- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 10-2013

5 Phút Cho Lời Chúa

Tháng 10- 2013

* * *

Mục Lục

Ngày 1 – 5: Trang 1

Ngày 6 – 12: Trang 2 [1]

Ngày 13 – 19: Trang 3 [2]

Ngày 20 – 26: Trang 4 [3]

Ngày 27 – 31: Trang 5 [4]

* * *

01/10/13                                            THỨ BA TUẦN 26 TN

Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ HT Mt 18,1-5

NÊN NHƯ TRẺ NHỎ

“Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)

Suy niệm: Khi đặt điều kiện phải “nên như trẻ nhỏ”, rõ ràng Chúa Giêsu không muốn nói về phương diện thể lý, yêu cầu chúng ta “cải lão hoàn đồng.” Chúa càng không muốn nói về phương diện tâm lý, vì đặc tính tâm lý ứng xử của trẻ em là “trẻ con” mà nếu gặp thấy nơi người lớn, thì phải gọi chính xác là “ấu trĩ”! Khi nói phải “nên như trẻ nhỏ”, Chúa muốn nói về phương diện tâm linh – hay còn gọi là tu đức hoặc linh đạo. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là hình ảnh minh họa tuyệt vời về con đường “nên như trẻ nhỏ” này.

Mời Bạn chiêm ngắm Thánh Têrêxa để hiểu hơn con đường “nên như trẻ nhỏ” mà Chúa Giêsu muốn nói. Đó là con đường đơn sơ, phó thác, khiêm hạ, xóa mình đi để cho Thánh Nhan Chúa được tỏ hiện và tỏa sáng. Và trên hết, đó là con đường yêu thương: “Giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu”. Thánh Têrêxa không chỉ thì thầm ở phút cuối cùng “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”, mà ngài đã sống đời mình với tình yêu trong từng nhịp hít thở – tình yêu quên mình, vô vị lợi, tình yêu như Chúa yêu!

Sống Lời Chúa: Thánh Têrêxa đã trở thành “ngôi sao” có sức thu hút kỳ lạ. Con số “người hâm mộ” ngài lên tới hàng triệu. Bạn hãy là một người trong số đó, bằng cách sống linh đạo “nên như trẻ nhỏ” – và như vậy, bạn cũng là người hâm mộ của chính Chúa Giêsu.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con chỉ là một đứa trẻ, bé nhỏ yếu đuối, nhưng sự yếu đuối này đem lại cho con lòng can đảm để hiến dâng chính mình như hiến lễ Tình Yêu của Chúa… Lạy Chúa Giêsu, con biết rằng tình yêu chỉ có thể được đáp trả bằng tình yêu mà thôi…” (Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu)


02/10/13                     THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN

Thiên thần hộ thủ                                          Mt 18,1-5.10

SỐNG TINH THẦN TRẺ THƠ

“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)

Suy niệm: Mặc dù về mặt tự nhiên, trẻ em có những hạn chế, khuyết điểm, nhưng những tính cách nổi bật của trẻ thơ: đơn sơ vô tội, không dối trá, không mưu mô xảo quyệt, luôn tin tưởng phó thác nơi cha mẹ, v.v… khiến truyền thống Thánh Kinh vẫn nhận ra nơi các em hình ảnh biểu trưng của những người luôn sống khiêm nhường tín thác vào Chúa và được Ngài đặc biệt yêu thương chăm sóc: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh rằng điều kiện thiết yếu để được ơn cứu độ là phải có tinh thần trẻ thơ: Chỉ những ai “trở lại mà hoá nên như trẻ nhỏ” mới được vào Nước Trời.

Mời Bạn: Lịch sử nhân loại không ngừng đi lại vết xe đổ của Ađam bất tuân phục “dương oai ngạo với Trời, ăn nói ngang tàng khinh cả Chúa” (x. Tv 75,6). Trong một thế giới kỹ thuật phát triển vượt bậc, mức sống vật chất không ngừng nâng cao, con người dễ bị say men đắc thắng về những thành quả của mình và tưởng rằng mình chính là chủ của mọi sự mà chối bỏ Thiên Chúa là Chủ tể thực sự và là Đấng ban cho họ tất cả những thứ đó. Mời bạn khiêm tốn nhìn lại thân phận con người để nhận ra tình thương của Thiên Chúa và sống trong tình con thảo với Ngài.

Sống Lời Chúa: Sống giản dị với bản thân, khiêm tốn với tha nhân để có thể trở nên trẻ thơ trước mặt Chúa.

Cầu nguyện: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con lòng lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa Ít-ra-en ơi, từ nay mãi đến muôn đời muôn năm.” (Tv 131)


03/10/13                  THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN

                                                                             Lc 10,1-12

LOAN BÁO NƯỚC THIÊN CHÚA DÙ KHÔNG THUẬN TIỆN

“Vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra trước quảng trường mà nói: Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin trả lại. Tuy nhiên, các ông phải biết điều này: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 10,10-11)

Suy niệm: Một cuộc đánh bom tự sát tại một nhà thờ Anh Giáo ở Peshawa, Pakistan đã khiến trên 80 tín hữu bị chết khi họ vừa ra khỏi nhà thờ sau khi dự lễ Chúa Nhật 22/09 vừa qua. Lý do “đơn giản” là, đại diện nhóm Taliban tổ chức cuộc tấn công đó tuyên bố, vì sự thù địch với Kitô giáo, họ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi không còn người ngoài Hồi giáo nào trên đất Pakistan. Các Kitô hữu vẫn tiếp tục bị thù ghét dưới nhiều hình thức: từ việc bị bách hại, bị xua đuổi “từ thành này sang thành khác” (x. Mt 10,23) đến việc người ta bịt tai trước lời rao giảng. Chúa Giêsu dạy chúng ta phản ứng lại một cách nhẹ nhàng là “phủi bụi chân lại” nhưng vẫn phải kiên quyết loan báo Tin Mừng mà không sợ hãi rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần.”

Mời Bạn: Nhiều kitô hữu “ngại” nói đến hai tiếng “truyền giáo” hoặc cho rằng việc truyền giáo ngày nay là không phù hợp. Bạn nhớ, bản chất của Giáo hội là truyền giáo (AG 2). Thánh Phaolô cũng đã khuyên Timothê “hãy rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện” (2Tm 4,2).

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện và làm một việc bác ái cho một bạn lương dân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho các Kitô hữu đang bị bách hại được ơn sức mạnh để tiếp tục loan báo Tin Mừng Tình Yêu Chúa; xin cũng cho những ai đang bách hại đạo Chúa, được ơn hoán cải và nhận biết Chúa là Tình Yêu.


04/10/13                  THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN

Th. Phanxicô Átxidi                                         Lc 10,13-16

TRUNG THÀNH VỚI LỜI CHÚA

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”  (Lc 10,16)

Suy niệm: Lời của Thiên Chúa chính là nguồn mạch cho việc loan báo của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã cho biết như thế. Lời của Chúa Cha là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đến với trần gian. Chúa Giêsu ban tặng Lời Chúa cho nhân loại và giao cho Giáo Hội tiếp tục sứ mạng loan báo của Ngài. Do đó, Giáo Hội, nghĩa là mọi tín hữu, chỉ sống đúng bản chất của mình khi tham gia vào sứ mạng loan báo này, mà lời họ loan báo phải là Lời của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa xác quyết: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy.” Sứ mạng này đòi hỏi Kitô hữu trước hết phải “Tin Mừng hóa” chính mình, nghĩa là phải cải hóa và canh tân liên tục theo Lời Chúa. Con người hôm nay khước từ Lời Chúa có thể là bởi vì họ đã không nhận thấy bằng chứng cho lời các Kitô hữu loan báo thể hiện qua đời sống của họ.

Mời Bạn: Bạn khó chịu vì những lời bạn loan báo không được người nghe đón nhận, thế nhưng, có bao giờ bạn xét xem những lời bạn loan báo có đích thực là Lời Chúa không? Và đời sống của bạn có làm cho những lời loan báo đáng tin không?

Chia sẻ: Trong đời sống thường ngày, có dịp nào để bạn loan báo Lời Chúa không? Bạn gặp khó khăn nào khi loan báo và khi đó bạn ứng xử thế nào?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tâm niệm một câu Lời Chúa và loan báo cho người khác điều bạn cảm nghiệm từ lời ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con trung thành với Lời Chúa và tin nhận lời Chúa Cha ban là Lời Hằng Sống nuôi dưỡng nhân loại chúng con.


05/10/13                  THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN

                                                                           Lc 10,17-24

HẠNH PHÚC TRONG NƯỚC CHÚA

“Quả thật, Thầy bảo cho anh em biết, nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy mà không được thấy, muốn nghe những điều anh em đang nghe mà không được nghe.” (Lc 10,24)

Suy niệm: Trong cuộc sống, có những người, có những sự việc quanh ta coi bộ rất tầm thường, chỉ khi chúng bị mất đi rồi chúng ta mới thấy quý giá, mới thấy tiếc. Thế nhưng hối tiếc lúc đó thì đã muộn màng, không lấy lại được nữa. Chúa Giêsu hôm nay nhắc nhở các môn đệ biết quý trọng diễm phúc các ông đang có là được trực tiếp đón nhận Đấng cứu độ mà dân Do Thái bấy lâu mong chờ. Lời Chúa cũng đồng thời ngầm chứa lời cảnh báo để họ khỏi phải hối tiếc “vì không nhận biết giờ được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,44).

Mời Bạn: Có những điều chúng ta đang tận hưởng mỗi ngày như khí trời, xem ra thật tầm thường nhưng lại không thể thiếu cho cuộc sống của chúng ta. Biết bao quà tặng quý giá mà Chúa ban cho ta dư dật, thế nhưng chúng ta lại coi thường, không quý trọng, gìn giữ và nhất là không biết tạ ơn Chúa đã ban cho ta những điều thiện hảo đó. Hơn thế nữa, chính Chúa Kitô đích thân hiện diện nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, là quà tặng cao trọng trao ban “miễn phí” cho ta, thế mà biết bao người, kể cả nhiều Kitô hữu, vẫn thờ ơ không nhận ra mình đang được diễm phúc vì có Chúa ở cùng. Phần bạn, bạn có thấy mình thật diễm phúc vì được biết Chúa, tin Chúa và được làm con cái Ngài không? Bạn hãy trân trọng gìn giữ và rồi hãy đem chia sẻ hạnh phúc lớn lao này cho nhiều người khác nữa.

Sống Lời Chúa: Sớm tối mỗi ngày bạn cảm tạ Chúa vì những ơn lành hồn xác bạn nhận được từ nơi Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.


06/10/13                              CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – C

Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi                      Lc 17,5-10

ĐỂ “HẠT CẢI” ĐỨC TIN LỚN LÊN

“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải…” (Lc 17,6)

Suy niệm: Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu “ban thêm lòng tin”, Ngài đáp lại “Nếu anh em có lòng tin…”, hẳn là Ngài muốn nhắc khéo những lần Ngài trách các ông kém lòng tin (x. Lc 8,25; 12,28) khi các ông mải lo lắng “lấy gì mà ăn hay lấy gì mà mặc” (Lc 12,22), hay lúc các ông hoảng loạn trước cơn sóng to gió lớn khi đang lênh đênh trên biển hồ Tibêria (Lc 8,24). Hơn nữa, Ngài không chỉ nói “nếu…” như một lời giả sử vu vơ; trái lại Ngài xác quyết rằng chỉ cần các môn đệ đặt nơi Ngài một niềm tin nhỏ bé thôi, Ngài sẽ ban cho các họ sức mạnh để có thể làm những việc mà trên phương diện tự nhiên không thể nào làm được.

Mời Bạn: “Hạt cải đức tin” của bạn đang nảy nở, mọc thành cây lớn mạnh hay đang teo tóp, chết dần chết mòn? Trong những ngày cuối của Năm Đức Tin này, mời bạn ôn lại những lời chỉ dẫn của đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđitô XVI trong tông thư “Cửa Đức Tin” để “tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại sự hăng say thông truyền đức tin” (số 7), đó là “tăng cường việc cử hành đức tin trong phụng vụ, đặc biệt là trong Thánh Thể” và trong “cuộc sống chứng tá” của các tín hữu (số 9) qua việc “tin tưởng và loan báo không chút sợ hãi về niềm tin của mình” (số 10). Để được như vậy cần phải học hỏi Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo để “hiểu biết một cách hệ thống về nội dung đức tin” (số 11).

Sống Lời Chúa: Bạn đã thực hiện lời giáo huấn trên đây của Đức Thánh Cha như thế nào? Mời bạn tiếp tục thực hiện những chỉ dẫn cụ thể đó không chỉ trong năm này mà trong suốt đời bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Tin Kính.


07/10/13                                           THỨ HAI TUẦN 27 TN

Đức Mẹ Mân Côi                                                Lc 1,26-38

KHÁM PHÁ ÂN SỦNG

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

Suy niệm: Đức Maria được thiên thần chào bằng danh hiệu: “Đấng đầy ân sủng,” danh hiệu nói lên vẻ đẹp nguyên tuyền và sự thánh thiện vô song của Mẹ. Ân sủng Thiên Chúa tràn đầy nơi Mẹ không chỉ là “quyền năng của Đấng Tối Cao” bao bọc Mẹ mà là chính sự hiện diện của Con Thiên Chúa mà Mẹ cưu mang trong lòng. Nếu ân sủng làm cho ta tham dự trọn vẹn vào đời sống thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa thì Mẹ “đầy ân sủng” có nghĩa là không giây phút nào trong đời Mẹ, không chỗ nào trong tâm hồn Mẹ không được Thiên Chúa chiếm ngự.

Mời Bạn: Người ta đánh giá mức thành đạt một người dựa vào danh vọng, giàu sang, tầm ảnh hưởng, nhưng giá trị đích thực của một người trước mặt Thiên Chúa chính là ân sủng của Ngài ở nơi người ấy. Không có ơn Chúa, ta không làm được gì và cũng chẳng là gì. Ta chỉ còn là con người trống rỗng. Thật là điên rồ nếu ta chỉ cậy dựa vào sức riêng mình mà loại bỏ ân sủng Thiên Chúa ra khỏi đời sống chúng ta.

Sống Lời Chúa: “Tôi có là gì là do ân sủng Chúa. Tất cả là hồng ân” (x. 1Cr 15,10). Mỗi khi lần chuỗi hoặc đọc kinh Kính Mừng, bạn dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ, và khiêm tốn xin ơn Chúa giúp trong mọi hoàn cảnh và biết dùng các ơn Chúa ban để phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Nhờ ơn cứu chuộc của Con Cha, Đức Giêsu Kitô chúng con được sống trong nguồn ân thiêng vô giá của Chúa. Xin cho chúng con biết nhận ra các ơn Chúa ban. Xin đừng để bất cứ một ơn Chúa ban ra vô hiệu nơi chúng con. Amen.


08/10/13                                            THỨ BA TUẦN 27 TN

                                                                           Lc 10,38-42

DÀNH CHO CHÚA PHẦN TỐT NHẤT

Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42)

Suy niệm: Nhà vật lý học lừng danh người Pháp André-Marie Ampère dù rất thành công trong lĩnh vực khoa học phục vụ nhân loại, nhưng ông không coi đó là tất cả cho cuộc đời. Ông có “một chuyện cần thiết” nhất và suốt đời trung thành với nó, đó là cầu nguyện. Ông đã để lại một phương châm cho những ai sống niềm tin vào Thiên Chúa: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi.” Ampère đã hiểu thấu đáo câu nói của Chúa Giêsu với Mácta: “…Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi(Lc 10,42). Cách sống của ông có thể nói thực hiện lời dạy của Thầy Giêsu: vừa nhiệt thành phục vụ như Mácta, lại vừa dành thời gian để trung thành “ngồi bên chân Chúa” như Maria. Đây chính là điều Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cô Mácta, và qua đó, nhắn nhủ với những ai muốn làm môn đệ Ngài.

Mời Bạn: Trong cuộc sống đầy những ồn ào và lo toan như hiện nay, sự tĩnh lặng cầu nguyện luôn rất cần thiết cho đời sống người tín hữu. Nhưng tìm đâu ra những giây phút quý báu đó nếu chúng ta không tự mình tìm về nội tâm của chính mình?

Chia sẻ: Hôm nay Chúa đến thăm nhà bạn, bạn sẽ tiếp đãi Ngài thế nào?

Sống Lời Chúa: Trong ngày, ngay trong những lúc làm việc, bạn dừng lại một vài giây, để tâm sự với Chúa.

Cầu nguyện: Xin cho con luôn biết kết hợp với Chúa ngay trong chính cuộc sống bận rộn của con. Vì nếu không có Chúa, thì con chẳng làm gì được.  


09/10/13                                            THỨ TƯ TUẦN 27 TN

Th. Điônisiô, giám mục và các bạn tử đạo      Lc 11,1-4

CẦU NGUYỆN CÓ TRÁCH NHIỆM

Chúa Giêsu bảo: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lc 11,2-4)

Suy niệm: Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu muốn chúng ta đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Trong tương quan này, chúng ta đến với Thiên Chúa không như đầy tớ kêu xin chủ, mà là những người con cùng chia sẻ trách nhiệm với Cha; nếu không thì cần gì phải xin “cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến”? Bởi Thiên Chúa luôn muốn danh thánh Ngài vinh hiển, mà Thiên Chúa được vinh hiển khi con người được thông phần hạnh phúc với Ngài, bởi theo thánh Irênê: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”: Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người không bỏ đói đồng loại của mình; Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người không hận thù cấu xé lẫn nhau; Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người biết lánh xa những điều xấu và không nô lệ cho sự dữ. Vì vậy, cầu xin là cách chúng ta mở lòng để sẵn sàng hành động cùng Thiên Chúa, còn không thì chúng ta xin sẽ chẳng được, vì chúng ta xin mà không biết mình xin gì! (x. Mc 10,38).

Mời Bạn: Thiên Chúa chỉ vinh hiển khi chúng ta dám sống quên mình, nói như thánh Gio-an Tẩy Giả là “Tôi phải nhỏ lại để Người lớn lên” (Ga 3,30).

Sống Lời Chúa: Đặt các ý nguyện trong kinh Lạy Cha làm ý lực sống của bạn mỗi ngày.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


10/10/13                                         THỨ NĂM TUẦN 27 TN

                                                                             Lc 11,5-13

TÌNH BẠN VÀ TÌNH CHA

“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,9)

Suy niệm: Có bánh mà đem “cho kẻ đói ăn” là một nghĩa cử cao đẹp. Không có bánh mà lo xoay sở, vay mượn cho kẻ đói có cái để ăn là một nghĩa cử còn cao đẹp hơn nhiều. Người đi vay bánh ban đêm cho người bạn lỡ đường của mình có cái ăn chắc chắn phải chấp nhận sự phiền toái cho mình, phải “cứ lì ra đó”. Anh ta làm như thế chỉ là vì tình bạn.

Nếu chúng ta đối xử với nhau bằng tình bạn thì Chúa sẽ đối xử với chúng ta bằng tình Cha. Lúc bấy giờ chúng ta cầu xin Chúa, nhất là cầu cho người đói ơn Chúa, thì Chúa sẽ ban, không những cá, trứng, hay bánh mà còn ban cả Thánh Thần, là món quà cao quý nhất.

Mời Bạn: Trước mắt chúng ta có biết bao nhiêu người đói ơn Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho họ không phải vì tình bạn mà là vì tình liên đới giữa những người con cùng một Cha trên trời. Kiên trì cầu cho họ với tình yêu này chắc chắn sẽ đẹp lòng Cha. Ngài sẽ thể hiện tình Cha mà ban cho điều chúng ta cầu xin. Vì Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” Hơn nữa, Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương con cái mình. Đồng thời, Thiên Chúa cũng là Đấng thông biết mọi sự. Người ban, hay không ban, hay chậm ban cho ta điều ta xin vì lợi ích to lớn hơn và cần hơn cho ta và cho tha nhân.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày cầu nguyện cho người đang gặp khó khăn, và sẵn sàng chia sẻ với họ cách cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa có quyền năng giải thoát con cái Chúa khỏi mọi thứ đau khổ, nhưng Chúa như muốn đặt họ vào tay chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết thể hiện tình liên đới đối với họ qua việc cầu nguyện.


11/10/13                                          THỨ SÁU TUẦN 27 TN

                                                                           Lc 11,15-26

THÁI ĐỘ TRƯỚC NHỮNG NGƯỜI “ĐỘC MIỆNG”

“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11,20)

Suy niệm: Đứng trước những phép lạ tốt lành Chúa Giê-su thực hiện, một số người Do Thái “độc miệng” gán ghép Chúa “dựa thế quỉ vương Bê-en-dê-bun” để trừ “quỷ con”. Quả là một lời xuyên tạc hiểm độc! Đối lại, Chúa Giê-su cho thấy không có gì phải làm ầm ĩ. Một cách bình thản, Ngài đưa ra những lập luận lành mạnh và vững chắc để bẻ gãy những lời lẽ nguỵ biện kia: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn… Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?” Nhưng ở đây, phản bác những lời xuyên tạc đó chưa phải là mối bận tâm lớn nhất của Chúa; trọng tâm duy nhất của Ngài đó là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.”

Mời Bạn: Tôi có cái nhìn đầy thành kiến “trông cò ra quạ”, nhìn những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ra biểu hiện của quỷ Bê-en-dê-bun hay không? Tôi có xu hướng xét đoán ý xấu cho người khác không? Mặt khác, tôi đã phản ứng thế nào khi làm điều tốt mà lại bị người khác công kích, xuyên tạc?

Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm thật kỹ mẫu gương của Chúa Giê-su hôm nay. Mỗi khi tôi định nói xấu về ai hoặc tôi bị ai nói xấu hãy nhớ lại thái độ này của Chúa và xin ơn bắt chước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã biến tội lỗi chúng con thành dịp để ban cho chúng con điều tốt đẹp nhất, đó là ơn cứu độ. Xin giúp con biết bắt chước Chúa để con có thể khám phá những điều tốt đẹp, những điểm tích cực nơi anh em con.


12/10/13                                          THỨ BẢY TUẦN 27 TN

                                                                           Lc 11,27-28

PHÚC CHO AI NGHE VÀ GIỮ LỜI

Khi ấy giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Chúa Giêsu: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11,27)

Suy niệm: “Chị Bảy” Phương Mỹ Chi với giọng hát dân ca ngọt ngào cuốn hút đã trở thành “hiện tượng gây sốt” của cuộc thi Giọng Hát Việt Nhí trong mùa hè vừa qua. Đến cả gánh chè của mẹ “chị Bảy” cũng trở thành nổi tiếng đến độ “chị Bảy” phải lo lắng “sợ mẹ không đủ chè để bán!” Mối liên hệ gia đình khiến người ta chung chia thân phận với nhau trong niềm vui cũng như nỗi buồn: “một người làm quan cả họ được nhờ”, hay một người được vinh danh, cả nhà cũng được “thơm lây”. Trong xã hội Do thái cũng thế, Chúa Giêsu được thán phục vì lời giảng dạy của Ngài thì Đức Maria cũng được ca ngợi là người có phúc. Chúa Giêsu cho thấy để được “phúc đức” và để trở nên người thân trong gia đình Thiên Chúa không hệ tại ở mối liên hệ huyết thống tự nhiên. Nhưng chỉ những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa mới đích thực là anh em bà con với Chúa và mới thật là có phúc.

Mời Bạn: Đức Ma-ri-a, là “Đấng đầy ơn phúc” không chỉ vì Mẹ đã “cưu mang và cho Thầy bú mớm, mà trước tiên bởi vì Mẹ đã lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa từ lời thưa “xin vâng” trong ngày truyền tin cho đến thái độ xin vâng khi đứng dưới chân thập giá. Hằng ngày bạn vẫn đang tìm kiếm thứ hạnh phúc nào? Bạn có quan tâm tìm kiếm hạnh phúc qua việc thực thi Lời Chúa không?

Sống Lời Chúa: Tôi chiêm ngắm thái độ xin vâng của Mẹ khi suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi qua việc lần hạt và xin ơn noi gương mẹ suy niệm Lời Chúa và thực hành.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin dạy con luôn biết “xin vâng” như Mẹ.


13/10/13                              CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – C

                                                                           Lc 17,11-19

TÂM TÌNH BIẾT ƠN

Đang khi đi, họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. (Lc 17,14-16)

Suy niệm: Bộ phim Danh sách Schindler (từng được giải thưởng Oscar) có một kết thúc thật cảm động. Schindler là một nhà công nghiệp người Đức đã cứu trên ngàn người Do Thái khỏi trại tập trung. Trước ngày ông tháo chạy về phía tây, những người Do Thái đã tháo chiếc răng vàng còn sót lại để luyện thành chiếc nhẫn tặng ân nhân mình với dòng chữ: “Ai cứu được một mạng sống là cứu được cả thế giới”. Tục ngữ Việt Nam nói rằng: “Làm ơn chớ nên nhớ, được ơn chớ nên quên”. Cũng như những người Do Thái Ba Lan, Người phong Samari đã ghi nhớ “được ơn chớ nên quên”, nên đã trở lại tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Đức Giêsu tỏ lòng biết ơn. Còn chín người phong Do Thái kia chỉ dừng lại ở quà tặng, mà không biết hướng đến Đấng ban tặng. Thật đáng tiếc!

Mời Bạn: Hãy luôn nói tiếng cám ơn mỗi khi nhận được một điều gì từ người chung quanh. Bạn cũng đừng coi những gì Chúa ban là điều bình thường mà quên cảm tạ Chúa, bạn nhé!

Chia sẻ: Làm cách nào để cuộc đời tôi luôn là lời tạ ơn Thiên Chúa?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nói tiếng cám ơn với người thân và nói lời tạ ơn với Chúa mỗi tối trước khi đi ngủ.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban vì có hại cho con.         (Rabbouni)


14/10/13                                           THỨ HAI TUẦN 28 TN

Th. Calíttô I, giáo hoàng, tử đạo                   Lc 11,29-32

LỜI MỜI SÁM HỐI

Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. (Lc 11,32)

Suy niệm: Người Do Thái xin Chúa Giêsu cho họ dấu lạ; Ngài đưa ra hai trường hợp rất quen thuộc đối với họ, đó là Giôna và Salômon. Có ai khôn ngoan hơn Salômon? Thế mà ở đây, Thầy Giêsu là chính “Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Có gì lạ hơn chuyện người nằm “trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm” (Gn 2,1; Mt 12,40)? Nhưng Giôna chỉ là hình ảnh tiên báo Chúa Giêsu nằm trong lòng đất ba ngày rồi sống lại. Giôna và Salômon đã là “lạ” nhưng vẫn không “qua mặt” được dấu lạ Giêsu. Hơn nữa, dấu lạ Giôna là lời mời gọi dân thành Ninivê sám hối, thì dấu lạ Giêsu cũng là lời mời gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.

Mời Bạn: Ngày nay, người ta vẫn “đòi” dấu lạ: nghe biết nơi nào có “chuyện lạ” thì đổ xô nhau tìm đến, lắm khi chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ, để cầu xin cách vụ lợi chứ không phải để củng cố lòng tin, để hoán cải cuộc sống. Quả thực, dấu lạ ở ngay trong lòng bạn khi bạn lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để bạn trở nên con cái Chúa; dấu lạ vẫn diễn ra hằng trong bí tích Thánh Thể nơi Chúa Giêsu hiện diện. Mời bạn đến với dấu lạ hàng ngày là Thầy Giêsu đang ở trong bạn và hãy làm cho Ngài lớn lên trong bạn mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ ngày thường khi có thể và bạn dành thời gian đến nhà thờ để thờ lạy dấu lạ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoán cải để lòng chúng con xứng đáng với dấu lạ Chúa ban cho chúng con.


15/10/13                                            THỨ BA TUẦN 28 TN

Th. Têrêxa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh Lc 11,37-41

SỐNG TRINH NGUYÊN NHƯ THUỞ BAN ĐẦU

“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi.” (Lc 11,41)

Suy niệm: Nhu cầu làm sạch là nhu cầu thiết yếu của con người. Trong điều kiện môi trường ô nhiễm ngày nay, đây lại là vấn đề sống còn. Tẩy rửa, làm sạch là nỗ lực tách những gì dính bám vào làm cho đồ vật đó ra mất đi giá trị, vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Trong đời sống tâm linh, cũng có một nhu cầu tương tự. Người Do Thái rất coi trọng nghi thức thanh tẩy để giữ mình khỏi dơ bẩn: họ cẩn thận rửa tay trước khi ăn để khỏi bị ra nhơ uế. Nhưng những thực hành đó chỉ là dấu chỉ bên ngoài, làm sao người ta có thể dùng để thanh tẩy tấm lòng là thứ nằm sâu bên trong được? Phương thế mà Chúa Giêsu dạy là hãy đem “bố thí” tất cả những gì ở bên trong thì mọi sự sẽ nên trong sạch. Bởi vì Đấng làm ra cái bên ngoài cũng là Đấng đã làm ra cái bên trong.

Mời Bạn: Thanh tẩy đích thực được Chúa Giêsu gọi tên là “bố thí” có nghĩa là gỡ bỏ mọi thứ vỏ bọc, tức là những thứ “TÔI CÓ”, -đó là tiền của, chức quyền, địa vị,v.v…- đang bám dính quá chặt vào linh hồn tôi đến độ tôi tưởng lầm đó là cái “TÔI LÀ”, là con người thật của tôi. Thanh tẩy là cho đi, là chia sẻ, để trả lại vẻ đẹp rực rỡ của linh hồn mà Chúa đã tạo dựng từ thuở ban sơ, để dâng cho Ngài chính bản thân mình trinh nguyên như thuở ban đầu.

Sống Lời Chúa: Để thanh tẩy chính mình, mời bạn sống giản dị với bản thân, và luôn chân thành, sẵn sàng chia sẻ với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con phó thác mọi sự trong tay Chúa để vui sống trong tình trạng nguyên tuyền mà Chúa đã dựng nên con. Amen.


16/10/13                                            THỨ TƯ TUẦN 28 TN

Th. Magarita Maria Alacốc, trinh nữ              Lc 11,42-46

XẮN TAY ÁO LAO VÀO TRUYỀN GIÁO

“Các ngươi chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các ngươi, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” (Lc 11,46)

Suy niệm: Sự kiện một số giám đốc doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng” trong khi công nhân vất vả vật lộn với lương “còm” đã bùng lên nỗi bất bình trong xã hội. Dư luận không chỉ bất bình vì sự chênh lệch lương quá lớn, mà còn vì tình trạng thiếu công bằng trong việc san sẻ công việc và trách nhiệm. Trên cánh đồng truyền giáo bao la, biết bao người đang tất bật với những gánh “không thể gánh nổi”, mà vẫn có những người “một ngón tay cũng không động vào” thì quả là một thảm hoạ. Đòi hỏi này không phát xuất từ những xung đột quyền lợi, nhưng từ bản tính của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu khi được lãnh bí tích Rửa Tội. Bản tính của Giáo Hội là truyền giáo và mọi Kitô hữu là những nhà truyền giáo. Theo Đức Gioan Phaolô II, càng truyền giáo thì đức tin càng mạnh mẽ và khi không truyền giáo, thì đó là dấu hiệu đức tin đang bị khủng hoảng.

Mời Bạn: Bạn đang đóng góp gì cho cho việc truyền giáo ở nơi bạn đang sống? Hay bạn đang thuộc diện “một ngón tay cũng không động vào” công việc truyền giáo?

Chia sẻ cho nhau những gương sáng truyền giáo mà bạn ấn tượng nhất và đề ra quyết tâm của bạn.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày có một việc truyền giáo làm hy lễ dâng lên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trách những kẻ không san sẻ gánh nặng trách nhiệm với anh chị em. Xin cho con thức tỉnh vì Lời Chúa hôm nay, để con xăn tay áo lao vào công việc truyền giáo với Giáo Hội.


17/10/13                                         THỨ NĂM TUẦN 28 TN

Th. Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo       Lc 11,47-54

NỢ MÁU CÁC NGÔN SỨ

“Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, người đã bị biết giữa bàn thờ và Thánh Điện.” (Lc 11,50-51)

Suy niệm: Cái chết của Aben, người công chính đầu tiên của loài người bị sát hại bởi chính anh mình được Chúa Giêsu kể như cái chết của một ngôn sứ. Là ngôn sứ, không nhất thiết phải là những nabi (ngôn sứ “chuyên nghiệp”) của Do thái thời xưa. Cũng không nhất thiết phải rao giảng như Isai hay Êdêkien, mà chỉ nguyên đời sống công chính thánh thiện, như của Aben, đã đủ là một lời ngôn sứ đích thực và có giá trị rồi. Mặt khác, các ngôn sứ bị bách hại bằng nhiều cách. Không đợi đến khi ném đá, chém đầu các ngài, tôi mới trở thành kẻ giết các ngôn sứ, mà ngay khi từ chối lắng nghe lời mời gọi sống công chính, tôi đã góp phần bách hại các ngôn sứ và “bị đòi nợ máu” các ngài rồi.

Mời Bạn: Có khi nào bạn châm chọc chế diễu, vì vô tình hoặc chỉ để mua vui, một người bạn đang làm một điều tốt? Hoặc có khi nào bạn cảm thấy tức tối khi cuộc sống công chính của ai đó trở thành lời tố giác lối sống bê bối của mình? Hẳn bạn không ngờ rằng những lúc đó, bạn đang “bách hại” hoặc đang “xây mộ” cho người “bạn ngôn sứ” ấy.

Chia sẻ: Bạn chia sẻ về một ai đó làm một việc gì đó mà bạn cho là có tính cách ngôn sứ, nghĩa là có thể chuyển đạt cho mình lời của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tập đón nhận điều tốt cách thành tâm: người làm điều tốt, ta khen ngợi, noi theo; người nhắc nhở sửa lỗi cho ta, ta nhìn nhận khuyết điểm, cám ơn và sửa chữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn phục thiện biết sẵn sàng đón nhận lời người khác sửa lỗi cho con.


18/10/13                                          THỨ SÁU TUẦN 19 TN

Th. Luca, tác giả sách Tin Mừng                       Lc 10,1-9

LÀ SỨ GIẢ TIN MỪNG

Sau đó, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (Lc 10,1)

Suy niệm: Trong Tân Ước, môn đệ là những người đi theo Đức Giêsu; từ các môn đệ này, Ngài chọn riêng Nhóm Mười Hai và gọi là tông đồ (x. Lc 6, 12-16; Mt 10,1-4; Mc 3,13-19). Lần thứ nhất Ngài đã sai mười hai tông đồ đi loan báo Tin Mừng (Lc 9,1-6), lần này Ngài sai bảy mươi hai môn đệ khác thi hành sứ vụ ấy. Điều đó cho thấy sứ mạng truyền giáo không dành riêng cho các tông đồ, nhưng là cho tất cả mọi môn đệ. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ công bố Tin Mừng bình an của Ngài cho con người. Họ làm việc trong tinh thần cộng đoàn hòa hợp “từng hai người một,” tín thác vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, và trong tinh thần khó nghèo.

Mời Bạn:Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3) trong tâm hồn bạn và những người chung quanh. Chúa mời gọi bạn trở thành sứ giả Tin Mừng, người đi tiền phong, dọn đường cho Đức Giêsu. Bạn hãy chuẩn bị cho những ai nghe Lời một tâm hồn khiêm nhu, biết lắng nghe mà đón nhận sự thật; “để khi đến, Ngài chiếu sáng cõi lòng chúng ta bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài” (Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả).

Sống Lời Chúa: Tôi thực hiện điều quyết tâm sau đây: lời rao giảng hữu hiệu nhất là đời sống bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Luca đi rao giảng và viết sách Tin mừng cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ bé mọn. Xin cho các Kitô hữu đồng tâm nhất trí với nhau, hầu muôn dân được nhận biết ơn cứu độ của Ngài. Amen.


19/10/13                                          THỨ BẢY TUẦN 28 TN

Th. Brêbớp, lm, Giogơ, lm và các bạn tử đạo Lc 12,8-12

TUYÊN XƯNG CHÚA

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)

Suy niệm: Có thể ta chưa công khai chối Chúa, nhưng cũng chưa dám mạnh dạn tuyên xưng Ngài trước mặt mọi người. Làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn ở nơi công cộng đôi khi đã gây cho ta chút ngại ngùng, huống chi do việc tuyên xưng ấy mà công ăn việc làm có thể bị đe dọa, gia đình bị phiền phức, bạn bè chê cười. Lời Chúa hôm nay mời gọi ta đừng sợ khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa vì: (1) người đời chỉ có quyền trên thân xác và cuộc sống hôm nay, duy mình Chúa mới có toàn quyền trên linh hồn và cuộc sống đời đời; (2) mỗi người có giá trị lớn lao trước mặt Chúa, được Chúa ân cần chăm sóc đến từng sợi tóc; và (3) Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong mỗi người chúng ta.

Mời Bạn: Chúng ta tin Chúa Giêsu là Chúa, là chủ của lịch sử nhân loại và của mỗi người chúng ta. Chỉ khi tín thác vào Chúa, vững tin vào sự sống đời sau và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mình và vũ trụ, chúng ta mới có đủ sức mạnh để sống Lời Chúa dạy, đủ can đảm vượt thắng nỗi sợ.

Chia sẻ: Môn đệ Chúa Kitô là người nên cũng biết sợ, nhưng không vì sợ mà không dám sống niềm tin. Điều gì giúp người Kitô hữu vượt lên nỗi sợ?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ vượt thắng nỗi sợ bằng cách mạnh dạn hơn trong việc tuyên xưng niềm tin như làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn nơi công cộng, hay thực hiện điều răn Chúa dạy…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chúng con sống tốt lành, thật thà, quan tâm giúp đỡ người anh em, xin cho chúng con luôn làm vì yêu mến Chúa và để rao truyền danh Chúa. Amen.


20/10/13                              CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – C

Khánh nhật Truyền giáo                                    Lc 18,1-8

ĐỨC TIN TRUNG KIÊN

“Vậy, chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.” (Lc 18,7-8)

Suy niệm: Kiên trì trong thử thách, đau khổ, là yếu tố chính quyết định cho sự thành công của con người trong mọi lãnh vực cuộc đời như học hành, ứng xử, nghề nghiệp, tôn giáo… “Có công mài sắc có ngày nên kim.” Bài Tin Mừng cho thấy sự kiên trì của bà góa đã làm mềm “gan thép” ông quan tòa bất chính,  huống chi sự kiên nhẫn kêu cầu của ta với Đấng công chính, tốt lành như Thiên Chúa. Thiên Chúa không vô cảm khi nhìn thấy chúng ta phải đối mặt với gian nan, khốn khổ trong đời sống đức tin. Ngài biết rõ và Ngài để sự ấy xảy ra nhằm thanh luyện đức tin ta tinh tuyền và hoàn hảo nếu ta kiên vững đến cùng.

Mời Bạn: Thánh Giacôbê nói: “Hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp gian nan thứ thách trăm chiều. Vì, đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1,2-3). Vậy, để bền vững trong hành trình đức tin, bạn đừng buồn phiền, nản lòng hay rối trí khi gặp thử thách, gian nan, cũng như khi gặp điều bực bội và trái ý nhỏ nhặt trong cuộc sống, kể cả với những lỗi lầm của bản thân. Ngược lại, hãy kiên trì, tín thác vào Chúa nhiều hơn.

Chia sẻ: Khi gặp những khó khăn, đau khổ hay thử thách trong đời sống đức tin, bạn thường làm gì?

Sống Lời Chúa: Càng gặp thử thách, đau khổ, tôi càng cầu nguyện nhiều hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, “Chúa biết con yếu đuối và đổi thay, con luôn cần đến Chúa từng phút giây. Lạy Chúa, con kiên trì tín thác kể từ đây, khi an vui cũng như khi sầu đầy.” Amen.


21/10/13                                           THỨ HAI TUẦN 29 TN

                                                                           Lc 12,13-21

LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT CHÚA

“Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,21)

Suy niệm: “Làm từ thiện” là cụm từ được nói đến khá nhiều trong bối cảnh đất nước còn nghèo, lại lắm thiên tai như Việt Nam chúng ta! Làm từ thiện là cách “làm giàu trước mặt Thiên Chúa.” Nhưng cũng không thiếu kẻ lợi dụng việc từ thiện để thu tích của cải cho mình. Đây là việc làm đáng buồn nếu không nói là đáng nguyền rủa! Làm như thế chẳng những không làm giàu trước mặt Thiên Chúa mà làm cho xã hội, tình người nghèo đi. Một khi tính chất từ thiện bị lạm dụng để trục lợi thì mọi sự sẽ trở thành ác mộng cho những người muốn đóng góp lẫn người nhận lãnh. Sử dụng của cải mình làm ra cách hợp tình hợp lý cũng là một cách nữa để “làm giàu trước mặt Thiên Chúa.”

Mời Bạn: Dù giàu hay nghèo, mỗi người chúng ta đều có cơ hội làm giàu trước mặt Thiên Chúa, đó là giúp đỡ người anh em túng thiếu, chia sẻ vật chất cho nhau; không dùng thế lực để ăn chặn, ép buộc kẻ khác nộp của cải cho mình; không cậy tiền cậy bạc để ăn chơi phung phí, ném tiền qua cửa sổ để lòe thiên hạ… Mỗi ngày có biết bao nhiêu cơ hội để ta đầu tư, làm giàu như Chúa dạy bảo!

Sống Lời Chúa: Tôi xác tính chân lý “khi cho đi cũng chính là lúc nhận lãnh nhiều hơn” là động lực, phương thế giúp tôi thể hiện tinh thần Tin Mừng của ngày hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa không tính toán được-thua, lời-lỗ khi thi ân cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết học nơi Chúa bài học ấy để chúng con trở nên giàu có trước mặt Chúa. Amen.


22/10/13                                            THỨ BA TUẦN 29 TN

                                                                           Lc 12,35-38

CHỜ ĐỢI TRONG TỈNH THỨC

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)

Suy niệm: Đời sống con người, có thể nói, là một chuỗi ngày chờ đợi: chờ đợi một ngày mai tốt đẹp hơn, chờ đợi một tương lai hạnh phúc hơn. Đối với người tín hữu Kitô, niềm hạnh phúc thật sự là được hưởng kiến nhan Thiên Chúa, được chia sẻ niềm vui và bình an vĩnh cửu trên thiên quốc, trong gia đình của Ba Ngôi Tình Yêu. Chính Thiên Chúa đã đến và sẽ lại đến để mời gọi mỗi người về hưởng hạnh phúc với Ngài. Nhưng để có thể đạt được hạnh phúc ấy, người tín hữu cần sống theo cách thức mà Chúa Giêsu đã yêu thương nhắn nhủ, đó là sống tỉnh thức, sẵn sàng mọi sự để có thể “thưa vâng” với Chúa một khi Ngài đến và mời gọi trở về với Ngài.

Mời Bạn: Sống tỉnh thức và sẵn sàng với Chúa trong bối cảnh xã hội hôm nay phải nói là một thách đố rất lớn cho mọi người, trong đó có bạn và tôi. Những nỗi đam mê tiền bạc, danh vọng, lạc thú dường như đang đẩy cuộc đời chúng ta vào một giấc ngủ mê, khiến chúng ta quên đi cùng đích thật sự của cuộc đời mình là hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa trên Thiên quốc. Bạn và tôi, những người tín hữu Kitô, chúng ta hãy vùng dậy khỏi giấc ngủ đê mê ấy, chúng ta cùng nhau sống tỉnh thức: “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.

Chia sẻ: Bạn nhận thấy điều gì trong cuộc sống dễ “ru ngủ” chúng ta nhất? Bạn có việc làm nào cụ thể để giúp sống tỉnh thức không?

Sống Lời Chúa: Hướng về Chúa trước khi làm bất cứ việc gì trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhớ đến thân phận yếu đuối của chúng con.


23/10/13                                            THỨ TƯ TUẦN 29 TN

Th. Gioan Capétranô, linh mục                     Lc 12,39-48

SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI

“Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.” (Lc 12,39-48)

Suy niệm: Hiện diện như không hiện diện, giống như đang vắng mặt nhưng thực ra vẫn ở bên cạnh ta, đó là cách thế tế nhị Chúa dùng để giúp ta trưởng thành. Lúc nào Chúa cũng có mặt trong cuộc đời ta, nhưng một cách kín đáo. Tiếc thay ta lại hay quên điều quan trọng này! Ta thường chia cuộc đời thành nhiều ô hộc: ô hộc này có Chúa hiện diện như ô hộc nhà thờ, ô hộc đọc kinh, v.v… còn ô hộc kia thì Chúa không có mặt hay chỉ có một cách mơ hồ, như ô hộc lao động, ô hộc giải trí, ô hộc nghỉ ngơi… Trong những ô hộc này, ta không hề nghĩ đến Chúa, thậm chí còn mời Chúa đi chỗ khác chơi cho mình dễ “làm ăn”. Cuộc đời Kitô hữu bị chia thành hai phần tách biệt: đời và đạo không hề dính líu, quan hệ gì với nhau.

Mời Bạn: Nhớ rằng Chúa không bao giờ đi vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn để khích lệ, nâng đỡ, an ủi, ban ơn… Bạn luôn sống dưới cái nhìn yêu thương và bàn tay che chở của Chúa.

Sống Lời Chúa: Để nhớ Chúa hiện diện, bạn hãy: – đem đạo vào đời: sống Lời Chúa trong mọi sinh hoạt trần thế như trong hôn nhân, gia đình, lao động, học hành…; – và đem đời vào đạo: dâng lên Chúa những vui buồn của đời thường khi đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tuy Chúa luôn có mặt bên chúng con, nhưng Chúa hiện diện một cách vô hình, kín đáo, để chúng con trưởng thành. Xin giúp chúng con luôn sống trưởng thành dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.


24/10/13                                         THỨ NĂM TUẦN 29 TN

Th. Antôn Maria Clarét, giám mục                Lc 12,49-53

CÙNG NÉM LỬA VỚI CHÚA GIÊSU

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đã đến ném lửa vào trái đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy sẽ phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất.” (Lc 12,49-50)

Suy niệm: Trong Cựu ước, Đức Chúa đã hiện ra với ông Môsê trong một bụi gai bốc cháy; trong Tân ước, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới dạng lưởi lửa. Đức Giêsu đến ném lửa vào trái đất là Ngài ném Thiên Chúa, ném Thánh Thần vào thế giới để Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần ấy sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện nhân loại. LỬA sưởi ấm nhân loại khỏi thái độ lạnh lùng giữa người với người, sự dửng dưng giữa người với Thiên Chúa. LỬA soi sáng cho nhân loại biết con đường dẫn đưa đến hạnh phúc thật sự. LỬA thanh luyện con người khỏi tính ích kỷ, khỏi các tính hư tật xấu, khỏi những gì bất xứng với con cái Thiên Chúa.

Mời Bạn: Cộng tác với Thiên Chúa, với Thánh Thần để cùng ném Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần vào thế giới của bạn. Thế giới của bạn chính là gia đình, học đường, xí nghiệp, chợ búa… Bạn là trợ lý tích cực của Chúa Giêsu khi dám để Lửa Thiên Chúa biến đổi bạn và hơn nữa để chính bạn cũng biến thành lửa và tiếp tục sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện những người mà bạn tiếp xúc.

Sống Lời Chúa: Tối nay trước khi đi ngủ, bạn dành vài phút cầu nguyện và xét mình: Tôi thường lạnh lùng, dửng dưng trước người anh em, chị em nào? Tôi cư xử với người khác dựa trên động lực nào? Tôi sẽ để Lửa Thiên Chúa sửa đổi tôi thế nào?

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin thắp sáng lên trong con ngọn lửa tình yêu Chúa, để con cùng với đem lửa tình yêu đó cháy bùng lên ở giữa thế gian.


25/10/13                                          THỨ SÁU TUẦN 29 TN

                                                                           Lc 12,54-59

NHẠY BÉN VỚI CÁC DẤU CHỈ

“Cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét.” (Lc 13,56)

Suy niệm: Dựa vào kinh nghiệm dân gian, người Do Thái đoán trước thời tiết rất chính xác: thấy mây tụ ở phía tây, trên Địa Trung Hải, họ biết rằng sắp có mưa; còn khi gió sa mạc từ phía nam thổi đến, họ biết rằng thời tiết sẽ oi bức. Đức Giêsu trách họ rất giỏi nhận biết những dấu hiệu thời tiết, nhưng lại không nhận biết các dấu hiệu Nước Trời đang ở giữa họ qua con người và sứ vụ của Ngài. Ghi nhớ Lời Chúa dạy, Giáo Hội quan tâm nhận định đâu là những dấu chỉ thời đại đang là thách đố cho đời sống và sứ vụ của mình. Nhờ đó, Giáo Hội có những phương cách thích hợp để canh tân chính mình và để Tin Mừng Nước Trời luôn là tin mới, tin vui cho con người thời đại.

Mời Bạn: Giáo Hội Việt Nam đang đứng trước những thực trạng tác động đến đời sống người Kitô hữu như hố phân cách giàu nghèo, nạn tham nhũng, chủ nghĩa hưởng thụ, tệ nạn xã hội, lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quan tâm công ích, bệnh thành tích, thương mại hóa giáo dục… (Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010). Gia đình, cộng đoàn, giáo xứ bạn đã quan tâm với các dấu chỉ thời đại này và có những đổi mới kịp thời chưa?

Sống Lời Chúa: Suy nghĩ về các dấu chỉ thời đại như gợi ý của Thư Chung trên đây, tôi và gia đình, cộng đoàn của tôi sẽ đề xuất những phương cách sống đức tin một cách thích hợp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy nhạy bén nhận dạng những dấu chỉ thời đại để điều chỉnh lối sống đạo cho phù hợp. Xin giúp chúng con linh động canh tân lối sống đạo ấy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa. Amen.


26/10/13                                          THỨ BẢY TUẦN 29 TN

                                                                               Lc 13,1-9

AI CÓ TỘI NHIỀU HƠN AI?

“Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao?” (Lc 13,2)

Suy niệm: Quan niệm “ác giả ác báo,” “xem kết quả biết nguyên nhân” không được Chúa Giêsu áp dụng trong trường hợp này. Sở dĩ như vậy vì Ngài biết rõ lòng dạ con người chứ không dừng lại ở một số các biểu hiện bên ngoài. Đức bác ái dạy ta phải “vui với người vui, khóc với người khóc”, chứ không luận tội, kết án người anh em dù họ có những biểu hiện sai lỗi bên ngoài. Chúng ta nhớ đến trường hợp anh mù từ mới sinh được Chúa chữa lành (x. Ga 9,2-3) Chúa không bảo anh bị mù là do tội của anh hay tội của cha mẹ anh. Chúa không cân đong tội ta để trừng phạt mà Ngài muốn mỗi người phải hết sức hoán cải, từ bỏ tội lỗi, đồng thời không suy đoán, cũng chẳng phán xét người khác cách cực đoan.

Mời Bạn: Con người thường vấp phải tội võ đoán, nhất là khi đối tượng bị xét đoán là người mình không ưa thích. Hãy thành thật hỏi lòng mình ai tốt hơn ai rồi mới kết luận. Nói như Chúa Giêsu: “hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã…” (Lc 6,42) và “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7).

Chia sẻ: Ai cũng là tội nhân, cần phải sám hối. Bạn thấy có cần nhớ đến sự thật này mỗi khi sắp xét đoán người khác không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ không hùa theo dư luận, thông tin báo chí để suy đoán và lên án người anh em. Đừng tưởng làm như thế là ta vô tội hơn người!

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhắc con thay vì lăm lăm cầm đá ném người khác, xin cho chúng con luôn nhớ mình là tội nhân, cần phải sám hối, hoán cải mỗi ngày và suốt cuộc đời. Amen.


27/10/13                              CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – C 

                                                                             Lc 18,9-14

THÁI ĐỘ KHI CẦU NGUYỆN

Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau đây: “…Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.” (Lc 18,10)

Suy niệm: Qua một dụ ngôn súc tích, Chúa Giêsu so sánh hai mẫu người để cho chúng ta biết thế nào là cầu nguyện. Ông Pharisêu thuộc mẫu người mắc “bệnh thành tích”: báo cáo của ông mọi thứ đều “vượt chỉ tiêu”: Luật Môsê buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội (Ds 29,7) và một số dịp đặc biệt khác, còn ông ăn chay một tuần hai lần; thuế thập phân thì ông nộp nghiêm túc không chỉ hoa lợi ngoài đồng (Đnl 14,22) mà còn đủ mọi thứ chi li: bạc hà, thì là, rau húng (Mt 23,23). Thế nhưng ông dẫm đạp người khác xuống để tôn mình lên: “Con không như người khác… hoặc như tên thu thuế kia.” Chính sự tự mãn này làm cho lời cầu nguyện của ông không được Chúa đoái trông đến.

Còn người thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình để đạp. Ông chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm. Ông đứng xa xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng ông đang khao khát: “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Chính vì lòng khao khát này mà ông được Chúa đoái thương và lời nguyện xin của ông được Ngài chấp nhận.

Mời Bạn: Đối chiếu hai mẫu người trên, bạn tự xét mình có thái độ nào trong khi cầu nguyện.

Sống Lời Chúa: Xét mình và thưa với Chúa một cách thật lòng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có lòng khiêm tốn chân thành của người thu thuế, để con đón nhận anh em con với tình thương mến và để con cũng được Chúa thương đón nhận. Amen.


28/10/13                                           THỨ HAI TUẦN 30 TN

Th. Simon và Giuđa, tông đồ                          Lc 6,12-19

CÁCH CHỌN LỰA CỦA CHÚA

Chúa Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)

Suy niệm: Đọc lịch sử ơn cứu độ chúng ta thấy Thiên Chúa chọn người cộng tác vào công trình của Ngài không dựa trên những tiêu chuẩn thông thường của con người: một Môsê ‘nói ngọng’ được chọn làm lãnh đạo; một Giêrêmia ‘con nít’ được chọn làm ngôn sứ. Ngay cả Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sau khi đã cầu nguyện suốt đêm mới chọn 12 ông làm tông đồ, thế mà các ông cũng đầy dẫy những khuyết điểm: đã nóng nảy như “con của thiên lôi” lại còn ham hố địa vị; đến như Simon-Phêrô được gọi là đá tảng của Hội Thánh mà gặp lúc nguy nan cũng bai bải chối thầy. Theo cái nhìn tự nhiên đây quả là một thất bại. Thế nhưng từ những con người như thế, Chúa đã huấn luyện, biến đổi để xây dựng một Hội Thánh mà “quyền lực tử thần không thắng được” (Mt 16,18).

Mời Bạn: Làm tông đồ cho Chúa đâu chỉ dành cho những người có trình độ, khả năng, bằng cấp cao, lại càng không căn cứ trên những thành công, mà còn có cả những thất bại. Chúa cũng gọi và chọn bạn dù bạn yếu đuối bất toàn. Bạn hãy để Chúa hành động nơi bạn, miễn là bạn cộng tác bằng niềm cậy trông tuyệt đối vào tình yêu của Ngài. Chúa sẽ thực hiện công trình của Ngài. Vì đó là công trình của Thiên Chúa chứ không phải của con người.

Sống Lời Chúa: ‘Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con vốn yếu đuối, nhưng Chúa vẫn thương chọn gọi và trao cho con sứ mạng làm chứng nhân của Chúa. Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa, để con nên người tông đồ đích thực của Chúa.


29/10/13                                            THỨ BA TUẦN 30 TN

                                                                           Lc 13,18-21

Ý NGHĨA CỦA HẠT CẢI, NẮM MEN

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải… Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men…” (Lc 13,19.21)

Suy niệm: Đã có nhiều nghiên cứu xem nước nào trên thế giới này là nơi đáng sống nhất. Kết quả có khi là Canada, là Pháp, lúc thì Thụy Điển, hay Na Uy… Có dạo, một số tờ báo Việt Nam nói rằng dân Việt Nam hạnh phúc… thứ nhì thế giới (?). Rốt cục, chẳng có nước nào là lý tưởng mà chỉ có những nước khá hơn và những nước tệ hơn thôi. Chúa Giêsu xác nhận có một nước lý tưởng, ở ngay thế giới này nhưng lại không dễ hình dung. Đó là “Nước Thiên Chúa”. Vì thế Ngài phải dùng nhiều hình tượng như “nắm men,” “hạt cải” để mô tả. Hai hình tượng này cho thấy Nước Thiên Chúa vốn nhỏ bé nhưng lớn lên không ngừng và một cách rất âm thầm, bằng chính năng lực bên trong của nó, cho đến khi trở thành như cây xum xuê, hay như toàn thúng bột dậy men.

Mời Bạn: Yếu tố chủ yếu để xác định Nước Thiên Chúa không phải là vị trí chính trị hay sức mạnh quân sự, kinh tế mà là năng lực (tức sức sống) bên trong: Ở đâu có năng lực ấy là có Nước Thiên Chúa; ở đâu năng lực ấy mạnh thì Nước Thiên Chúa mạnh, và ngược lại. Và cũng như hạt cải, nắm men phát triển mạnh mẽ nhưng âm thầm, thì mọi sự phô trương ‘hoành tráng’ bên ngoài không đương nhiên là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa (lắm khi cho thấy ngược lại nữa kia!). Năng lực đó là gì vậy? Là yêu thương, là Thánh Thần, là các giá trị Tin Mừng, v.v… Bạn còn có thể gọi nó bằng nhiều tên khác nữa.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn quyết tâm yêu thương nhiều hơn, để làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện nhiều hơn tại nơi mình sống.

Cầu nguyện: Kinh Hoà Bình.


30/10/13                                            THỨ TƯ TUẦN 30 TN

                                                                           Lc 13,22-30

TRỞ NÊN NHỎ BÉ ĐỂ VÀO QUA CỬA HẸP

Có người hỏi Đức Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,23-24)

Suy niệm: Trong thiên nhiên có một qui luật: Sống là chiến đấu. Phải vượt qua được những điều kiện khắc nghiệt nhất của cuộc đấu tranh sinh tồn, người ta mới có thể tồn tại được. Và đó cũng là qui luật chung: con đường sống dễ dãi làm cho người ta mất đi sức đề kháng cần thiết, lại là con đường dẫn đến diệt vong. Cuộc sống đức tin cũng được ví như một cuộc chiến đấu thiêng liêng đầy cam go. Con đường đức tin là con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều hy sinh phấn đấu: “Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24). Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, nặng nề vì những vun quén cá nhân, tự hào và tham vọng. Thật ra cửa vào sự sống không hẹp nhưng hẹp vì cái tôi trong con người quá to. Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại tới mức huỷ mình ra không, ta sẽ dễ dàng qua được cửa hẹp mà vào.

Mời Bạn: Con đường Chúa Giê-su đã chọn là con đường chật hẹp của thập giá. Để là Ki-tô hữu, bạn không có chọn lựa nào khác hơn là cùng đi với Ngài trên con đường ấy.

Sống Lời Chúa: Để quen đi trên con đường hẹp, mỗi ngày bạn tự nguyện làm một việc hy sinh hãm mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con luôn sẵn lòng đón nhận những hy sinh vì tình yêu Chúa để con được cùng đi với Chúa trên con đường hẹp của thập giá. Amen.


31/10/13                                         THỨ NĂM TUẦN 30 TN

                                                                           Lc 13,31-35

ĐÁP LẠI TÌNH YÊU CHÚA

“Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34)

Suy niệm: Khi hiện ra với thánh nữ Maria Margarita năm 1675, Chúa Giêsu tâm sự: “Đây là Trái Tim đã yêu thương nhân loại không bờ bến, không quản ngại một thứ gì cho đến hơi thở cuối cùng để làm chứng cho tình yêu, nhưng bù lại, Ta chỉ nhận được sự bội bạc qua lòng lạnh nhạt và đôi khi cả sự khinh thường… Nhưng điều làm Ta đau nhói hơn, đó là ngay cả những người mà trái tim đã dâng hiến cho Ta, cũng làm như thế.” Không gì cay đắng, làm quả tim vỡ vụn cho bằng dành trọn tình yêu cho ai đó, nhưng lại bị từ chối và coi thường. Kinh nghiệm đau thương này Đấng Cứu Thế ngày ấy đã trải qua với dân thành Giêrusalem và còn tiếp tục cảm nghiệm với con người cho đến ngày tận thế.

Mời Bạn: Gà con tập họp dưới cánh gà mẹ là hình tượng đẹp về tình yêu Chúa với con người, cũng như tương quan thân thiết giữa con người với Chúa. Ngược lại, gà con không để cho gà mẹ chở che, dẫn dắt là hình ảnh đáng buồn của con người khước từ tình yêu và hạnh phúc Ngài đem lại và vì thế, tự chuốc lấy bất hạnh. Bạn đang sống trong tương quan với Chúa theo hình ảnh nào?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ sửa đổi thói lạnh nhạt, coi thường tình yêu Chúa bằng cách quan tâm đến việc thờ phượng Chúa hơn (dự lễ, đọc Lời Chúa, cầu nguyện…) cũng như tích cực hơn trong các công tác của giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Trái Tim Chúa từng đau nhói nhiều lần vì sự bội bạc, lạnh nhạt của chúng con với Chúa. Xin cho chúng con biết thành tâm tạ lỗi qua tâm tình yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể mỗi ngày.

Chia sẻ Bài này:
[5] [6] [7]