5 Phút cho Lời Chúa Tháng 06-2015

07/06/15                              CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – B

lễ mình và máu thánh chúa        Mc 14,12-16.22-26

GIÊ-SU – ĐIỂM HẸN

Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy!” (Mc 14,22)

Suy niệm: Các trình thuật Tin Mừng từ phép lạ bánh hóa nhiều, bữa Tiệc ly, đến bữa tối với các môn đệ Em-mau, đều cho thấy Đức Giê-su làm bốn động tác quen thuộc: “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ratrao ban.” Bốn động tác ấy trở thành biểu trưng cho việc cử hành Thánh Thể. Đức Giê-su, tấm bánh được bẻ ra và trao ban cho mọi người, là nền tảng cho sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong mầu nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa đến “cư ngụ giữa chúng ta;” còn trong Bí tích Thánh Thể, Ngài ở lại với con người “mọi ngày cho đến tận thế.” Với ta, “cầm lấy bánh” là cầm lấy cuộc đời, cầm lấy những gì thuộc về mình để rồi biết “dâng lời chúc tụng” về món quà Thiên Chúa tặng ban. “Bẻ ra và trao ban” của cải, thời gian, tài năng… cho những người lân cận.

Bạn ơi, Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu Chúa Ki-tô, là lương thực thần linh, nơi bạn sống mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Cây cầu hiệp thông đã được nối kết, bạn có thể tìm đến gặp gỡ, kết hiệp nên một với vị Thiên Chúa sống động, gần gũi và luôn ở giữa dân Người. Dù bạn là ai, như thế nào, hãy nhớ rằng: Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể là Điểm Hẹn cho bạn tìm đến và tìm về.

Sống Lời Chúa: Tôi năng nhớ Chúa trong suốt ngày sống với lời nguyện tắt, hoặc đọc kinh Rước lễ thiêng liêng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã thương cho con có được mối tương quan tình bạn thân tình với Chúa. Xin cho con luôn biết tìm đến và tìm về điểm hẹn Tình yêu Thánh Thể, nơi Chúa hằng chờ đợi con. Amen.


08/06/15                                           THỨ HAI TUẦN 10 TN

                                                                               Mt 5,1-12

KHỔ CÓ PHÚC

“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (Mt 5,5)

Suy niệm: Một bệnh nhân lương dân nói với một bạn bệnh nhân Công giáo rằng: “Bên đạo Công giáo chị sướng thật! Khi đau khổ có Chúa để tâm sự, phó thác, tin tưởng nên lúc nào cũng bình an và lạc quan. Còn em lúc nào cũng buồn sầu, bi quan vì chẳng có ai cậy trông và phó thác.” Quả thế, Chúa Giê-su tuyên bố ai sầu khổ thì có phúc. Phúc vì có Chúa an ủi và trợ giúp khi chúng ta gặp đau khổ: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Thực ra, không phải vô cớ mà đau khổ biến mất; nó đã bị tiêu diệt bởi thập giá và cái chết của Chúa Ki-tô, và qua đó đau khổ của chúng ta cũng được biến thành công nghiệp nhờ chúng ta liên kết với Ngài.

Mời Bạn: Trong đời sống, chúng ta gặp không biết bao nỗi sầu khổ, đó là những thập giá nặng nề nhưng thập giá của bạn sẽ nhẹ đi khi bạn kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô. Trong muôn sầu khổ ấy bạn vẫn co thể lạc quan, tin tưởng và bình an vì bạn có một sức mạnh phát xuất từ Ngài. Và nhờ sức mạnh đó, bạn có thể chia sẻ những sầu khổ của anh chị em mình và giúp họ biết cách nhìn những đau khổ của họ như Đức Giê-su đã nhìn và chấp nhận đau khổ của Người: biến đau khổ thành phương thế đem lại ơn cứu độ.

Sống Lời Chúa: Siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể, nguồn sức mạnh, an ủi cho ta khi gặp sầu khổ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là nguồn sức mạnh của con khi con đau yếu, là nguồn an ủi của con khi con thất vọng, là nơi con nương nhờ khi con đau khổ! Con tín thác vào Chúa! Amen.


09/06/15                                            THỨ BA TUẦN 10 TN

Th. Ép-rem, phó tế, tiến sĩ HT                          Mt 5,13-16

HÃY NÊN CHẤT XÚC TÁC

“Chính anh em là muối cho đời… chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)

Suy niệm: Muối và ánh sáng là hai thứ không thể thiếu trong cuộc sống của  mọi sinh vật. Muối khử trùng vết thương, làm cho đồ ăn khỏi hư thối; ánh sáng làm tăng trưởng diệp lục tố cho cây cối, kích hoạt các sắc tố nơi cơ thể động vật… Người Ki-tô hữu, môn đệ của Chúa, được ví như chất xúc tác kích hoạt sức sống thiêng liêng cho trần gian. Đó chính là đem tinh thần Tin Mừng ướp mặn cho đời, đem ánh sáng Phúc Âm chiếu tỏa vào các sinh hoạt trần thế. Đòi hỏi này đặt chúng ta trước sứ mệnh làm nhân chứng cho sự hiện diện của Chúa giữa trần gian. Ưu tư của tín hữu là làm sao cho muối khỏi ra nhạt và ánh sáng ngày càng sáng hơn. Cũng như viên ngọc: “Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.”

Mời Bạn: Con người vốn yếu đuối tội lỗi, làm sao có thể trở nên muối và ánh sáng cho người khác? J. Pichappily cho ta một bí quyết: “Hãy để ánh sáng soi chiếu vào những khuyết điểm của bạn” như thế “những cái yếu đuối lớn nhất sẽ thành nên sức mạnh lớn lao nhất” giúp ta thanh luyện cuộc sống mỗi ngày. Nhờ vậy, muối sẽ không bị nhạt đi và ánh sáng nơi ta sẽ không bị lu mờ dần.

Sống Lời Chúa:  Đưa ra sáng kiến để việc Tân Phúc Âm Hóa cộng đoàn trong năm nay giúp các thành viên trở thành muối, men, và ánh sáng cho mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là nguồn ánh sáng và là sức mạnh giúp con người hoán cải trở nên thanh sạch hơn. Xin ban cho con (cộng đoàn con) luôn ý thức và yêu mến ơn gọi của mình. Nhờ đó, con biết thanh luyện mình mỗi ngày cho xứng với ơn gọi ấy.


10/06/15                                             thứ tư tuần 10 tn

                                                                             Mt 5,17-19

từ trái tim đến trái tim

“Thầy không đến để bãi bỏ Luật Mô-sê và các ngôn sứ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

Suy niệm: “Luật là cái mạng nhện các con ruồi lớn vượt qua và những con nhỏ bị dính vào” (De Balzac). Luật lệ nào cũng có những kẻ hở, nếu chỉ là hình thức áp đặt bên ngoài. Luật Mô-sê và các ngôn sứ cũng vậy thôi. Đức Giê-su đã kiện toàn luật Cựu Ước, đặc biệt là Mười Điều Răn, bằng cách nội tâm hóa lề luật, đưa con người vào cái gì là cốt lõi của lề luật, đó là tâm tình yêu mến. Chính tâm tình mến Chúa yêu người ấy giúp con người đạt đến mức hoàn thiện như Cha trên trời. Chính vì thế, thánh Phao-lô đã nhắc đi nhắc lại: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,8.10). Việc thờ phượng Thiên Chúa không cốt ở dâng lễ vật nhưng ở lòng nhân từ, cũng chẳng phải nằm ở việc tuân giữ lề luật cách máy móc bề ngoài, nhưng ở quả tim yêu mến chân thành.

Mời Bạn: “Cuộc sống Ki-tô giáo có thể gồm tóm trong một câu: Hãy yêu mến Chúa và làm điều bạn muốn” (Th. Augustinô). Được ơn nhận biết Chúa và tình yêu của Ngài, đời bạn chỉ còn mỗi một việc là đáp lại bằng tình yêu mến. Lúc đó, tất cả những gì bạn muốn là sống đẹp lòng Chúa mà thôi.

Sống Lời Chúa: Tôi xem xét lại ý hướng giữ luật Chúa của mình, sửa đổi bằng cách đưa lòng mến Chúa yêu người vào khi thực thi luật ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa kiện toàn lề luật khi dạy con thi hành tất cả lề luật với tâm tình mến Chúa yêu người. Xin giúp con ghi nhớ và đưa tâm tình mến Chúa yêu người ấy vào mọi cung cách hành xử của con, với Chúa cũng như với người anh em chung quanh, trong phụng vụ cũng như trong đời thường mỗi ngày. Amen.


11/06/15                                         THỨ NĂM TUẦN 10 TN

Th. Ba-na-ba, tông đồ                                      Mt 10,6-13

LỜI CHÚA TRONG LỜI TÔNG ĐỒ

“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Anh em hãy chữa lành người đau yếu.” (Mt 10,7-8)

Suy niệm: Chúa đòi buộc các tông đồ phải rao giảng lời của Chúa, để lời của các tông đồ rao giảng phải là lời của Thiên Chúa và phải được đón nhận như lời của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội tiên khởi, thánh Phao-lô cho biết, các tín hữu đầu tiên đã ý thức và đón nhận lời các tông đồ rao giảng “không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy” (1Th 2,13). Vì thế, khước từ lời rao giảng Tin Mừng của các tông đồ cũng là khước từ lời rao giảng của Chúa Giê-su và khước từ những người Chúa Giê-su sai đến là khước từ chính Chúa Giê-su. Người ta không thể ngụy biện rằng, chúng tôi tin Chúa Giê-su và nghe lời Ngài, nhưng chúng tôi không nghe lời các tông đồ Chúa sai đến. Lối ngụy biện đó không có đất sống, vì lời Chúa đã nói: “Ai nghe các con là nghe Thầy ; và ai khước từ các con là khước từ Thầy ; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16). Chính vì tầm quan trọng của lời rao giảng, các tông đồ được đòi hỏi phải trung thành với lời Chúa hơn.

Mời Bạn: Những lời rao giảng và khuyên bảo của các linh mục được bạn và gia đình đón nhận như thế nào? Như lời của Thiên Chúa hay như lời người phàm? Nghe những lời Chúa dạy hôm nay, bạn quyết tâm thực hiện điều gì?

Sống Lời Chúa: Lắng nghe lời các linh mục giảng dạy hay khuyên bảo và cám ơn Chúa đã gởi các linh mục đến coi sóc, chỉ bảo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có lòng kính trọng các linh mục và cầu nguyện cùng cộng tác với các ngài lo việc tông đồ như cộng tác với Chúa vậy.


12/06/15                                          THỨ SÁU TUẦN 10 TN

Thánh Tâm Chúa Giê-su                               Ga 19,31-37

MÁU VÀ NƯỚC

Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,34)

Suy niệm: Máu và nước được sử dụng trong Kinh Thánh như dấu chỉ biểu trưng mang đậm ý nghĩa cứu độ. Máu là biểu tượng của hy tế, là dấu hiệu có mặt trong mọi giao ước. Còn nước biểu trưng sự sống, như dòng nước vọt ra từ tảng đá trong sa mạc (Xh 17,6), suối nước từ bên phải Đền thờ chảy ra (Ed 47,1-12), v.v…. Nước trào ra từ cạnh sườn Chúa ám chỉ: Đức Giê-su là tảng đá tuôn trào dòng suối đem lại sự sống mới cho nhân loại. Việc máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa cho thấy Đức Giê-su đã chết thật về thể lý nhưng từ cõi chết Ngài đã phục sinh vinh hiển, để tuôn trào sự sống mới cho nhân loại. Truyền thống Giáo Hội coi nước và máu tượng trưng cho nguồn ơn của Bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể nhờ đó người tín hữu được sinh ra và nuôi dưỡng trong Hội Thánh.

Mời Bạn: Chúa chuyển thông ân sủng của mầu nhiệm Vượt Qua cho ta qua các dấu hiệu của bí tích. Trong các bí tích Chúa Giê-su đang hiện diện và hoạt động trong cộng đoàn và trong tâm hồn người tín hữu. Nhờ bí tích Thánh Tẩy ta được dìm vào trong dòng suối cứu độ của Chúa Ki-tô; nhờ bí tích Thánh Thể ta được thông phần hiến tế với Chúa Ki-tô và được chia sẻ sự sống của Ngài.

Sống Lời Chúa: Tôi lãnh nhận các bí tích với đức tin chân thật và mạnh mẽ. Chính vì thế tôi luôn giữ thái độ trang nghiêm và cầu nguyện sốt sắng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, “xin gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Ki-tô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Amen.”

(Lời nguyện CN II Phục Sinh)


13/06/15                                          thứ bảy tuần 1o tn

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ                              Lc 2,41-51

ma-ri-a, mẫu gương cầu nguyện và lắng nghe

Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ tất cả nhũng điều ấy trong lòng. (Lc 2,51)

Suy niệm: Câu chuyện Ma-ri-a và Giu-se lạc mất Chúa ở Giê-ru-sa-lem cho phép chúng ta cảm nhận hai nhân vật vĩ đại này rất gần gũi với mình, cách riêng trong sự kiện rằng “ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Hành trình đức tin của Ma-ri-a và Giu-se không phải luôn luôn hoàn toàn dễ dàng, hoàn toàn sáng sủa. Lạc mất Chúa đã là một thử thách, nhưng gặp Chúa mà lại không hiểu được Ngài, càng là một thử thách nặng nề hơn. Trong hành trình đức tin, chúng ta dù có lặn lội vất vả để tìm Chúa nhưng nếu như chúng ta chưa hiểu được ý Chúa trong biến cố này, trong sự kiện kia… thì chúng ta cũng chưa thực sự gặp Ngài. Chính những lúc đó, ta cần đặc biệt nhìn ngắm Đức Ma-ri-a và học lấy thái độ của người tiếp tục tìm kiếm ý Chúa bằng cách “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” và suy niệm.

Mời Bạn: Nhìn lại cuộc sống mình với biết bao biến cố, sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà ngay lúc đó bạn không hiểu. Phải chăng với thời gian, bạn dần dần được soi sáng? Và bạn nhận ra mình đã từng có những cách giải thích và những thái độ không đúng đắn? Phải chăng bạn càng xác tín hơn rằng mình cần học nơi Đức Ma-ri-a tinh thần cởi mở lắng nghe và chiêm niệm sâu sắc để đời sống đức tin của mình được phong phú hơn?

Chia sẻ: Cần có điều kiện nào để bạn có thể lắng nghe và hiểu ý Chúa hơn?

Sống Lời Chúa: Tập thói quen cuối mỗi ngày có những phút hồi tâm cầu nguyện.

Cầu nguyện: Hát kinh Magnificat, lời kinh ca ngợi việc Chúa làm trong cuộc đời mình.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment