5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 10-2016

23/10/16                              CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – C

Khánh Nhật Truyền Giáo                                 Lc 18,9-14

ĐỂ ĐƯỢC CHÚA XÓT THƯƠNG

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống…” (Lc 18,14)

Suy niệm: Chúng ta không khó để nhận ra những hình thức quảng cáo hiện nay qua những kỷ lục như đòn bánh tét dài nhất hay những tô phở lớn nhất… chỉ là sự khoa trương và thổi phồng sự thật. Nếu quảng cáo là đem đến sự hiểu biết về một sản phẩm, thì đa phần đang thổi phồng giá trị và cả sự lừa dối bằng những hình thức bắt mắt và những mối lợi tưởng dễ dàng. Con người chúng ta thường bị cám dỗ kiêu ngạo và tự mãn bởi những việc mình làm hay công đức mình nghĩ đã lập được. Chúng ta quên mất thân phận thật của chính mình: Thân phận con người nhiều giới hạn, yếu đuối và tội lỗi. Những gì được ban cho là do bởi Tình Yêu, sự thật chúng ta chỉ là tội nhân và cần được lòng thương của Chúa cứu vớt.

Mời Bạn: Kiêu ngạo là một mối tội lớn của con người, đã làm cắt đứt mối tương quan con người với Thiên Chúa là Chủ trong thân phận của một thụ tạo. Chúng ta được mời gọi luôn luôn có thái độ khiêm tốn và thống hối để nhận ra thân phận tội lỗi của mình, để nhờ đó nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa. Vì “Lời cầu nguyện trong sự khiêm nhường sẽ nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa” (ĐTC Phanxicô).

Sống Lời Chúa: Xét mình để thấy hành vi nào hôm nay mình đã sống khoe khoang, giả hình và kiêu ngạo. Quyết tâm ăn năn dốc lòng chừa, khiêm tốn xin Chúa tha thứ cho lỗi lầm ấy và đến với Bí tích Hòa Giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn để nhận ra mình yếu đuối và tội lỗi. Con có là gì hay làm được gì cũng do bởi Chúa, để con biết mình luôn được yêu thương và sống xứng đáng với tình yêu thương ấy.


24/10/16                                           THỨ HAI TUẦN 30 TN

Th. An-tôn Ma-ri-a Cla-rét, giám mục           Lc 13,10-17

“VINH QUANG CỦA THIÊN CHÚA LÀ CON NGƯỜI SỐNG”

Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?” (Lc 13,15)

Suy niệm: Khi ông chủ tịch hội đường viện dẫn luật truyền thống để ‘mắng’ những người đến xin Chúa Giê-su chữa bệnh trong ngày sa-bát ngay trong hội đường do ông quản lý, ông đã muốn chứng tỏ quyền hành của mình. Thế nhưng khi Chúa Giê-su ‘lật tẩy’ ông bằng cách giả sử một trường hợp đụng đến quyền lợi của ông, ông đã làm thinh ‘né’ câu chất vấn của Ngài: “Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa đi uống nước?” Thật mỉa mai thay, người ta nhân danh ‘truyền thống’ để lớn tiếng hạch sách người khác, nhưng khi đụng đến quyền lợi của mình thì lại ‘chống chế’ cốt sao mình không bị thiệt thòi đến… nửa cái móng tay! Chính thái độ đó đã trói buộc các ‘nhân linh ư vạn vật’ cứ mãi phải ‘còng lưng’ không thể ‘đứng thẳng’ lên được.

Mời Bạn: Việc ‘kiêng việc xác’ ngày Chúa Nhật có giúp bạn thật sự thánh hóa ngày của Chúa không, hay bạn viện lý do cuộc sống còn ‘nhiều khó khăn’ nên bạn không ‘kiêng’ vì sợ bị ‘thua thiệt’? Hay có chăng, bạn dành cho Chúa một chút thì giờ khít khao cho việc ‘đi lễ’ để gọi là có… Còn lại bạn chủ yếu dành cho việc làm ăn, việc giải trí?

Sống Lời Chúa: Suy nghĩ câu nói của thánh I-rê-nê: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống.” Ngày Chúa Nhật bạn chọn làm một việc ý nghĩa đích thực để làm vinh danh Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dành cả cuộc đời tại thế để đem lại ơn ích cho con người. Xin cho chúng con biết dành nhiều thời gian hơn nữa cho công việc của Nước Trời. Amen.


25/10/16                                            THỨ BA TUẦN 30 TN

                                                                           Lc 13,18-21

NHỎ BÉ MÀ MẠNH MẼ

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện hạt cải,… nắm men…” (Lc 13,19.20)

Suy niệm: Một hạt cải nhỏ bé được vùi trong lòng đất, nảy mầm, rồi trở thành cây lớn. Một nắm men được vùi trong đấu bột, làm cả đấu bột dậy men. Cả hai đều bé nhỏ, mỏng manh lúc ban đầu, nhưng một khi phát triển tiềm năng vốn có, sẽ đem lại kết quả tốt đẹp bất ngờ. Phải là hạt cải tốt để có thể nảy mầm trong các điều kiện thuận tiện; phải là men chất lượng cao để khi khi hòa tan trong khối bột, làm khối bột ấy dậy men. Nước Trời khởi đầu từ một nhóm nhỏ môn đệ tựa như hạt cải âm thầm triển nở, hay như nắm men kín đáo tác động, để rồi ngày qua ngày trở thành một sức mạnh có sức biến đổi cả thế giới này. Cây đức tin, đức cậy, đức mến cũng như men công bằng, bác ái là dấu chỉ sự hiện diện của Nước Trời trong thế giới, mỗi khi Ki-tô hữu sống trọn ân sủng và sứ mạng của mình.

Mời bạn: “Hãy cho tôi một điểm tựa và tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên” (Archimedes). Điểm tựa Giêsu vẫn có đó, khi bạn gặp gỡ Ngài trong đời sống của Giáo Hội. Ước gì mỗi ngày bạn vun đắp cho cây đời bạn sinh nhiều bông hạt tốt, để tiếp tay cùng Thiên Chúa gieo vãi tình yêu thương cho những người xung quanh. Ước gì nắm men Tin Mừng bạn đã lãnh nhận, ngày thêm hiệu năng để làm dậy lên khối bột tình mến trong môi trường của bạn.

Sống Lời Chúa: Tận dụng và sắp xếp thời giờ để gặp gỡ Chúa qua các bí tích, Lời Chúa, cầu nguyện,… để hạt giống, nắm men Kitô hữu trong bạn luôn được bảo tồn và triển nở.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì con muốn làm men, muốn làm muối ướp cho mặn đời. Vì con muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi. (Bài hát Vì Con Muốn)


26/10/16                                            THỨ TƯ TUẦN 30 TN

                                                                           Lc 13,22-30

CỬA HẸP LÀ HY SINH, TỪ BỎ

Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” (Lc 13,24)

Suy niệm: Khi nói về ngày giờ “Con Người sẽ đến,” Chúa Giê-su không cho biết ngày nào giờ nào mà ra chỉ thị “hãy sẵn sàng” (Lc 12,40); cũng vậy khi được hỏi về số lượng những người được cứu thoát, Ngài dùng hình ảnh “cửa hẹp” với yêu cầu “Hãy chiến đấu!” “Cửa” dẫn đến hạnh phúc thì “hẹp” vì để đi tới đó chỉ có một Con Đường là Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ duy nhất (x. Cv 4,12) và vì con đường Chúa đã đi qua để cứu độ nhân loại chính là con đường thập giá. Đi con đường thập giá với Chúa Ki-tô chắc chắn không phải là một cuộc dạo chơi, mà là một cuộc chiến đấu, cuộc chiến đến giọt máu cuối cùng.

Mời Bạn: Đường vào Nước Trời không rộng thênh thang để người ta tha hồ thoả mãn những đam mê tội lỗi. Trái lại đó là cả một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam. Để đạt chiến thắng cuối cùng trong ngày cánh chung, phải chiến đấu từ bây giờ trong cuộc sống hiện sinh này. Nếu không, cánh cửa sẽ đóng lại trước mắt chúng ta với lời tuyên án khủng khiếp: “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.

Sống Lời Chúa: Hãy lấy Lời Chúa làm vũ khí để chiến đấu chống lại ma quỷ: “…binh giáp vũ khí của Thiên Chúa,… lưng thắt đai là chân lý,… mang áo giáp là sự công chính,.. chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng,… cầm khiên mộc là đức tin,… đội mũ chiến là ơn cứu độ,… tay cầm gươm của Thần Khi, tức là Lời Thiên Chúa” (x. Ep 6,10-17).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nỗ lực chiến đấu không ngừng để quyết đi qua cửa hẹp là hy sinh, thương xót, phục vụ và sẻ chia hầu đem lại cho con hạnh phúc, bình an và Nước Chúa ngay đời này và đời sau. Amen.


27/10/16                                         THỨ NĂM TUẦN 30 TN

                                                                           Lc 13,31-35

TÌNH YÊU BỊ PHẢN BỘI

“Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu…” (Lc 13,34)

Suy niệm: Khước từ một hành động yêu thương chính đáng là sự phản bội nặng nề, và làm tan nát trái tim đối với người dâng hiến tình yêu ấy cho ta. Kinh nghiệm này có thể ta học được khi tình nghĩa vợ chồng bị đổ vỡ, bạn bè lừa lọc nhau, con cái không nghe lời cha mẹ… Nhờ kinh nghiệm đó, chúng ta có thể hiểu phần nào tâm tình của Chúa khi Ngài thốt lên: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu…” Trong tình yêu những suy nghĩ lựa chọn hơn thiệt nhiều quá cũng dễ làm mất đi tính vô vị lợi, dẫn đến chỗ không còn tin tưởng nhau nữa. Chúa đã không áp dụng kiểu yêu thương này nên Ngài lúc nào cũng bị thua thiệt và bị phản bội.

Mời Bạn: Còn chưa đầy một tháng nữa chúng ta kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta cần suy nghĩ xem Đức Ki-tô và Giáo hội đau khổ thế nào khi chúng ta là tín hữu không chấp nhận sống theo qui luật Chúa và Giáo Hội dạy dỗ… Chúng ta đã và sẽ phải làm gì để tình Chúa yêu ta và ta yêu Chúa không bị suy suyển vì sự ngoan cố “không chịu” để cho Ngài liên kết ta dưới bóng cánh của Ngài.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy suy nghĩ lời ngôn sứ Mi-kha: “Ta đã làm gì khiến người phiền lòng?… Có chi phải làm mà Ta đã không làm cho ngươi?” Bạn dâng lên Chúa một lời tâm sự thống hối để đền bù, vì đã thờ ơ, vô tâm với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống quảng đại hơn với Chúa và với tha nhân bằng những việc làm vô vị lợi như Chúa đối xử với con. Amen.


28/10/16                                          THỨ SÁU TUẦN 30 TN

Th. Si-mon và Giu-đa, tông đồ                        Lc 6,12-19

HAI NHỊP CỦA TRÁI TIM TÔNG ĐỒ

“Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện và đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.” (Lc 6,12-13)

Suy niệm: Trong cơ thể con người có một bộ phận hoạt động liên lỉ từ khi thụ thai cho tới khi lìa đời, đó là trái tim. Dẻo dai như vậy, nhưng để vận chuyển máu đi khắp cơ thể, hoạt động của nó thật đơn giản chỉ có hai nhịp: bóp vào và mở ra. Các sách Tin Mừng cho biết cuộc sống của Chúa Giê-su cũng diễn ra trong hai nhịp như vậy: cầu nguyện và hoạt động; đan cử một ví dụ: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông Đồ. Và khi chọn các ông, Chúa Giê-su muốn họ chu toàn một cuộc sống gồm hai nhịp: ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng. Các động từ “ở lại”, “ở trong,” “đi theo” được các thánh sử dùng nhiều lần để diễn tả mối hiệp thông phải có của các Tông Đồ đối với Chúa Giê-su như mối thông hiệp Ngài có với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài, sự hiệp thông cần thiết đến mức trở nên ưu tiên trong các hoạt động của Ngài. Mặt khác, “tông đồ” nghĩa là “người được sai đi”, tham dự vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su. Ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng là hai nhịp của trái tim Tông Đồ, cần thiết và không thể tách rời nhau.

Mời Bạn: Kiểm tra lại đời sống tông đồ của bạn. Đời sống tông đồ của bạn vẫn đều đặn hai nhịp đập đấy chứ?

Chia sẻ: Bạn có cho là tốn giờ vô ích khi dành thời giờ cầu nguyện trước khi làm một công tác tông đồ không?

Sống Lời Chúa: Thăm một gia đình gặp khó khăn và cầu nguyện cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa chọn gọi con tham dự vào sứ mạng của Chúa. Xin cho con biết ở lại trong Chúa và đam mê chia sẻ niềm vui này cho tha nhân.


29/10/16                                          THỨ BẢY TUẦN 30 TN

                                                                          Lc 14,1.7-11

BÀI HỌC KHIÊM TỐN

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (Lc 14,11)

Suy niệm: Một cơn bão quét qua, những cây càng to mà rễ càng trồi lên không ăn sâu dưới đất, thì càng dễ bị tróc gốc; những ngôi nhà càng cao tầng thì móng càng phải đào cho sâu thì mới vững chãi, tránh được sự cố sụt lún mà có khi dẫn đến bị sụp đổ bình địa. Quy luật về trọng lực cho biết trọng tâm của một công trình càng ở vị trí thấp, công trình đó càng vững chắc và có khả năng vươn cao. Bằng một dụ ngôn, Chúa Giê-su dạy chúng ta người biết hạ mình thì phẩm giá của họ lại được tôn trọng. Hạ mình không có nghĩa là làm những việc đồi bại xúc phạm đến nhân phẩm của mình, nhưng là quên mình phục vụ tha nhân trong yêu thương. Hạ mình như Ngôi Hai: từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mặc lấy xác phàm, khiêm tốn phục vụ, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc muôn người.

Mời Bạn: Chúa đã nêu gương hạ mình cho chúng ta, còn chúng ta lại muốn ngoi lên “đè đầu cưỡi cổ” người khác. Đành rằng mọi cộng đoàn nhân loại đều cần có quyền bính nhưng là để phục vụ chứ không phải để thống trị nhau. Nếu bạn muốn phẩm giá mình được tôn trọng, nhất là được tôn trọng trước mặt Chúa, thì càng ở địa vị cao, bạn càng cần hạ “trọng tâm” của mình xuống.

Chia sẻ kinh nghiệm về một lần bạn nâng mình lên chẳng may bị hạ xuống.

Sống Lời Chúa: Làm một cách chu đáo một việc thật nhỏ phục vụ người khác mà lâu nay bạn không làm vì cho rằng nó quá tầm thường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con biết học gương khiêm nhường của Chúa, để con biết khiêm tốn phục vụ anh chị em con.

Chia sẻ Bài này:

Related posts