5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 12-2015

20/12/15                               CHÚA NHẬT TUẦN 4 MV – C

 

                                                                             Lc 1,39-45

CUỘC HỘI NGỘ HỒNG PHÚC

“Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?… Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,43.45)

Suy niệm: Người ta thường nói “Phúc bất trùng lai”! Nhưng ở đây là phá lệ! Có thể thấy ngay, ít nhất bà Ê-li-sa-bét cũng được phúc tới hai lần. Chẳng những được Chúa cất đi nỗi buồn son sẻ và cho mang thai trong lúc tuổi già, bà lại còn được Đức Ma-ri-a, Mẹ Đấng Cứu Thế, đến viếng thăm. Hai người mẹ chia sẻ niềm vui quá sức mong đợi và ca tụng kỳ công Chúa đang thực hiện cho mình và nơi mình. Niềm vui của hai người mẹ càng thêm sâu đậm vì niềm vui diễn ra trong cuộc hội ngộ giữa hai người con trong lòng họ. Cuộc hội ngộ của hai thai nhi qua hai người mẹ làm sứ giả chứng tỏ rằng kỷ nguyên cứu độ đã thực sự mở màn. Ê-li-sa-bét ca ngợi Đức Ma-ri-a có phúc vì đã tin bởi vì chính bà cũng nhờ tin mà biết được điều đó. Và nếu kể cả niềm vui của Gio-an nhảy mừng trong lòng mẹ vì được lãnh nhận ơn cứu độ thì Ê-li-sa-bét thực sự diễm phúc tới ba lần!

Mời Bạn: Có những cuộc vui thô thiển dung tục, vui trong sự thoả mãn những dục vọng thấp hèn, vui trên sự đau khổ của người khác. Bạn đã cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc do đức tin mang lại hay chưa (chẳng hạn việc chừa bỏ thành công một nết xấu, luyện tập một nhân đức có kết quả, gặp gỡ kết hợp với Chúa trong giờ cầu nguyện, v.v…)?

Chia sẻ: Trao đổi những kinh nghiệm sống đó của bạn trong giờ hội thảo nhóm hoặc giờ kinh trong gia đình bạn.

Sống Lời Chúa: Bạn dâng một lời nguyện tạ ơn Chúa mỗi khi cảm nhận được hạnh phúc Chúa ban tặng bạn.

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa…”.


21/12/15                                             THỨ HAI TUẦN 4 MV

Th. Phê-rô Ca-ni-xi-ô, linh mục, tiến sĩ HT    Lc 1,39-45

NIỀM VUI ĐƯỢC THUỘC VỀ CHÚA

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng.” (Lc 1,43-44)

Suy niệm: Cha Jean Lafrance suy ngắm đoạn Tin Mừng hôm nay và đã viết: “Khi hai tâm hồn biết cầu nguyện thì họ liền gặp nhau một cách sâu xa bởi hai con tim lúc đó tràn ngập Chúa Thánh Thần.” Một tâm hồn cầu nguyện cho được sinh đứa con đang khi bị coi là hiếm muộn; một tâm hồn cầu nguyện cho được chu toàn thánh ý Chúa Cha trong ngày truyền tin. Và thế là khi hai tâm hồn đó gặp nhau, hạnh phúc vỡ òa. “Đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng” là một minh chứng cho niềm vui thánh thiện của bà Ê-li-sa-bét được Đức Ma-ri-a đang cưu mang Đấng Cứu Thế đến viếng thăm. Khi niềm vui được chia sẻ, niềm vui sẽ nhân ra gấp bội. Và niềm vui ấy đã và đang lan rộng khắp cùng bờ cõi trái đất khi nhân loại hằng năm mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế.

Mời Bạn: Dâng mình cho Chúa để thuộc về Ngài, đó cũng là hành vi muốn sống hết mình cho tha nhân. Đó là việc vẫn diễn ra trong cuộc đời của Mẹ Ma-ri-a. Thánh hiến là hồng ân Chúa ban và là cách để nên muối men cho đời.

Chia sẻ: Một khi mối quan hệ giữa ta và Chúa tốt đẹp, ta cũng sẽ xử sự tốt với anh chị em mình.

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng khi thức dậy, ta hãy dâng mình cho Chúa, dâng “mọi sự mơ ước nài xin, mọi việc ta làm…” Điều này giúp ta ý thức sống hạnh phúc của người làm con cái Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là gia nghiệp đời con, xin bảo toàn thân con, vì ngoài Chúa ra tìm đâu thấy hạnh phúc, và chỉ nơi Chúa con mới tìm thấy được niềm  vui đích thật.


22/12/15                                              THỨ BA TUẦN 4 MV

                                                                             Lc 1,46-56

ĐỨC MA-RI-A, THÂN MẪU CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” (Lc 1,50)

Suy niệm: Đức Ma-ri-a và người chị họ Ê-li-sa-bét gặp nhau để chia sẻ niềm vui. Người chị đang cưu mang Gio-an tẩy giả. Còn cô em, Ma-ri-a đang cưu mang Con Thiên Chúa. Cả hai chị em đều được đón nhận tin vui trong mầu nhiệm. Cuộc gặp gỡ để chia sẻ niềm vui đã trở thành bối cảnh cho lời Đức Ma-ri-a ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót “trải dài từ đời nọ đến đời kia”. Với lòng tin tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa, Mẹ đã cưu mang “Chúa Giê-su, Dung Nhan của Lòng Thương Xót”. Dưới chân thập giá, Mẹ trở thành chứng nhân của lòng thương xót khi nghe “lời tha thứ đến từ môi miệng Chúa Giê-su”. Cái nhìn của Mẹ luôn là toàn thể. Mẹ đã nhìn thấy toàn thể vũ trụ, toàn thể nhân loại, trong bàn tay của Thiên Chúa, Đấng làm chủ lịch sử hoá thân làm người trong lòng Mẹ. Chính vì thế Tông Sắc khai mở Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót đã gọi Mẹ là “Thân Mẫu của Lòng Thương Xót” (x. số 24).

Mời Bạn: Thế giới hôm nay đầy dẫy bất an, một bầu khí bi quan bao trùm thế giới. Đây chính là lúc mà “chúng ta được kêu gọi hướng cái nhìn lên Lòng Thương Xót với một cách thức hoàn toàn đặc biệt” để nhờ đó, chúng ta, cùng với Đức Ma-ri-a, trở nên “chứng tá của Lòng Thương Xót cách mạnh mẽ và hữu hiệu hơn” (số 3).

Sống Lời Chúa: Kinh “Thương Người 14 Mối” (x. Tv 146,7-9) liệt kê những dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương Xót. Bạn chọn một việc thích hợp với bạn để sống chứng nhân lòng thương xót đó.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Lạy Nữ Vương.”


23/12/15                                              THỨ TƯ TUẦN 4 MV

Th. Gio-an Kê-ti, linh mục                                Lc 1,57-66

NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG

Bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai… Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (Lc 1,66)

Suy niệm: Những người đương thời chỉ suy nghĩ và tự hỏi chứ không thể biết “đứa trẻ này sẽ ra thế nào. Còn chúng ta thì biết rõ: Con trẻ này là Gio-an, sẽ là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, được chọn để dọn đường cho con người đón nhận Đấng Cứu Độ. Gio-an là người dọn đường khiêm cung: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga. 1,15); “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài”. Là người loan báo cách thế mà con người phải sống để đón nhận Đấng Cứu Thế: “Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối… Ai có hai áo thì chia cho người không có… chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta…” (Lc. 3,8.11.14) Gioan Tẩy giả đã trở nên còn hơn điều người ta kỳ vọng nơi ông. Ông đã hoàn thành sứ mạng người dẫn đường đúng như ý định của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Bạn sẽ trở nên thế nào, điều đó đã có trong chương trình của Thiên Chúa. Bạn có muốn nhận và thực thi sứ mạng Ngài trao cho bạn không?

Chia sẻ: Còn một ngày nữa là mừng lễ Chúa Giáng sinh, bạn đã chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón Chúa chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy giúp một người nào đó mà bạn biết đã lâu không xưng tội rước lễ đến với bí tích hòa giải và Thánh thể dịp lễ giáng sinh này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ mong con chẳng còn gì, để Chúa là tất cả của con… Chỉ mong mọi ràng buộc trong con chẳng còn gì, nhờ đó con gắn bó với ý muốn của Ngài và thực hiện ý Ngài suốt đời con.           (theo ý R. Tagore)


24/12/15                                           THỨ NĂM TUẦN 4 MV

Vọng lễ Chúa Giáng Sinh                                 Mt 1,18-25

NGÀI ĐẾN ĐÂY LÀM GÌ?

Sứ thần nói với ông Giu-se : “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1,21)

Suy niệm: Ngôi Hai Thiên Chúa làm người để làm gì? – Phải chăng Ngài đến trần gian để mang cơm bánh cho loài người? Không, vì trước khi Ngài sinh ra, loài người đã có cơm bánh, và sau khi Ngài sinh ra, hơn 2000 năm nay, con người vẫn thiếu cơm bánh. – Phải chăng Ngài mang văn minh và khoa học kỹ thuật đến cho nhân loại? Cũng không, vì trước đó, một số quốc gia đã có  khoa học kỹ thuật cao như Ai Cập với những kỳ quan Kim Tự Tháp, hay nền văn hóa rực rỡ như Ấn Độ, Trung Quốc. Vậy thì Con Thiên Chúa đến trần gian để đem lại một điều mà con người không thể tự mình làm được, đó là ơn cứu độ, sự giải thoát. Tội lỗi, sự chết, sự dữ là những xiềng xích trói tay cột chân con người, chỉ có Thiên Chúa mới giải phóng cho con người, đem lại hạnh phúc bất tận cho con nguời.

Mời Bạn: Nhớ rằng Con Thiên Chúa không nhọc công làm người để đem lại điều con người tự mình có thể làm được. Ghi nhớ điều này sẽ giúp bạn trân trọng Chúa Giê-su và ơn cứu độ Ngài ban tặng cho bạn.

Chia sẻ: Năm 1995, người ta đã dựng một cây No-en bằng bạc khối, treo 153 viên kim cương, trị giá 3 triệu đô la. Mừng lễ Giáng Sinh, bạn không cần cây No-en, bạn có thể dâng lên Chúa Hài Đồng điều gì đẹp lòng Ngài hơn cả? Phải chăng đó là tâm hồn bạn và nỗ lực mỗi ngày trở thành máng cỏ Chúa ngự.

Sống Lời Chúa: Chia sẻ món quà vật chất cụ thể cho người nghèo với tâm tình yêu mến Chúa hiện diện nơi họ.

Cầu nguyện: Quỳ trước hang đá và sốt sắng hát bài “Hát khen mừng Chúa…”


25/12/15                                              ĐẠI LỄ GIÁNG SINH

                                                                        Ga 1,1-5.9-18

CẦN CÓ MỘT ÁNH SÁNG

Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người…. Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1,9-12)

Suy niệm: Lễ Giáng Sinh vốn là lễ Thần Mặt Trời của người ngoại giáo, được Ki-tô giáo “rửa tội” để giới thiệu Đức Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa, là “Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,” đã “vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính). Thiên Chúa, Ngài đã biểu lộ tình yêu và lòng thương xót cho một nhân loại tội lỗi và bất an, bất hạnh. Chỉ có một Ánh sáng thật, cũng là Nguồn sáng thật. Ngoài ra chỉ là bóng đèn hay bóng mờ, bóng tối. Về phía con người, bằng thái độ đức tin đón nhận Ánh sáng thật này, sẽ được trở nên con cái Thiên Chúa, được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, sự dữ và bất an bất hạnh.

Mời Bạn: ‘Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận’ (c.11). Thiên Chúa cao cả tuyệt đối muốn hạ mình đón nhận Bạn như người nhà, để thứ tha và thương xót như ‘người Cha đối với con cái, chứ không như quan tòa đối với phạm nhân’ (ĐGH Phanxicô). Bạn có sẵn sàng phó thác đời mình, kể cả tội lỗi, cho lòng từ bi đó của Chúa không? Để được như vậy, bạn có nỗ lực cầu nguyện “xin Chúa ban thêm Đức Tin” cho mình không?

Sống Lời Chúa: Trong cuộc họp mặt gia đình lễ Giáng Sinh hôm nay, mọi  người cùng có một quyết tâm chung cho Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót để loại trừ những gì là nguy hại cho Đức Tin của gia đình mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Đồng Giê-su, xin ban thêm Đức Tin cho chúng con.


26/12/15 THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Th. Tê-pha-nô, tử đạo tiên khởi                    Mt 10,17-22

TRÁI TIM, HANG ĐÁ MỚI CHO CHÚA

“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và dân ngoại được biết.” (Mt 10,18)

Suy niệm: Lễ Chúa Giáng Sinh vừa diễn ra trong bầu khí an hòa bình yêu thương, được tiếp nối bằng lễ thánh Tê-pha-nô vị tử đạo tiên khởi. Thoạt nhìn, có vẻ như không có gì liên quan giữa hai ngày lễ. Nhưng thực ra, lễ thánh Tê-pha-nô tiếp nối và diễn tả rõ ràng ý nghĩa quan trọng của lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Bởi vì Chúa giáng sinh làm người không phải để ở lại một nơi nào đó trên trái đất này mà là để ở lại trong tim mỗi người chúng ta, nhờ đó trái tim mỗi người chúng ta sẽ được biến đổi thành một trái tim biết yêu thương, yêu tới mức hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Sự biến đổi đó đã diễn ra trong con người thánh Tê-pha-nô. Vị thánh này không “lựa lời khéo nói” bẻ cong Lời Chúa cho vừa lòng người Do Thái; trái lại ngài trung thành rao giảng toàn vẹn chân lý cứu độ dù có phải trả giá bằng cái chết của mình. Trong tim ngài chỉ có Chúa Ki-tô, ngài thưa với Chúa trước khi lìa đời: “Lạy Chúa Giê-su, xin đón nhận hồn con.” Và giống như Chúa, ngài xin Chúa “đừng chấp họ” vì đã giết hại ngài.

Mời Bạn: Bạn đã giải thích lời Chúa thế nào cho bạn bè, người trong gia đình? Bạn trung thành với lời Chúa dù không được người nghe ưa thích hay uốn nắn lời Chúa cho vừa lòng người nghe?

Sống Lời Chúa: Đọc và suy niệm lời Chúa mỗi ngày và chia sẻ lời Chúa cho người khác cách trung thực như Giáo Hội từng loan báo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con dám biến đời mình thành cuộc tử đạo hằng ngày bằng cách can đảm sống và trung thành loan báo Tin Mừng.

Chia sẻ Bài này:

Related posts