5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 05-2014

25/05/14                                CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – A

                                                                          Ga 14,15-21

YÊU MẾN THÌ GIỮ LỜI

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy… Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.” (Ga 14,15.21)

Suy niệm: Lời trăng trối của Chúa Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn là lời mời gọi yêu thương: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy.” Cũng thế, sau khi sống lại Chúa Giê-su đã hỏi Phê-rô ba lần “Có yêu mến Thầy không?” rồi mới trao cho ông sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Ga 21,15-17). Chúa đòi hỏi Phê-rô một tình yêu trọn vẹn và ở mức cao nhất: “yêu mến Thầy hơn các anh em này”. Như thế chắc chắn rằng điều kiện tiên quyết để làm môn đệ của Chúa, để trở thành “anh em, chị em và là mẹ” của Chúa là yêu mến Thầy. Và đã yêu mến Thầy thì cũng “giữ lời của Thầy”, “tuân giữ các điều răn của Thầy.”

Mời Bạn: Là môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta có thực sự là “kẻ yêu mến Thầy” bằng việc giữ các điều răn của Ngài không? Lời Chúa đã trở thành tiêu chí hướng dẫn những lựa chọn, quyết định của chúng ta trước những vấn đề của cuộc sống chưa? Muốn vậy, chúng ta hãy thường xuyên đọc, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.

Chia sẻ: Nếu đức tin không có việc làm là đức tin chết, thì lòng mến không “giữ lời” Chúa cũng là lòng mến héo khô. Bạn nghĩ gì về câu nói này?

Sống Lời Chúa: Gia đình tôi, và riêng cá nhân tôi quyết trung thành với việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đồng thời quyết tâm thực hành Lời Chúa bằng việc bác ái cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban sức mạnh thúc đẩy chúng con mau mắn thực thi Lời Chúa để nhờ đó mỗi ngày chúng con càng thêm lòng yêu mến Chúa và thương yêu anh em hơn.


26/05/14                                             THỨ HAI TUẦN 6 PS

Th. Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục                 Ga 15,26-16,4a

CÙNG THÁNH THẦN LÀM CHỨNG

“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng.” (Ga 15,26-27)

Suy niệm: Nguồn gốc của Đấng Bảo Trợ là từ nơi Chúa Cha. Ngài là Thánh Thần Thiên Chúa, là Thần Khí sự thật, có sứ mạng đến làm chứng sự thật về Đức Giê-su. Sự thật đó là Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, nhờ Ngài, trong Ngài mà mọi người được lãnh ơn giao hòa với Thiên Chúa. Thánh Thần sẽ soi sáng cho mọi người hiểu rõ Kinh Thánh, nhờ đó nhận ra Đức Giê-su và vai trò của Người. Sứ mạng làm chứng được Chúa Thánh Thần chu toàn qua môi miệng của các Ki-tô hữu và qua đời sống chứng tá của họ, như trường hợp của thánh Tê-pha-nô. Các tông đồ làm chứng theo lệnh truyền của Đức Giê-su, với quyền lực của Chúa Thánh Thần : “Thánh Thần và các ngài làm chứng” (Cv 5,32).

Mời Bạn: Thật khó làm chứng cho sự thật như Đức Giê-su đòi hỏi khi chúng ta đang sống giữa môi trường đề cao thứ luân lý đám đông. Điều dễ xảy đến: hoặc chúng ta không dám làm chứng cho sự thật, hoặc chúng ta bóp méo sự thật cho phù hợp ý thích của đám đông. Những lúc ấy bạn có nhớ đến vai trò làm chứng của Chúa Thánh Thần không?

Chia sẻ: Cách nào bạn thường dùng để cộng tác với Chúa Thánh Thần mỗi khi cần can đảm làm chứng cho Chúa ?

Sống Lời Chúa: Luôn thành thật trong lời nói và trong cách giao tiếp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, sự thinh lặng đáng sợ của chúng con, trước bất công, xảo trá là một tội ác. Xin Chúa cho chúng con có can đảm làm chứng nhân cho Sự Thật.


27/05/14                                              THỨ BA TUẦN 6 PS

Th. Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri              Ga 16,5-11

ĐẤNG VẠCH TỘI THẾ GIAN ĐỂ CỨU THẾ GIAN

“Khi Đấng Bảo trợ đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử.” (Ga 16,8)

Suy niệm: Đấng Bảo Trợ đến an ủi, hướng dẫn, làm chứng cũng là Đấng đến vạch trần tội của thế gian, là tội không tin vào Đức Giê-su. Tội thế gian vừa là tội của những kẻ từ chối Đức Giê-su, đã đóng đinh Ngài, vừa là tất cả tội lỗi trong lịch sử nhân loại. Luận tội thế gian nhưng để cứu thế gian khỏi án phạt đời đời: Chúa Giê-su đến để cứu độ chứ không phải để luận phạt. Cũng thế, Đấng Bảo Trợ đến luận tội thế gian là để tiếp tục công việc cứu độ này của Đức Giê-su. Khi lên tiếng luận tội, Thánh Thần đưa dẫn thế gian vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Giê-su để những ai tin Ngài thì được cứu thoát. Và chỉ những ai đặt mình trước mầu nhiệm thập giá, dám ghé vai vác lấy thập giá mới được soi sáng thấy rõ tội lỗi của mình mà từ bỏ.

Mời Bạn: Thường tình thật khó chấp nhận người khác vạch ra lỗi mình. Vì thế người ta cũng bị cám dỗ tránh đối diện với Thiên Chúa, sợ Ngài vạch trần tội lỗi. Hoặc chí ít, có thể bạn lại rất hời hợt khi tiếp xúc với Chúa. Bạn có kinh nghiệm về những điều đó không?

Chia sẻ: Theo bạn, lúc bắt đầu cầu nguyện các tín hữu đọc kinh Chúa Thánh Thần, là có ý nài xin Ngài ban ơn gì vậy?

Sống Lời Chúa: Trước khi xét mình, bạn hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn nhớ lại tất cả các tội đã phạm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin cho con dám nhìn nhận tội lỗi của con. Xin đổ mưa ơn thánh Chúa tưới dội tẩy sạch lòng trí con và biến đổi con trở nên người mới. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!


28/05/14                                              THỨ TƯ TUẦN 6 PS

                                                                          Ga 16,12-15

THÁNH THẦN CỦA ĐỨC GIÊ-SU

“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16,13)

Suy niệm: Mối liên hệ mật thiết giữa Đức Giê-su và Chúa Thánh Thần đã được mạc khải trọn vẹn. Thánh Thần được ban cho các môn đệ khi Đức Giê-su ra đi về cùng Cha. Nói cách khác, Đức Giê-su, Đấng Được Xức Dầu đến và hành động theo thánh ý Chúa Cha là do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Nay công cuộc cứu độ đã hoàn tất, Ngài lại ban Thánh Thần cho nhân loại để tiếp tục hoàn thành ơn cứu độ ấy nơi lòng của từng người và của thế giới. Như thế vai trò của Chúa Thánh Thần hôm nay trong Hội Thánh là đưa dẫn Hội Thánh tới của ơn cứu độ trọn vẹn. Để thực hiện vai trò này, Chúa Thánh Thần không làm điều gì khác. Ngài chỉ nhắc cho Hội Thánh nhớ lại những gì Đức Ki-tô, và khi Hội Thánh đã nhớ, Ngài giúp cho Hội Thánh thấu hiểu. Chúa Thánh Thần chính là “trí nhớ của Hội Thánh”.

Mời Bạn: Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Vậy, Chúa Thánh Thần có chỗ đứng nào trong bạn khi bạn đọc và suy niệm Lời Chúa? Chúa Thánh Thần còn dùng giáo huấn của Hội Thánh chỉ đạo lối về chân lý. Bạn có nhận thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong các giáo huấn không?

Chia sẻ: Tại sao một số tín hữu có thái độ khinh thường giáo huấn Hội Thánh?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy cầu nguyện cho Hội Thánh luôn biết nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và bạn dốc lòng tuân theo lời Hội Thánh dạy.

Cầu nguyện: Đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần.


29/05/14                                           THỨ NĂM TUẦN 6 PS

                                                                          Ga 16,16-20

NỖI BUỒN TRỞ THÀNH NIỀM VUI

“Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Thật, Thầy bảo thật anh em, anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,16.20)

Suy niệm: Có một sự tương phản giữa những khoảnh khắc “một ít lâu nữa”: tương phản giữa hiện tại và tương lai, giữa thế gian và những người môn đệ Chúa: “thế gian” thì “vui mừng” còn những môn đệ Chúa “khóc lóc”; một sự tương phản đầy kịch tính vì tính cách khẩn cấp, quyết liệt, một mất một còn vì đó là thời điểm chuyển tiếp, thời điểm “vượt qua” của Đức Ki-tô. Chúa Giê-su không dấu diếm các môn đệ về thời điểm “vượt qua” của Ngài, nhưng đồng thời Ngài cũng hé mở cho các ông niềm hy vọng đầy xác tín rằng chính tại thời điểm “nhạy cảm” này, tình thế sẽ đảo ngược: nước mắt sẽ biến thành nụ cười, nỗi buồn sẽ được chuyển thành niềm vui.

Mời Bạn: Điểm “nhạy cảm” để chuyển hoá nỗi buồn thành niềm vui mà Chúa hứa nằm tại chính thập giá của Đức Ki-tô, nơi Ngài thực hiện cuộc “vượt qua”. Muốn đạt được niềm vui Chúa hứa đó, mời bạn hãy cùng Đức Ki-tô thực hiện cuộc “vượt qua” nơi thập giá.

Chia sẻ: Sự “tương phản đầy kịch tính” giữa thế gian và các môn đệ Chúa ngày nay là gì ?

Sống Lời Chúa: Cảm nhận được niềm vui thánh thiện khi làm một điều tốt: một việc hy sinh, phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là nguồn vui đích thực của đời con, niềm vui không ai có thể cướp đi được. Xin cho con biết tìm thấy Chúa trong các công việc bổn phận hằng ngày và trong việc dấn thân phục vụ các anh chị em của con. Amen.


30/05/14                                            THỨ SÁU TUẦN 6 PS

                                                                        Ga 16,20-23a

VUI NIỀM VUI CỦA CHÚA

“Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)

Suy niệm: Có một thời những đứa trẻ tinh nghịch thích bày ra trò chơi quái ác là ném vỏ chuối ra lối đi khiến người qua đường đạp phải, trượt té để rồi vui cười với nhau. Trong thời đại “a-còng” ngày nay nhiều người thích vào mạng xã hội, tung xì-căng-đan của người khác lên “phây” để mọi người xúm vào “ném đá”… cho vui! Cái vui theo kiểu thế gian là vui trên đau khổ của người khác, cái vui thác loạn với những “cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm”…

Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ học cách vui niềm vui của Chúa. Đó là dám chấp nhận “khóc lóc than van” trong khi thế gian vui mừng. Nhưng Ngài cam đoan với họ rằng “nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”

Mời Bạn: Niềm vui của Chúa là vui vì thánh ý Chúa Cha được thể hiện (Lc 10,21); vui vì người tội lỗi ăn năn hối cải (Lc 15,9); vui vì người con cái Chúa “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Để có được niềm vui ấy, Chúa đã sẵn sàng hy sinh chính thân mình, chấp nhận gánh lấy đau khổ để đền bù tội lỗi. Nếu bạn muốn được vui niềm vui của Chúa, bạn cũng hãy sẵn sàng cùng Chúa vác thập giá mình để đền bù thay cho tha nhân.

Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm về niềm vui sâu lắng khi bạn có dịp hy sinh để phục vụ người khác.

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng hy sinh chịu quấy rầy, phiền hà, hoặc thiệt thòi để phục vụ tha nhân, đặc biệt là người thân trong gia đình bạn và những người bé mọn, nghèo hèn trong xã hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con sống quảng đại để phục vụ tha nhân.


31/05/14                                            THỨ BẢY TUẦN 6 PS

Đức Ma-ri-a thăm viếng bà Ê-li-sa-bét            Lc 1,39-56

LINH HỒN TÔI LUÔN NGỢI KHEN

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”  (Lc 1,46)

Suy niệm: “Không ai chịu đau khổ với Chúa Giê-su đến mức như Đức Ma-ri-a, cũng không ai được tôn vinh bên Chúa Giê-su bằng Đức Ma-ri-a” (Cha R. Cantalamessa). Đức Ma-ri-a ngợi khen Thiên Chúa qua tiếng Amen vui tươi với sứ thần, tiếng Amen của ngài đi trước tiếng Amen của Con mình trong Vườn Cây Dầu. Ngài hớn hở vui mừng trong Đấng cứu độ qua thái độ vội vã lên đường đi về miền nam thăm viếng ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét. Ngài ngợi khen Thiên Chúa khi chia vui với người chị họ lớn tuổi, trợ giúp bà trong thời gian thai nghén. Ngài ngợi khen Thiên Chúa khi ghi nhớ và suy niệm về những gì xảy ra ở Bê-lem, rồi lạc mất con ở Đền thờ. Đặc biệt ngài tiếp tục sống tâm tình ngợi khen, phó thác ấy trong đau khổ đứng dưới chân thánh giá.

Mời Bạn: Đức Ma-ri-a được tôn vinh hơn mọi người vì vai trò đặc biệt và thái độ yêu mến tin tưởng của ngài trong công trình cứu độ. Bạn hãy chạy đến để xin ngài chuyển cầu cùng Chúa cho bạn. Bạn hãy đến chiêm ngắm và sống theo mẫu gương ngợi khen Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh như ngài.

Sống Lời Chúa: Noi gương Đức Mẹ, tôi tập sống tâm tình ngợi khen Chúa trong mọi hoàn cảnh: dù vui, buồn, hay đang gặp nghịch cảnh, lúc nào tâm hồn cũng ngợi khen và tin tưởng vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét do lòng nhiệt thành yêu mến Chúa và người chị họ. Xin cho chúng con biết vội vã vui tươi khi đem Chúa đến cho người khác; vội vã loan báo Tin Mừng không chút chần chừ; vội vã trợ giúp nhau mà không chút tính toán. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment