5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 03-2013

5 Phút Cho Lời Chúa

Tháng 03- 2013

*  *  *

Mục Lục

Ngày 1 – 9: Trang 1

Ngày 10 – 16: Trang 2

Ngày 17 – 23: Trang 3

Ngày 24 – 31: Trang 4

*  *  *

01/03/13                    THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC

                                                                 Mt 21,33-43.45-46

NGƯỜI MÔN ĐỆ DÁM ĐƯƠNG ĐẦU

Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người. (Mt 21,45-46)

Suy niệm: Khi đến trong trần gian để thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó, Chúa Giêsu không ngán ngại đương đầu với giới lãnh đạo Do Thái đương thời, một sự đương đầu đã dẫn Ngài đến cái chết trên thập giá. Dụ ngôn về những tá điền sát nhân minh hoạ cho cao trào của sự đương đầu này. Dùng cách nói bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu không ngại nêu rõ tâm địa gian ác của các thượng tế và người Pharisêu, bởi họ chẳng những từ chối nghe Lời Thiên Chúa mà còn hành hung, sát hại các sứ giả của Ngài. Chúa Giêsu không hằn học, thù oán nhưng đầy yêu thương để đem lại lợi ích cho đoàn dân và cho cả những kẻ đang làm hại dân nữa. Và Ngài còn ví mình là “người con thừa tự” của chủ vườn nho, tự hiến thân mình, chịu sát hại để đem lại sự sống cho muôn người.

Mời Bạn: Để trung thành với ơn gọi và sứ mạng của mình, các môn đệ Chúa Giêsu phải dám đương đầu chấp nhận chịu “thiệt thân vì chính đạo,” khi đó là điều cần thiết. Người môn đệ im lặng (tự bịt mắt, bịt tai, bịt miệng) hay vo tròn (vì ‘ba phải’, xuê xoa, nhát đảm, cầu an bằng mọi giá) khi phải tuyên xưng niềm tin, bênh vực cho công lý, là phản bội với chính ơn gọi của mình.

Sống Lời Chúa: Tự xét mình: – Tôi có chấp nhận đương đầu chịu “đóng đinh” vì Chúa khi cần không? – Sự đương đầu của tôi có được thúc đẩy bởi yêu thương và diễn ra trong yêu thương không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con bắt chước Chúa để trở thành môn đệ đích thực của Chúa trong hoàn cảnh thực tế hôm nay dám đương đầu vác thập giá với Chúa và vì Chúa. Amen.


02/03/13                    THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC

                                                                     Lc 15,1-3.11-32

TẤM LÒNG NGƯỜI CHA

Người con thứ còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để… Ông bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng …” (Lc 15,20-23)

Suy niệm: Đứa con thứ muốn bỏ cha, cha không thể cản. Cha chỉ có thể… buồn và đợi chờ! Nó quay về vì đói vì rách chứ không hẳn vì nhớ vì thương cha. Nhưng, cha đang chờ sẵn và đón nhận con một cách niềm nở đến mức nó không ngờ. Tình yêu và sự tha thứ của cha vẫn luôn có sẵn đó, tròn đầy, ngay khi nó còn đi hoang! Và, có lẽ chính lúc này, nếm cảm tấm lòng cha, nó mới thật sự quay về với cha trong sâu thẳm cõi lòng mình.

Còn người con cả, ở trong nhà cha, nhưng tấm lòng của anh đã xa cha nghìn trùng! Anh làm việc cho cha mà so kè tính toán – như một gia nhân chứ không như một người con. Cha vẫn xem “mọi sự của cha là của con”, nhưng anh thì chưa hề nghĩ như thế. Anh chỉ chăm bẳm nghĩ đến phần của mình – đến nỗi cuối cùng anh tố cáo tình yêu của cha dành cho đứa em của anh, đứa em mà thật ra từ lâu rồi anh không còn nhìn nhận là em của anh nữa. Anh gọi nó là “thằng con của cha đó …”!

Mời Bạn: Nhìn lại mối quan hệ hiện tại của mình với Thiên Chúa: Tôi đang đi hoang như người con thứ hay đang so đo tính toán với Chúa như người con cả?

Sống Lời Chúa: Luôn nhớ rằng Chúa đang yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho bạn. Bạn sắp xếp để lãnh bí tích hòa giải sớm, nếu cần.

Cầu nguyện: Hết lòng thành khẩn, bạn đọc Kinh Ăn Năn Tội.


03/03/13                               CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – C

                                                                               Lc 13,1-9

NẾU KHÔNG SÁM HỐI…!

“Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn những người Galilê khác sao?… Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” (Lc 13,2-3)

Suy niệm: Tội lỗi gây ra đau khổ và sự chết. Đó là giáo huấn mạc khải ngay từ những trang đầu Thánh Kinh. Nhưng xem ra ta không có cơ sở nào để qui gán hết mọi sự dữ cho tội lỗi của con người. Chiến tranh, dịch AIDS, ô nhiễm… là do con người; nhưng còn sóng thần ở Thái năm 2004, động đất ở Nhật năm 2011, nổ thiên thạch ở Nga mới đây làm chết hàng ngàn người, vùi dập hàng ngàn ngôi nhà… thật khó mà nói do con người! Cũng vậy, không phải bất cứ ai gặp bất hạnh cũng đều vì họ tội lỗi. Cần hết sức dè dặt để đừng bao giờ chụp lên đầu ai hai tiếng “quả báo!”

Nếu có sứ điệp nào cho tôi nơi những bất hạnh của người khác, nhất là của chính tôi, thì đó là sứ điệp kêu mời tôi sám hối. Tôi cần nhìn ra tội lỗi của mình nơi những bất hạnh của anh chị em xung quanh. Cây vả trong dụ ngôn được gia hạn một năm nữa. Còn tôi?

Mời Bạn nhớ lại những lần sám hối bạn quyết tâm rất ‘dứt khoát’, nhưng sau lại tái phạm quá dễ dàng sau đó – để thấy lòng nhẫn nại đợi chờ diệu kỳ của Thiên Chúa. Phải chăng bạn sẽ tiếp tục thách thức lòng nhẫn nại của Chúa bằng sự ngoan cố lì lợm của bạn?

Sống Lời Chúa: Bạn có biết ai đang gặp nỗi khổ lớn? Bạn hãy sống ngày hôm nay với một cố gắng đặc biệt đổi đời – để chia sẻ liên đới với người ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm. Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Amen.  (Tv. 50)


04/03/13                                            THỨ HAI TUẦN 3 MC

Th. Caximia                                                        Lc 4,24-30

TRUYỀN GIÁO, MỘT ĐÒI BUỘC

“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)

Suy niệm: Loan báo Tin Mừng đã khó khăn, loan báo Tin Mừng cho người nhà hay người thân thuộc, đồng hương của mình lại càng khó khăn hơn nữa, kể cả đối với Chúa Giêsu. Những người đồng hương đóng khung Chúa trong lý lịch trần thế của Ngài, nào là bác thợ mộc, nào là con ông Giuse và bà Maria, v.v… nên thay vì nhận thấy quyền năng Thiên Chúa trong những việc Ngài làm và Tin Mừng Ngài loan báo, thì họ lại tẩy chay, chống đối Chúa, thậm chí còn tìm cách sát hại Ngài. Dẫu biết “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương”, Chúa Giêsu vẫn công bố Lời Kinh Thánh hôm nay ứng nghiệm, vì đó là sứ mạng Chúa Cha trao cho. Ngài ý thức cách đầy đủ rằng Ngài không phải tự ý mà là được Chúa Cha sai đến để thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng như một đòi buộc của tình hiếu thảo với Chúa Cha và của tình thương xót đối với mọi người mà Ngài nhận là anh em.

Mời Bạn: Quá khứ đầy vấp váp và cả hiện tại nhiều khuyết điểm của chúng ta thường làm chúng ta ngại ngùng loan báo về Chúa cho người nhà và người lân cận. Nhưng Chúa không cho phép chúng ta tránh né sứ mạng cao cả ấy ngay trong gia đình, gia tộc mình, vì truyền giáo là bản chất của Hội Thánh và của mỗi một Kitô hữu. Đừng quên rằng vì có nhiều Kitô hữu quá tầm thường nên việc truyền giáo hôm nay đang èo uột.

Sống Lời Chúa: Siêng năng đọc Lời Chúa, và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đức tin cho người thân của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai con truyền giáo mọi lúc, mọi nơi, ngay trong gia đình con. Xin cho con mạnh dạn theo Chúa trong sứ vụ này.


05/03/13                                             THỨ BA TUẦN 3 MC

                                                                           Mt 18,21-35

THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA

“Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho anh em.” (Mt 18,35)

Suy niệm: Một vụ va quẹt nhỏ trên đường phố có thể dẫn đến ẩu đả đổ máu, thậm chí án mạng; những mâu thuẫn nho nhỏ giữa vợ chồng, ban đầu chỉ là cãi vã, có thể gây hậu quả nghiêm trọng là kết liễu tính mạng của nhau và có khi cả mạng sống của con cái; trên bình diện quốc gia thì hỡi ôi! đầy dẫy những gây hấn và đe doạ trừng phạt nhau không khoan nhượng… Những tín hiệu đó báo động con người ngày nay đang đánh mất ý niệm của sự nhẫn nại, bao dung và tha thứ. Trước bối cảnh đó, sứ điệp Lời Chúa hôm nay lại càng khẩn thiết: phải tha thứ cho nhau như Chúa tha thứ cho chúng ta, nghĩa là tha thứ không điều kiện và không giới hạn; đó là điều kiện để chúng ta xứng đáng nhận ơn tha thứ của Chúa.

Mời Bạn: Người môn đệ đích thực của Chúa Kitô được mời gọi làm chứng nhân cho tình yêu tha thứ: – biết mình tội lỗi để xin Chúa thứ tha – biết mình được Chúa thứ tha để yêu mến; – và vì yêu mến, thì cũng tha thứ cho anh em. Và cứ như thế là vòng xoay yêu thương tha thứ sẽ được mở rộng mãi để Nước Chúa được thể hiện.

Chia sẻ: Trong cuộc sống hàng ngày, bạn đã có lần nào tha thứ cho ai chưa? Sự tha thứ đó có mang lại sự bình an và tình thân ái với anh chị em không?

Sống Lời Chúa: Khi có mối bất hoà giữa bạn với tha nhân, bạn không mất công qui lỗi cho người khác, nhưng hãy là người đầu tiên nói lời hoà giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì Chúa đã nhân từ tha thứ tội lỗi cho con, xin ban cho con một trái tim rộng mở, để con sẵn lòng tha thứ cho anh chị em mình.


06/00/13               THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC – C

                                                                             Mt 5,17-19

KIỆN TOÀN CHỨ KHÔNG PHÁ BỎ

Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

Suy niệm: Có vẻ như Đức Giêsu là người coi thường luật lệ Do Thái: nào là không giữ luật rửa tay, nào là chữa bệnh trong ngày Sabát… Thế mà ở đây, Ngài lại cho rằng mình không phá bỏ, nhưng lại hoàn thành lề luật!

Thật ra, Ngài lên án cách giữ luật theo hình thức và phá bỏ những luật lệ mà các thầy rabbi bày vẽ và áp đặt trên người khác một cách vô nhân đạo.

Hơn nữa, Ngài làm cho lề luật có được ý nghĩa trọn vẹn. Thiên Chúa là Đấng ngự nơi bí ẩn, thấu suốt mọi bí ẩn, do đó, nên việc giữ luật chỉ có giá trị khi đạt được điều quan trọng nhất: đó là “công bình, nhân nghĩa và thành tín” (Mt 23,23).

Mời Bạn: Đừng tuân giữ 10 điều răn Đức Chúa Trời, 6 điều răn Hội thánh và tất cả các luật lệ như một nô lệ, như một cái máy, nghĩa là vì áp lực từ bên ngoài, một áp lực do Hội thánh, do đoàn thể, do xã hội hoặc do dư luận, lời khen tiếng chê của người chung quanh. Bạn hãy giữ luật với cả tâm hồn, với lòng yêu mến và với niềm tin tưởng rằng luật sẽ đưa ta đến hạnh phúc thật sự.

Sống Lời Chúa: Trong các luật lệ của Hội thánh, của đoàn thể, khoản nào tôi hay sai lỗi hoặc coi thường hơn cả? Tôi có phương cách nào để khắc phục?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường có dị ứng với mọi thứ luật lệ nào chúng con không ưa thích. Xin cho chúng con biết nhận ra mục đích của luật lệ trong đời sống và vui vẻ tự nguyện tuân giữ. Xin cho lề luật không chỉ được in nơi sách vở, nhưng cũng được in đậm nét nơi tâm hồn chúng con.


07/03/13                   THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC

Th. Pepêtua và Phêlixita, tử đạo                   Lc 11,14-23

CHỌN ĐIỀU CHÚA MUỐN

“Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11,20)

Suy niệm: Cơ mật viện Hồng Y sắp nhóm họp để bầu chọn giáo hoàng mới. Các vị sẽ bầu ai? Đâu là tiêu chí để chọn lựa? Trong việc hệ trọng này liên quan tới toàn thể Giáo Hội cũng như trong toàn bộ đời sống của ta, việc phải làm là suy nghĩ tìm kiếm thánh ý Chúa, và hành động dưới ánh sáng của Ngài. Điều này không dễ dàng vì chúng ta rất dễ bị tác động bởi tình cảm, bởi thiên kiến, hiểu biết hạn hẹp,… Phúc Âm hôm nay kể chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ câm cho một người để anh ta nói được. Có người kinh ngạc khâm phục nhưng có người cho rằng Chúa nhờ quyền phép của tướng quỷ để trừ quỷ. Ngay từ đầu vì thiên kiến, vì lợi ích phe nhóm, họ đã không chấp nhận Chúa và cung cách cứu thế của Ngài. Vì thế họ không đón nhận Lời Chúa, không tin vào Ngài.

Mời Bạn: Là con Chúa, chúng ta cần phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn sống trong ánh sáng chân lý của Chúa. Điều gì bởi Chúa đem lại hoa trái thánh thiện, an bình và bác ái. Chúng giúp ta thắt chặt mối hiệp thông với Chúa và với Hội Thánh và gắn bó tin tưởng nơi Chúa Kitô. Còn điều bởi ma quỷ hay thần dữ làm ta mất đi những ân phúc đó.

Chia sẻ: Chúng tôi có cấu kết nhau làm điều xấu, làm hại ích chung hay Hội Thánh không?

Sống Lời Chúa: Để chọn Chúa và điều Chúa muốn, “hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vũng trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,10-11).

Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi.


08/03/13                                            thứ sáu tuần 3 Mc

Th. Gioan Thiên Chúa, tu sĩ                          Mc 12,28-34

thống hối thật sự

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Vị kinh sư này nhìn nhận Chúa Giêsu là bậc thầy mà ông thán phục: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng” (c. 32); và ông cũng đưa ra một nhận định chuẩn xác: mến Chúa, yêu người “là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (c. 33). Với tinh thần khiêm tốn, ông để cho Lời Chúa đành động tâm hồn mình. Chúa Giêsu xác nhận “Ông không còn xa nước Thiên Chúa” (c. 34). Có thể nói, ông là hình ảnh đại diện cho những người thành tâm thiện chí, muốn trở về với Thiên Chúa với tâm hồn thống hối thật sự.

Mời Bạn: Sứ điệp Mùa Chay năm nay của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhấn mạnh “mối tương quan không thể chia lìa giữa đức tin và đức ái”: “Đời sống kitô hữu giống như việc liên lỉ leo lên núi thánh để gặp gỡ Thiên Chúa và rồi xuống núi mang theo tình yêu và sức mạnh lãnh nhận được từ nơi Ngài, nhờ đó  phục vụ anh chị em mình bằng tình yêu của chính Thiên Chúa” (số 4). Mùa Chay là mùa của bác ái yêu thương; đó chính là dấu chỉ của một lòng thống hối thực sự. Tôi có dám đi ra khỏi con người kiêu căng ích kỷ của tôi để “yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình” không?

Chia sẻ: Sứ điệp Mùa Chay cho biết, hành vi bác ái cao độ nhất là “Phúc Âm hoá”, là loan báo Tin Mừng cho anh em. Chúng ta thực hành điều này thế nào?

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái để tỏ lòng sám hối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết quay về với Chúa mỗi ngày bằng những việc làm cụ thể.  Xin cho con biết sống đức ái theo ý Chúa muốn. Amen.


09/03/13                                           THỨ BẢY TUẦN 3 MC

Th. Phanxica Rôma, nữ tu                               Lc 18,9-14

HÃY TỰ HÀO TRONG CHÚA

Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác… Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế đứng từ đằng xa, vừa đấm ngực, vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,11-13)

Suy niệm: Thánh Luca cho biết, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này nhắm đến những người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê người khác. Ông Pharisêu ấy nghĩ rằng, ông được nên công chính nhờ những việc ông làm, nên sinh ra kiêu ngạo mà coi khinh người khác (c.11). Nhưng ông quên rằng con đường đích thực để nên công chính không phải là nhờ công trạng của ông mà là nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa. Con đường này được Thiên Chúa vạch ra và hoàn thành qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô: “Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (Rm 3,22). Thế nên Chúa Giêsu khẳng định: người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì được nên công chính; còn người Pharisêu thì không (c.14).

Mời Bạn: Thánh Giacôbê bảo: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Việc làm ở đây không phải là điều kiện để được nên công chính, mà là hoa trái trổ của ơn công chính đó, là dấu hiệu của đức tin đang sống sung mãn. Vì thế, chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Nếu ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1,31).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian xét mình xem: những việc tôi làm có phải là hoa trái của đức tin mình đã lãnh nhận hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment