5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 11-2014

09/11/14                              CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – A

Cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô             Mt 25,1-13

AI DẠI? AI KHÔN?

“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,13)

Suy niệm: “Thiên hạ đua nhau nói dại-khôn,” nhưng không phải ai cũng đồng ý với nhau thế nào là khôn, thế nào là dại. Theo Trần Tế Xương thì cái khôn của nghề cờ bạc là khôn-dại, còn cái dại chốn văn chương lại là dại-khôn. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận mình là dại khi “tìm nơi vắng vẻ” nhưng lại ngầm ý rằng làm như ông mới đúng là khôn thật. Trong dụ ngôn mười người trinh nữ, Chúa Giê-su cho biết tiêu chí xác định để ai dại ai khôn: khôn là những cô biết chuẩn bị dầu đầy đủ cho ngọn đèn của họ luôn cháy sáng; còn những cô dại chỉ làm có một nửa: mang đèn mà không mang theo dầu! Người khôn là người biết canh thức, sẵn sàng chờ đợi ngày giờ Chúa đến; còn kẻ dại là người vô tâm, bình chân như vại trước những cảnh báo của Ngài.

Mời Bạn: Ngọn đèn đức tin của bạn được cháy sáng nhờ từng giọt dầu được liên tục thấm vào mỗi ngày. Đó là giọt dầu yêu mến, giọt dầu cầu nguyện, giọt dầu phục vụ, giọt dầu hy sinh, giọt dầu Tám Mối Phúc Thật. Người khôn là người biết hằng ngày châm những giọt dầu ấy cho đèn đức tin để ngọn đèn đó luôn cháy sáng khi Chúa đến với mình ngày hôm nay cũng như ngày cuối đời.

Chia sẻ: Là Ki-tô hữu, chúng ta được nhắc nhở luôn về định mệnh cuối cùng của đời mình. Những biến cố xảy đến, những tai họa, rủi ro…, đó là những lời cảnh báo không bao giờ thừa giữa cuộc sống đầy bấp bênh hiện nay.

Sống Lời Chúa: Sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng và duy nhất của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết chuẩn bị sẵn sàng dầu đèn cho tiệc cưới đời đời. Ước gì lời cầu nguyện này nhắc con sống tốt mỗi ngày. Amen.


10/11/14                                           THỨ HAI TUẦN 32 TN

Th. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT                  Lc 17,1-6

SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN

“Nếu anh em có đức tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc, thì nó cũng sẽ vâng lời anh em’.” (Lc 17,6)

Suy niệm: Sức mạnh lớn nhất trong thế giới không phải là sức mạnh của cơ bắp, máy móc, vũ khí… mà là sức mạnh của niềm tin. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cho thấy sức mạnh ấy qua hình ảnh niềm tin nhỏ bằng hạt cải – theo kiểu nói của người Do Thái nghĩa là rất nhỏ bé, không đáng kể – nhưng lại có sức mạnh có thể bứng gốc cây dâu dời xuống biển, nói theo thánh Lu-ca, hay chuyển núi dời non, theo thánh Mát-thêu (Mt 17,20). Dĩ nhiên, ta không hiểu lời này theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa nếu có niềm tin, ta có thể làm cho những gì không thể trở thành có thể, những khó khăn trở nên dễ dàng, bởi vì có Chúa cùng hoạt động với ta.

Mời Bạn: “Tin là đi bước đầu tiên ngay cả khi bạn không thấy trọn vẹn cầu thang” (Mục sư M. King). Sức mạnh vô song của niềm tin là cậy dựa vào Chúa, là nương tựa nơi Đấng không có gì là không có thể, kể cả việc sống lại từ cõi chết. Với niềm tin, tất cả núi khó khăn cản trở con đường theo Chúa sẽ được dời đi, mọi “cây dâu” cản chân bạn sẽ bị gạt bỏ. Vấn đề là bạn có xác tín vào sức mạnh của niềm tin và triển khai sức mạnh ấy trong cuộc sống hằng ngày hay không.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tìm cách khắc phục những khó khăn cản trở việc sống đạo, sống ơn gọi của mình như giờ giấc, gia đình, thói quen, sở thích…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con không xin Chúa lấy đi những khó khăn, thách đố, nhưng chỉ xin Chúa ban sức mạnh để chúng con vượt thắng. Xin Chúa gia tăng thêm niềm tin cho chúng con. Amen.


11/11/14                                            THỨ BA TUẦN 32 TN

Th. Mác-ti-nô, giám mục                                  Lc 17,7-10

CON CHỈ LÀ ĐẦY TỚ VÔ DUYÊN!

“Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10)

Suy niệm: Mọi việc làm cho người khác đều phát xuất từ bổn phận. Trong gia đình, một người con phải làm việc nhà và vâng lời cha mẹ, đó là việc bổn phận của em. Vợ chồng chia sẻ cho nhau, chăm lo con cái, đó là điều họ đã cam kết khi thành hôn. Người anh, người chị giúp đỡ em mình, điều đó chẳng có gì lạ, bởi họ phải làm việc bổn phận. Đối với người khác cũng vậy, những việc hy sinh chúng ta phải làm để cầu cho các linh hồn trong luyện ngục là những đòi hỏi của bổn phận đối với các ngài. Cũng thế, những việc Ki-tô hữu phải làm là những việc do bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân đòi buộc. Thiên Chúa không mắc nợ con người; trái lại, những việc con người làm là do đòi buộc của lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Càng trưởng thành, con người càng biết ơn Đấng ban ơn cho mình. Vậy có gì mà chúng ta cao ngạo như thể đang làm ơn cho Chúa hay trách cứ Ngài không trả công xứng đáng? Thực ra, như lời Chúa quả quyết, chúng ta đang làm công việc của một người thuộc về Chúa. Chu toàn bổn phận như thế đã là vinh dự cho Ki-tô hữu, bởi họ được nên tôi trung của Ngài.

Mời Bạn ý thức rõ ràng rằng: Tôi chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa, tôi phải nỗ lực tìm kiếm thánh ý Chúa để thi hành, chứ không đòi Chúa làm theo ý tôi.

Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa lời cảm tạ sau khi bạn làm một việc tốt lành do Lời Chúa đòi hỏi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô duyên, nhưng xin Chúa hãy cứ dùng con cho những công việc của người đầy tớ Chúa.


12/11/14                                            THỨ TƯ TUẦN 32 TN

Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo              Lc 17,11-19

CHÍN NGƯỜI KIA ĐÂU?

Đức Giê-su nói: “Không phải cả mười người được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã chữa lành mười người phong cùi, nhưng chỉ có một người biết ơn Chúa! Cả ngàn người được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa vác thánh giá, chỉ có một người giúp vác thay! Cả một dân tộc đã chịu ơn, nhưng khi Chúa bị đóng đinh, chỉ có một người công khai tuyên xưng Chúa vô tội. Đối với Đức Giê-su, điều quan trọng đâu phải là để nổi tiếng về quyền năng chữa bệnh, nhưng là biểu lộ sức mạnh của Lời Thiên Chúa, Lời sinh ơn cứu độ, Lời mời gọi tuyên xưng đức tin. Tôn vinh, tạ ơn là biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng Cứu Độ. Hãy biết tạ ơn để xứng đáng là người hơn.

Mời Bạn: Cuộc đời chúng ta nằm trong những liên đới chập chùng. Chúng ta chẳng cho đi được bao nhiêu nhưng lại nhận rất nhiều từ Thiên Chúa về vật chất cũng như tinh thần, trực tiếp cũng như qua xã hội và gia đình. Và nhất là chính sự hiện hữu của chúng ta cũng là món quà từ Thiên Chúa. Nếu không nhận ơn, đời chúng ta thành bơ vơ nghèo nàn. Tiền bạc vật chất có thể trả được nhưng ân nghĩa, tình thương làm sao trả được !

Chia sẻ: Khi gặp đau khổ, khó khăn, bạn có biết nhận ra ơn Chúa trong lúc này không? Bạn đã xử sự thế nào?

Sống Lời Chúa: Biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, thánh lễ là hy tế tạ ơn: bạn tạ ơn Chúa bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ và dành thời giờ tạ ơn sau khi rước lễ.

Cầu nguyện: Hát: “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người….”


13/11/14                                         THỨ NĂM TUẦN 32 TN

                                                                           Lc 17,20-25

CHO NGÀY CHÚA QUANG LÂM…

Đức Giê-su nói: “Vì, ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị loại bỏ.” (Lc 17,24-25)

Suy niệm: Nhà thần học nổi tiếng Teilhard de Chardin gồm tóm suy tư của mình trong ba tiếng: “Đăng giả hội” (những gì vươn lên cao thì sẽ tụ hội với nhau). Nếu vậy, thì đỉnh vươn cao nhất của nhân loại là được Kitô hoá, nghĩa là mọi con người sống với Cha trong tâm tình con thảo của Đức Ki-tô, và tụ hội nơi Chúa Ki-tô, vua vũ trụ. Thế nhưng, trước khi đến ngày quang lâm với ánh chớp chói loà còn sáng chói hơn cả triệu triệu đèn pha hay bom nguyên tử ấy, thì Đức Ki-tô phải chấp nhận bị dìm trong tăm tối: tăm tối của Vườn Dầu, tăm tối của khổ hình thập giá, tăm tối của mồ đá… và hôm nay tăm tối nơi những người nghèo đói, đau khổ, bị bách hại vì sống cho niềm tin, cho chân lý…

Mời Bạn: Ghi nhớ một nguyên lý ngàn đời: có đau khổ vì chân lý mới đạt được vinh quang, có qua thập giá vì Nước Trời mới đạt được phục sinh vinh hiển. Bạn có sẵn sàng chấp nhận không?

Chia sẻ: Tôi (nhóm của tôi) sẽ làm gì trong tháng 11 này để làm cho Nước Chúa được mở rộng hơn?

Sống Lời Chúa: Tôi vui lòng đón nhận những hy sinh, vất vả do bổn phận mỗi ngày của mình để được hạnh phúc Nước Trời với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cảm tạ Chúa đã chọn chúng con làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn  cho mọi người và cho cả vũ trụ. Amen.       (Rabbouni)


14/11/14                                          THỨ SÁU TUẦN 32 TN

                                                                           Lc 17,26-37

CHÚA ĐẾN BẤT NGỜ

“Đêm ấy hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.(Lc 17,34-36)

Suy niệm: Người Ki-tô hữu mong đợi sau khi lìa khỏi cuộc đời ở trần gian này mình sẽ bước vào một cuộc sống mới hạnh phúc trên Nước Trời. Nhưng ngày giờ nào là ngày giờ Chúa đến gọi tôi ra khỏi trần gian này? Không ai biết trước được, ngày giờ ấy bất ngờ lắm vì nó có thể xảy đến với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. “Người bị bỏ lại” là những người bị “dán chặt” vào lối sống đam mê hưởng thụ, những người bị “trói buộc” vào những lắng lo việc đời này đến nỗi không thể sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến. Chỉ những ai sống tinh thần siêu thoát của Tin Mừng, sẵn sàng “từ bỏ hết những gì mình có” (Lc 14,33) mới “được đem đi” đến nơi hạnh phúc khi Chúa đến bất ngờ.

Mời Bạn: Cuộc đời này được ví như một cuộc hành trình tiến về quê trời. Không thể tới đích nếu người đi đường chôn chân lại một nơi nào đó. Cũng vậy, trên đường tiến về quê trời nếu cứ bám vào những thứ trên đời này, dù đó là những thứ cần như việc làm ăn buôn bán, việc xây dựng nhà cửa, thì không thể sẵn sàng đi với Chúa khi Ngài đến đem ta đi tới nơi hạnh phúc với Ngài.

Sống Lời Chúa: Tập tinh thần siêu thoát từ bỏ bằng cách làm những hy sinh nho nhỏ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết hướng về cuộc sống hưởng kiến Chúa trên thiên quốc, để dù đang sống ở trần gian với những hấp dẫn của nó, chúng con cũng luôn tỉnh thức.


15/11/14                                          THỨ BẢY TUẦN 32 TN

Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT             Lc 18,1-8

CẦU NGUYỆN VỚI LÒNG CẬY TRÔNG

“Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18,7)

Suy niệm: Con người thời nay, trong đó có không ít các ki-tô hữu, ngày càng ưa chạy theo lối sống thực dụng. Họ thích những bàn tay làm ra nhiều của cải vật chất hơn là đôi tay chắp lại cầu nguyện; mà nếu có cầu nguyện thì mang tâm trạng “ăn xổi ở thì” muốn “cầu được ước thấy” ngay trước mắt. Với não trạng thực dụng này, người ta dễ chán nản, buông xuôi vì nghĩ rằng Thiên Chúa chậm trễ hoặc không đáp lại lời họ kêu xin. Chúa Giêsu dạy chúng ta biết kiên trì trong lời cầu nguyện. Với niềm tin vững vàng và lòng cậy trông tha thiết vào Thiên Chúa là Cha nhân ái, chắc chắn, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Ngài đoái nhận lời. Ngài sẽ ban cho chúng ta điều tốt đẹp nhất không phải theo tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta, mà là theo sự khôn ngoan vô lượng và lòng nhân hậu vô biên của Ngài.

Mời Bạn: Tin tưởng vào tình thương yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta phải biết kiên trì và trung thành trong lời cầu nguyện và việc thờ phượng của mình. Không phải cầu nguyện chỉ để xin được điều này điều khác như ý muốn, nhưng đó là biểu hiện của sự tin tưởng vào tình yêu thương và sự quan phòng của Cha trên trời.

Sống Lời Chúa: Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện bằng cách đọc kinh Lạy Cha. Mỗi khi cầu nguyện, bạn đọc kinh Lạy Cha. Mỗi khi muốn xin Chúa điều gì, bạn hãy xem xét điều mình xin có phù hợp với những gì Chúa dạy cầu nguyện theo kinh Lạy Cha hay không.

Cầu nguyện: đọc kinh Trông Cậy.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment