5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 02-2015

15/02/15                                CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – B

                                                                            Mc 1,40-45

CHÚA GIÊ-SU ĐẤNG CHỮA LÀNH

Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” lập tức bệnh phong biến khỏi anh và anh được sạch. (Mc 1,41-42)

Suy niệm: Bệnh tật là nỗi khổ luôn đeo bám con người, bao lâu chúng ta còn sống trong kiếp nhân sinh. Thật vậy, ai mà không có lần khổ sở vì bệnh tật hành hạ, phải đôn đáo tìm thầy chạy thuốc? Và ai đã thấm thía thế nào là nỗi khổ do bệnh tật mà lại không khao khát được khỏi bệnh? Chúa Giê-su thấu hiểu được nỗi đau đó của bệnh nhân và Ngài còn mong muốn hơn họ nữa để chữa lành họ, để họ được vui sống trong cuộc đời hiện tại. Hơn nữa, Ngài còn muốn chữa lành căn bệnh tâm linh, đó là giải thoát con người khỏi xích xiềng của tội lỗi, là căn nguyên của sự ác dưới mọi hình thức. Vì thế, khi người phung van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi lành sạch”, anh đã nói đúng ý Chúa, vì quả thật, Chúa muốn như thế, và anh đã được Ngài chữa lành.

Mời Bạn: Trái tim Chúa Giê-su đầy lòng thương xót, Ngài luôn mong muốn chữa lành những ai đau khổ vì bệnh hoạn tật nguyền và nhất là những người đang vướng trong vòng tội lỗi. Để trở nên giống Chúa Ki-tô, chúng ta cũng phải mặc lấy tâm tình của Ngài: biết chạnh lòng thương xót đối với những anh chị em gặp phải đau khổ dưới bất kỳ hình thức nào. Mang trong tim mình lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ có sự nhạy bén để biết phải làm gì và sẽ có tấm lòng quảng đại sẵn sàng dấn thân hoạt động để làm vơi nhẹ đi những đau khổ cho anh chị em mình.

Sống Lời Chúa: Đi thăm viếng một bệnh nhân, và cầu nguyện cho một người đang sống xa Chúa trước khi lựa lời khuyên bảo người ấy.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Kính Mến”.

 

16/02/15                                            THỨ SÁU TUẦN 6 TN

                                                                            Mc 8,11-13

THẤY VÀ TIN

Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. (Mc 8,11-12)

Suy niệm: Khi khoa học thực nghiệm ngày càng được cổ súy, người ta cứ đòi điều gì phải “thấy” thì mới “tin,” nghĩa là phải nắm bắt được bằng lý trí mới chấp nhận. Thế nhưng giữa “thấy” và “tin” không minh nhiên có mối quan hệ nhân quả. Nhiều khi người ta vẫn “tin” dù không thấy cũng như lắm người “thấy” đó mà không “tin.” Quả thật, trong cuộc sống, có những điều ai cũng “tin” dù chưa hề “thấy” bao giờ; và nhất là cả cuộc sống, cung cách hành xử của người ta lắm khi lại dựa trên những điều “không thấy mà tin” đó. Người ta vẫn tin rằng dân số thế giới hiện nay trên 7 tỷ người mà không cần kiểm tra con số chính xác hay tin rằng rắn hổ mang chúa có thể cắn chết người mà không ai dại gì thử để xác minh… Những người Pha-ri-sêu ngay cả sau khi thấy Chúa hóa bánh ra nhiều lần thứ hai mà họ vẫn yêu cầu một dấu lạ khác để thử Người. Thật ra, “tin-đức tin” là ơn ban của Thiên Chúa đi trước nỗ lực “thấy-hiểu biết” của con người.

Mời Bạn: Không thấy Chúa hiện ra an ủi mình trong những lúc gặp khó khăn, bạn có thất vọng không? Phải chăng bạn đang trông chờ vào một phép lạ mà quên rằng Chúa vẫn luôn chở che bạn? Bạn nhớ Chúa Giê-su đã nói với Tô-ma: “Phúc cho ai không thấy mà tin.”

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín Chúa đang hiện đến với tôi qua những người khó khăn cần sự giúp đỡ của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa luôn quan phòng yêu thương che chở con mỗi ngày. Xin gia tăng ơn đức tin để con được nhìn thấy Chúa nơi anh chị em xung quanh con. Amen.

 

17/02/15                                              THỨ BA TUẦN 6 TN

Bảy thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ               Mc 8,14-21

COI CHỪNG MEN PHA-RI-SÊU

“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê.”(Mc 8,20)

Suy niệm: “Thù trong” thường đáng sợ hơn “giặc ngoài”. Nói vậy, không có nghĩa “giặc ngoài” không đáng lo. Chúa Giê-su không chỉ kêu gọi gìn giữ tâm hồn ngay chính, Ngài còn nhắc nhở các môn đệ phải coi chừng cả những ảnh hưởng xấu của nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, ấy là sự xơ cứng lương tâm. Sau khi chứng kiến phép lạ Chúa chữa người bại tay, nhóm Pha-ri-sêu không tin quyền năng của Ngài thì chớ, lại còn tìm cách giết Ngài (Mc 3,5). Còn Hê-rô-đê và thuộc hạ của ông, sau khi nghe biết những phép lạ Chúa Giê-su làm, đã không tin nhận Ngài, và cho rằng Ngài là Gioan Tẩy Giả sống lại (Mc 6,16). Sự xơ cứng lương tâm đưa con người đến chỗ “dị ứng” với điều tốt, và thản nhiên với điều xấu, và tệ hơn nữa, tìm cách hủy diệt sự thật, công bằng và tình thương. Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II gọi đó là “nền văn minh sự chết.” Loại men “sự chết” này đang lăm le làm dậy lên một thế giới của “sự chết” trong thời đại hôm nay.

Mời Bạn quyết nói không với ma quỉ, với sự xấu, sự ác, đang lộng hành chung quanh chúng ta.

Chia sẻ: “Nền văn minh tình thương” là gì? Mời bạn nêu vài ví dụ.

Sống Lời Chúa: Khuyên nhủ hay hành động giúp người khác tôn trọng sự sống thai nhi, quý trọng và gìn giữ bầu khí thuận hòa trong gia đình.

Cầu nguyện: Chúa ơi, thế gian đầy dẫy men “sự chết” làm chai cứng lương tâm con người. Xin giúp chúng con tỉnh táo nhận diện chúng và xây dựng một thế giới yêu thương, công bằng và tôn trọng sự thật. Xin nâng đỡ chúng con và chớ để chúng con sa chước cám dỗ.

 

18/02/15                                                    THỨ TƯ LỄ TRO

                                                                       Mt 6,1-6.16-18

LÀM PHÚC THẬT

“Khi làm việc lành phúc đức anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng.” (Mt 6,1)

Suy niệm: Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay Thánh, là dịp để mọi Ki-tô hữu làm mới lại cách sống của mình theo tinh thần Phúc Âm qua ba phương thế đạo đức: ăn chay, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức. Ăn chay thì có thể làm kín đáo, cầu nguyện thì có thể “vào phòng đóng cửa lại”, còn làm phúc bố thí thì làm sao có thể “không cho tay trái biết việc tay phải làm” được? Thật ra, Chúa dạy chúng ta phải làm những việc tốt đẹp để, giống như “ánh sáng chiếu giãi trước mặt thiên hạ,” người ta “xem thấy mà ngợi khen Cha anh em ở trên trời” (Mt 5,16). Vì thế điểm phân biệt việc làm phúc thật với việc “làm phúc giả” chính là ở ý hướng và thái độ của người làm: làm việc lành phúc đức không phải để “phô trương cho thiên hạ thấy” mà chỉ vì vinh danh Chúa.

Mời Bạn: Chúng ta có biết “coi chừng” những hành động bên ngoài của chúng ta khi làm việc lành cho anh em không? Hay cách làm “phúc thật” của chúng ta thay vì mang lại tình huynh đệ hiệp nhất, lại gây nên chia rẽ và là dịp để “đánh bóng tên tuổi”’ của mình?

Sống Lời Chúa: Trong các việc tốt, tôi chọn việc tốt nào giúp tôi nên giống Chúa Giê-su khiêm nhường và hiền lành hơn cả.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con khi làm việc lành phúc đức biết loại bỏ những ý hướng tìm kiếm hư danh, nhưng biết chia sẻ bằng chính tấm lòng bác ái chân thành để làm vinh danh Chúa, nhờ đó trong Mùa Chay Thánh này chúng con được đổi mới và hưởng trọn vẹn niềm vui Ơn Cứu Độ.

 

19/02/15                                        THỨ NĂM SAU LỄ TRO

Mồng Một Tết Ất Mùi. Cầu bình an năm mới. Mt 6,25-34

ĐỪNG LO LẮNG!

“Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?” (Mt 6,31)

Suy niệm: Cuộc sống con người hầu như là một cuộc vật lộn giữa các nỗi lo. Thế nhưng dù có túng nghèo, “chẳng phong lưu cũng ba ngày tết”, trong nhà cũng phải có ít nhiều “thịt mỡ dưa hành”, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa áo quần mới, một chút gọi là tiễn năm cũ, chào năm mới; người ta gác lại những lo toan thường ngày lại để cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Trong ngày đầu năm mới, Lời Chúa khích lệ chúng ta đừng quá bận tâm lo lắng về cuộc sống. Chỉ mấy câu ngắn trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nhắc nhở ta đến 7 lần “đừng lo lắng”, “lo lắng làm gì” nhưng hãy mở rộng tầm nhìn, ngắm xem “chim trên trời”, “hoa ngoài đồng” để cảm nghiệm quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa và đặt để cuộc đời của mình trong bàn tay của Ngài: “Anh em đừng lo lắng gì về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo.”

Mời Bạn: Quả thực lắm khi bạn phải quay quắt vì nỗi lo cơm áo gạo tiền; nhưng cũng có những cái lo kiểu “lo cau trổ muộn, lo già kém duyên”. Bạn thực sự đang lo lắng gì trong cuộc sống của bạn? Mời bạn nhớ lời thánh Phê-rô: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).

Chia sẻ: Bạn tưởng mình tự lo toan được mọi việc, nhưng nghiệm lại, bạn có thấy bàn tay Chúa phù hộ mình không?

Sống Lời Chúa: Lặp lại Lời Chúa trên đây (Mt 6,34; 1Pr 5,7; v.v.), mỗi khi bạn có điều lo âu trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong cuộc sống, nhiều lúc con phải bon chen lo lắng quá nhiều. Xin cho con nhớ lời Chúa dạy hôm nay để sống thanh thoát, sống phó dâng mọi việc vào bàn tay quan phòng của Chúa. Amen.

 

20/02/15                                         THỨ SÁU SAU LỄ TRO

Mồng Hai Tết. Kính nhớ tổ tiên                         Mt 15,1-6

“HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ”

“Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.” (Mt 15,4)

Suy niệm: Dân Việt mình từ ngàn xưa, khi chưa nghe biết Tin Mừng, đã ân cần tuân giữ điều răn: “Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ”.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu ca dao ấy, người Việt Nam già trẻ lớn bé ai mà không biết, bởi vì đạo hiếu đã ăn sâu trong tâm thức chúng ta từ bao đời nay rồi. Trong những ngày tết, đạo hiếu càng được nhấn mạnh trong bầu khí gia đình thân mật ấm cúng: anh em họ hàng đoàn tụ; con cháu chúc tuổi ông bà, tưởng nhớ tổ tiên; ông bà dạy bảo con cháu giữ gìn nề nếp gia phong… Đạo hiếu của dân Việt thật là phù hợp luật tự nhiên ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Chúa Giê-su còn tiếp tục bảo vệ đạo hiếu bằng những lời răn đe nghiêm khắc: “Thiên Chúa dạy: ngươi phải thờ cha kính mẹ”. Thật khủng khiếp, Lời Chúa nói với ta hôm nay: “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.”

Mời Bạn: Bạn có nhận thấy tinh thần đạo hiếu nơi người trẻ ngày nay có phần bị phai nhạt do tác động của những chuyển biến xã hội không? Trong bối cảnh đó, khi chu toàn giới răn “Thảo kính cha mẹ”, bạn cũng đồng thời chấn hưng những giá trị truyền thống của dân tộc mình và dọn đường cho Tin Mừng đến với anh chị em đồng bào.

Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để xoá đi sự hiểu lầm nơi anh chị em lương dân rằng “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”?

Sống Lời Chúa: Bạn bố trí bàn thờ tổ tiên theo tinh thần dân tộc và phù hợp với đức tin. Trong ngày giỗ, bạn mời cả những người họ hàng bên lương tham dự thánh lễ cầu cho ông bà, tổ tiên.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 

21/02/15                                         THỨ BẢY SAU LỄ TRO

Mồng Ba Tết. Thánh hoá công ăn việc làm Mt 25,14-30

BIẾT CÁCH SINH LỜI

“Ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” (Mt 25,20)

Suy niệm: Với một người có đầu óc kinh doanh –  như ông chủ trong bài Tin Mừng – thì việc nhận cả vốn lẫn lời gấp đôi từ đầy tớ là điều không thể tốt hơn. Tốt cho ông và cũng tốt cho chính người được ông tin tưởng giao của cải cho. Phần ông, ông biết được người đầy tớ nào trung tín, cần mẫn để giao cho những công việc quan trọng hơn; phần người được giao, anh ta trưởng thành hơn trong việc sử dụng của cải, thứ mà anh phải vay mượn lúc đầu. Tin Mừng không cho biết anh làm lời bằng cách nào, chỉ biết là anh đã có cả vốn lẫn lời để hoàn lại cho ông chủ. Anh được chủ khen thưởng vì anh biết cách sinh lời. Để được kết quả như thế, chắc chắc anh phải suy nghĩ, động não, bàn hỏi với nhiều người, vận dụng mọi thời cơ nếu không muốn mất cả chì lẫn chài! Anh đã phải khôn khéo trên thị trường lắm lúc khốc liệt tựa như là chiến trường!

Mời Bạn: Sau những ngày xuân, bạn sẽ bước vào một năm mới để “kinh doanh” số vốn Chúa tin tưởng giao phó cho bạn: khả năng, thời giờ, của cải… Bạn hãy coi lại số vốn đó là gì, bao nhiêu, và sẽ phải đầu tư như thế nào.

Chia sẻ: Có ba bước để đầu tư đem lại lợi nhuận thiêng liêng là xin: cầu nguyện, tìm: học hỏi, và gõ: thực hành điều ta học được nơi Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín câu Lời Chúa sau đây: “Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã giao cho con số vốn là những gì con đang có. Xin giúp con biết nhận ra con chỉ là người quản lý, chứ không phải là chủ nhân, và tìm cách làm lời cho Chúa và cho con trong năm Ất Mùi này.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment