5 Phút cho Lời Chúa Tháng 07-2016

10/07/16                              CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – C

                                                                           Lc 10,25-37

HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY

“Theo ông, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Chúa Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10,36-37)

Suy niệm: Thương mến tha nhân đôi lúc đòi chúng ta một sự mạo hiểm. Trong câu chuyện Chúa Giê-su kể hôm nay, vị tư tế và thầy trợ tế không dám đến gần nạn nhân, vì sợ mắc nhơ uế theo Luật cấm sờ chạm vào một người ngoài Do Thái. Nhưng một người Sa-ma-ri mạo hiểm, đến cạnh nạn nhân, chăm sóc và chấp nhận mọi liên lụy. Tâm lòng của người Sa-ma-ri mở ra, không vô cảm hay lạnh lùng, nhưng chạm đến vết thương ngoài da thịt lẫn vết thương tâm hồn của nạn nhân bằng hành động cụ thể chữa lành cho nạn nhân. Từ thời các giáo phụ, người Sa-ma-ri nhân hậu được hiểu là hình ảnh của Chúa Giê-su. Thánh Clê-men-tê đã viết: “Ai thương xót chúng ta hơn Chúa Giê-su?” Đấng với lòng thương cảm sâu xa có khả năng cúi xuống đỡ nâng và đổ dầu bí tích chăm sóc tội nhân, Đấng như người Sa-ma-ri nhân hậu rời nhà trọ và sẽ trở lại thanh toán vào ngày cánh chung cho những ai chăm sóc anh chị em mình.

Mời Bạn: Bạn có dám để mắt, để tâm lòng và rộng tay chấp nhận liên lụy giúp đỡ anh chị em vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, những người đang phải chịu khốn khổ vì mong có bữa cơm, nhất là bữa cơm sạch chưa?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời Chúa: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương anh chị em con đang phải khốn khổ. Xin cho con biết rộng tay và rộng lòng khi nghĩ đến anh chị em con, với những hành động cụ thể của lòng thương xót.


11/07/16                                           THỨ HAI TUẦN 15 TN

Th. Bê-nê-đi-tô, viện phụ                            Mt 10,34-11,1

NGHỊCH LÝ THẬP GIÁ

“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,38-39)

Suy niệm: Một học sinh lớp 5 nói với bạn mình là người công giáo rằng: Chúa của bạn ác lắm, vì Chúa của bạn đòi hễ ai tin Chúa thì phải bỏ những thứ mình có và phải vác thập giá mà theo Chúa!!! Lời con trẻ đơn sơ nhưng chứa đựng một chân lý nhức nhối về phía chúng ta. Theo tính tự nhiên, ai mà chẳng dị ứng đối với thập giá! Chúa cũng biết thế – Ngài đã chẳng run sợ đến mướt mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu là gì? Thế nhưng Ngài vẫn mạnh mẽ tuyên bố: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy.” Chúa không phải là người thích chịu đau khổ để tự hành hạ mình hay thấy người khác đau khổ mà lấy làm vui. Chúa phát biểu một qui luật mà thoạt nghe có vẻ như nghịch lý: Khư khư giữ lấy thì bị mất; còn dám liều chịu mất cả mạng sống vì Chúa thì lại lấy lại được. Chúa Giê-su hoá giải nghịch lý thập giá và chứng minh tính đúng đắn của qui luật đó qua cái chết và phục sinh của chính Ngài: “Phải qua đau khổ mới tiến được vào vinh quang.”

Mời Bạn: Nếu bạn biết Chúa chịu khổ nạn như thế là để đền bù thay cho bạn, vì tội của bạn thì bạn còn nghĩ Chúa “ác” nữa không? Nếu bạn biết Ngài mời bạn cùng vác thập giá để được hạnh phúc với Ngài, thì bạn còn nghĩ Chúa “ác” với bạn nữa không?

Sống Lời Chúa: Bạn thấy việc bổn phận nào đang là thập giá cho bạn? Bạn hãy chu toàn việc đó cách vui lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thương Chúa đã chịu khổ vì con. Xin cho con biết vác thập giá mình để đáp lại tình thương của Chúa.


12/04/16                                            THỨ BA TUẦN 15 TN

                                                                           Mt 11,20-24

THÔI ĐỪNG CỨNG LÒNG!

“Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ.” (Mt 11,23)

Suy niệm: Xu hướng hưởng thụ đang lên ngôi trong tâm trí con người. Của cải vật chất được bày biện ngày càng nhiều lại càng hấp dẫn khiến dường như việc kiếm tiền của là mục đích duy nhất của người thời đại. Lý tưởng sống cao đẹp đã bị “di dời, giải toả” khỏi sinh hoạt thuờng nhật. Mối quan hệ với người nghèo, người cô thế, người bất hạnh cần được an ủi không còn nằm trong kế hoạch hằng ngày nữa. Mọi thứ đã bị qui đổi ra tiền, kể cả giá trị con người cũng được đánh giá dựa trên những gì nó sở hữu. Đi theo sau xu hướng hưởng thụ vật chất là hưởng thụ thú vui thể xác. Đáng thương thay! Người ta đang “xuống cấp” mà lại tưởng mình “lên đời”. Chúa Giê-su cảnh báo người thời đại đừng ảo tưởng mình đang “được nâng lên tận trời”, nhưng hãy cấp thời tái lập vị trí tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, phục hồi địa vị cao đẹp của người làm con Chúa và nối lại mối thân tình với tha nhân.

Mời Bạn: Bạn ơi! Thôi đừng cứng lòng nữa! Nhưng hãy là cánh tay hữu hình của Chúa nơi trần gian, thực hiện lý tưởng sống đẹp của người Ki-tô hữu để chuyển giao sứ điệp đó cho mọi người trong thế giới hôm nay.

Chia sẻ: Kể cho nhau gương sống Tin Mừng của một người bạn quen biết.

Sống Lời Chúa: Xét xem bạn dành cho Thiên Chúa vị trí nào trong tâm trí bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhớ rằng con là cánh tay hữu hình Chúa dùng nơi trần gian để thức tỉnh mọi người khỏi cơn mê vật chất, bằng một đời sống thanh bần và kính sợ Chúa.


13/07/16                                            THỨ TƯ TUẦN 15 TN

Th. Hen-ri-cô                                                    Mt 11,25-27

TRỞ NÊN BÉ MỌN

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)

Suy niệm: Những người thông thái đây là ai vậy? Đối với người Do Thái, người thông thái là người sành sỏi sách Luật. Niềm tự mãn thông biết Lề Luật đã biến họ thành con người giàu kiến thức nhưng lại nghèo thiện chí tìm kiếm Nước Trời. Còn những người bé mọn mà Chúa Giê-su đề cập tới khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, họ là những ai? Họ là những người nghèo khó, thất học, bệnh tật, bị bỏ rơi v.v. Tấm lòng chân thành là điểm chung ở họ. Kinh nghiệm truyền giáo đã cho Chúa Giê-su một kết luận “trên cả tuyệt vời” là: chính Thiên Chúa mở lòng cho con người biết mầu nhiệm Nước Trời. Ngài là tác nhân cho  những tâm hồn dễ mở lòng đón nhận đức tin. Nơi họ không có thành kiến, không tự mãn về tài trí mà chỉ có lòng chân thành, niềm khao khát được ủi an, chia sẻ. Kinh nghiệm này củng cố tinh thần Ki-tô hữu biết bao, nhất là những lúc chưa thấy được kết quả trong việc truyền giáo.

Mời Bạn: Lần sau cùng bạn cảm tạ Chúa về công việc truyền giáo tới nay là bao lâu rồi? Con tim bạn có rung động trước hành động Thiên Chúa mạc khải cho bạn và những người bạn đang truyền giáo về mầu nhiệm Nước Trời không?

Chia sẻ: Lời tạ ơn như Chúa Giê-su gây niềm cảm hứng cho Ki-tô hữu trong việc truyền giáo thế nào?

Sống Lời Chúa: Dâng lời cảm tạ Chúa cách chân thành như Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.”


14/07/16                                         THỨ NĂM TUẦN 15 TN

Th. Ca-mi-lô Len-li, linh mục                         Mt 11,28-30

NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG NƠI CHÚA

Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Suy niệm: “Bồi dưỡng” là một khái niệm đang phổ biến trong xã hội chúng ta. Dù mức sống càng ngày càng nâng cao: từ ăn no mặc ấm, đến ăn ngon mặc đẹp, rồi ăn sung mặc sướng đến ăn kiêng mặc mốt, nhưng người ta vẫn chưa thấy như thế là đủ. Và như vậy cần phải “’bồi dưỡng”: “bồi dưỡng” cho sức khoẻ, cho sắc đẹp. Về phương diện tinh thần cũng không kém cạnh. Không chỉ người lớn phải bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, mà cả các bé chưa đi mẫu giáo cũng phải chạy đua học bồi dưỡng để trở thành “thần đồng”. Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy đến với Ngài để được “nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Bồi dưỡng theo kiểu thế gian lắm khi làm người ta thêm căng thẳng, bất an. Còn nơi Thiên Chúa, chúng ta được hưởng trước sự an bình thư thái mà chúng ta sẽ hưởng trọn vẹn trên thiên đàng.

Mời Bạn: Người thời nay dễ bị rơi vào tình trạng căng thẳng tâm lý (stress). Để xả “stress” có người tìm đến những liệu pháp tâm lý; có người lại sa đà vào lối sống buông thả, bê tha trong các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, ma tuý, v.v…, những điều chẳng những không giảm bớt mà còn làm người ta thêm căng thẳng và suy sụp. Mời bạn đến với Đức Ki-tô để nhận được liệu pháp tâm linh: học với Ngài tính “hiền hậu và khiêm tốn”; phó thác nơi Ngài, trong Lời Chúa và Thánh Thể, chúng ta sẽ được sự an bình thư thái của thiên đàng.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên cầu nguyện bằng cách nhẩm đi nhắc lại nhiều lần câu Lời Chúa và xin ơn bình an trong tâm hồn: “Không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô” (Rm 8,39).


15/07/16                                          THỨ SÁU TUẦN 15 TN

Th. Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT      Mt 12,1-8

CHỈ CẦN MỘT TẤM LÒNG

“Nếu các ông hiểu ý nghĩa câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế…” (Mt 12,7)

Suy niệm: Chỉ có mỗi một việc các môn đệ Chúa Giê-su bứt ít gié lúa, chà xát trong tay để ăn cho vui miệng quên đói mà các ông Pha-ri-sêu cũng chộp lấy để dựa vào đó lên án Chúa Giê-su và các môn đệ vi phạm luật ngày sa-bát. Đối lại, Chúa Giê-su trưng dẫn việc vua Đa-vít và các tuỳ tùng khi đói được phép ăn bánh dâng hiến trong đền thờ, bánh chỉ dành riêng cho các thầy tư tế. Trong khi quan điểm của các ông Pha-ri-sêu là con người vì lề luật thì Chúa Giê-su nhấn mạnh lề luật vì con người. Và đã vì con người thì tấm lòng mới là quan trọng: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” Quả vậy, Chúa từ chối làm một dấu lạ từ trời theo lời thách thức của người Do Thái vì Ngài muốn họ đến với Thiên Chúa bằng tấm lòng. Ngược lại, tại tiệc cưới Ca-na, Chúa sẵn lòng hoá nước thành rượu cho dù “giờ chưa đến” chỉ vì một tấm lòng biết cảm thông.

Mời Bạn: Nếu bạn hiểu rằng “Chúa muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” thì tại sao bạn sống giả hình giữ luật cách chi li hình thức mà không yêu mến Chúa lại còn chểnh mảng việc phục vụ tha nhân? Nếu bạn biết Chúa muốn tấm lòng, sao bạn không dâng cho Ngài tất cả tấm lòng trong mỗi việc nhỏ bé bạn làm vì lòng yêu mến Ngài?

Sống Lời Chúa: Bí tích Thánh Thể chính là phương thế tuyệt hảo để bạn dành cho Chúa tất cả tấm lòng của mình. Bạn đã lãnh nhận Thánh Thể hôm nay chưa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ước ao khát khao được Chúa ngự vào lòng con. Dù con không được rước Chúa cách hữu hình lúc này, xin Chúa ngự vào lòng con cách thiêng liêng.


16/07/16                                          THỨ BẢY TUẦN 15 TN

Đức Mẹ Núi Cát-minh                                     Mt 12,14-21

GIẢI GIỚI BẰNG TÌNH YÊU

…Để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sa-i-a đã nói: “Cây lau bị dập, người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng.” (Mt 12,20)

Suy niệm: Có nhà phân tích lý luận về chiến tranh nói rằng: muốn có hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh. Chính vì thế, chiến tranh cứ nối tiếp chiến tranh, hận thù chồng chất hận thù. Cứ thế, chuỗi chiến tranh-hận thù mãi kéo dài không bao giờ kết thúc. Chúa Giê-su “đưa công lý đến chỗ toàn thắng” bằng cách khác. Chúa dạy chúng ta làm thế nào để giải giới chiến tranh. Thay vì dùng bạo lực, Chúa yêu thương; thay vì tiêu diệt, Chúa nâng niu, trân trọng và nâng dậy. Thay vì vô cảm, tàn nhẫn, Chúa đồng cảm và đầy lòng xót thương.

Mời Bạn: Chiến tranh đâu phải chỉ xảy ra trên bình diện quốc gia, quốc tế. Có những cuộc chiến dai dẳng, âm ỉ đang xâu xé các gia đình, các cộng đoàn dưới nhiều hình thái. Và có thể chính cộng đoàn của bạn cũng đang gánh chịu tai hoạ chiến tranh đó. Tại sao bạn không thử áp dụng bài học giải giới chiến tranh Chúa dạy chúng ta hôm nay ?

Chia sẻ: “Cây lau bị dập, người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”. Bạn đưa ra một việc cụ thể để áp dụng Lời Chúa trên đây.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn bày tỏ sự thân thiện, nhân ái với tha nhân bằng một hành vi, cử chỉ thích hợp (một cái bắt tay, một nụ cười, một việc làm giúp ích…).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa cho chúng con hiểu được tinh thần đích thực của Tin Mừng. Và xin để Tin Mừng cải hoá chúng con, giúp chúng con thoát khỏi ách nô lệ của hận thù, và biết lấy việc kính trọng tha nhân làm lề luật cho cuộc sống.

Chia sẻ Bài này:

Related posts