5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 10-2013

27/10/13                              CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – C 

                                                                             Lc 18,9-14

THÁI ĐỘ KHI CẦU NGUYỆN

Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau đây: “…Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.” (Lc 18,10)

Suy niệm: Qua một dụ ngôn súc tích, Chúa Giêsu so sánh hai mẫu người để cho chúng ta biết thế nào là cầu nguyện. Ông Pharisêu thuộc mẫu người mắc “bệnh thành tích”: báo cáo của ông mọi thứ đều “vượt chỉ tiêu”: Luật Môsê buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội (Ds 29,7) và một số dịp đặc biệt khác, còn ông ăn chay một tuần hai lần; thuế thập phân thì ông nộp nghiêm túc không chỉ hoa lợi ngoài đồng (Đnl 14,22) mà còn đủ mọi thứ chi li: bạc hà, thì là, rau húng (Mt 23,23). Thế nhưng ông dẫm đạp người khác xuống để tôn mình lên: “Con không như người khác… hoặc như tên thu thuế kia.” Chính sự tự mãn này làm cho lời cầu nguyện của ông không được Chúa đoái trông đến.

Còn người thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình để đạp. Ông chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm. Ông đứng xa xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng ông đang khao khát: “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Chính vì lòng khao khát này mà ông được Chúa đoái thương và lời nguyện xin của ông được Ngài chấp nhận.

Mời Bạn: Đối chiếu hai mẫu người trên, bạn tự xét mình có thái độ nào trong khi cầu nguyện.

Sống Lời Chúa: Xét mình và thưa với Chúa một cách thật lòng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có lòng khiêm tốn chân thành của người thu thuế, để con đón nhận anh em con với tình thương mến và để con cũng được Chúa thương đón nhận. Amen.


28/10/13                                           THỨ HAI TUẦN 30 TN

Th. Simon và Giuđa, tông đồ                          Lc 6,12-19

CÁCH CHỌN LỰA CỦA CHÚA

Chúa Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)

Suy niệm: Đọc lịch sử ơn cứu độ chúng ta thấy Thiên Chúa chọn người cộng tác vào công trình của Ngài không dựa trên những tiêu chuẩn thông thường của con người: một Môsê ‘nói ngọng’ được chọn làm lãnh đạo; một Giêrêmia ‘con nít’ được chọn làm ngôn sứ. Ngay cả Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sau khi đã cầu nguyện suốt đêm mới chọn 12 ông làm tông đồ, thế mà các ông cũng đầy dẫy những khuyết điểm: đã nóng nảy như “con của thiên lôi” lại còn ham hố địa vị; đến như Simon-Phêrô được gọi là đá tảng của Hội Thánh mà gặp lúc nguy nan cũng bai bải chối thầy. Theo cái nhìn tự nhiên đây quả là một thất bại. Thế nhưng từ những con người như thế, Chúa đã huấn luyện, biến đổi để xây dựng một Hội Thánh mà “quyền lực tử thần không thắng được” (Mt 16,18).

Mời Bạn: Làm tông đồ cho Chúa đâu chỉ dành cho những người có trình độ, khả năng, bằng cấp cao, lại càng không căn cứ trên những thành công, mà còn có cả những thất bại. Chúa cũng gọi và chọn bạn dù bạn yếu đuối bất toàn. Bạn hãy để Chúa hành động nơi bạn, miễn là bạn cộng tác bằng niềm cậy trông tuyệt đối vào tình yêu của Ngài. Chúa sẽ thực hiện công trình của Ngài. Vì đó là công trình của Thiên Chúa chứ không phải của con người.

Sống Lời Chúa: ‘Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con vốn yếu đuối, nhưng Chúa vẫn thương chọn gọi và trao cho con sứ mạng làm chứng nhân của Chúa. Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa, để con nên người tông đồ đích thực của Chúa.


29/10/13                                            THỨ BA TUẦN 30 TN

                                                                           Lc 13,18-21

Ý NGHĨA CỦA HẠT CẢI, NẮM MEN

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải… Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men…” (Lc 13,19.21)

Suy niệm: Đã có nhiều nghiên cứu xem nước nào trên thế giới này là nơi đáng sống nhất. Kết quả có khi là Canada, là Pháp, lúc thì Thụy Điển, hay Na Uy… Có dạo, một số tờ báo Việt Nam nói rằng dân Việt Nam hạnh phúc… thứ nhì thế giới (?). Rốt cục, chẳng có nước nào là lý tưởng mà chỉ có những nước khá hơn và những nước tệ hơn thôi. Chúa Giêsu xác nhận có một nước lý tưởng, ở ngay thế giới này nhưng lại không dễ hình dung. Đó là “Nước Thiên Chúa”. Vì thế Ngài phải dùng nhiều hình tượng như “nắm men,” “hạt cải” để mô tả. Hai hình tượng này cho thấy Nước Thiên Chúa vốn nhỏ bé nhưng lớn lên không ngừng và một cách rất âm thầm, bằng chính năng lực bên trong của nó, cho đến khi trở thành như cây xum xuê, hay như toàn thúng bột dậy men.

Mời Bạn: Yếu tố chủ yếu để xác định Nước Thiên Chúa không phải là vị trí chính trị hay sức mạnh quân sự, kinh tế mà là năng lực (tức sức sống) bên trong: Ở đâu có năng lực ấy là có Nước Thiên Chúa; ở đâu năng lực ấy mạnh thì Nước Thiên Chúa mạnh, và ngược lại. Và cũng như hạt cải, nắm men phát triển mạnh mẽ nhưng âm thầm, thì mọi sự phô trương ‘hoành tráng’ bên ngoài không đương nhiên là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa (lắm khi cho thấy ngược lại nữa kia!). Năng lực đó là gì vậy? Là yêu thương, là Thánh Thần, là các giá trị Tin Mừng, v.v… Bạn còn có thể gọi nó bằng nhiều tên khác nữa.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn quyết tâm yêu thương nhiều hơn, để làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện nhiều hơn tại nơi mình sống.

Cầu nguyện: Kinh Hoà Bình.


30/10/13                                            THỨ TƯ TUẦN 30 TN

                                                                           Lc 13,22-30

TRỞ NÊN NHỎ BÉ ĐỂ VÀO QUA CỬA HẸP

Có người hỏi Đức Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,23-24)

Suy niệm: Trong thiên nhiên có một qui luật: Sống là chiến đấu. Phải vượt qua được những điều kiện khắc nghiệt nhất của cuộc đấu tranh sinh tồn, người ta mới có thể tồn tại được. Và đó cũng là qui luật chung: con đường sống dễ dãi làm cho người ta mất đi sức đề kháng cần thiết, lại là con đường dẫn đến diệt vong. Cuộc sống đức tin cũng được ví như một cuộc chiến đấu thiêng liêng đầy cam go. Con đường đức tin là con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều hy sinh phấn đấu: “Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24). Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, nặng nề vì những vun quén cá nhân, tự hào và tham vọng. Thật ra cửa vào sự sống không hẹp nhưng hẹp vì cái tôi trong con người quá to. Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại tới mức huỷ mình ra không, ta sẽ dễ dàng qua được cửa hẹp mà vào.

Mời Bạn: Con đường Chúa Giê-su đã chọn là con đường chật hẹp của thập giá. Để là Ki-tô hữu, bạn không có chọn lựa nào khác hơn là cùng đi với Ngài trên con đường ấy.

Sống Lời Chúa: Để quen đi trên con đường hẹp, mỗi ngày bạn tự nguyện làm một việc hy sinh hãm mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con luôn sẵn lòng đón nhận những hy sinh vì tình yêu Chúa để con được cùng đi với Chúa trên con đường hẹp của thập giá. Amen.


31/10/13                                         THỨ NĂM TUẦN 30 TN

                                                                           Lc 13,31-35

ĐÁP LẠI TÌNH YÊU CHÚA

“Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34)

Suy niệm: Khi hiện ra với thánh nữ Maria Margarita năm 1675, Chúa Giêsu tâm sự: “Đây là Trái Tim đã yêu thương nhân loại không bờ bến, không quản ngại một thứ gì cho đến hơi thở cuối cùng để làm chứng cho tình yêu, nhưng bù lại, Ta chỉ nhận được sự bội bạc qua lòng lạnh nhạt và đôi khi cả sự khinh thường… Nhưng điều làm Ta đau nhói hơn, đó là ngay cả những người mà trái tim đã dâng hiến cho Ta, cũng làm như thế.” Không gì cay đắng, làm quả tim vỡ vụn cho bằng dành trọn tình yêu cho ai đó, nhưng lại bị từ chối và coi thường. Kinh nghiệm đau thương này Đấng Cứu Thế ngày ấy đã trải qua với dân thành Giêrusalem và còn tiếp tục cảm nghiệm với con người cho đến ngày tận thế.

Mời Bạn: Gà con tập họp dưới cánh gà mẹ là hình tượng đẹp về tình yêu Chúa với con người, cũng như tương quan thân thiết giữa con người với Chúa. Ngược lại, gà con không để cho gà mẹ chở che, dẫn dắt là hình ảnh đáng buồn của con người khước từ tình yêu và hạnh phúc Ngài đem lại và vì thế, tự chuốc lấy bất hạnh. Bạn đang sống trong tương quan với Chúa theo hình ảnh nào?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ sửa đổi thói lạnh nhạt, coi thường tình yêu Chúa bằng cách quan tâm đến việc thờ phượng Chúa hơn (dự lễ, đọc Lời Chúa, cầu nguyện…) cũng như tích cực hơn trong các công tác của giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Trái Tim Chúa từng đau nhói nhiều lần vì sự bội bạc, lạnh nhạt của chúng con với Chúa. Xin cho chúng con biết thành tâm tạ lỗi qua tâm tình yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể mỗi ngày.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment