5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 01-2014

Mục Lục

Ngày 1 – 11: Trang 1

Ngày 12 – 18: Trang 2

Ngày 19 – 25: Trang 3

Ngày 26 – 31: Trang 4

Kinh Chúa Muốn Mượn: Trang 5

* * *

01/01/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GS

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa                               Lc 2,16-21

NHỮNG NGƯỜI CHĂN CHIÊN

“Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này.” (Lc 2,17-18)

Suy niệm: Cả trình thuật Giáng Sinh của Tin Mừng Luca theo sát những bước chân của các người chăn chiên. Trừ Maria và Giuse, chính các người chăn chiên là những người đầu tiên gặp Chúa Hài Nhi. Họ ở ngoài đồng ban đêm và họ được các thiên sứ báo tin; họ hối hả
tìm đến và gặp Hài Nhi trong máng cỏ; rồi họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa… Một chi tiết rất đặc biệt: Thánh Sử không nói rằng Maria và Giuse đã giới thiệu cho các người chăn chiên về Con Trẻ, mà chính các người chăn chiên này đã nói về Hài Nhi cho cha và mẹ của Hài Nhi, và cho những người khác nữa! Họ là những người loan báo Tin Mừng, những người làm chứng.

Mời Bạn: Cùng với thánh sử Luca, ta dừng ống kính lại nơi các người chăn chiên và thử mô tả họ. Họ giống như những người chăn bò tại các vùng sâu vùng xa ở Việt Nam. Họ thuộc hàng mạt rệp trong bậc thang xã hội và tôn giáo Do thái. Họ là những người nghèo theo mọi nghĩa. Họ dốt nát vì họ thất học. Thường xuyên ở gần và đụng chạm súc vật nên họ cũng thường bị coi là ô uế. Cứ phải một nắng hai sương để kiếm cơm nên họ không còn mấy thời giờ cho việc đạo nghĩa. Họ ở ngoài rìa đời sống tôn giáo và xã hội. Nghèo, dốt, bị khinh thường và kỳ thị. Thế nhưng chính họ là những người đầu tiên được gặp Chúa. Và họ là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng Chúa sinh ra.

Sống Lời Chúa: Chúa trân trọng và ưu ái những người bé nhỏ, khốn cùng nhất. Tôi sẽ tập nhìn những “người chăn chiên” xung quanh cuộc đời mình bằng cái nhìn của Chúa.

Cầu nguyện: Hiệp tâm tình với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, hát: “Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời…”

 

02/01/14  THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

Th. Baxiliô Cả, Ghêgôriô Nadien, gm, tiến sĩ HT Ga 1,19-28

ĐẤNG MÀ TÔI ĐÃ KHÔNG BIẾT

Ông Gioan trả lời: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.” (Ga 1,26)

Suy niệm: Chính Gioan đã hai lần thú nhận chính ông cũng “đã không biết Người” (x. Ga 1,31.33) thế nên chẳng trách dân chúng không biết “có một Đấng đang ở giữa họ. Thật ra không phải là không ai biết gì về con người Giêsu Nadarét mà còn biết rất rõ một Giêsu, con bác thợ mộc, sống giữa họ, cũng bình thường như họ, như bao người khác. Phần Gioan ắt hẳn cũng biết ít nhiều về Giêsu người bà con với mình, nhất là biết những sự kiện lạ lùng về việc sinh ra của Người. Thế nhưng vẫn còn đó bức màn mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người. Đứng trước mầu nhiệm Giêsu, Gioan khiêm tốn nhìn nhận giới hạn nhân loại của mình. Chính nhờ thế, Gioan lại có thể chứng thực cho toàn dân biết “Đấng mà họ không biết”, nhờ ơn mạc khải của Đấng đã sai ông đi làm phép rửa trong nước: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).

Mời Bạn: Có người thẳng thừng từ khước Thiên Chúa và mầu nhiệm của Ngài. Có những người khác tiếp cận mầu nhiệm theo lối “người trần mắt thịt”. Lúc này, lúc khác chúng ta đều có thể thuộc vào một trong hai loại đó, và do đó chúng ta đã không thể nhận ra “Đấng Emmanuen, Thiên Chúa ở giữa chúng ta.” Cần có lòng khiêm tốn của Gioan để có thể thấy Chúa đang ở giữa chúng ta, ở trong anh chị em của mình.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái phục vụ một người anh em bé nhỏ với niềm xác tín mình đang phục vụ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, xin giúp con nhận ra và phục vụ Chúa nơi những người anh em bé nhỏ, nghèo hèn.


03/01/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

                                                                            Ga 1,29-34

ĐẤNG XOÁ TỘI TRẦN GIAN

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.(Ga 1,29)

Suy niệm: Ngày 05/12/2013 ông Nelson Mandela, cựu tổng thống Nam Phi, từ trần được cả thế giới ngưỡng mộ, tiếc thương, không phải chỉ vì trong năm năm ngắn ngủi lãnh đạo quốc gia này, ông đã dẫn dắt đất nước thoát khỏi chế độ kỳ thị chủng tộc và mà nhất là vì ông đã trải qua 27 năm đằng đẵng trong chốn ngục tù để đem lại kết quả đó. Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã nhận định cách chí lý: Ông đã “hy sinh cả tự do của mình để giành lại tự do cho người khác.” Sự hy sinh của Đức Giêsu còn lớn lao hơn vô cùng: hy sinh địa vị làm Con Thiên Chúa để sinh ra và sống thân phận con người với con người; hy sinh mạng sống mình để muôn người được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết để được sống muôn đời. Gioan Tiền Hô đã giới thiệu Chúa Kitô thật chính xác: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian.

Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong một thời đại mà chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ, thực dụng lên ngôi. Sự hy sinh xả kỷ vì tha nhân dễ bị coi là xa xỉ phẩm. Thế nhưng cuộc sống trở nên nghèo nàn và mất ý nghĩa khi chúng ta sống ích kỷ mà quên đi những người đang gần và cần chúng ta. Con Thiên Chúa trở thành “Chiên xoá tội trần gian” trong đó có chính chúng ta, Ngài cũng mời gọi mọi người, đặc biệt các kitô hữu, cùng với Ngài dám chấp nhận hy sinh để dấn thân phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Trong tinh thần của năm PHÚC ÂM HOÁ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH, mỗi người sẵn sàng hy sinh chính mình để phục vụ vì lợi ích của người thân trong gia đình mình bằng những việc cụ thể và thiết thực.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.


04/01/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

                                                                            Ga 1,35-42

VÌ CHÚA VÀ CHO CHÚA MÀ THÔI

Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, Gioan lên tiếng nói: “Đây Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. (Ga 1,36-37)

Suy niệm: Gioan Tẩy Giả có tầm ảnh hưởng rất lớn trong thời của ông: Dân chúng coi ông như một ngôn sứ lớn, thậm chí còn tưởng ông là Đấng Mêsia. Bạo chúa như Hêrôđê cũng phải kiêng nể uy tín của Gioan. Nhưng bất cứ khi nào Gioan nói, ông cũng đều qui hướng về Đức Giêsu “Đấng đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”; ông từ chối nói về bản thân mình chỉ nhận mình chỉ là “tiếng kêu trong hoang địa” “làm phép rửa bằng nước” đồng thời ông lại tán dương Đức Giêsu là “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11). Hơn nữa, thay vì củng cố uy tín thanh thế của mình bằng cách lôi kéo, ràng buộc các môn đệ vây quanh mình, Gioan sẵn sàng “lu mờ đi” để Chúa được “nổi bật lên” khi ông giới thiệu các môn đệ của mình đến với Chúa, Người mà ông xác quyết là “Chiên Thiên Chúa.” Sứ mạng của ông là vì Chúa và cho Chúa mà thôi, và khi làm như thế, ông biết rằng sứ mạng của ông sắp hoàn tất.

Mời Bạn: Cám dỗ lớn trong chúng ta khi làm việc loan báo Chúa cho người khác đó là lôi kéo ảnh hưởng về cho chính mình, phe nhóm mình hơn là đưa họ về với Thiên Chúa. Vấp phạm này đã làm xấu đi mục đích việc truyền giáo. Mời bạn theo tấm gương “tự xoá mình đi” của Gioan Tẩy Giả.

Sống Lời Chúa: Trong việc tông đồ, luôn ý thức khiêm tốn, tự xoá mình đi “để làm vinh danh Chúa hơn.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, xin cho con biết giới thiệu Chúa là Con Thiên Chúa cho mọi người, để họ cũng được hạnh phúc như con.


05/01/14                           CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH – A

                                                                               Mt 2,1-12

“NGÔI SAO LẠ” THỜI NAY

“Từ phương Đông, chúng tôi đến để bái lạy người.” (Lc 14,21b)

Suy niệm: Mùa Giáng Sinh không thể không có “hang đá” đã đành, mà hang đá nếu không có “ngôi sao lạ” thì mùa Giáng Sinh vẫn thiêu thiếu cái gì đó. Các nhà đạo sĩ ngày xưa đã tra cứu tìm tòi, hỏi han và đã lên đường theo sự hướng dẫn của ngôi sao để tìm gặp Hài Nhi mới sinh, mà các ông hiểu là Vị Thiên Chúa muôn dân mong đợi. Câu chuyện “Ngôi sao lạ và ba nhà đạo sĩ” cho dù có mang tính lịch sử hay không, vẫn chuyển tải một sứ điệp rõ ràng, đó là Hài nhi Giêsu là Đấng Thiên Chúa làm người đã được tỏ mình ra cho mọi dân tộc mà đại diện là ba nhà đạo sĩ.

Mời Bạn: Câu chuyện các nhà đạo sĩ vẫn còn âm vang trong lòng con người thời đại hôm nay: Con người đang chạy theo lối sống của chủ nghĩa tiêu thụ, khai thác rút ruột thiên nhiên đến cạn kiệt để thoả mãn tối đa nhu cầu hưởng thụ đến độ thừa mứa để rồi nhìn lại nội tâm mình là cả một khoảng trống rỗng mênh mông. Chính trong tâm trạng đó mà người ta càng khát mong tìm kiếm điều Chân Thiện Mỹ đích thực. Cảm thông được nỗi khát vọng ấy, người Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sao góp phần dẫn đường cho muôn dân vượt qua mọi trở ngại để tìm gặp được Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ muôn dân.

Sống Lời Chúa: Các đạo sĩ tìm thấy Chúa nhờ theo sự dẫn đường của “ngôi sao lạ”. Bạn hãy trở nên “ngôi sao lạ” bằng cách làm cho mỗi việc làm của bạn đều là một ánh sao Tin Mừng: ánh sao hiền lành, ánh sao khó nghèo, ánh sao trung thực, ánh sao khiết tịnh, v.v…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, xin giúp chúng con trở nên ánh sao Tin Mừng để nhờ đó những người đang khao khát Chân Thiện Mỹ, nhận ra Chúa là Đấng Cứu Độ muôn dân.


06/02/14                                THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH

                                                                   Mt 4,12-17.23-25

CHÚA ĐẾN CỨU MỌI NGƯỜI

Khi ấy Đức Giêsu nghe tin ông Gioan bị nộp, người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê. (Mt 4,12-13)

Suy niệm: Các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Giêsu lúc Ngài mới sinh ra, nói lên một giai đoạn mới của ơn cứu độ đã khai mạc: ơn cứu độ được ban phát phổ quát chứ không giới hạn ở một địa dư nào. Trong cuộc đời rao giảng của mình, Đức Giêsu luôn trung thành với sứ mệnh cứu độ phổ quát này. Ngài không chọn Giêrusalem làm khởi điểm để truyền giáo, mặc dù nó có vị trí đặc biệt trong đời sống tôn giáo của Israen, nơi có Đền thờ, có tư tế. Nhưng Ngài chọn Galilê, là nơi đời sống xã hội khá phức tạp với đủ loại khách thập phương, và rất nhiều lương dân thuộc nhiều thứ tôn giáo khác nhau. Chúa Giêsu chọn nơi này để rao giảng Nước Trời, kêu gọi sám hối, chọn các môn đệ vì đây là mảnh đất lành để đón nhận Tin Mừng. Ngài ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ, chữa lành.

Mời Bạn: Phải chăng chúng ta thường có cái nhìn thiếu cảm thông, tha thứ, ngược hẳn với thái độ của Chúa? Phải chăng có khi ánh mắt và cách hành xử của ta trở nên như một thứ rào cản vô hình vừa che khuất họ không nhận ra lòng Chúa thương xót, vừa đẩy họ xa Chúa, thay vì lôi kéo họ đến với Chúa?

Chia sẻ: Chúng ta đang có những rào cản nào khiến anh chị em lương dân khó đến với Đức Kitô (cách sống đạo xa lạ với văn hoá dân tộc, đời sống nguội lạnh, tội lỗi…)?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy đến với một người đang sống gần bạn nhưng lại xa Chúa để đưa họ xích lại gần Chúa hơn.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Chúa muốn mượn” (x. trang 64).


07/01/14                                 THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH

Th. Râymunđô, linh mục                                 Mc 6,34-44

CHÍNH ANH EM CHO HỌ ĂN

Các môn đệ đến gần Người và thưa: “Nơi đây hoang vắng và giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Người đáp: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!”(Mc 6,35-36)

Suy niệm: Giải pháp của các tông đồ để dân ra về tự lo ăn uống xem ra hợp lý, nhưng Chúa Giêsu đề ra cho các tông đồ một giải pháp có trách nhiệm hơn: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!” Qua yêu cầu này, Ngài muốn Giáo Hội của Ngài dám đảm nhận trách nhiệm của mình trước khổ đau của con người thay vì viện lý do để thoái thác. Đáp lại lời mời gọi này, qua các thời đại, biết bao nhiêu con cái của Giáo Hội, đã dấn thân đem tình yêu của Chúa chia sẻ cho những người nghèo và đau khổ bằng nhiều hoạt động và trong nhiều dòng tu hay tổ chức giáo dân khác nhau.

Mời Bạn: Khi thấy những người cùng khổ nằm vất vưởng nơi cống rãnh trong thành phố, Mẹ Têrêxa Calcutta đã không đùn đẩy trách nhiệm cho Nhà Nước hay cho tổ chức từ thiện, nhưng Mẹ đã nghe tiếng Chúa ra đi lập một dòng tu mới để cùng với các chị em mình tìm kiếm những người nghèo khổ khốn cùng, đưa họ về săn sóc và giúp họ sống và chết xứng với nhân phẩm. Trước người anh em đau khổ, tôi làm ngơ hay tôi tìm cách đá trái bóng trách nhiệm cho người khác?

Sống Lời Chúa: Tôi sẵn sàng cộng tác với người khác để giúp đỡ người gặp hoạn nạn, rủi ro.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, biết bao nhiêu người đang sống gần bên con đau khổ vì nghèo đói và bệnh tật. Xin cho con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương xót họ như Chúa. Xin giúp con nhận ra Chúa đang hiện diện trong họ và cho con biết xả thân giúp đỡ họ.


08/01/14                                 THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH

                                                                            Mc 6,45-52

MỞ RA ĐỂ ĐÓN LẤY CHÚA KITÔ

Chúa Giêsu bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mc 6, 50b)

Suy niệm: Biển sâu, đêm đen, gió ngược là những hình ảnh nói lên hoàn cảnh các môn đệ đang phải vất vả chống chọi với những mãnh lực và cạm bẫy của thế gian, ma quỷ. Bị bủa vây giữa muôn vàn nguy hiểm nhưng các ông dường như không ý thức; còn khi trông thấy Chúa đi trên biển để đến với các ông, các ông lại kinh hoảng vì tưởng Chúa là quỷ ma hiện hình. Trước sự sợ hãi của các môn đệ, Chúa Giêsu đã lên tiếng trấn an các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Chúa muốn dạy các ông biết nhận ra Chúa giữa muôn vàn cạm bẫy của biển cả thế gian và biết tín thác vào Chúa là nguồn sức mạnh giúp các ông vượt thắng mọi sợ hãi.

Mời Bạn: Sợ là phản ứng tự nhiên của bản năng con người khi họ cảm thấy sự an toàn, sự sống còn của bản thân mình bị đe doạ. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy sự an toàn bền vững nơi Đức Kitô, là Đấng đã nói với chúng ta “Đừng sợ!” Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích: “Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô!” “Mở ra” để “đón lấy” là hai hành động thiết yếu của đời sống đức tin. Có “mở ra” mới có thể “đón lấy” Chúa Kitô, là nguồn sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi của con người.

Sống Lời Chúa: Dù bạn rất bận rộn, ngày nào bạn cũng dành thời gian suy niệm Lời Chúa, nhất là khi bạn đang phải chiến đấu với cám dỗ, thử thách.

Cầu nguyện: Xin giúp con luôn biết hướng lòng về Chúa, luôn nhận ra Chúa đang cùng đồng hành với con giữa những đau khổ, thử thách của cuộc đời, để con không còn sợ hãi trước bất cứ nghịch cảnh nào và bước đi trong ánh sáng của Chúa.


09/01/14                              THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH

                                                                           Lc 4,1422a

SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quí vị vừa nghe. (Lc 4,21)

Suy niệm: “Ứng nghiệm lời Kinh Thánh” là làm cho lời Kinh Thánh được trở nên hiện thực. Kinh Thánh ghi lại Lời; nhưng Lời đó không chỉ để đọc, để nghe, mà là Lời sống động, Lời ban sự sống, Lời phải được áp dụng vào đời sống, để sinh nhiều hoa trái tốt. Lời mà Chúa Giêsu làm cho nên ứng nghiệm là: “Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức…” (c. 18). Không chỉ những lời trên, mà tất cả những gì Kinh Thánh nói về Ngài đều được ứng nghiệm, dù một chấm, một phết không bị bỏ qua, không được coi thường, vì Ngài đến là để thực thi ý Chúa Cha, tức là để làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh.

Mời Bạn: Trên thánh giá, lời cuối cùng Chúa Giêsu thốt lên là “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30), điều đó có nghĩa rằng, tất cả những gì Kinh Thánh nói về Ngài, Ngài đã làm cho nên ứng nghiệm. Nhưng không phải đợi đến chết Chúa Giêsu mới hoàn tất lời Kinh Thánh, mà Ngài hoàn tất hằng ngày, để làm cho Lời trở thành “hôm nay”. Việc đem Lời Chúa ra thực hành hằng ngày, cũng là yếu tố làm cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô, chứ không phải cứ kêu “Lạy Chúa, lạy Chúa” (Mt 7,21).

Sống Lời Chúa: Lời mà chúng ta phải sống, phải làm cho nên ứng nghiệm suốt đời là “anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ở cuối cuộc đời, chúng con biết rằng Chúa sẽ chất vấn chúng con “Có làm gì cho Chúa hôm nay hay không?” Xin nhắc chúng con về giây phút hiện tại, để chúng con biết chọn và làm theo ý Chúa mà thôi.


10/01/14                              THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH

                                                                             Lc 5,12-16

ĐƯỢC CHÚA CHẠM ĐẾN

Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn anh hãy được sạch.” (Lc 16,13)

Suy niệm: Vào thời chưa có thuốc ngừa và thuốc chữa bệnh phong, căn bệnh truyền nhiễm quái ác này quả thật là đáng sợ. Ai mắc phải căn bệnh này kể như đã tàn đời. Thân xác thì lở loét đau đớn, tinh thần thì bị cô đơn không ai dám tiếp xúc với mình. Nếu như mọi người đều tìm cách xa lánh, tránh tiếp xúc với người phong, thì ngược lại Đức Giêsu giơ tay đụng vào người bệnh. Làm như vậy, Đức Giêsu thể hiện sự liên đới với người bệnh, chữa cho anh lành sạch và phục hồi cho anh quyền sống trong tương quan với người khác, với đầy đủ phẩm giá là một người và là thành viên trọn vẹn trong cộng đồng nhân loại.

Mời Bạn: Trong mầu nhiệm Hiển Linh, Chúa tỏ mình ra cho chúng ta; điều đó có nghĩa là Ngài không phải là một Thiên Chúa ở xa cách con người mà là Emmanuen, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Đấng mà chúng ta có-thể-đụng-chạm-đến để được chữa lành. Phương thế để Chúa chạm đến chính là các bí tích mà cửa ngõ đầu tiên mở sẵn cho chúng ta là Bí tích Rửa Tội. Chúng ta trở thành người phong trước mặt Thiên Chúa khi chúng ta tìm cách xa lánh Ngài. Chúng ta cần để cho Chúa chạm đến để được chữa lành. Bạn còn ngần ngại chi mà chưa đến với Ngài?

Sống Lời Chúa: Thường xuyên lãnh nhận các bí tích nhất là Thánh Thể và Hoà Giải để luôn được Chúa chữa lành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn đồng hành với con trên đường đời, nhưng nhiều lúc con chỉ thấy mình cô đơn và đau khổ như người mắc bệnh phong. Xin cho con biết để Chúa đụng chạm vào cuộc đời con và xin Chúa chữa lành con.


11/01/14                              THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

                                                                            Ga 3,22-30

LỜI CHỨNG TỐI HẬU

Ông Gio-an trả lời [cho các môn đệ]: “Chính anh em đã làm chứng cho thầy là thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đức Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,28.30)

Suy niệm: Người sứ giả không nói về mình mà nói lời của người sai mình. Gioan đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó cho đến giây phút cuối cùng. Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ mình và môn đệ Đức Giêsu – mà sau này điều đó đã thực sự xảy ra – Gioan, từ trong ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của họ: giới thiệu Đức Kitô, chứ không phải giới thiệu mình; hướng dẫn người khác đến với Đức Kitô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận cao siêu, Gioan đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần học quy Kitô (christocentric).

Mời Bạn: Từ thời của Gioan đến giờ, việc loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Kitô lại trở nên đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ Ngài. Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Kitô.

Chia sẻ: Giữa các đồng nghiệp của bạn, giữa các đoàn thể trong giáo xứ đang có những xung đột nào? Bạn thử tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

Sống Lời Chúa: Bắt chước Gioan khiêm tốn quên mình trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình mỗi khi làm việc, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái tôi ích kỷ của con.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment