5 Phút cho Lời Chúa Tháng 08-2015

09/08/15                              CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – B

                                                                            Ga 6,41-51

BÁNH HẰNG SỐNG LÀ BÁNH TỪ TRỜI XUỐNG

“Tôi là bánh từ trời xuống… để ai ăn thì khỏi phải chết.” (Ga 6,41.50)

Suy niệm: Để có thể tin vào lời khẳng định của Chúa Giê-su, trước tiên con người phải được Chúa Cha lôi kéo. Nói cách khác, người ấy được Thiên Chúa ban cho đức tin, vì Thánh Thể là bí tích của đức tin. Chỉ những ai tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, là Thiên Chúa làm người mới có thể đón nhận Ngài là lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời. Quả thật, mầu nhiệm Thánh Thể là một thách đố lớn cho đức tin của ta. Trước thách đố ấy, phải vượt qua con chữ, cũng như vẻ tầm thường bên ngoài của tấm bánh chén rượu, rồi truy tìm cho đến nguồn ngọn căn tính đích thật của Chúa, ta mới có thể đón nhận sự sống thiêng liêng Chúa muốn thông truyền cho ta.

Mời Bạn: Hằng ngày, người tín hữu được mời gọi đến với Bánh Hằng Sống, với phép Thánh Thể. Chúa muốn ta khám phá hơn nữa về căn tính của Ngài qua hình bánh hình rượu đã trở thành Thánh Thể; đồng thời thúc đẩy ta tìm thấy niềm vui đích thực giúp ta loan báo Tin Mừng. Rất có thể ta đã bỏ qua chiều kích này khi rao giảng Chúa Giê-su cho mọi người. Ta chỉ dừng lại nơi Chúa Giê-su lịch sử trong Tin Mừng, mà quên mất Chúa Giê-su nơi Thánh Thể.

Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực làm chứng và loan báo Đức Giê-su là Bánh Hằng Sống, chỉ có Ngài mới có thể đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con tin mạnh mẽ hơn nữa vào sự hiện diện thực sự của Chúa trong phép Thánh Thể. Nhờ niềm tin và niềm vui này, con sẽ hăng hái, nhiệt thành hơn trong việc dấn thân loan báo niềm vui Tin Mừng cho anh chị em. Amen.


10/08/15                                           THỨ HAI TUẦN 19 TN

Th. Lô-ren-xô, phó tế, tử đạo                       Ga 12,24-26

THÂN PHẬN HẠT LÚA

“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh nhiều bông hạt.” (Ga 12,24)

Suy niệm: Thân phận hạt lúa là một nghịch lý, nhưng lại là chân lý cơ bản cho đức tin và cuộc sống người ki-tô hữu. Hạt lúa phải chết mới được sống và sống dồi dào hơn. Nếu nó được bảo vệ, được an toàn thì nó sẽ bất động và vô hiệu. Nhưng nếu nó phải chịu chôn vùi trong lòng đất lạnh, chịu mục nát như thể đã chết đi, thì sức sống tiềm tàng nơi nó mới phát triển và sinh trái dồi dào. Các vị tử đạo, và đặc biệt, thánh Lô-ren-xô phó tế tử đạo chúng ta mừng kính hôm nay, là nhân chứng hùng hồn cho chân lý-nghịch lý này: “Máu các vị tử đạo là hạt giống phát sinh Hội Thánh” (Tertullian); “Các ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất để Hội Thánh Việt Nam thu lượm được mùa lúa dồi dào” (Kinh các thánh tử đạo Việt Nam).

Mời Bạn: Là ki-tô hữu, bạn là hạt lúa được mời gọi cùng Đức Ki-tô chết đi trong mầu nhiệm thập giá để cùng với Ngài sống lại trong mầu nhiệm phục sinh. Đó chính là ơn gọi của bạn trong Bí tích Thánh Tẩy. Bạn đã ý thức điều đó chưa? Bạn đã sống thân phận hạt lúa của người ki-tô hữu như thế nào?

Chia sẻ: “Gẫm Đàng Thánh Giá” là một việc làm đạo đức giúp suy niệm mầu nhiệm thập giá Chúa Ki-tô. Bạn thực hành việc đó bao lâu một lần?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn hãy tự nguyện làm một việc hy sinh, dù nhỏ, để tập sống mầu nhiệm thập giá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dùng thập giá để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến thập giá Chúa và sẵn sàng vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.


11/08/15                                            THỨ BA TUẦN 19 TN

Th. Clara, trinh nữ                                Mt 18,1-5.10.12-14

TỰ HẠ NÊN TRẺ NHỎ

“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)

Suy niệm: Không ít người xôn xao khi Bộ Giáo Dục Đào Tạo đưa ra bản dự thảo mô hình trường mới, trong đó, các em lớp trưởng tiểu học sẽ được gọi là “chủ tịch”. Người ta sợ rằng cách gọi như thế sẽ hình thành trong đầu óc non trẻ của các em tâm lý háo danh, ảo tưởng quyền lực và trở nên kiêu căng. Khi đề cập đến mẫu hình trẻ nhỏ mà mọi người phải trở nên để được vào Nước Trời, Chúa Giê-su không hề lấy mẫu hình một trẻ nhỏ háo danh, kiêu căng và đầy óc thống trị, bằng chứng là Chúa đã ví thế hệ kiêu căng chẳng khác gì lũ trẻ ngồi ở chợ thổi sáo đòi buộc thiên hạ phải phụ họa theo; trái lại, trẻ nhỏ kiểu mẫu Chúa muốn mọi người trở nên là trẻ nhỏ có lòng khiêm nhu tự hạ như trẻ nhỏ trước thánh nhan Chúa và tự hạ như trẻ nhỏ trong vòng tay của Chúa: “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4). Như trẻ nhỏ trước Chúa để thờ phượng và vâng theo Chúa; như trẻ nhỏ trong vòng tay Chúa để phó thác cuộc đời cho Chúa.

Mời Bạn: Trong một thế giới quá tự mãn về những thành tựu, chúng ta có thể bị ảnh hưởng và tự xem mình như là “người lớn” để tự quy định mọi chuẩn mực luân lý, không còn dựa vào lời Chúa và giáo huấn Hội Thánh. Bạn phải sửa đổi gì để sống theo lời Chúa dạy hôm nay?

Sống Lời Chúa: Dành vài phút gặp gỡ Chúa trong tĩnh lặng và đưa ra một quyết tâm thực hành lời Chúa hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tuân theo thánh ý Chúa trong mọi chọn lựa, vì con là con của Chúa và Chúa là Chúa của con.


12/08/15                                            THỨ TƯ TUẦN 19 TN

Th. Gio-an-na Phan-xi-ca Xăng-tan, nữ tu  Mt 18,15-20

KHI NGƯỜI ANH EM TRÓT PHẠM

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” (Mt 18,15)

Suy niệm: Cộng đoàn Hội Thánh gồm những tội nhân đang cần được ơn thánh Chúa biến đổi mỗi ngày để trở nên thánh thiện. Đó là những con người bất toàn, những người cần được tha thứ, cần được chữa lành để thay đổi trở nên tốt hơn. Chính vì thế, việc sửa chữa lỗi lầm cho nhau là việc đương nhiên phải làm. Thế nhưng việc sửa chữa lỗi lầm của người khác như uốn một cành cây, là cả một nghệ thuật. Có những cách chỉnh sửa làm cho người có lỗi khiêm nhường nhận lỗi và thành tâm sám hối. Nhưng cũng có những cách phản tác dụng, làm cho họ thấy mình bị xúc phạm, đâm ra bất mãn và càng cố chấp hơn. Cách thức sửa lỗi Chúa Giêsu đề nghị ở đây là những bước đi rất tế nhị, luôn quan tâm bảo vệ danh dự người anh em cho dù họ là người có lỗi: “hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Như thế, không chỉ người anh em đó, mà chính chúng ta cũng phải nỗ lực tìm kiếm và quyết tâm trở về với chân lý, đặt mình trước tôn nhan Thiên Chúa, Đấng thấu biết mọi sự.

Mời Bạn: Trong cộng đoàn mỗi khi có người lầm lỗi, bạn có làm theo phương cách Chúa dạy không? Hay cứ theo cảm tính tự nhiên, thiên lệch, nhục mạ, trút giận lên người có lỗi. Bạn có đủ nhẫn nại khi sống chung với những anh em mang cố tật rất khó thay đổi không?

Sống Lời Chúa: Tìm gặp, lắng nghe một người anh em trong cộng đoàn của bạn mắc lầm lỗi và khích lệ, trợ giúp người ấy trỗi dậy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ý thức rằng, xây dựng vẫn hơn phá đổ, hòa hợp vẫn hơn hiềm khích, khích lệ vẫn hơn chê bai, vì Chúa là Tình Yêu.


13/08/15                                         THỨ NĂM TUẦN 19 TN

Th. Pon-ti-a-nô, giáo hoàng và Híp-pô-li-tô, linh mục, tử đạo

                                                                        Mt 18,21-19,1

THA THỨ ĐẾN VÔ CÙNG

Ông Phê-rô hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22)

Suy niệm: Nếu Thiên Chúa càng tỏ rõ vinh quang và sự cao cả của Ngài khi Ngài tha thứ thì con người càng nên giống Thiên Chúa khi biết tha thứ cho nhau. Chính vì thế mà Đức Giê-su đòi hỏi phải tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ đến vô cùng, lúc đó mới có thể nói “tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta”. Như thế, tha thứ được xem như đòi hỏi hàng đầu không phải đối với một số thành phần ưu tuyển mà là đối với mọi Ki-tô hữu.

Mời Bạn: Trong thực tế chúng ta đều có kinh nghiệm rằng tha thứ như thế không phải là chuyện dễ dàng: “Tôi sẵn lòng tha thứ, nhưng tôi sẽ không thể quên sự xúc phạm người đó đã làm cho tôi, tôi sẽ không bao giờ tin tưởng người đó nữa.” Tha thứ như thế chưa phải là tha thứ thực sự, chưa phải là tha thứ như Chúa đã tha: xoá sạch cả tội lỗi lẫn hình phạt do tội gây ra và còn phục hồi cho con người địa vị và phẩm giá là người con của Thiên Chúa.

Chia sẻ: “Để có thể tha thứ, phải có một tình yêu lớn hơn nỗi đau vì bị xúc phạm”. Bạn hãy thảo luận trong nhóm bạn về kinh nghiệm này.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm hành vi tha thứ của Chúa Giê-su trên thập giá để thấm nhập tinh thần của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa biết con khó tha thứ cho người anh em đã xúc phạm đến con. Xin Chúa giúp con biết noi gương Chúa trên thập giá còn tha thứ cho kẻ đã đóng đinh mình.


14/08/15                                          THỨ SÁU TUẦN 19 TN

Th. Mắc-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, linh mục, tử đạo Mt 19,3-12

KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)

Suy niệm: Bước vào đời sống hôn nhân, ai cũng muốn được sống trăm năm chung thủy với người bạn đời của mình. Thế nhưng, tình trạng ly dị hiện nay xảy ra như cơm bữa, thậm chí được khích lệ một cách nào đó bởi một số quốc gia cho phép ly dị. Tại sao xảy ra thảm cảnh này trong đời hôn nhân? Chúa Giêsu đã giải thích rõ lý do như sau: “vì họ lòng chai dạ đá” (Mt 19,8), chứ ban đầu không có thế đâu. Nói cách khác, vì người ta “lòng chai dạ đá” trước thánh ý của Thiên Chúa, nên người ta xem thường sự chung thủy trong hôn nhân. Chúa Giê-su nói, từ ban đầu, Thiên Chúa nối kết hai người nam nữ và hôn ước của họ có giá trị bất khả phân ly. Khi Chúa Giê-su đến, Ngài đã nâng hôn nhân lên thành bí tích, vừa tác thánh đôi vợ chồng, vừa để đôi vợ chồng dùng tình yêu chung thủy của họ diễn tả sự chung thủy của Chúa Giê-su với Hội Thánh. Chúa Giê-su yêu Hội Thánh đến cùng, vì thế, đời sống hôn nhân đòi buộc hai người vợ chồng bước vào cuộc sống gắn bó với nhau cho đến chết. “Lòng chai dạ đá” đã làm nhiều người cố tình quên điều cốt lõi này của hôn nhân, nên “vội đến, vội đi”, khi hợp khi tan. Vả lại, hôn nhân là một sự chọn lựa, chọn lựa người mình yêu, chứ hôn nhân đâu phải vì thích hay không thích. Chúng ta có thể chọn yêu một người dẫu không thích. Chúa Giêsu chọn chúng ta và làm cho chúng ta đáng yêu đấy thôi!

Mời Bạn: Hội Thánh dạy, “do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời ”.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho các đôi vợ chồng được chung thủy với nhau.

Cầu nguyện: Đọc kinh Gia Đình.


15/08/15                                          THỨ BẢY TUẦN 19 TN

Đức Mẹ hồn xác lên trời                                   Lc 1,39-56

CÙNG VỚI MẸ ĐI THEO CHÚA

“Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,45)

Suy niệm: “Ave Maria” là lời tung hô quen thuộc mà các tín hữu mọi thời vẫn cất lên để ca ngợi Đức Ma-ri-a, vì Mẹ thật diễm phúc. Mẹ có phúc vì Mẹ đã TIN rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với Mẹ. Mẹ tin rằng, Đấng đã hứa chính là Thiên Chúa, nên những lời Ngài hứa sẽ bảo đảm hiện thực. Nhờ lòng tin đó, Mẹ đã vượt qua mọi nghi ngại, khổ đau trên bước đường theo Chúa để hoàn thành sứ mạng của mình. Với một vài đoạn ngắn ngủi trong trình thuật các sách Tin Mừng, chân dung Đức Ma-ri-a – người môn đệ đầu tiên theo Chúa – được khắc họa rõ nét đúng tiêu chuẩn cần có của một môn đệ: tín thác và trung thành. Là những môn đệ của Chúa, chúng ta cần phải noi gương của Mẹ để trở thành người môn đệ tốt của Chúa Giê-su, luôn tín thác và trung thành với Thiên Chúa trong đời sống đức tin của mình.

Mời Bạn: Các tín hữu luôn đến cùng Đức Mẹ để xin ơn và nguyện cầu. Đây là điều cần thiết để nuôi dưỡng tâm tình sống đạo. Tâm tình này đòi hỏi chúng ta phải biết sống như Mẹ, để dầu phải đối diện với những nghịch cảnh, chúng ta vẫn luôn trung thành và tín thác vào Thiên Chúa như Mẹ đã sống.

Sống Lời Chúa: Lần một chuỗi Mân Côi. Cùng với Mẹ, cứ mỗi chục hạt, bạn dâng lên Chúa một ý nguyện để cầu cho giáo xứ của bạn trong năm Tân Phúc Hóa giáo xứ này.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, Mẹ diễm phúc có Chúa ở với. Nhờ ân phúc của Mẹ, chúng con hôm nay cũng được Chúa ở với. Xin cho chúng con bắt chước Mẹ, tin yêu và phó thác mọi sự cho Chúa như Mẹ đã nêu gương.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment