5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 02-2013


17/02/13                               CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – A  

                                                                               Lc 4,1-13

chúa cũng bị cám dỗ

Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4,4)

Suy niệm: Mặc dù là Con Thiên Chúa, nhưng trong thân phận con người, Chúa Giê-su cũng vẫn bị ma quỉ cám dỗ. Đáng lưu ý là ma quỉ tấn công Chúa bằng những cơn cám dỗ không khác những gì chúng ta vẫn mắc phải: – cám dỗ về thoả mãn những nhu cầu: biến đá thành bánh; – cám dỗ thể hiện quyền lực: thống trị thế giới; – cám dỗ tận hưởng danh vọng: phô trương quyền năng bằng phép lạ.

Ông bà tổ tông loài người cũng đã bị cám dỗ như thế và đã thất bại. Chúng ta cũng vẫn bị cám dỗ như thế, và không ít lần chúng ta đã thất bại. Bí quyết của Chúa Giê-su là : Đã có lời chép rằng: Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa”.

Mời Bạn: Tìm hiểu phương pháp Chúa Giê-su chiến đấu và chiến thắng cám dỗ: – yêu mến Chúa Cha – nhận biết và thi hành thánh ý Chúa Cha – đọc và suy niệm Lời Chúa để biết thánh ý Chúa. Bạn có muốn chiến thắng cám dỗ như Chúa Giê-su đã làm không? Hãy noi gương Người, hay đúng hơn, hãy cùng với Người chiến đấu.

Chia sẻ: Cám dỗ của chúng ta trong thời đại ngày nay thường xảy ra dưới hình thức nào? Thảo luận về chiến thuật của Chúa Giêsu chống lại cám dỗ.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian để đọc và suy niệm Lời Chúa và chiêm ngắm cung cách hành động của Chúa Giêsu. Và bạn nhớ thực hiện theo Lời Chúa dạy nhé.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong cuộc sống, vì Lời Ngài là sức sống của con.


18/02/13                                            THỨ HAI TUẦN 1 MC

                                                                           Mt 25,31-46

LÀM CHO CHÍNH CHÚA

“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người… Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau.” (Mt 25,12)

Suy niệm: Tin đồn thất thiệt về ngày tận thế (21/12/2012) vừa qua đã làm không ít người cảm thấy lo lắng và bất an. Gõ “ngày tận thế” vào mục tìm kiếm trên mạng Google, ta sẽ có được hàng triệu kết quả. Nhưng nếu tìm những từ đó ở mục tìm kiếm của cuốn Kinh Thánh, thì ta sẽ tìm thấy một lộ trình rõ ràng. Đỉnh điểm của ngày ấy là cuộc quang lâm của Con Người “để phán xét kẻ sống và kẻ chết” (Kinh Tin Kính). Vị Thẩm phán sẽ tách biệt hai nhóm người: được chúc phúc và bị nguyền rủa. Cả hai nhóm đều bị xét xử dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất: đã làm hay không làm điều tốt lành cho những người lân cận, bởi vì đó là đã làm hay không làm cho chính Chúa.

Mời Bạn: Đức Giêsu tiếp tục đồng hóa mình với những anh chị em khốn khổ, nghèo hèn; và sự đồng hóa ấy sẽ làm nhiều người bất ngờ. Vì thế, việc chuẩn bị cho ngày tận thế, không phải là tìm nơi trú ẩn an toàn, tích trữ thật nhiều lương thực trong những ngày tăm tối, nhưng từ bây giờ, hành trang cần chuẩn bị là đức tin và đức ái. “Đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành thân cận của chúng ta trên đường đời” (Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Cửa Đức Tin, 14).

Sống Lời Chúa: Tôi tập nhận ra Đức Kitô nơi những người bất hạnh, nghèo khổ mình gặp gỡ mỗi ngày và luôn sẵn sàng tìm mọi phương cách giúp đỡ họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đức tin mạnh mẽ để xác tín rằng mỗi khi con làm điều lành cho một người bé nhỏ, là làm cho chính Chúa. Amen.


19/02/13                                             THỨ BA TUẦN 1 MC

                                                                               Mt 6,7-15

MỐI THÂN TÌNH CHA CON

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời.” (Mt 6,9)

Suy niệm: Nhận định sau đây về việc cầu nguyện có thể chính xác với nhiều người chúng ta: “Hầu hết các hiểu biết người ta có về cầu nguyện là những gì còn sót lại từ thời thơ ấu” (Sách giáo lý Kết Hôn với Người Công Giáo). Ta thường cầu nguyện: Xin cho con học giỏi;  xin cho con có sức khỏe… Ai đó đã dạy ta cầu nguyện đại loại như thế khi ta còn thơ ấu và nay ta tiếp tục. Tuy nhiên, qua kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta theo một trật tự khác: trước hết cầu xin cho những gì liên hệ đến Thiên Chúa (danh Chúa, Nước Chúa, ý Chúa), rồi mới đến nhu cầu của ta (lương thực, tha tội, cám dỗ, sự dữ). Chỉ khi ta nhìn nhận Chúa đúng vị thế tối cao của Ngài, thì mọi sự mới xứng hợp. Chỉ khi nào có tâm tình người con thảo hiếu với Thiên Chúa và người môn đệ Đức Kitô, ta mới hiểu tại sao phải ưu tiên Thiên Chúa trước, rồi mới đến điều ta mong ước.

Mời Bạn: Bao lâu tôi chưa nhận ra mối tương quan Cha-con giữa tôi với Thiên Chúa, bấy lâu tôi vẫn còn xa lạ với Ngài, “chất tôn giáo” trong tâm hồn tôi còn mờ nhạt. Vì thế, khi cầu nguyện, bạn hãy “mở mắt” để thấy tấm lòng của Chúa là Cha; “mở miệng” ra để thưa với Chúa là Cha; “mở tai” ra để nghe Chúa nói: “Hỡi con yêu dấu của Cha.”

Sống Lời Chúa: Ngẫm từng câu trong Kinh Lạy Cha để cảm được niềm vui có Chúa là Cha chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các tương quan hằng ngày như gia đình, bạn bè… đem lại cho chúng con niềm vui lẫn nỗi buồn. Nhưng trên hết, Chúa đã chỉ cho chúng con mối tương quan sống còn, là được biết Thiên Chúa là Cha yêu thương. Xin cho con sống mối thân tình này thật đậm đà.  Amen.


20/02/13                                             THỨ TƯ TUẦN 1 MC

                                                                           Lc 11,29-32

SÁM HỐI

“Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 9,32)

Suy niệm: Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh so sánh thật đậm nét khiến cho không ai có thể hiểu sai sứ điệp của Ngài. Vị trí của dân thành Ninivê ở rất xa trong chương trình cứu chuộc so với dân Ítraen, dân riêng của Chúa. Còn ngôn sứ Giôna dẫu sao cũng chỉ là sứ giả, hoàn toàn không thể so sánh với Đức Kitô: “Ở đây còn hơn ông Giona nữa.” Nếu như dân Ninivê đã sám hối ngay khi vừa nghe Giona rao giảng, thì dân riêng của Chúa còn phải sám hối cách mau mắn và triệt để hơn biết bao!

Mời Bạn: Công Đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải” (DZ. 1676). Đau buồn và gớm ghét quá khứ tội lỗi để từ bỏ, còn quyết tâm chừa cải là nhắm tới tương lai tốt đẹp, và thánh thiện. Vì thế, sám hối không chỉ dừng lại ở tâm tình mà còn phải biến thành hành động cụ thể là nhìn nhận việc làm sai trái để hoà giải với Chúa và anh em đồng thời đền bù những thiệt hại mình đã gây ra. Trong Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi sám hối một cách khẩn thiết hơn. Chỉ nhờ nghe lời Giona mà dân Nivivê đã được Chúa nguôi cơn giận mà tha thứ; phần chúng ta nghe lời của Đức Giêsu, Con của Ngài, chúng ta còn được tha thứ và yêu thương biết mấy! Bạn còn chần chờ gì mà không sám hối trở về làm hoà với Chúa trong bí tích Hoà Giải?

Chia sẻ cảm nghiệm của bạn sau khi lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm sám hối thật lòng và lãnh nhận bí tích hoà giải.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.


21/02/13                                          THỨ NĂM TUẦN 1 MC

Th. Phêrô Đamianô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh Mt 7,7-12

LÀ QUÀ TẶNG CHO NHAU

“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12)

Suy niệm: Nếu có ai làm cho bạn những điều bạn đang mong ước thì hẳn bạn thấy hạnh phúc, bạn sẽ cảm ơn… Nhưng cũng rất thường tình là ta thích nhận lãnh hơn là làm cho người khác những điều mà ta vẫn ước mong người khác làm cho mình. Đức mến chân chính là hãy đi bước trước làm điều thiện cho người, chứ không ngồi đợi người khác làm điều thiện cho ta, bởi lẽ “khi hiến thân là lúc được nhận lãnh.” Đành rằng có xin ta mới mở hầu bao, nhưng cũng có khi không cần xin, ta vẫn cứ phải làm điều tốt cho người: cha mẹ thương con đâu cần con phải xin, vợ chồng yêu nhau tự thân họ biết phải làm gì cho nhau… Tình yêu là thế đó!

Mời Bạn: Chúa yêu ta cũng tương tự như thế. Ngài cho ta sự sống trước khi ta biết xin Ngài. Ngài cho ta người anh chị em để ta giao lưu, gặp gỡ, sống cùng, bởi không ai là một hòn đảo. Sự hiện diện của tha nhân là một món quà. Đáp lại, bạn hãy cống hiến chính bản thân mình làm món quà cho tha nhân.

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy hài lòng khi sống với những người đang sống với bạn không? Bạn không hài lòng, phải chăng tại bạn chưa nhận ra món quà người khác trao cho bạn hoặc bạn chưa trở thành món quà cho người khác?

Sống Lời Chúa: Hãy xét mình mỗi ngày để thấy là tại ai mà ta chưa sống hạnh phúc; và cảm ơn người đã mang lại hạnh phúc cho ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, làm điều tốt cho người là hình thái ăn chay tích cực, dù con giàu hay nghèo. Xin cho con để tâm thực thi điều ấy trong suốt mùa Chay này. Amen.


22/02/13                                           THỨ SÁU TUẦN 1 MC

Lập Tông Toà Thánh Phêrô                           Mt 16,13-19

LÒNG TIN CỦA PHÊRÔ

“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Suy niệm: Chúng ta nhìn vào đức tin của thánh Phêrô, hầu rút ra bài học cho mình trong Năm Đức Tin này. Phêrô vừa biết Chúa Giêsu thì đã tin vào Ngài, trở nên một trong bốn môn đệ đầu tiên. Ông được nghe lời giảng dạy của Chúa và chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Tưởng chừng như lòng tin của ông kiên vững lắm. Nhưng ta chưng hửng biết bao khi thấy ông tỏ ra yếu tin, ngã lòng, thất đảm, thậm chí chối bỏ đức tin nữa. Các trình thuật về việc Phêrô đi trên mặt nước rồi bị chìm (Mt 14,22-33), chối Chúa ba lần (Mc14,66-72), trốn chạy khi Chúa chịu nạn… cho thấy lòng tin của ông như thế nào! Cuối cùng, sau những lần yếu đuối, Phêrô đã kiên vững trong lòng tin cho đến chết. Gương của Phêrô cho thấy đức tin là một ơn của Chúa, con người khó mà có được lòng tin vững mạnh nếu Chúa không nâng đỡ (Lc 22,31-32). Về phần Chúa, ta thấy Ngài luôn lạc quan, tin tưởng vào Phêrô, dù biết rõ con người của ông.

Mời Bạn: Hẳn bạn không thể tự mãn về lòng tin của mình, dù bạn vẫn giữ đạo tốt, vẫn tin vào Chúa. Bạn cũng chẳng dám cho rằng mình có đức tin “lớn bằng hạt cải” (Lc 17,6). Đức tin của bạn phải trải qua thử thách thì mới là đức tin thật và mạnh mẽ.

Sống Lời Chúa: Khiêm tốn nài xin Chúa nâng đỡ lòng tin yếu kém của bạn, trong sự xác tín rằng đức tin của bạn sẽ được củng cố nhờ cầu nguyện, nhờ Lời Chúa và bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Tâm sự với Chúa bằng lời Phúc Âm: – “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17,5); – “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin nâng đỡ lòng tin yếu kém của con” (Mc 9,24).


23/02/13                                           THỨ BẢY TUẦN 1 MC

Th. Pôlicáp, giám mục, tử đạo                        Mt 5,43-48

YÊU KẺ THÙ!

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,44-45)

Suy niệm: Sự thường ở đời, mến người dễ mến, yêu người đáng yêu, thương người thương mình thì rất dễ; nhưng yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho người làm hại mình lại quá khó. Thế mà, Chúa Giêsu lại yêu cầu những ai tin vào Ngài phải vượt qua lối hành xử thường tình đó để luôn sống yêu thương theo gương của Thiên Chúa là Cha. Hơn nữa, chính bản thân Chúa Giêsu cũng đã sống trọn vẹn lời kêu gọi này. Ngài chấp nhận chết vì nhân loại tội lỗi và tha thứ cho những kẻ đã làm khổ và giết chết Ngài.

Mời Bạn: Theo gương Chúa Giêsu và theo lời dạy của Ngài, chúng ta được mời gọi sống quảng đại hơn nữa trong các mối tương quan với mọi người: yêu kẻ ghét mình và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình. Ngày hôm nay, mỗi người được mời gọi làm việc hy sinh, hãm mình và bác ái để cầu nguyện cho một hoặc nhiều người đang gây khó chịu, đang làm khổ, làm hại mình.

Sống Lời Chúa: Nhắc lại nhiều lần trong ngày lời Chúa Giêsu trên Thánh gia: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con tập yêu và biết yêu như Chúa khi cư xử với những người đang làm phiền, làm khổ con. Xin Chúa cũng cho con có được tâm tình của Chúa để con biết sống và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment