5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 12-2015

13/12/15                               CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – C

 

                                                                             Lc 3,10-18

ĐỔI ĐỜI

Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy.” (Lc 3,10-11)

Suy niệm: Gio-an Tẩy Giả khi loan báo cho dân Ít-ra-en Đấng Cứu Thế sẽ đến thì đồng thời ông cũng kêu gọi họ sám hối. Gio-an không rao giảng một thứ sám hối chung chung nhưng hô hào mọi người nhìn nhận, hối hận tội đã phạm, và quyết tâm canh tân cuộc sống bằng hành động cụ thể. Đó là một cuộc đổi đời tận căn: thay vì tham lam, vơ vét của cải, dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức người khác, thì đối lại thực thi bác ái và công bình, liên đới và chia sẻ.

Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng kính biến cố Con Thiên Chúa làm người đồng thời ngưỡng vọng về ngày Chúa lại đến; đồng thời Mùa Vọng cũng là thời gian hoán cải và canh tân đời sống để chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón Chúa đến. Đáp lại lời kêu gọi của Gio-an Tẩy Giả, chúng ta đến với Bí tích Hoà giải để lãnh nhận ơn tha thứ và bình an của Chúa đồng thời thực thi đức ái Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày.

Chia sẻ: Gia đình/cộng đoàn của bạn cần loại bỏ khuyết điểm nào trước tiên để có thể canh tân đời sống trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót? Mời bạn đề ra phương thế và việc làm cụ thể.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một nết xấu mà mình hay phạm nhất để tỏ lòng sám hối tích cực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết khiêm tốn nhìn ra tội lỗi mình đồng thời cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa để sẵn sàng sám hối ăn năn trở về với Thiên Chúa và với anh em qua việc cầu nguyện và hy sinh. Amen.


14/12/15                                             THỨ HAI TUẦN 3 MV

Th. Gio-an Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ HT Mt 21,23-27

SỐNG THEO SỰ THẬT

“Phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Lc 21,25)

Suy niệm: Trước câu hỏi này của Chúa Giê-su, các thượng tế và kỳ mục đã nói “chúng tôi không biết”. Đó không phải là trả lời mà cách nói tránh né sự thật. Họ dư biết phép rửa của Gio-an là bởi trời, nhưng sợ phải nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, nên họ không dám đối diện với sự thật; vì một khi nhìn nhận vai trò của Gio-an Tẩy Giả, mà Gio-an Tẩy Giả là người giới thiệu Đức Giê-su, thì họ cũng phải nhìn nhận vai trò cứu thế của Chúa Giê-su như Gio-an loan báo. Nếu đón nhận sự thật đó, hệ quả là các ông phải thay đổi tất cả: từ não trạng, niềm tin, đến nếp sống. Vì không muốn hoán cải nên họ đã quanh co, tránh né sự thật mà nói: “Chúng tôi không biết.”

Mời Bạn: Sự thật được đánh giá cao và người ta bảo rằng không có gì thấp hèn cho bằng sự dối trá. Nhưng cái giá phải trả cho việc làm chứng sự thật không hề nhỏ chút nào, nhất là sự thật đức tin vào Thiên Chúa, đó là sự thiệt thòi, hy sinh, từ bỏ, sửa đổi…. Bởi vậy, có khi tôi biết mà nói là không biết; thấy mà nói là không thấy; nghe mà nói là không nghe. Những lúc đó, chúng ta đang tránh né để được yên thân. Nhưng đừng quên, chúng ta là con cái Sự Thật, có bổn phận làm chứng cho Sự Thật. Sống bổn phận này đòi hỏi phải can đảm dám nói sự thật và sống sự thật.

Sống Lời Chúa: Suy gẫm câu Lời Chúa: “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,32).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Sự Thật tuyệt đối, xin cho chúng con luôn can đảm lấy hành động của Chúa làm khuôn mẫu cho cung cách hành xử của chúng con trước mọi sự việc, để sự thật được thể hiện nơi con người chúng con.


15/12/15                                              THỨ BA TUẦN 3 MV

                                                                           Mt 21,28-32

NGHE VÀ LÀM THEO LỜI CHÚA

“Ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và các cô gái điếm lại tin.” (Mt 31,32a)

Suy niệm: Công nghệ thông tin với mạng internet cung cấp cho con người ngày nay những tiện ích phi thường cùng với những kho tàng thông tin đồ sộ. Đồng thời, nó cũng chứa đựng vô số thông tin sai lạc, bịa đặt và độc hại. Câu nói đùa “nói vậy mà không phải vậy” ngày nay có thể áp dụng cho những người đang sống cuộc sống ảo trên thế giới ảo của internet. Tin Mừng ghi lại một dụ ngôn của Chúa Giê-su nói lên tình trạng sống ảo, nói ảo này: đó là thực trạng của những người nói làm mà không làm, những người đã đáp lời mời gọi “đi làm vườn nho cho Chúa” nhưng lại không đi, dù đã từng thưa vâng với Ngài. Chúa Giê-su nhiều lần nhấn mạnh rằng bạn chỉ là môn đệ, là anh chị em của Chúa khi bạn biết lắng nghe và thực hành Lời Ngài.

Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta cũng sống theo cung cách hai mặt nửa thực nửa ảo này. Chúng ta hiểu biết giáo lý, tuyên xưng thật mạnh mẽ, chỉ vẽ, khuyên răn người khác thật hay; nhưng chính chúng ta lại không thực hành, không sống điều chúng ta hiểu biết, tuyên xưng. Chúa Giê-su cảnh báo lối sống nói suông mà không thực hành. Chỉ khi bạn thực hành sống đạo, lời tuyên xưng của bạn mới có giá trị.

Chia sẻ: Mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời giờ cho thế giới ảo và bao nhiêu thời giờ để lắng nghe lời chân thật từ Phúc Âm và gặp Đấng chân thật là Chúa Giê-su?

Sống Lời Chúa:Chu toàn việc đọc  kinh hằng ngày, dự thánh lễ đúng giờ.

Cầu nguyện: Đọc kinh năm thánh Lòng Chúa Thương Xót.


16/12/15                                              THỨ TƯ TUẦN 3 MV

                                                                             Lc 7,18-23

THẮC MẮC CẦN THIẾT

Ông Gio-an liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, sai họ đến hỏi Chúa rằng: Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7,18-19)

Suy niệm: Gio-an Tẩy Giả được sai đến để làm Tiền Hô cho Đức Ki-tô. Ông đã nhận ra Ngài bên giòng sông Gio-đan, đã giới thiệu cho dân chúng rằng Ngài là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Thế nhưng, giờ đây Gio-an đang ngồi tù, niềm tin của các môn đệ ông hẳn đang lung lay. Bởi thế, ông đã sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Một thắc mắc cần thiết nói lên tâm tư của Gio-an và niềm mong mỏi của các môn đệ ông và bao người đương thời, để hiểu rõ hơn, chắc chắn hơn về Đức Ki-tô và sứ mạng cứu thế của Ngài. Đáp lại, Chúa Giê-su không trả lời họ rằng có hay không. Chúa mời gọi họ trở về thuật lại việc Ngài chữa lành nhiều bệnh hoạn tật nguyền mà họ đã mắt thấy tai nghe, để chứng thực rằng đó là những hành vi cứu độ của Đấng Cứu Thế mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo, nay đang được hiện thực nơi Ngài.

Mời Bạn: Có khi nào bạn hỏi “Đức Ki-tô là ai?” đối với bạn không? Hằng ngày bạn có tìm Ngài không? Bạn có tin Chúa, theo Chúa lúc an vui cũng như lúc gặp thử thách không? Thử một lần thắc mắc như Gio-an và thinh lặng để nghe Ngài trả lời trong sâu thẳm tâm hồn.

Sống Lời Chúa: Bạn tìm đọc một cuốn sách viết về Chúa Giê-su, chẳng hạn sách Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin yêu Chúa, nhưng xin nâng đỡ đức tin con và cho con cảm nghiệm lòng Chúa thương xót để con chia sẻ cho tha nhân.


17/12/15                                            thứ năm tuần 3 mv

                                                                               Mt 1,1-17

con thiên chúa trong cùng gia phả với con người

Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham. (Mt 1,1)

Suy niệm: Trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, các ứng viên được dư luận săm soi kỹ lưỡng về tông chi họ hàng. Đối với ông Obama, ứng viên tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, cũng thế, gốc gác tổ tiên của ông ở Kenya thế nào đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Chúa Giêsu cũng được “trình làng” như một người con trong đại gia đình nhân loại bằng một bản gia phả. Gia phả ấy ngược lên đến tận tổ phụ Áp-ra-ham, cho thấy Chúa Giê-su là người kế tục và hoàn tất giao ước Thiên Chúa ký kết với con người qua Áp-ra-ham. Gia phả ấy kể lại Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia, nhưng cũng không che dấu những vết nhơ. Điều đó có nghĩa là Ngài tự nhận mình là bà con thân thuộc với cả những tội nhân, để đền bù muôn tội lỗi và phục hồi quyền thừa kế chức vị tư tế hoàng vương cho toàn thể nhân loại là anh em của Ngài.

Mời Bạn đọc lại chậm rãi bản gia phả Chúa Giê-su. Giữa những cái tên lạ lẫm, bạn có cảm nghiệm được niềm sung sướng bồi hồi khi bắt gặp những tên gọi thật quen thuộc như “Giu-se, chồng bà Ma-ri-a, mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” không? Những tên gọi đó có gắn liền với kỷ niệm nào liên quan đến câu chuyện bạn nhận được ơn cứu độ không? Bạn có nhận ra tình liên đới ấm cúng với những người chung quanh vì cùng có chung bản gia phả cứu độ này không?

Sống Lời Chúa: Ghi tiếp bản gia phả trên như sau: “X. (tên một người mà bạn không ưa), con cái Chúa, được cứu độ trong Đức Ki-tô, là anh em của tôi.”

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


18/12/15                                            thứ sáu tuần 3 mv

                                                                             Mt 1,18-24

em-ma-nu-en

“Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng – ta.” (Mt 1,23)

Suy niệm: Vì yêu thương, Đức Cha Gioan Cassaigne đã sống 18 năm trời với những người cùi ở Di Linh, để rồi mang lấy bệnh cùi như họ, chết đi giữa họ… Vì yêu thương, Mẹ Tê-rê-sa đã tìm đến những khu ổ chuột ở Can-cút-ta để sống với những người nghèo, người bất hạnh, để cảm thông, chia sẻ, an ủi họ, đem lại cho họ niềm vui và hy vọng. Những cuộc dấn thân như thế của các môn đệ Đức Giê-su phản ảnh chính tình yêu nhập thể của Thầy mình, Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”! Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa không chỉ đến ở bên ta, mà thực sự trở thành một người giữa chúng ta! Người đảm nhận 100% thân phận của ta, chỉ trừ tội lỗi. Người đã sinh ra, đã lớn lên ở Nadarét. Người đã ngược xuôi giữa những người nghèo trên khắp ngả đường Pa-lét-tin, và cuối cùng đã chết như một tội nhân trên Núi Sọ.

Mời Bạn: Yêu người là hiện diện với người, kết hợp với người, chia sẻ trọn vẹn định mệnh của người! Bạn chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh như thế nào? Mỗi ngày, trong hy tế Thánh Thể, ta cử hành chính sự hiện diện và sự kết hợp đầy yêu thương của Vị Thiên Chúa nhập thể. Và khi bạn thật sự có Chúa trong mình, người chung quanh chắc chắn sẽ nhận ra Người khi tiếp xúc, làm việc và sống với bạn.

Chia sẻ: Bằng cách nào ta có thể đào sâu cảm thức Chúa hiện diện?

Sống Lời Chúa: Gặp gỡ Chúa trong Thánh Thể và nơi các anh chị em nghèo ở xung quanh đời mình.

Cầu nguyện: Xin Chúa ở lại với con, vì con cần có Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.


19/12/15                                           THỨ BẢY TUẦN 3 MV

                                                                               Lc 1,5-25

SỐNG XỨNG DANH KI-TÔ HỮU

“Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.” (Lc 1,16)

Suy niệm: Gio-an Tẩy giả là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của mùa vọng, là gương mẫu sống Mùa Vọng cho chúng ta. Vì sao thế? Theo cha Karl Rahner, vì giữa thời điểm của Gio-an và thời điểm của chúng ta, có sự tương đồng. Trong thời điểm của Gio-an, một đàng sự hiện diện của Thiên Chúa đã rõ rệt trong lịch sử, nhưng dân Chúa vẫn còn phải chờ đợi ngày Đấng Cứu Thế đến. Tương tự, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta, nhưng chúng ta còn phải chờ đợi ngày Ngài lại đến. Mang danh hiệu là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gio-an có sứ mạng “đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa.” Cũng thế, loan báo Đấng Cứu Thế bằng lời, đặc biệt bằng lối sống, để đưa nhiều người về với Thiên Chúa là sứ mạng của chúng ta trong khi mong chờ ngày Chúa lại đến.

Mời Bạn: Gio-an đã sống xứng danh người loan báo về Đấng Cứu Thế. Là Ki-tô hữu, chúng ta được Đức Ki-tô giao phó sứ mạng giúp nhiều người biết và tin vào Ngài. Bạn ý thức vai trò và sứ mạng của bạn chưa? Sứ mạng ấy giúp bạn sống xứng danh Ki-tô hữu.

Chia sẻ: Trong thực tế, có nhiều ki-tô hữu nhưng cuộc sống không xứng với danh hiệu ấy, chẳng hạn thiếu trung thực trong học tập, trong việc làm ăn… Tình trạng đó có thúc đẩy bạn làm gì để xứng danh Ki-tô hữu không?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm việc gì quyết tâm làm sao cho xứng với danh hiệu là Ki-tô hữu.

Cầu nguyện: Xin cho con luôn sống xứng danh môn đệ Chúa để trở thành muối men trong thế giới đầy bất công, sa đọa và thiếu niềm tin vào Chúa.

Chia sẻ Bài này:

Related posts