5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 11-2013

17/11/13CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – C

Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam   Lc 21,5-19

 

LINH HỒN CỦA NHÀ CHÚA

 

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào… Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.” (Lc 21,6.18)

Suy niệm: Người Do Thái vẫn tự hào vào đền thờ, Hòm Bia giao ước. Ấy vậy mà, Hòm Bia đã hơn một lần bị quân thù cướp đi, và biết bao lần đền thờ cũng đã bị tàn phá. Và rồi năm 70, đền thờ thành bình địa, hòm bia bị tiêu huỷ không để lại dấu vết. Lời Chúa là cả một nghịch lý, nhưng là nghịch lý được ứng nghiệm: sự kiên cố, hùng vĩ và vẻ đẹp của đền thờ rồi sẽ hóa ra tro bụi, nhưng một sợi tóc trên đầu anh em cũng không suy suyển. Một bên là vĩ đại, vững chắc; bên kia là nhỏ bé, mỏng manh. Linh hồn của đền thờ là sự tôn thờ và niềm cậy trông của dân vào Thiên Chúa, những điều đó đã mất thì thành thánh cũng hết lý do để tồn tại.

Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta phải đối diện một thực tại xót xa là đời sống đạo của một giáo xứ sau khi xây dựng được ngôi nhà thờ tráng lệ lại không còn sốt sắng như khi còn dâng lễ trong ngôi nhà thờ xiêu vẹo ngày nào. Cái nền và cái hồn của nhà Chúa là chính Chúa Giê-su Thánh Thể, chính những điều đó đem lại sức sống cho nhà Chúa.

Chia sẻ: Cả nhóm làm một việc cụ thể để làm đẹp nhà Chúa nơi bạn sống và để thăng tiến cộng đoàn của bạn.

Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để đến cầu nguyện với Chúa Thánh Thể vào một ngày nào đó trong tuần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng mỹ lệ của nhà Chúa không ở nơi những ngôi nhà thờ bằng vàng bạc đá quý nhưng ở nơi những cộng đoàn có những tâm hồn đơn sơ biết ca tụng tạ ơn Chúa bằng cuộc sống thánh thiện của mình.


18/11/13 THỨ HAI TUẦN 33 TN

Cung hiến thánh đường thánh Phêrô và Phaolô – Lc 18,35-43

 

SÁNG TRONG NIỀM TIN

 

Anh muốn tôi làm gì cho anh? – Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” (Lc 18,41)

Suy niệm: Giêricô, thành phố cây chà là, cách Giêrusalem 23 km về phía đông, thấp hơn mực nước biển 258m. Nơi đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ thú vị giữa Đức Giêsu với ông Dakêu và hôm nay với anh mù Báctimê. Bị mù: anh phải ở trong tình trạng hoàn toàn thụ động, gặp khó khăn, xa cách khi tiếp xúc với người khác; đi ăn xin: anh phải sống dựa vào lòng hảo tâm của người khác suốt cuộc đời. Gặp được Đức Giêsu là cơ hội số một cho anh đổi đời. Không lạ gì không ai dập tắt được tiếng kêu xin của anh, tiếng kêu xin sau còn thống thiết hơn tiếng kêu van trước! Anh được toại nguyện, vì Thầy Giêsu không chỉ chữa lành đôi mắt thể lý mà cả đôi mắt tinh thần của anh, để rồi anh sẽ đi theo và ca tụng Ngài.

Mời Bạn: Ban đầu đám đông là lợi thế để anh mù biết “Đức Giêsu Nadarét đang đi qua đó,” nhưng sau lại trở thành lực cản giữa anh với Ngài. Cũng vậy, lắm lúc tập thể, cộng đoàn, gia đình… không còn là lực đẩy, nhưng là lực cản ta sống niềm tin và ơn gọi của mình. Những lúc ấy, bạn có dám hành động cương quyết như anh mù này không?

Sống Lời Chúa: Gặp những lời chê trách hay dèm pha vì nỗ lực sống niềm tin và ơn gọi, tôi không nản lòng, nhưng kiên trì và cương quyết tiếp tục đến với Chúa theo mẫu gương của anh mù Giêricô.

Cầu nguyện: “Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt, thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi. Con mù lòa, bên vệ đường hành khất, xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài.”

(Thánh thi kinh sách thứ năm tuần II).


19/11/13 THỨ BA TUẦN 33 TN

Lc 19,1-10

 

CÁI NHÌN CẢM THÔNG

 

Ông Dakêu chạy tới trước, leo lên một cây sung, để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông.” (Lc 19,4-5)

Suy niệm: Cũng như vận tốc ánh sáng lớn gấp vạn lần vận tốc âm thanh, “cái nhìn” bao giờ cũng “nói” nhanh hơn và nhiều hơn “từ ngữ”. Ông Dakêu đã gửi đến Chúa một cái nhìn đầy ngưỡng mộ. Đáp lại Chúa gửi đến ông một cái nhìn đầy cảm thông. Cái nhìn ngưỡng mộ của Dakêu đã khởi đầu sức mạnh hoán cải trong lòng ông: thúc đẩy ông hướng tới những điều thiện hảo nơi chính Đấng là nguồn mạch mọi sự Thiện Hảo. Cái nhìn cảm thông của Đức Kitô có sức đổi mới thực sự một con người tham lam ích kỷ trở thành quảng đại vị tha. Những lời nói tiếp sau đó chỉ là biểu đạt ra bên ngoài sự hoán cải từ đáy lòng của ông Dakêu.

Mời Bạn: Kiểm điểm lại cách bạn nhìn tha nhân: Bạn đánh giá người khác qua địa vị xã hội, qua sự giàu sang, qua những lời lẽ hoa mỹ hay qua giá trị cơ bản sâu xa của mỗi người là một người con cái của Thiên Chúa?

Chia sẻ: Trước mặt Thiên Chúa, mỗi người đều có một giá trị tuyệt đối đến nỗi giả như chỉ có một người là tội nhân, Ngài cũng sẵn sàng xuống thế để cứu chuộc người đó. Bạn nghĩ gì về câu nói đó ?

Sống Lời Chúa: Tránh những lời lẽ, cử chỉ, thái độ biểu hiện sự thiếu kính trọng (thô tục, khinh thị, sỉ nhục,…) trong cách quan hệ cư xử với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đến như Chúa là Thầy và là Chúa của con, mà Chúa còn hạ mình rửa chân cho chúng con. Xin Chúa giúp con cũng biết khiêm tốn “rửa chân” cho anh em con. Amen.


20/11/13 THỨ TƯ TUẦN 33 TN – C

Lc 19,11-28

 

CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN

 

“Tôi nói cho các ông hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” (Lc 19,26)

Suy niệm: Trong Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng đức tin vào Thiên Chúa được hình thành như một con đường, con đường liên quan và hướng dẫn cuộc sống con người… Vì thế, bất cứ ai bắt đầu con đường làm việc lành cho tha nhân thì gần gũi với Thiên Chúa. Người có đức tin phải hành động như thể Thiên Chúa hiện hữu trong cuộc đời (số 35). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định đức tin cũng như bao khả năng khác Chúa ban cho ta tựa như những nén bạc, phải sinh lời, nghĩa là phải được sử dụng để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Người chôn dấu nén bạc dưới đất là người chỉ sử dụng mọi sự cho mình cách ích kỷ.

Mời Bạn: Thánh Phaolô nói rằng “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8). Cùng chết với Đức Kitô là chết cho cái bản ngã hẹp hòi ích kỷ, là sử dụng mọi hồng ân Chúa ban để Thiên Chúa được vinh danh và con người được hạnh phúc hơn như mẫu gương Đức Kitô đã sống trong cuộc đời trần thế của mình.

Chia sẻ: Nếu tôi hành động theo đức tin, tôi sẽ được lợi ích gì ngay đời này và đời sau?

Sống Lời Chúa: Hãy tâm niệm rằng “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2,24).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban ơn đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con chạm đến Chúa trong đức tin bằng con đường yêu thương phục vụ tha nhân. Amen.


21/11/13 THỨ NĂM TUẦN 33 TN

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ – Mt 12,46-50

 

MỐI LIÊN HỆ MỚI

 

“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Suy niệm: Ở đời có mối liên hệ do  huyết thống và mối liên hệ do việc nhận làm con nuôi. Trên bình diện siêu nhiên, ta trở thành người thân thích với Thiên Chúa khi thi hành ý muốn của Ngài. Đức Maria vừa là Mẹ Thiên Chúa, và cũng là khuôn mẫu trong việc thi hành thánh ý Thiên Chúa. Được dâng mình trong Đền thờ là cơ hội tốt nhất để Mẹ thuộc trọn về Thiên Chúa; nhờ đó Mẹ toàn tâm toàn ý thực thi điều Chúa sắp đặt cho Mẹ trong tương lai. Việc dâng mình tuy không do Mẹ chủ động vì lúc đó Mẹ còn ấu thơ, song do hảo ý của ông Gioakim và bà Anna – như bao nhiêu cha mẹ đạo hạnh thời đó – khởi đầu một nền giáo dục đạo đức, làm bệ phóng cho những dấn thân của Mẹ sau này.

Mời Bạn: Là bậc làm cha mẹ, ta hãy noi gương ông bà thân sinh của Đức Maria. Ngay khi con còn bé, ta hãy hướng con mình theo con đường đạo đức. Sẽ chẳng bao giờ là sớm đối với kiếp người không biết sống được bao năm! Là linh mục tu sĩ, những người  dâng mình cho Chúa như Đức Maria, ta hãy tập sống thuận theo ý Chúa mỗi ngày. Cái “tôi” của ta sẽ được mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân khi ta biết vâng theo ý Chúa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi phải làm sao để mối liên hệ mới này – nhờ thực thi ý Chúa – giúp tôi sống hạnh phúc dù ở bậc sống gia đình hay tu trì.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con cảm thấy hạnh phúc khi biết rằng mình vừa có một mái ấm gia đình trần thế, vừa có một đại gia đình thiêng liêng trong đó Thiên Chúa là người cha thân thiết của chúng con. Amen.


22/11/13 THỨ SÁU TUẦN 33 TN

Th. Xêxilia – Lc 19,45-48

 

NHÀ CHÚA – NHÀ CẦU NGUYỆN

 

“Đã có lời chép rằng: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19, 46)

Suy niệm: Dù lớn hay nhỏ, dù ở thành thị hay thôn quê, hình ảnh một ngôi thánh đường với bầu khí tĩnh lặng, yên bình, thánh thiêng đã trở nên rất quen thuộc đối với con người. Và có lẽ hơn ai hết, các Kitô hữu chính là những người cảm nhận cách sâu sắc hình ảnh ấy. Thế nhưng, điều gì đã kiến tạo nên khung cảnh đó? Hay nói cách rõ ràng hơn, đâu là lý do để nối kết hình ảnh ngôi thánh đường với bầu khí thinh lặng, trang nghiêm và linh thánh? Thưa, vì thánh đường là nơi cầu nguyện, là nơi con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, là Nhà Chúa. Chính Chúa Giêsu tái khẳng định: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện.”

Mời Bạn: Trong bối cảnh hiện tại, các ngôi thánh đường giáo xứ của bạn và tôi vẫn khang trang, êm ả, không bị biến thành nơi buôn bán, đổi chác, hay là “sào huyệt của bọn cướp” hiểu theo nghĩa đen. Thế nhưng, đó có phải là nhà cầu nguyện, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em thật sự không? Nếu mỗi chúng ta đến Nhà Chúa với một tâm hồn còn chất chứa thù hận, chia rẽ, bất công… thì phải nói rằng chính chúng ta là những kẻ đang muốn biến Nhà Chúa – nhà cầu nguyện thành một thứ gì khác.

Chia sẻ: Bạn thường đến Nhà Chúa với tâm tình và thái độ thế nào? Bạn nghĩ đâu là thái độ thích hợp nhất khi đến cầu nguyện trong Nhà Chúa?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian viếng Chúa và cầu nguyện mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đến với Chúa bằng con tim yêu thương: yêu Chúa và yêu người.


23/11/13 thứ bảy tuần 33 tn

Th. Clêmentê I, giáo hoàng, tử đạo – Lc 20,27-40

 

Cho một cuộc sống mai sau

 

“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng… Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,34-36)

Suy niệm: Cưới vợ lấy chồng là việc bình thường và còn là nghĩa vụ của con người sống trong cõi đời này. Còn trong cõi vĩnh hằng, khi con người sống lại từ cõi chết, người ta sống như các thiên thần (x. Lc 20,36), chuyện vợ chồng không còn cần thiết nữa. Như thế, người sống bậc độc thân cũng như bậc gia đình, có thể và có bổn phận theo cách thế của mình, sống cuộc sống đời này để làm chứng cho một cuộc sống mai sau. Người sống bậc độc thân tiên báo cuộc sống hoàn toàn siêu thoát mọi ràng buộc đời tạm này để có thể yêu thương một cách không giới hạn. Người sống đời đôi bạn làm chứng cho tình yêu hoàn hảo và vĩnh cửu: tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh.

Mời Bạn: 1. Loại trừ mọi quan niệm lệch lạc: – cho rằng tu là chán đời, trốn đời, là “một thứ cung đàn lạc điệu”; – cho rằng đời sống vợ chồng là tội lỗi, thua kém so với đời tu. 2. Xác tín rằng mọi người, tu trì hay hôn nhân đều phải sống để làm chứng cho một cuộc sống mai sau.

Sống Lời Chúa: – Nếu còn “thong dong”, bạn hãy tìm ý Chúa, để biết Ngài chọn gọi bạn dấn thân theo ơn gọi nào, tu trì hay hôn nhân. – Nếu bạn thuộc loại “ván đã đóng thuyền”, hãy thành khẩn xin Chúa trợ giúp để trung thành làm chứng cho Chúa trong bậc sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin con hiểu rằng chu toàn bổn phận hằng ngày là phương thế giúp con nên thánh và làm chứng nhân cho Chúa nhờ đó xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.


Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment