẻ: Hình ảnh Gio-an ‘chạy’ ra mộ Thầy cho thấy trong trái tim người môn đệ này có một ngọn lửa bùng cháy. Bạn nghĩ người tông đồ hôm nay có thể nhẩn nha bước đi hay thậm chí có thể bình chân như vại vì quá ‘dư thời giờ’ được không?

Sống Lời Chúa: Yêu Chúa bằng cả trái tim, thể hiện nơi sự tận tình trong khi cầu nguyện lẫn khi thi hành sứ vụ.

Cầu nguyện: Xin đốt nóng trong con ngọn lửa Tình Yêu của Chúa. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment