5 Phút cho Lời Chúa Tháng 05-2016

22/05/16 CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN – C
Kính Chúa Ba Ngôi
Ga 16,12-16

 

GIA ĐÌNH BA NGÔI

“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người (Thần Khí) lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,15)

Suy niệm: Chúa Giê-su khẳng định, mọi sự Ngài có đều là của Chúa Cha. Nhưng trước đó Ngài đã cho biết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Như thế Thiên Chúa trao ban chính Ngài cho chúng ta qua Người Con Một, Đấng hiến tế chính mình trên thập giá để cứu độ nhân loại. Hy tế đó, Đức Ki-tô chỉ hiến dâng một lần là đủ (x. Dt 7,27; 10,10), nhưng hồng ân cứu độ quá lớn đến nỗi “Anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16,12). Vì thế, Thần Khí phải đến để tiếp tục công cuộc trao ban và sẽ kéo dài cho đến tận thế. Như vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải qua mầu nhiệm tình yêu mà NHẬN và CHO là nguyên lý căn bản: Tất cả những gì của Cha đều là của Con, và tất cả những gì của Con đều được trao ban cho chúng ta nhờ Thần Khí. Đồng thời Mầu Nhiệm ấy được mở ra để mời gọi nhân loại tham dự: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21).

Mời Bạn: Thuộc về gia đình Thiên Chúa không phải thuộc về một cơ chế bất động mà là một dòng chảy sự sống, liên tục diễn ra giữa NHẬN và CHO. Nếu chỉ nhận lãnh mà không cho đi thì chưa thể gọi là hiệp thông trọn vẹn với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống để biết NHẬN và CHO như thế nào hầu biết mình có đang hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên giống Chúa nhờ biết cho đi những gì chúng con đã lãnh nhận, hầu qua chúng con, người khác cũng được liên kết nên một trong Chúa. Amen.


23/05/16 THỨ HAI TUẦN 8 TN
Mc 10,17-27

 

ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO NHƯ CHÚA

“Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao.” (Mc 10,23)

Suy niệm: Có chuyện kể về một vị vua thưởng công cho một đại thần, trong một ngày nếu vị quan đi được bao nhiêu đất vua sẽ ban cho đất ấy làm gia sản. Vị quan lên ngựa từ sáng sớm, vì tham lam muốn có nhiều đất nên ông thúc ngựa chạy thục mạng, không ăn không nghỉ. Khi trời sập tối, cũng là lúc ông gục ngã và chết trên lưng ngựa. Điều tưởng chừng sẽ mang lại hạnh phúc cho vị quan kia lại chính là tai họa cho ông. Của cải hay tiền bạc không xấu, nhưng chính lòng tham sẽ làm con người ra ngu muội và trở nên nô lệ cho của cải. Kinh thánh ví của cải như một vị thần (mammon), có sức mê hoặc con người, kéo con người ra xa và trở nên đối nghịch với Thiên Chúa, đến nỗi không ai có thể “vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).

Mời Bạn: Nghèo là một thách đố đòi hỏi con người phải vượt qua để có điều kiện sống đúng với nhân phẩm của mình. Nhưng con người cũng được mời gọi đón nhận sự nghèo khó như một phần giới hạn của thân phận con người, được mời gọi biết tự nguyện trở nên nghèo khó như Đức Giê-su, Đấng “đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo của Ngài”(2 Cr 8,9). Đó là sự giàu có về sự tự do, về lòng vị tha, sẵn sàng chia sẻ và phục vụ người khác. Bạn có sẵn sàng tự nguyện trở nên nghèo như Đức Giê-su không?

Sống Lời Chúa: Thực hành việc từ bỏ sự lệ thuộc một tiện nghi nào đó trong thói quen hằng ngày của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn cho con biết vượt qua những cám dỗ của tiện nghi vật chất, biết đặt Chúa trên hết mọi lựa chọn, là cùng đích và ý nghĩa cuối cùng của đời con. Amen.


24/05/16 THỨ BA TUẦN 8 TN
Mc 10,28-31

 

TẤT CẢ VÌ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

“Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa,… mà không nhận được gấp trăm, ngay ở đời này… cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10,29-30)

Suy niệm: Mục tiêu của cuộc hành trình càng xa thì hành trang càng cần phải gọn gàng, nhẹ nhàng, chỉ bao gồm những gì thật thiết yếu. Hơn nữa, cũng cần phải lường trước những khó khăn, sự cố có thể gặp phải trên đường. Tất cả những cái giá phải trả ấy dù có đắt đỏ nhưng người ta vẫn sẵn sàng chấp nhận lên đường, nếu mục tiêu nhắm tới thực sự có giá trị vượt trội so với vốn liếng đã đầu tư, cũng như những rủi ro, thiệt hại phải gánh chịu. Phê-rô hẳn đang cân nhắc điều đó khi đặt vấn đề với Đức Ki-tô: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đáp lại, Chúa Giê-su cho Phê-rô biết dù có phải chịu ngược đãi bách hại, nhưng các môn đệ Chúa sẽ “được gấp trăm” ngay ở đời này. Hơn nữa, tất cả những điều đó chẳng thấm vào đâu so với sự sống vĩnh cửu mà họ sẽ đạt được ở đời sau.

Mời Bạn: Thánh Phao-lô có cùng một xác tín đó khi ngài nói: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su… Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô” (Pl 3,8). Bạn còn ngần ngại gì mà không quyết chọn làm môn đệ của Thầy Giê-su cùng với bao nhiêu môn đệ khác của Ngài, để sống cho sự thật, nói không với sự ác? Họ cũng giống như Thầy mình: bị thế gian loại trừ, bị tước đoạt quyền lợi,… Nhưng họ lại nhận được gấp trăm trong ngôi nhà chung Giáo Hội. Và nhất là, họ được Chúa Ki-tô bảo đảm cho họ được sự sống đời đời qua cuộc tử nạn và phục sinh của Người.

Sống lời Chúa: Vui vẻ chịu thiệt thòi chỉ vì mình là Ki-tô hữu.

Cầu nguyện: Đọc kinh Trông Cậy.


25/05/16 THỨ TƯ TUẦN 8 TN
Th. Bê-đa Khả kính, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 10,32-45

 

ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ

“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,43-45)

Suy niệm: Chúa Giê-su cùng các môn đệ tiến về Giê-ru-sa-lem khi Ngài loan báo lần thứ ba cho các môn đệ về cuộc khổ nạn Ngài sắp chịu. Thế mà, trong bối cảnh đó, các môn đệ lại tưởng rằng sắp tới lúc họ được hưởng vinh hoa phú quý. Gia-cô-bê và Gio-an “tranh thủ” đến gặp Chúa Giê-su để xin được ngồi bên hữu bên tả trong vinh quang của Chúa. Các môn đệ khác cũng “tham-sân-si” chẳng kém gì hai người con ông Giê-bê-đê kia. Bằng chứng là các ông cũng tức giận trước “hai tên phá bĩnh” này. Trước thái độ đó của các môn đệ, Đức Giê-su dạy các ông lối hành xử của Ngài: Muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ. Và Ngài không đến để bắt người khác phục vụ, nhưng để phục vụ mọi người. Khi chọn con đường cứu chuộc bằng thập giá, Chúa Giê-su đã muốn sống tinh thần phục vụ.

Mời Bạn: Phục vụ không phải là những mỹ từ để hô hào, quảng cáo mà phải thực hiện bằng việc thật trong cuộc sống thật: là “rửa chân cho nhau”, là “chịu đóng đinh thập giá”; có thế mới cứu độ được thế giới. Vậy bạn hãy trả lời cho Chúa: “Con có uống nổi chén đắng mà Thầy sắp uống đây không?”

Chia sẻ: Làm gì để việc phục vụ của bạn trở thành cuộc sống thực chứ không chỉ là những mỹ từ?

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ cụ thể, khiêm tốn cho một ai đó đang sống gần bạn.

Cầu nguyện: Hát “Kinh Hoà Bình” hoặc “Bài Ca Phục Vụ”.

 

26/05/16 THỨ NĂM TUẦN 8 TN
Th. Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục
Mc 10,46-52

 

XIN THƯƠNG XÓT CON

Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”… Người nói: “Anh hãy đi. Lòng tin của anh đã cứu anh.” (Mc 10,47.52)

Suy niệm: Lạ lùng thay! Chàng trai đang bị khiếm thị đôi mắt thể lý nhưng anh lại sáng đôi mắt tâm linh: Vừa nghe nói là Đức Giê-su đó, anh đã biết và nhận ra Ngài là con vua Đa-vít. Với đôi mắt tâm linh sáng như thế, anh nhận thức được hai điều: – sự khốn cùng của thân phận mù loà mà anh khao khát được thoát ra; – Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a đầy quyền năng và lòng thương xót có thể làm cho anh điều đó. Cho nên, dù bị người ta quát nạt, anh vẫn kêu to lên như một lời tuyên xưng lòng tin vào Đức Giê-su và cầu xin lòng thương xót của Ngài. Vì lòng tin đó, Chúa Giê-su đã chữa lành anh. Việc chữa lành nào cũng mở đầu cho một lời mời gọi làm môn đệ. Với cặp mắt sáng, anh đã nhìn thấy Chúa, thấy Chúa trong mọi người, và trong chính con người của anh. Và đáp lại, anh đã “đi theo Chúa trên con đường Chúa đi.”

Còn bạn thì sao? Cặp mắt đức tin của bạn có sáng để nhận ra Chúa và thánh ý Ngài trong cuộc sống không? Khi đời bạn trôi đi êm ả, bạn dễ dàng tuyên xưng đức tin vào Chúa. Nhưng khi gặp đau khổ thử thách, đôi mắt đức tin của bạn có bị mù loà chẳng nhìn ra Chúa là Đấng thương xót để kêu xin, không nhận ra ý Ngài để thi hành không?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi gặp khó khăn, hãy thưa: “Lạy  Chúa Giê-su, xin dủ lòng thương xót con.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở cho con đôi mắt, để con thấy Chúa trong mọi người, thấy Chúa trong cuộc đời, và thấy Ngài, trong chính cuộc đời con.

 

27/05/16 THỨ SÁU TUẦN 7 TN
Th. Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri
Mc 11,11-26

 

TẠI SAO TÌM TRÁI NGHỊCH MÙA?

“Đức Giê-su cảm thấy đói,… Người thấy cây vả tốt lá… Người đến tìm trái nhưng chẳng thấy vì không phải là mùa vả.” (Mc 11,12-13)

Suy niệm: Tại sao khi không tìm thấy trái vả, vì không phải là mùa ra trái, Chúa Giê-su lại nặng lời với cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” Phải chăng Chúa đòi hỏi một điều phi lý, phản tự nhiên? – Thật khó cho ta lý giải điều này. Chỉ có thể mạo muội liên kết với lời Chúa khen Na-tha-na-en (Ga 1,47-48) thì cây vả là hình ảnh tượng trưng cho người công chính. Mà công chính, cũng như mọi nhân đức, chỉ được coi là nhân đức khi đó là một tình trạng thường xuyên, bền vững, lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, chứ không phải một hành vi hoặc thái độ riêng lẻ, ngẫu  hứng, theo thời vụ. Nói cách khác, Chúa đòi hỏi ta phải luôn sẵn sàng khi Ngài đến ngay lúc ta không ngờ; một sự trì hoãn, chậm trễ sẽ làm lỡ cả chuyến tàu định mệnh của cuộc đời ta.

Mời Bạn: Nhìn lại những lần chúng ta lỡ hẹn với Chúa hay với tha nhân. Có những lúc Chúa muốn chúng ta nhận ra thánh ý Ngài qua những nghịch cảnh, qua những yêu cầu xem ra phi lý của bề trên. Có những lúc Chúa mời gọi chúng ta đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của anh chị em, như đáp ứng nhu cầu xin bánh của người bạn lúc nửa đêm. Cảm giác của bạn trong những lúc đó là gì? Tức giận? Phản kháng? Hay bạn đón nhận đáp ứng với sự nhẫn nại và bao dung?

Sống Lời Chúa: Vui vẻ đón nhận những sự trái ý, khó chịu khi vâng phục bề trên hay khi phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết sẵn sàng dấn thân cho Chúa mỗi khi Chúa cần đến con.


28/05/16 THỨ BẢY TUẦN 8 TN
Mc 11,27-33

 

ĐỐI THOẠI TRONG CHÂN LY

“Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?” (Mc 11,28)

Suy niệm: Trong tập thơ “Truyện Ngụ Ngôn” của La Fontaine (+1695) có kể câu chuyện “đối thoại” giữa con chó sói và con cừu non. Hai con lời qua tiếng lại, nhưng dù nói gì đi nữa, kết cuộc con chó sói cũng “có lý” để ăn thịt con cừu non. Câu thơ mở đầu cũng là lời đúc kết thật chua chát: “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng.” Tin Mừng hôm nay thuật lại các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã mở đầu cuộc “đối thoại” bằng lời chất vấn: “Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?” Họ chất vấn về việc Chúa đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Dường như Chúa “thiếu thiện chí đối thoại” khi Ngài không chịu trả lời họ nếu họ không trả lời vấn nạn của Ngài trước đã: “Phép rửa của Gio-an do Thiên Chúa hay do người ta?” Trả lời cho câu hỏi này là điều kiện dẫn đến câu trả lời kia. Những người Do Thái biết điều đó nên họ mới thực sự là thiếu thiện chí khi họ lập kế hoãn binh, lảng tránh câu trả lời của chân lý bằng cách trả lời “không biết”. Sự thiếu thiện chí ấy, một ngày kia sẽ lộ diện thành một thứ “lý kẻ mạnh”: thượng tế Cai-pha sẽ xé áo mình, nhân danh Thiên Chúa để kết án tử hình Đức Giê-su.

Mời Bạn: Để đối thoại chẳng những phải tôn trọng người đối thoại mà còn phải tôn trọng chân lý, tôn trọng Đấng là Chân Lý. Có chăng trong cộng đoàn chúng ta những sự căng thẳng, xào xáo, đổ vỡ? Đó là dấu chúng ta đang thiếu tôn trọng nhau, thiếu tôn trọng chân lý.

Sống Lời Chúa: Loại bỏ những lời nói, cử chỉ nóng giận, khiếm nhã và thể hiện tinh thần tôn trọng, lắng nghe đối với mọi người nhất là những người nhỏ bé, yếu đuối.

Cầu nguyện: Hát “Kinh Hoà Bình”.

Chia sẻ Bài này:

Related posts