5 Phút cho Lời Chúa Tháng 05-2016

Mục Lục

Ngày 1 – 7: Trang 1

Ngày 8 – 14: Trang 2

Ngày 15 – 21: Trang 3

Ngày 22 – 28: Trang 4

Ngày 29 – 31: Trang 5

* * *

01/05/16 CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – C
Ga 14,23-29

 

BÌNH AN CỦA CHÚA BAN

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27-28)

Suy niệm: Bình an Chúa ban là loại bình an nào? Sao gia đình Na-da-rét phải chịu nhiều gian nan đến thế? Sao các tín hữu của Chúa phải chịu nhiều hy sinh, đến mức đổ cả máu và mạng sống? Xét theo “kiểu thế gian,” gia đình Na-da-rét và các tín hữu không có bình an. Nhưng “bình an Chúa ban” là chính Chúa, là niềm vui nằm sâu trong trái tim của họ, nên dù những chông gai đầy dẫy trong cuộc đời của họ, họ vẫn được bình an. Ngày Chúa giáng sinh, thiên thần đã giới thiệu Chúa là “bình an dưới thế.” Sau khi sống lại và hiện ra với các môn đệ, Chúa Giê-su nói: “Bình an cho các con.” Đây không phải là một lời chúc, mà là lời khẳng định một thực tại, vì Chúa đang ở giữa họ. Và đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, Chúa chính là sự bình an. Chính vì thế, thánh Tê-rê-xa A-vi-la đã khẳng định với kinh nghiệm đức tin của mình và của Giáo Hội: “Không có gì làm bạn phải lo sợ cả. Ai có Chúa sẽ chẳng thiếu thốn gì. Chỉ một mình Ngài là đủ.”

Mời Bạn: Trong đau đớn vì bị người ta ném đá, sách Tông Đồ Công Vụ cho biết thánh Tê-pha-nô ngước mắt lên trời và ra đi bình an. Những lúc bạn bị thử thách, đau khổ, bạn nhìn vào đâu, hay ngước mắt lên trời tìm bình an nơi Chúa, Đấng hứa ban bình an cho bạn?

Sống Lời Chúa: Bắt chước Mẹ Maria, ngước mắt nhìn lên thánh giá hoặc ngước nhìn trời và cầu nguyện với Chúa

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho việc Chúa sống lại làm cho chúng con vỡ òa niềm vui, vì từ nay, chúng con có Chúa ở cùng và được bình an.


02/05/16 THỨ HAI TUẦN 6 PS
Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 15,26-16,4a

 

CHỨNG TỪ CỦA CỘNG ĐOÀN

“Đấng Bảo Trợ… là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” (Ga 15,26)

Suy niệm: Chúa Thánh Thần làm chứng về Chúa Ki-tô phục sinh bằng cách nào? Thưa rằng: một trong những cách thức cổ xưa và hữu hiệu nhất, đó là trong đời sống cộng đoàn. Trong cộng đoàn tín hữu tiên khởi, không thiếu những hình thức bách hại, từ đe dọa, vu cáo đến lùng bắt, đánh đòn hoặc ném đá. Nhưng dù vậy, các Tông Đồ vẫn can đảm rao giảng và củng cố lời giảng bằng các phép lạ. Mọi người đều đồng tâm nhất trí với nhau, chăm lo cầu nguyện, liên đới với người nghèo, năng nổ, nhạy bén với sứ vụ đến với muôn dân rao giảng Tin Mừng. Cuộc sống cộng đoàn trở nên lời chứng hùng hồn về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh và sức sống mãnh liệt trong Thánh Thần.

Mời Bạn: Hẳn bạn có thấy trong các giáo họ, giáo khóm, giáo xứ của chúng ta ngày nay, không thiếu những anh chị em giáo dân âm thầm thăm viếng người đau yếu, giúp đỡ người nghèo, nhắc nhủ nhau xưng tội, rước lễ, học hỏi giáo lý, chia sẻ Lời Chúa. Qua họ, Thánh Thần Chúa tiếp tục canh tân Giáo Hội và thế giới từ bên trong. Họ đem lại niềm vui, tình yêu thương và sự an bình, làm cho người chung quanh có được một kinh nghiệm trung thực về Thiên Chúa và tình yêu thương của Ngài.

Chia sẻ: Trong cộng đoàn của tôi, có điểm nào nổi bật chứng tỏ sức hoạt động của Chúa Thánh Thần?

Sống Lời Chúa: – siêng năng cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên gia đình, làng xóm tôi; – tập quan tâm hơn đến đời sống chung, công việc chung; – sẵn sàng đóng góp tài chính, công sức, sáng kiến để làm cộng đoàn đuợc thăng tiến.

Cầu nguyện: Kinh Chúa Thánh Thần.


03/05/16 THỨ BA TUẦN 6 PS
Th. Phi-líp-phê và th. Gia-cô-bê, tông đồ
Ga 14,6-14

 

DUNG MẠO ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA

“Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,9)

Suy niệm: Kể từ ngày sa ngã phạm tội, loài người chạy trốn để lánh mặt Thiên Chúa. Càng lánh mặt và càng chạy trốn, hình ảnh Thiên Chúa trong tâm trí con người càng mờ nhạt và méo mó. Họ không còn nhìn ra vị Thiên Chúa cứ chiều chiều lại đến vườn địa đàng để cùng đi dạo chơi với con người như đôi bạn. Nhưng Thiên Chúa không để họ cứ đi lạc mãi mãi. Ngài đi tìm họ trong lịch sử của họ và biến lịch sử loài người thành lịch sử cứu độ. Trước khi con người đi tìm kiếm Thiên Chúa, Thiên Chúa đã tìm kiếm con người. Qua mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Ngài đến ở với loài người trong cảnh sống của họ, tìm lại những giây phút tự tình tuyệt vời nhất của thuở khởi nguyên vô tội trong vườn Địa Đàng. Chỉ có một sự khác biệt, Em-ma-nu-en lúc đó là Tình Yêu tuyệt vời, nhẹ nhàng và bay bổng. Thiên Chúa là Tình Yêu và con người rất đáng yêu. Còn vào thời mà sự chết đã xâm nhập vào thế gian vì loài người phạm tội thì Em-ma-nu-en đó chính là Lòng Thương Xót thẳm sâu dành cho nhân loại bị tội lỗi làm tổn thương. Tình yêu của Đấng là Tình Yêu viết hoa, khi đến với con người tội lỗi, đã mang tên gọi là Lòng Thương Xót.

Mời Bạn: Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu là dung mạo đích thực của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Bạn và tôi cùng chiêm ngắm Chúa Giê-su thập giá để nhận ra hình ảnh đích thực của Thiên Chúa đầy lòng thương xót.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con xin tạ ơn Cha đã mạc khải cho chúng con dung nhan đầy lòng thương xót của Cha.


04/05/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Ga 16,12-15

 

THẦY DẠY SỰ THẬT TOÀN VẸN

“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 21,5-6)

Suy niệm: Sự thật toàn vẹn, theo thánh sử Gio-an, đó là chính Đức Giê-su. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa. Khi nhập thể vào trần gian, Người mang lấy linh hồn và thân xác con người, sống ở trần gian như bao người khác. Đức Giê-su đã ở với các môn đệ, tuy các ông chưa hiểu đầy đủ về Người (Ga 14,9). Chúa Thánh Thần được Đức Giê-su phục sinh từ nơi Chúa Cha sai đến, sẽ soi sáng và hướng dẫn cho các môn đệ hiểu một cách toàn vẹn về Đức Giê-su. Chúa Thánh Thần còn được gọi là Thần Khí sự thật. Ngài sẽ dẫn đưa các môn đệ Đức Giê-su đến sự thật, giúp họ hiểu biết Đức Giê-su và làm chứng Ngài chính là Đấng chịu chết mà nay đã phục sinh.

Mời Bạn: Chúa Thánh Thần có cách dạy riêng là tác động từ bên trong. Mầu nhiệm khôn dò về Đức Giê-su không thể tiếp thu bằng trí khôn loài người, nhưng bằng nội tâm nhờ Chúa Thánh Thần. Sự hiểu biết do Chúa Thánh Thần ban là sự hiểu biết bằng tất cả tâm hồn. Vì thế, để hiểu sự thật toàn vẹn về Đức Giê-su, hãy mở tâm hồn cho Chúa Thánh Thần dạy bảo.

Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ cảm nhận của bạn về sự hướng dẫn và dạy dỗ của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời bạn.

Sống Lời Chúa: Dành 5 phút thinh lặng suy niệm sâu xa để nghe được lời Chúa Thánh Thần dạy bảo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban Thánh Thần đến đồng hành và dạy dỗ chúng con. Xin Người soi sáng cho chúng con hiểu biết Đức Ki-tô là Sự Thật và xin Người uốn nắn chúng con nên những người con ngoan ngoãn sống theo Sự Thật đó.


05/05/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Ga 16,16-20

 

CHO THỜI GIAN Ý NGHĨA

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”. (Ga 16,16)

Suy niệm: Một ngày 24 giờ, một giờ 60 phút, một phút 60 giây. Thế nhưng tại sao cũng một ngày, có người thấy dài lê thê, có người lại thấy nhanh như chớp? Thật ra, thời gian tự nó chẳng có ý nghĩa gì, nó chỉ có nghĩa khi đặt tình cảm con người vào đó. Nếu đặt đúng- biết nhìn về quá khứ trong yêu thương và hướng đến tương lai trong hy vọng- thời gian sẽ là niềm vui, hoặc ngược lại, thời gian sẽ là nỗi buồn chết người.

Bởi thế, trước khi từ giã các môn đệ, để cho các ông khỏi lạc hướng, Chúa Giê-su đã nhắc nhở rằng, sẽ có một khoảng thời gian họ sẽ không thấy Ngài, tuy nhiên, đừng quá lo buồn, song hãy nhìn lại quá khứ nhớ những Lời của Thầy, để vững tin và để niềm vui được nên trọn khi Ngài trở lại. Hay nói cách khác, với Chúa Giê-su, thời gian trở thành chuỗi ngày tràn trề vui một khi nhận ra Ngài hiện diện trong mỗi khoảng khắc thời gian. Có Ngài là có niềm vui. Có Ngài là có tất cả. Bởi Ngài đã Phục sinh, bởi Ngài đang vinh quang, đang rọi chiếu luồng sáng hy vọng ấy vào mọi thất bại, đớn đau, khó nhọc của con người.

Mời Bạn: Những lúc trống vắng, bạn thường làm gì? Bạn có nhìn lại những hồng ân trong quá khứ để can đảm tiến bước về tương lai hay không? Bạn có tin rằng trong Chúa Giê-su, bạn sẽ mừng vui và niềm vui đó không ai lấy mất được hay không?

Sống Lời Chúa: Cám ơn Chúa mỗi sớm mai thức dậy, vì Chúa cho thêm  ngày mới để yêu thương cùng, với và trong Ngài.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.


06/05/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Ga 16,20-23b

 

ĐỂ NỖI BUỒN THÀNH NIỀM VUI

“Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng.” (Ga 16,22)

Suy niệm: Chúng ta đang sống trong mùa Phục Sinh, mừng Chúa Giê-su sống lại. Chúa Giê-su đang sống. Thế nhưng Lời Chúa hôm nay, lại đưa chúng ta trở về khung cảnh từ biệt của Chúa Giê-su với các môn đệ năm xưa, lúc đó Chúa Giê-su chưa đi chịu nạn chịu chết: Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em. Nhắc lại một khung cảnh hoài niệm như thế có ích gì không? Bởi hôm nay, Chúa Giêsu đang sống, chúng ta có thể gặp Chúa qua Lời và Thánh Thể của Chúa. Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI, trong tập sách: “Đấng Chịu Đâm Thâu” đã trả lời ít nhiều cho chúng ta: lịch sử và toàn thể nhân loại xuất hiện trước chúng ta như một khối không chia cắt trước sau được. Mùa Phục Sinh vẫn không đọng lại trong tâm hồn ta bao lâu lòng mình còn chất chứa đầy những toan tính ích kỷ; với một tâm hồn như thế, dù là hôm nay, chúng ta vẫn sống như thể Chúa Giê-su chưa sống lại. Vì thế, khung cảnh Lời Chúa hôm nay vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta: nỗi buồn của chúng ta bây giờ sẽ thành niềm vui, khi lòng chúng ta khao khát và gặp được Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Sống công chính nhưng lại bị bách hại. Sống gian xảo nhưng lại luồn lách qua mặt được người khác. Bạn chọn điều nào? Điều nào đem lại cho bạn và tôi niềm vui?

Sống Lời Chúa: Nhịn nhục trước lời phỉ báng của ai đó, để nỗi buồn thành niềm vui, để nên giống Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, được tất cả mà mất Chúa thì vui trở thành buồn. Còn khi mất tất cả nhưng được Chúa thì buồn trở thành vui. Niềm vui của chúng con là chính Chúa. Amen.


07/05/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Ga 16,23b-28

 

CẦU XIN NHÂN DANH ĐỨC KI-TÔ

“Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.” (Ga 16,23b)

Suy niệm: Câu thành ngữ “nhất thân nhì thế” rất quen thuộc này phản ảnh một thực tế tương giao xã hội (dù nhiều khi mang màu sắc tiêu cực) hầu như ở mọi nơi và trong mọi thời. Thật vậy, kinh nghiệm đời thường cho thấy, trong nhiều trường hợp, sự cậy nhờ thân thế rất cần thiết. Trong mối tương giao với Thiên Chúa, chúng ta cũng được khuyến khích cậy nhờ thân thế số một là Đức Giê-su Ki-tô – và ở đây thì ta hoàn toàn không sợ mang tiếng là tiêu cực! Xác suất thành công khi cậy nhờ Đức Giê-su Ki-tô làm ‘ô dù’ là chắc chắn một trăm phần trăm, nghĩa là xin đâu được đấy (dù không phải luôn luôn có nghĩa là xin gì được nấy – vì thường Chúa ban cho ta điều khác, tốt cho ta hơn điều ta xin!) chính Đức Giê-su đã bảo đảm cho xác suất một trăm phần trăm này (x. Ga 15,16b; 16,23b).

Mời Bạn: Trong mỗi thánh lễ, mỗi giờ kinh, bạn chú tâm vào lời cầu nguyện chung của cộng đoàn, vì tất cả những ý cầu nguyện đó, chúng ta đều nhân danh Đức Giêsu mà xin cùng Chúa Cha!

Chia sẻ: Bạn có vững tin khi cầu nguyện không? Lời cầu nguyện của chúng ta luôn luôn cậy nhờ vào công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô mà!

Sống Lời Chúa: Cái ‘đuôi’ “nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con,” dễ bị đọc hay nghe đọc một cách vô hồn, máy móc. Chúng ta sẽ ý thức và xác tín hơn trong từng tiếng của lời cầu xin ấy.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ, lòng cậy trông vững vàng, và lòng mến yêu sâu sắc. Chúng con nguyện xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts