5 Phút cho Lời Chúa Tháng 10-2017

 

15/10/17                              CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – A

                                                                             Mt 22,1-14

ƯU TIÊN SỐ MỘT CUỘC ĐỜI

“Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi.” (Mt 22,5)

Suy niệm: Tháng 9/2008 khi tông du nước Pháp, Đức Bê-nê-đi-tô XVI lúc đó nhận định “những giáo hội lớn – trong đó có nước Pháp – đang hấp hối.” Không hấp hối sao được khi 75% dân số là Công giáo, nhưng chỉ có 12% đi lễ hằng tuần, đa số ít khi hoặc không bao giờ tham dự thánh lễ; 62% nói rằng không tìm được an ủi hoặc sức mạnh từ tôn giáo. Chủ nghĩa tiêu thụ đã và đang làm xói mòn niềm tin Ki-tô giáo tại lục địa già nua này. Cuộc sống con người bị thu giảm thành việc hưởng thụ, và đằng sau nó là thú vui. Hạnh phúc có được nhờ thỏa mãn ước muốn: thêm tiện nghi vật chất. Chủ nghĩa tiêu thụ trở thành một thứ thần tượng, thật sự cạnh tranh với vai trò tối thượng của Đức Ki-tô trong tâm hồn người Kitô hữu.

Mời Bạn: Từ khi có nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa tiêu thụ đã xuất hiện ở Việt Nam với tất cả sức mạnh, tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ. Chủ nghĩa ấy cũng đang lấn sân tâm hồn bạn, giành lấy vị trí chủ tể của Chúa Ki-tô. Mỗi khi bạn đặt việc “đi thăm trại” hay “đi buôn” – nghĩa là nhiều loại ưu tiên – hơn việc tham dự Nước Trời, bạn đang dành chỗ cho chủ nghĩa tiêu thụ ấy lớn lên.

Chia sẻ: Ưu tiên lớn nhất của bạn là gì? Có giúp bạn đạt tới cùng đích đời bạn không?

Sống Lời Chúa: Xét lại các loại ưu tiên đời tôi và điều chỉnh để chúng có thể giúp bạn đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con đặt hạnh phúc vĩnh cửu của Nước Trời lên trên mọi ưu tiên khác. Thế nhưng, chúng con lại đi tìm những hạnh phúc chóng qua trước mắt. Xin giúp chúng con biết qui hướng mọi sự trong đời về hạnh phúc Nước Trời.


16/10/17                                           THỨ HAI TUẦN 28 TN

Th. Ma-ga-ri-ta A-la-cốc, trinh nữ                 Lc 11,29-32

HÃY SÁM HỐI

“Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,29)

Suy niệm: Đức Giê-su kể lại dấu lạ ngôn sứ Giô-na ở trong bụng cá ba đêm ngày như một dấu lạ báo trước Ngài sẽ chịu khổ nạn và mai táng trong mồ, để rồi đến ngày thứ ba, Ngài phục sinh và nhờ đó, Ngài ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài. Dấu lạ Giô-na còn ở lời giảng dạy của ông cho dân thành Ni-ni-vê: dù ông chỉ miễn cưỡng thực thi lệnh truyền của Chúa nhưng việc đó đã giúp cho tất cả dân thành Ni-ni-vê ăn năn hối cải. Dấu lạ sẽ tiếp nối nếu chúng ta thành tâm để Chúa thực thi kế hoạch yêu thương của Ngài trên cuộc đời chúng ta, hầu qua chúng ta Ngài thông ban ân huệ cho những người khác.

Mời Bạn: Những công việc nhỏ bé bạn làm với tình yêu lớn lao sẽ còn mang lại kết quả lớn lao hơn. Như Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta nói: “Không phải bạn làm được bao nhiêu công việc nhưng là bao nhiêu tình yêu bạn dành cho công việc.” Tình yêu Chúa sẽ thúc đẩy bạn sám hối trở về với Chúa, làm việc lành, thực thi bác ái yêu thương để không những bạn được hạnh phúc bên Chúa mà còn dẫn đưa nhiều người đến nguồn ơn cứu độ là chính Đức Giê-su, Đấng là Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, là dấu lạ cho thế hệ này còn hơn cả dấu lạ ngôn sứ Giô-na.

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng ra đi theo lời mời gọi của Chúa để dẫn đưa nhiều người hoán cải trở về với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa, Chúa dẫn đưa chúng con vào cuộc sống mới. Xin cho tâm hồn chúng con rộng mở để đón nhận Tình Yêu của Chúa với niềm tin mạnh mẽ và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Amen.


17/10/17                                            THỨ BA TUẦN 28 TN

Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo Lc 11,37-41

RỬA TAY, RỬA LÒNG

“Bên ngoài chén dĩa thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc 11,39)

Suy niệm: Con người có hai phần: nội tâm và ngoại diện. Thường và lý tưởng là bên trong lòng thế nào thì phải được thể hiện như vậy ra bên ngoài, như người ta thường nói: “Lòng đầy tràn ra miệng,” hay “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại.” Thế nhưng, sự đời không đơn giản như thế. Nhiều lúc và nhiều nơi, người ta che giấu cái bên trong bằng dáng vẻ bên ngoài khác hẳn, như câu ca dao: “Ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa ba bồ dao găm,” hay “Giận dẫu thâm gan, miệng mỉm cười.” Tình trạng không nhất quán ấy nơi người Pha-ri-sêu bị Chúa Giê-su vạch trần qua câu chuyện rửa tay. Họ quá chú trọng đến cái bên ngoài, trong khi tâm lòng của họ “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”.

Mời Bạn: Người Việt ta vốn có tính sĩ diện. Điều đó dẫn đến xu hướng thích trau chuốt cái vẻ bên ngoài mà không lo tu sửa cái tâm của mình, do đó dễ rơi vào lối sống giả dối, hai mặt, hai lòng.

Chia sẻ: Sự giả dối, giả đạo đức là điều ai cũng gớm ghét, nhưng lại dễ mắc phải. Để đề phòng, bạn cần luôn luôn “phản tỉnh,” nghiêm túc xét mình, với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy mời Chúa Giê-su vào quan sát lòng bạn, và xin Ngài chỉ cho bạn thấy những gì cần phải sửa đổi từ trong ra ngoài nơi bạn, để bạn thật sự là một Ki-tô hữu “xứng danh” chứ không phải “đồ dỏm.”

Cầu nguyện:Đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần với lòng sốt sắng, nài xin ơn đổi mới, nhất là khi đọc đến câu: – “Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”.


18/10/17                                            THỨ TƯ TUẦN 28 TN

Th. Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng                     Lc 10,1-9

SỐNG CHO CÔNG LÝ HOÀ BÌNH

“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’… Vào bất cứ thành nào… hãy nói: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ông.’  ” (Lc 10,5.8-9)

Suy niệm:Khi sai 72 môn đệ đi rao giảng, Chúa Giê-su dặn dò các môn đệ phải nói hai điều: 1/ Trước khi rao giảng bất cứ điều gì, hãy cầu chúc bình an, lời cầu chúc đó luôn được Chúa đáp lời: nếu người nghe không sẵn sàng đón nhận thì chính người nói lại là người hưởng được sự bình an. 2/ Trong bất kỳ tình huống nào, dù được tiếp đón hay không, người môn đệ cũng phải loan báo “Nước Thiên Chúa đã đến gần” – tức là rao giảng “một trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13). Thực không phải là việc dễ dàng, bởi vì trong một thế giới còn đầy dẫy bất công, người môn đệ Chúa thay vì được đón tiếp, lại trở thành nạn nhân của bạo quyền. Để đối lại, thay vì sử dụng thủ đoạn hay bạo lực, người môn đệ phải là sứ giả hoà bình, cư xử hiền lành với những lời cầu chúc bình an.

Mời Bạn: Được Chúa sai đi nghĩa là được mời gọi rao giảng cho công lý và hoà bình. Đó là một thách đố kép cho ơn gọi làm ki-tô hữu hôm nay, bởi vì một mặt phải làm chứng bằng cuộc sống cho công lý và hoà bình, một mặt phải sẵn sàng hứng chịu những khó khăn và bách hại. Nếu bạn cảm thấy mình giống như “chiên con đi vào giữa bầy sói” thì hãy nhớ rằng Chúa đã báo trước đó là thân phận tất yếu của những môn đệ Ngài. Ngay cả khi bạn không thể làm gì hay nói gì, bạn hãy còn một vũ khí vô địch, đó là lời cầu nguyện của bạn.

Chia sẻ:Quanh bạn, ai là người bị quên lãng, loại trừ? Họ cần sự chia sẻ gì?

Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc hy sinh phục vụ, kết hợp với lời cầu nguyện cho công lý và hoà bình.

Cầu nguyện:Hát Kinh Hoà Bình.


19/10/17                                         THỨ NĂM TUẦN 28 TN

Th. Gio-an Brê-bớp, I-sa-ác Giô-gơ, tử đạo Lc 11,47-54

LỜI RĂN ĐE NGHIÊM KHẮC

“Khốn cho các người!…” (Lc 11,47)

Suy niệm:Chúa Giê-su là mục tử nhân lành và mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa là Cha luôn thương yêu và chúc lành cho con cái mình, vậy mà sao Ngài lại dùng những lời chúc dữ thật nặng nề: Khốn cho các người”?  đây đâu có phải là lần duy nhất Ngài thốt lên những lời như vậy! Nào cha ông ta đã chẳng nói: “Yêu cho roi cho vọt” sao? Nói như vậy không có ý cho rằng Thiên Chúa giống như một người cha thích hành hạ, làm khổ nhục con cái để thoả mãn cơn nóng giận của mình. Trước sứ điệp Tin Mừng, các kinh sư và biệt phái vẫn giả hình và cứng lòng tới mức khó lòng hoán cải. Đau lòng, nhưng Chúa muốn chỉ ra cho họ biết,tự thâm tâm, họ đồng lõa với sự ác, đi theo vết xe đổ của cha ông, chứ không chỉ là lỗi lầm nhất thời. Những lời chúc dữ có nặng nề thật đấy, nhưng Ngài chỉ ra cho họ một viễn tượng, và mời gọitự nguyện hoán cải. Và nhất là Ngài đã chấp nhận trở thành “đồ bị chúc dữ” khi chịu chết trên thập giá để hoá giải chính lời chúc dữ. Qua con đường đó, phải chăng đã chẳng có những biệt phái và kinh sư hoán cải trở thành môn đệ Ngài như Ni-cô-đê-mô, Giu-se A-ri-ma-thi-a, Phao-lô… sao?

Mời Bạn: Khi một biến cố đau thương xảy đến trong đời bạn, bạn có coi đó như một lời răn đe nghiêm khắc của Chúa trước sự cứng lòng của bạn, của người thân, của nhân loại không?

Chia sẻ: Bạn noi gương Chúa thế nào trong việc răn dạy những người mà bạn có trách nhiệm khi họ sai lỗi?

Sống Lời Chúa:Chiêm ngắm Chúa chịu chết trên thánh giá và xin ơn đừng cứng lòng.

Cầu nguyện:Lạy Chúa, con muốn chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh để con hoán cải và giúp tha nhân hoán cải.


20/10/17                                          THỨ SÁU TUẦN 28 TN

                                                                               Lc 12,1-7

ĐIỀU GÌ ĐÁNG SỢ NHẤT?

“Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết thân xác mà sau đó không làm gì được nữa, Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai. Hãy sợ Đấng đã giết rồi lại có quyền ném vào hoả ngục.” (Lc 12,4-5)

Suy niệm:“Bình an cho anh em”, đó là món quà mà Chúa Giê-su đã trao ban cho nhân loại sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. 2000 năm qua, nhân loại càng cần món quà đó hơn nữa bởi vì xã hội văn minh và hiện đại không đem lại sự bình an đích thực, mà còn phát sinh những lo lắng mới: khủng bố, chiến tranh, thực phẩm chứa hoá chất độc hại sợ những “chứng bệnh thời đại”, sợ thất nghiệp, sợ mất địa vị, sợ thù oán… và trăm ngàn nỗi sợ hãi không tên khác trong cuộc sống. Lời Chúa hôm nay như đuốc sáng soi dẫn chúng ta bước đi trong cái nhìn của Đức Tin trưởng thành, giúp chúng ta xác định đâu là điều mà chúng ta phải sợ nhất: Đau khổ, bệnh tật và cả cái chết, không phải là điều đáng sợ cho bằng việc chúng ta đắm chìm trong tội lỗi, việc chúng ta sống rời xa tình yêu Thiên Chúa.

Mời Bạn:Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta phải chạm trán với những nỗi sợ hãi từ ngoại cảnh đến nội tâm, những tác động bên ngoài của hoàn cảnh môi trường – con người, cũng như những yếu đuối từ chính bản thân. Mời bạn nhìn lại chính mình để biết đâu là điều khiến cho bạn lo lắng và sợ hãi nhất và cách nào giúp bạn tìm được sự bình an.

Sống Lời Chúa:Trong mỗi công việc, suy nghĩ và hành động. Luôn tự đặt câu hỏi với chính mình: Điều này có thực sự đem lại cho tôi sự bình an và làm vui lòng Chúa không?

Cầu nguyện:Xin cho con luôn SỐNG TRONG CHÚA, để cùng với Ngài con vẫn luôn bình tâm và hạnh phúc giữa bể đời nay thử thách và sóng gió. Amen.


21/10/17                                          THỨ BẢY TUẦN 28 TN

                                                                             Lc 12,8-12

LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)

Suy niệm: Rao giảng Tin Mừng luôn tiềm ẩn những nguy cơ cho người rao giảng, vì Tin Mừng đụng chạm tới những vấn đề tế nhị trong cuộc sống. Do hiểu lầm hoặc do lợi ích mang tính trần thế, người ta sẵn sàng loại bỏ, tiêu diệt, xóa sổ những kẻ loan báo Tin Mừng bình an và hy vọng. Số phận bi hùng ấy của người môn đệ đã được Chúa Giê-su báo trước: “môn đệ không hơn Thầy,” được chung số phận với Thầy là vinh dự rồi. Bù lại, Chúa Giê-su hứa cho các môn đệ phần thưởng xứng đáng là cuối cùng, họ sẽ được thấy Chúa tỏ tường, được Ngài công nhận trước mặt Cha Ngài, được đồng bàn với Ngài trong Nước Trời vinh hiển. Lời Chúa phán là chứng từ bảo đảm cho tương lai của môn đệ.

Mời Bạn: Lơ là với việc loan báo Tin Mừng có thể phát xuất từ chỗ bạn chưa xác tín được bản chất của người môn đệ Chúa Ki-tô. Môn đệ Chúa Ki-tô là người bước theo Ngài, học với Ngài, làm theo lời Ngài dạy, nhất là mệnh lệnh “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Một khi đã xác tín, bạn có đủ can đảm chấp nhận hay không?

Sống Lời Chúa: Ta cảm phục các môn đệ đang bôn ba khắp thế giới, chấp nhận thử thách để hiện diện nơi vùng sâu, vùng ngoại vi xa xôi. Ước gì thao thức của ta sẽ biến thành hành động thực tế trong việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến chúng con thành những nhân chứng của Tin mừng, vì hạnh phúc của bản thân và của anh chị em đồng loại. Đó cũng là khát vọng Chúa đặt nơi mỗi Ki-tô hữu chúng con hôm nay. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts