5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 01-2015

18/01/15                                CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – B

Khởi đầu tuần lễ hiệp nhất Ki-tô hữu           Ga 1,35-42

CHÚNG TÔI ĐÃ GẶP

Ông An-rê dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-mon và nói: “Anh là Si-mon, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô). (Ga 1,42)

Suy niệm: Nếu như thánh Gio-an Tẩy giả không giới thiệu Đức Giê-su với các môn đệ của ông thì khó lòng mà An-rê gặp được Chúa Giê-su và đưa em mình đến với Ngài, để rồi từ đó các ông được Chúa gọi đi theo. Chúng ta thấy vai trò của người giới thiệu rất là quan trọng vì nó có tính quyết định cho một chọn lựa, dĩ nhiên chúng ta còn có tự do của riêng mình, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò giới thiệu của một ai đó (cho nghề nghiệp, hướng đi tu…).

Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn có trách nhiệm giới thiệu Đức Ki-tô cho anh chị em của mình bằng Lời của Ngài, bằng đời sống tốt phản ánh Tin Mừng bạn đọc và suy gẫm mỗi ngày. Bạn đóng vai trò của Thánh Gio-an Tiền hô, không giữ riêng cho mình điều mà chính Chúa muốn bạn chia sẻ, nhất là khi điều ấy đem lại một kết quả tốt đẹp cho mọi người. Đó chính là đức bác ái Ki-tô giáo.

Chia sẻ: Có khi nào bạn “giấu” không muốn nói cho ai đó biết một điều có lợi cho người ấy chưa (một việc làm, một người cố vấn có khả năng, một cơ hội giải quyết khó khăn mà họ đang gặp phải…)?

Sống Lời Chúa: Trong năm Tân Phúc Âm hoá này, mỗi khi có dịp, bạn nói về Chúa, về niềm tin của mình cho những người chưa biết (vd: tặng 1 cuốn Kinh thánh, dẫn đi nhà thờ, đền Đức Mẹ…) để nhờ đó họ cũng “gặp được Đấng Mê-si-a”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ ngại miệng mỗi khi nói về Chúa cho mọi người và sẵn lòng chỉ cho người khác điều tốt đẹp, đừng ích kỷ chỉ biết cho riêng mình mà thôi.


19/01/15                                             THỨ HAI TUẦN 2 TN

                                                                            Mc 2,18-22

SO SÁNH

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?(Mc 2,19b)

Suy niệm: Việc các môn đệ của Gio-an Tẩy giả và của phái Pha-ri-sêu ăn chay, trong khi môn đệ của Thầy Giê-su lại không khiến có người thấy “chướng mắt”. Phải chăng những người này đã khéo “lựa lời” hỏi tại sao trò không giữ luật Mô-sê để gián tiếp “sửa lưng” Thầy đã dung túng cho trò vi phạm? Đã thế, người hỏi còn ngầm so sánh cho rằng môn đệ của Gio-an Tẩy giả cũng như của người Pha-ri-sêu mới đích thực trung thành với luật cha ông! Một câu hỏi với nhiều hàm ý! Chúa Giê-su minh hoạ câu trả lời của Ngài bằng nhiều ví dụ: vải mới mà vá vào áo cũ, rượu mới mà đổ vào bầu da cũ là không phù hợp. Cũng thế, xét bề ngoài, ăn chay là giống nhau, nhưng ăn chay vì ai, vì cái gì thì rất khác biệt. Môn đệ của Thầy Giê-su ăn chay hay không là vì “chàng rể”, là vì chính Ngài, là Đấng Ki-tô.

Mời Bạn: Một việc làm có giá trị trước mặt Chúa hay không là tuỳ ở ý hướng, ở tấm lòng của chúng ta đối với Ngài. Nếu chỉ chăm chăm lo giữ chay mà không có lòng nhân ái thì chay tịnh cũng vô ích, ăn chay mà không cầu nguyện thì cũng không đủ… Nếu chỉ tính đếm đọc bao nhiêu kinh, dự bao nhiêu lễ mà không có lòng yêu mến thì cũng chỉ như “tiếng phèng la inh ỏi” mà thôi (x. 1Cr 13,1).

Sống Lời Chúa: Ăn chay trong khiêm tốn, trong phục vụ và trong yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho con một đôi mắt để quan sát, một trí óc để phán đoán. Xin cho con phán đoán sự việc bằng một trái tim biết yêu thương để con trở thành người môn đệ luôn khát khao phục vụ người nghèo như Chúa. Amen.


20/01/15                                               thứ ba tuần 2 tn

Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng và Sê-ba-ti-a-nô tử đạo Mc 2,23-28

tránh thói nệ luật

“Ngày sa-bát được tạo ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát.” (Mc 2,27)

Suy niệm: Luật ngày sa-bát là một ngòi nổ thường trực tiếp làm bùng lên những cuộc đụng độ giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu. Và bao giờ cũng vậy, đối với thói nệ luật đến mức phi nhân và nô lệ hoá con người như thế, Đức Giê-su luôn chống lại. Luật phục vụ cho con người, chứ không ngược lại. Đây cũng là chuẩn mực tối hậu của luật Giáo Hội. Là một cơ chế lớn, Giáo Hội cần một bộ giáo luật khá ‘kềnh càng’; tuy nhiên, bộ giáo luật ấy được đúc kết ở điều cuối cùng (đ. 1752) như sau: “lex suprema, salus animarum” (luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn). Đáng tiếc là trong thực tế, thói nệ luật xem ra vẫn còn vướng vất đâu đó, ít hay nhiều, nơi các ‘chủ chăn’ lẫn ‘con chiên’.

Mời Bạn: Nhìn ngắm thái độ của Đức Giê-su đối với luật. Ngài không ‘nổi loạn’ dẹp bỏ hết luật lệ; song Ngài cũng không đặt luật trên con người. Ngài trả luật về đúng vai trò và ý nghĩa của nó.

Chia sẻ: Nhân câu chuyện về ngày sa-bát, thử xét việc giữ luật ngày Chúa Nhật của chúng ta ngày nay: 1) Có phải việc bỏ Thánh Lễ Chúa Nhật trong mọi trường hợp đều là tội trọng không? 2) Một người thường xuyên ‘đi lễ’ Chúa Nhật, nhưng cũng thường ngồi ngoài sân tán gẫu, hút thuốc, nói chuyện trên điện thoại di động, v.v… thì có hoàn thành bổn phận giữ ngày Chúa Nhật không?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn cố gắng làm mọi việc bổn phận với cả tấm lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết làm các việc bổn phận một cách có chất lượng, bằng cách đặt cả tấm lòng mình vào đó. Và xin giải phóng con khỏi thói nệ luật, để có thể sống trong sự tự do của con cái Chúa.


21/01/15                                              THỨ TƯ TUẦN 2 TN

Th. Anê, trinh nữ, tử đạo                                     Mc 3,1-6

CHÚA GIÊ-SU BUỒN BỰC

Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. (Mc 3,5)

Suy niệm: Các kinh sư, luật sĩ, và nhóm Pha-ri-sêu đã nhiều lần xúc phạm đến cá nhân Chúa Giê-su, nhưng có vẻ như Ngài không quan tâm. Tuy nhiên, khi họ xúc phạm đến quyền tối thượng của Thiên Chúa và thiện ích của những kẻ bé mọn, thì Ngài thẳng thắn, mạnh mẽ lên án. Thánh sử Mác-cô không chỉ thuật lại những lời Chúa Giê-su quở trách họ, mà còn diễn tả cả nét mặt của Ngài: một bộ mặt giận dữ pha lẫn nỗi u buồn, thất vọng, vì họ cứ khư khư nại vào luật Mô-sê để từ chối việc bác ái lẽ ra cần phải được làm ngay. Một Thiên Chúa làm người “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” lắm khi phải bày tỏ sự giận dữ, buồn bực trước sự cứng lòng của con người, cho thấy Ngài đã phải chịu đựng họ như thế nào, cũng như cái giá mà sự tự do phải trả vì Thiên Chúa tôn trọng tự do ấy của con người.

Mời Bạn: Có khi nào bạn nghĩ Chúa buồn bực bạn vì bạn cứng cỏi và ương ngạnh không? Việc nào khiến Ngài có thái độ như thế?

Chia sẻ: Đức công bằng, bác ái không cho phép hễ thương ai thì đánh giá tốt còn không ưa ai thì trù dập cả những giá trị tích cực của người mình không ưa. Trái lại, bao giờ cũng phải biết trân trọng chân lý.

Sống Lời Chúa: Vui với người vui, khóc với người khóc. Có như thế, ta mới thực sự là con một Cha trên trời, Đấng cho “mưa trên người lành lẫn kẻ dữ.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã giận dữ, buồn bực khi thấy con người đối xử xấu với những kẻ bé mọn. Xin cho con sớm nhận thấy đâu là điều làm Chúa buồn bực với con, để sửa lại hầu làm vui lòng Chúa, nhất là trong tương quan với người khác. Amen.


22/01/15                                           THỨ NĂM TUẦN 2 TN

Th. Vinh-sơn, phó tế, tử đạo                            Mc 3,7-12

CHỈ XIN THEO CHÚA MÀ THÔI

Người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. (Mc 3,8)

Suy niệm: Nhiều danh thủ, siêu sao thế giới hết sức bất ngờ vì độ “cuồng” mà người hâm mộ Việt Nam dành cho họ khi họ đến thăm đất nước này. Từng đoàn người đông đảo chờ đợi tại sân bay tới tận nửa đêm để đón thần tượng của mình; có người còn khóc ròng vì không thể xin được chữ ký của họ. Đó chỉ là một số dấu chỉ nhẹ nhàng của hội chứng cuồng thần tượng mà nếu không tỉnh táo, có thể dẫn đến những sai lệch về nhận thức và về chính bản thân. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc đám đông lũ lượt tìm đến Chúa Giê-su. Ngài không cho họ chữ ký kỷ niệm; trái lại, Ngài chữa lành họ không chỉ tật bệnh phần xác mà còn phục hồi cho họ điều cao quý nhất đó là phẩm giá của người con cái Chúa.

Mời Bạn: Theo Chúa mà chỉ để tìm kiếm những lợi lộc vật chất sẽ dẫn đến những lệch lạc trong mối tương quan với Thiên Chúa, khiến niềm tin đích thực bị xói mòn và biến thành một thứ thờ ngẫu tượng như ngày xưa dân Ít-ra-en từ bỏ Thiên Chúa và đặt ra một thứ ngẫu tượng để thờ lạy. Khi dạy chúng ta cầu nguyện, Chúa Giê-su cũng nói chúng ta cầu xin cho các nhu cầu vật chất, nhưng trước tiên Chúa dạy chúng ta hãy xin cho “Nước Chúa trị đến”, rồi những sự khác Chúa cũng sẽ ban cho.

Sống Lời Chúa: Trong ngày lặp lại nhiều lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin cho con theo Chúa mà thôi!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa bao điều lựa chọn, con xin chọn Chúa. Giữa bao hạnh phúc trong đời, con xin chọn tám mối phúc mà Chúa dạy. Giữa bao vinh quang trần thế, con chỉ mong được vào hưởng vương quốc của Chúa mà thôi. Amen.


23/01/15                                            THỨ SÁU TUẦN 2 TN

                                                                            Mc 3,13-19

ƠN GỌI: HỒNG ÂN VÀ SỨ MẠNG

Đức Giêsu gọi những kẻ Người muốn, để các ông ở với Người. (Mc 3,13)

Suy niệm: Ta thường tìm cách giải thích vì sao người này người kia có ơn gọi này hay ơn gọi nọ; nhưng ta không bao giờ lý giải được rốt ráo, vì tiên vàn đó là một hồng ân. Chúa gọi những ai Chúa muốn. Ơn gọi là một ân huệ vì đó là quà tặng của Thiên Chúa do ý định nhiệm mầu của Ngài chứ không phải do chúng ta có quyền đòi hỏi. Ơn gọi luôn gắn liền với sứ mạng: Chúa gọi các môn đệ để sai họ đi rao giảng. Điều này dễ nhận ra vì sứ mạng rao giảng có thể thấy được qua những hoạt động bên ngoài. Nhưng cũng đừng quên rằng nhịp cầu nối liền ơn gọi với sứ mạng chính là ở lại với Đức Ki-tô bằng đời sống cầu nguyện kết hiệp. Được ơn Chúa kêu gọi thì phải đến ở với Chúa Giê-su thì mới được Ngài sai đi.

Mời Bạn: Ý thức rằng qua bí tích Rửa Tội mọi người đều được kêu gọi và được sai đi, chứ không riêng gì những người được ơn gọi chuyên biệt trong Giáo Hội. Và không chỉ những tu sĩ chiêm niệm mà mọi Ki-tô hữu đều phải có đời sống cầu nguyện để nuôi dưỡng và thống nhất các hoạt động tông đồ của mình. Có những ơn gọi có vẻ như gãy đổ hay mất ‘chất’, ta sẽ không oán trách gièm pha, nhưng tìm cách giúp đỡ trong khả năng mình (nhất là bằng cầu nguyện) để người anh chị em ấy tìm lại được “tình yêu thuở ban đầu” (cf. Kh 2,4).

Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn về mối tương tác chặt chẽ giữa cầu nguyện và hoạt động.

Sống Lời Chúa: Sống tâm tình tạ ơn vì mình đã được gọi, và tổ chức lại đời sống, nếu cần, để tạo đựơc sự hài hoà giữa cầu nguyện và hoạt động tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì ơn gọi Chúa dành cho con.


Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment