5 Phút cho Lời Chúa Tháng 09-2015

20/09/15                              CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN – B

                                                                            Mc 9,30-37

DÀNH CHO AI MUỐN LÀM “LỚN”

Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35)

Suy niệm: Một điều thật trớ trêu: đang khi Thầy loan báo cuộc khổ nạn thì trò lại tranh giành địa vị cao thấp. Cách cư xử của Đức Giê-su thật tế nhị: Ngài không xen vào  cuộc tranh luận, mà Ngài đợi về đến nhà mới hỏi. Ngài cũng chẳng nặng lời với các ông. Cách giáo dục của Đức Giê-su cũng thật khéo léo: Ngài không dập tắt tham vọng của các môn đệ. Ngài thanh lọc và hướng tham vọng ấy lên cao hơn. Thay cho tham vọng thống trị, Đức Giê-su hướng các ông đến lòng khát khao phục vụ. Thay cho tham vọng vun quén mọi sự cho bản thân, Ngài hướng các ông đến ước muốn xả thân cho người khác. Trong Nước của Đức Giê-su, người lớn nhất là người phục vụ hết mình nhất.

Mời Bạn: Can đảm nhận ra những tham vọng đang chi phối bạn: Tâm hồn bạn không được bình an, khi bạn lúc nào cũng bị chi phối bởi ý tưởng hơn thua, được mất, chỗ cao chỗ thấp… Bạn đang làm mọi sự để xây dựng cho cái tôi của bạn. Bạn đang chọn chỗ cao nhất trong thế giới của bạn, nhưng là chỗ thấp nhất trong Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Có thể bạn cũng là người có chút quyền hành; mời bạn xét mình: Bạn dùng quyền hành để phục vụ người khác hay để củng cố uy tín của mình? Quyền hành có làm bạn trở nên cứng cỏi với tha nhân và biến họ thành nô lệ cho ý riêng của bạn không? Mời bạn rút ra một quyết tâm cho mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết noi theo gương sống của Chúa: phục vụ như một tôi tớ, dùng chức vụ, quyền bính như một phương tiện để phục vụ theo tinh thần khiêm cung và yêu thương của Chúa.


21/09/15                                           THỨ HAI TUẦN 25 TN

Th. Mát-thêu, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng Mt 9,9-13

MONG ĐIỀU CHA MUỐN CŨNG LÀ ĐIỀU CON MUỐN

“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9,13)

Suy niệm: Không có gì bất thường khi vị trí của thầy thuốc là ở bên cạnh bệnh nhân. Thế nên dù bị những người Pha-ri-sêu xầm xì tại sao Ngài lại “ăn uống với phường thu thuế và quân tội lỗi”, Chúa Giê-su khẳng định sứ mạng của Ngài đến trong trần gian này là để “kêu gọi những người tội lỗi”. Điều mà bệnh nhân Lê-vi mong mỏi bấy lâu thì bây giờ ông gặp được: đó là Giê-su, vị lương y cho tâm hồn ông. Vì thế, khi Chúa Giê-su gọi ông, ông liền đứng dậy đi theo Ngài. Hai tâm hồn có sự đồng cảm: một là lòng thương xót, hai là lòng thống hối. Thống hối và thương xót sánh đôi như hình với bóng; đây cũng là kinh nghiệm tâm linh của mỗi chúng ta.

Mời Bạn: Ơn gọi của Mát-thêu làm chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Chúa đâu có đòi hỏi chúng ta những lễ vật cao sang vì quả thật Chúa đâu cần và ta đâu có của gì xứng đáng với Chúa. Khi ta muốn Phúc Âm hóa đời sống mình là lúc ta muốn điều Chúa mong mỏi nơi ta. Ngài chỉ mong mỏi nơi chúng ta một điều đó là thái độ chân thành và dứt khoát để hoán cải đi theo Chúa như Mát-thêu đã làm.

Sống Lời Chúa: Mỗi tối khi xét mình ta nên tự hỏi ngày hôm nay tôi có muốn và thuận theo Lời Chúa dạy hay không. Của lễ ta dâng Ngài là tâm hồn thống hối ăn năn vì đó là điều Chúa cần nơi ta để có thể tiếp tục đón nhận Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn gọi thánh Mát-thêu không phải vì Ngài có công trạng gì, nhưng thánh nhân chỉ có khát vọng từ bỏ công việc đầy tai tiếng mình đang làm. Ước gì Chúa cũng giúp con như vậy.


22/09/15                                            THỨ BA TUẦN 25 TN

                                                                             Lc 8,19-21

LÀ NGƯỜI THÂN VỚI CHÚA

Chúa Giê-su đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)

Suy niệm: Người đời thường nói “một người làm quan cả họ được nhờ” bởi vì từ xưa đến nay trong xã hội, vẫn ngầm tồn tại một quy luật là bất cứ việc gì hễ có “nhất thân nhì thế” lập tức sẽ trôi chảy ngay. Và ngay cả khi không có “dây mơ rễ má” gì, thì người ta cũng cố tìm người sang, bắt quàng làm họ, để còn cậy nhờ khi hữu sự. Não trạng đó đã gây ra biết bao điều tệ hại cho xã hội. Đối lại những người muốn áp dụng điều đó cho Ngài, Chúa Giê-su chỉ ra cách thức để tạo một mối tương giao thân thích đích thực với Ngài: Đó là lắng nghe và thực hành lời Chúa. Chính Chúa Giê-su nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Mời Bạn: Được làm người thân với Thiên Chúa, có là Tin Mừng cho bạn ngày hôm nay không? Muốn thế hãy thực hiện phương cách Chúa dạy: Lắng nghe và Thực hành Lời Ngài. Mời bạn mở Kinh Thánh, đọc và chìm sâu trong tâm tình cầu nguyện. Và Chúa sẽ tỏ cho bạn biết bạn phải thực hành điều gì cho đẹp lòng Ngài. Và rồi bạn sẽ thấy Chúa ở trong bạn và bạn ở trong Chúa.

Sống Lời Chúa: Đọc cả đoạn Phúc Âm của ngày hôm nay, suy gẫm và thưa Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường tìm cách để làm đẹp lòng người đời, làm quen với người thế giá, kết bạn với người nổi tiếng, trong khi đó, Chúa vĩ đại hơn nhiều, thì chúng con lại thờ ơ, Chúa chung thủy muôn đời, thì con lại bỏ mặc. Xin cho chúng con biết thực hành Lời Chúa để trở thành người thân của Chúa. Amen.


23/09/15                                            THỨ TƯ TUẦN 25 TN

Th. Pi-ô Pi-et-ren-xi-na, linh mục                        Lc 9,1-6

THANH THOÁT VÌ SỨ MẠNG

“Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” ( Lc 9,3)

Suy niệm: Nhóm Mười Hai được Đức Giê-su sai đi trong một sứ vụ ngắn ngày cũng giống như chiến dịch Mùa Hè Xanh của các sinh viên tình nguyện. Song có một điều rất khác, đó là nhóm của Đức Giê-su ngày ấy không được phép trang bị gì cả. Thật ra, hành trang của các vị không phải là số không! Mà là “năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật”, và qua đó các ngài “rao giảng Nước Thiên Chúa”. Phải chăng khi ban hành mệnh lệnh ‘siêu-thoát-đối-với-những-bảo-đảm-vật-chất’ này cho các môn đệ, Đức Giê-su đã nhìn xuyên qua các thế kỷ và đã thấy sự ‘cồng kềnh’ nơi nhiều môn đệ Người hôm nay? Phải chăng Đức Giê-su thấy rõ rằng quá chú trọng đến những phương tiện vật chất dễ làm cho người môn đệ trở thành nô lệ cho chúng, và dễ đánh mất những gì là cốt yếu nhất của sứ điệp Nước Trời?

Mời Bạn: Các giám mục Việt Nam xác tín rằng Giáo Hội tại đây phải là “một Giáo Hội nghèo, khiêm nhường và nhỏ bé để dễ chan hòa trong những đám đông nghèo” (Trả lời cho Lineamenta, Synod 1998). Chúa Giê-su muốn các môn đệ Người phải có một tâm hồn thanh thoát trên đường sứ mạng.

Chia sẻ: Làm sao để sống tinh thần siêu thoát của Tin Mừng trong thế giới hưởng thụ và thực dụng hôm nay?

Sống Lời Chúa: Bình tâm suy xét khi sử dụng các phương tiện vật chất và vui vẻ từ bỏ chúng vì lợi ích của Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giàu sang, tiện nghi, lạc thú luôn là mãnh lực lôi kéo chúng con. Xin cho chúng con biết sống thanh thoát để nêu chứng tá về lòng tin tưởng vào Chúa.


24/09/15                                         THỨ NĂM TUẦN 25 TN

                                                                                 Lc 9,7-9

GẶP ĐỨC KI-TÔ ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI

Vua Hê-rô-đê tìm cách thấy mặt Đức Giê-su. (Lc 9,9)

Suy niệm: Những tưởng rằng Hê-rô-đê tìm cách thấy mặt Đức Giê-su vì mối giao cảm “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” này; những tưởng rằng sau này, khi ông được gặp Chúa ngay trong cuộc thương khó của Ngài, ông sẽ được đánh động sâu xa, sẽ hoán cải, và biết đâu lại trở thành một môn đệ đặc biệt của Chúa! Thế nhưng, đó chỉ là chuyện giả tưởng; thực tế chứng minh điều ngược lại: ông đã chế giễu Chúa là một người kẻ điên khùng (x. Lc 23,8-11). Tại sao biết bao người gặp được Đức Giê-su và được biến đổi, còn Hê-rô-đê lại không? Tại sao các ông Phê-rô và Gia-cô-bê gặp Chúa Giê-su và trở thành môn đệ Ngài (Ga 1,35-39)? Tại sao Gia-kêu được Chúa đến thăm nhà và đã hối cải (Lc 19,1-10)? Tại sao Lê-vi, người thu thuế đã trở thành Mát-thêu, vị tông đồ viết sách Tin Mừng Chúa Giê-su (Mc 2,13-17)?

Mời Bạn tiếp tục đặt câu hỏi “tại sao” với chính mình: Tại sao tôi đã được tiếp xúc với Đức Ki-tô biết bao lần, qua Kinh Thánh, qua các bí tích, qua biết bao lời giảng dạy, thế mà tôi chưa hoán cải? Mời bạn đọc lại các đoạn Phúc Âm được trích dẫn ở trên và so sánh thái độ của những người đã gặp Chúa và hoán cải. Và bạn rút ra kết luận cho chính mình.

Chia sẻ: Cuộc gặp gỡ của ai trong các đoạn Lời Chúa trên đây đánh động bạn nhất? Tại sao? Mời bạn chia sẻ trong giờ chia sẻ Lời Chúa của nhóm bạn.

Sống Lời Chúa: Tự nhủ mình: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng” (Tv 94,7-8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đổ tràn đầy ơn Thánh Thần Chúa xuống tâm hồn con, để con mềm lòng hoán cải khi con lắng nghe Lời Chúa.


25/09/15                                          THỨ SÁU TUẦN 25 TN

                                                                             Lc 9,18-22

“ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?”

Đức Giê-su hỏi các môn đệ rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai ?”…. Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”… (Lc 9,18.20)

Suy niệm: Trải qua các thời đại cho đến ngày hôm nay, lời giảng dạy và hành động và cả chính con người của Chúa Giê-su đã khiến cho người ta không ngừng thắc mắc: Ngài là ai? Chúa Giê-su không cần các môn đệ nói mới biết ý kiến của người đương thời về Ngài. Điều cần thiết hơn cả là Ngài muốn các môn đệ nói lên chính họ nhìn nhận Ngài là ai. Ngài không muốn các môn đệ nhìn Ngài như người ta nghĩ, người ta tưởng về Ngài, mà trái lại Ngài muốn họ có một hiểu biết đúng Ngài là ai: “là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” và nhất là muốn họ có thái độ dấn thân quả quyết, dứt khoát để đi theo làm môn đệ của Ngài.

Mời Bạn tự vấn nhận thức và thái độ của mình đối với Đức Ki-tô: “Giờ này, đối với tôi, Đức Ki-tô là ai rồi?… Ngài còn là Ngài hay thôi?” Tôi đã thực sự biết Ngài và sống thiết nghĩa với Ngài như với Đấng là Thiên Chúa và là Chủ đời tôi? Hay tôi vẫn nhìn Ngài theo cảm nhận chủ quan, theo dư luận, quan điểm của thế gian?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi đọc Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể, bạn dành thời gian tâm sự thân tình với Chúa Ki-tô để bạn thực sự được gặp gỡ Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, không ai có thể làm thay con, nhưng con phải tự mình khám phá khuôn mặt Chúa trong suốt cuộc đời con. Xin ban cho con đôi mắt trong sáng để nhận ra Chúa mọi nơi mọi lúc; và đôi tai mở rộng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời. Xin giúp con sống điều Chúa dạy, để người khác cũng nhận ra khuôn mặt đáng yêu của Chúa nơi chính cuộc đời con.


26/09/15                                          THỨ BẢY TUẦN 26 TN

Th. Cót-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo                Lc 9,43b-45

NỘP MÌNH

“Con Người sắp bị nộp mình vào tay người đời.” (Lc 9,44)

Suy niệm: Khi Con Thiên Chúa sinh xuống thế làm người, Ngài đã có một Ma-ri-a đồng trinh, hiền lành, nhu mì làm Mẹ, một Giu-se nghèo khó làm cha nuôi, một ngôi làng bé nhỏ Na-da-rét làm chốn ẩn thân, một nghề thợ mộc khiêm tốn nuôi thân. Rồi Ngài lại kết thúc cuộc đời dương thế bằng cái chết thê thảm nhất: chịu xử án, chịu đánh đòn, chịu sỉ nhục và cuối cùng, chịu đóng đinh và chết trên cây thập ác. Đâu phải đợi đến phút cuối, mà ngay từ giây phút đầu tiên đầu thai trong lòng Đức Nữ Trinh, Ngài đã “nộp mình vào tay người đời” để vẫn trung thành “nộp mình” theo thánh ý Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng: “Lạy Cha, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Chọn lựa cơ bản của Chúa Giê-su là không chọn lựa theo ý riêng mình mà “nộp mình” theo thánh ý Chúa Cha.

Mời Bạn: Chúng ta đâu có chọn cho mình một người Mẹ, một người Cha, hay một nơi nào làm nơi chôn nhau cắt rốn. Và chúng ta càng không biết mình sẽ chết ở đâu, lúc nào và như thế nào. Vậy tại sao cứ mãi loay hoay chống chọi trong cái thân phận bọt bèo của mình mà không biết chọn lựa “nộp mình” cho Thiên Chúa định liệu? Thật đáng tiếc!

Chia sẻ: “Nộp mình” như Đức Giê-su có phải là phủ nhận sự tự do của con người hay không?

Sống Lời Chúa: Nhìn sự vật dưới con mắt đức tin để phó thác mọi sự cho Chúa định liệu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa có quyền chọn lựa tất cả nhưng Chúa vẫn “nộp mình” cho Thiên Chúa Cha định liệu. Xin cho con biết noi gương Ngài cố gắng tín thác cuộc đời con cho Chúa qua từng biến cố đời con. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment