5 Phút cho Lời Chúa Tháng 03-2016

27/03/16                               CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C

                                                                              Ga 20,1-9

PHỤC SINH: TIN MỪNG ĐÁNG TIN

Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mồ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,8)

Suy niệm: Thi sĩ John Irving viết rằng: “Có người hoài cảm đến lễ Giáng Sinh, có kẻ điên điên lại thích Ki-tô hữu vào dịp Sinh Nhật Chúa. Nhưng Phục Sinh mới là biến cố nền tảng; vì nếu bạn không tin Chúa sống lại, bạn không phải là tín hữu” (A Prayer for Owen Meany). Chúng ta thường gọi những kẻ chịu tang người thân là người có vẻ mặt đưa đám. Nhưng trong biến cố Phục Sinh ít thấy khuôn mặt nào như thế sau khi chôn cất Ngài. Tuy có đôi chút hốt hoảng, hoài nghi nhưng các phụ nữ lại hăng hái chạy về báo tin cho Phê-rô và Gio-an. Hai môn đệ Em-mau sửng sốt khi nhận ra Thầy mình làm nghi thức bẻ bánh rồi vui mừng trở lại Giê-ru-sa-lem. Tất cả đều nhờ niềm tin và niềm vui Chúa sống lại như lời Ngài báo trước.

Mời Bạn: Bạn có thể mỏi mệt khi minh chứng niềm tin Chúa sống lại. Nhưng bạn không thể bỏ cuộc một khi đã tin vì biết bao nhân chứng đã và đang rao giảng mầu nhiệm đáng tin này và sẵn lòng trả giá bằng sự sống của họ.

Chia sẻ: Cần nắm vững giáo lý của Đấng Phục Sinh để có thể nói về Ngài cho những người muốn biết hay còn nghi ngại. Đời sống đạo đức: đi lễ, cầu nguyện, làm gương sáng… cũng là những lời minh giải có sức thuyết phục về niềm tin Chúa sống lại.

Sống Lời Chúa: Bắt chước thánh Phê-rô và thánh Gio-an: “Chúng tôi không thể nào không nói ra những gì tai đã nghe, mắt đã thấy” (Cv 4,20).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa đã sống lại và sẽ làm cho mọi người được sống lại với Chúa. Xin củng cố niềm tin ấy cho con luôn mãi. Amen.


28/03/16                            THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS

                                                                             Mt 28,8-15

ĐIỂM HẸN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Và kìa Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người. Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

Mời Bạn: Đọc kỹ… để thấm thía lời Tin Mừng hôm nay. Hãy để cho trí khôn, tâm tình và trí tưởng tuợng bạn sống sâu trong bối cảnh này. Cùng với các phụ nữ, bạn hãy đi tìm Đấng Phục sinh! Cùng với họ, bạn khao khát tìm Chúa!… Rồi bỡ ngỡ, ngạc nhiên vì được Gặp Chúa! Vui mừng chạy đến ôm chân Chúabái lạy Người. Rồi quan trọng hơn nữa, mời bạn lắng nghe tiếng Chúa nói:Chào chị em”… “Chị em đừng sợ!” Ôi thật là an ủi đến chừng nào! Lời chào và lời hẹn của Đấng Phục sinh hôm nay đem lại phấn khởi, thân thương và hoan lạc đến chừng nào, sau  BA NGÀY bi đát đau thương thất vọng! Và nhất là sau cuộc khổ nạn có một không hai đó! Sau cái chết tức tưởi trên Thập Giá!

Bạn chia sẻ: Sứ Điệp của Đấng Phục sinh là sứ điệp nào?- “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”! Niềm Vui Phục sinh có phải là đặc ân để chúng ta ôm giữ lấy mà vui sướng cho mình không? Hay Tin Mừng Phục sinh phải được chia sẻ, loan báo cho anh em, chỉ vẽ… ? Theo bạn, “điểm hẹn Ga-li-lê” ở đâu? Bạn có đến đó theo lời hẹn của Ngài không? Và bạn sẽ giới thiệu cho anh chị em và mời họ tới “Điểm Hẹn Ga-li-lê” để chính họ cũng sẽ được gặp và thấy Đấng Phục Sinh chứ!

Cầu nguyện: Xin cho con ơn trung thành tìm gặp Chúa, Đấng Phục sinh nơi bí tích Thánh Thể, nơi Lời Chúa và nơi những người anh em, để con có thể giới thiệu “Điểm hẹn đó” cho nhiều người đến gặp Chúa! Allêluia!


29/03/16                             THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS

                                                                          Ga 20,11-18

SỐNG ĐẠO HAI CHIỀU

Đức Giê-su bảo Ma-ri-a: “Thôi đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em…” (Ga 20,17)

Suy niệm: Khi nói “sống đạo hai chiều”, không có ý nói “bắt cá hai tay”. Hai chiều ở đây là chiều dọc và chiều ngang. Chiều dọc là tương quan giữa ta với Chúa; chiều ngang là mối liên hệ với anh chị em. Đạo Công giáo vừa dạy ta mến Chúa, vừa dạy ta yêu người. Mến Chúa mà không yêu người thì chưa đủ; ngược lại, yêu người mà quên mến Chúa thì cũng không xong. Chị Ma-ri-a Mác-đa-la yêu Chúa lắm. Vừa nhận ra Chúa phục sinh, chị vui mừng, muốn ôm chân Chúa, giữ  Chúa lại cho mình. Mối tương quan hàng dọc của chị thật là tuyệt vời. Nhưng Chúa muốn chị quay sang mối tương quan hàng ngang. Đã gặp được Chúa, bây giờ chị phải đến với anh em để báo tin vui Chúa đã phục sinh và “lên cùng Cha của Thầy (hàng dọc), cũng là Cha của anh em (hàng ngang)”. Chị đã làm như vậy, và người ta gọi chị là “Tông đồ của các tông đồ”.

Mời Bạn: Khi làm dấu Thánh Giá ta vẽ trên mình hai vạch dọc và ngang, nhắc ta sống đạo phải có hai chiều, không thể thiếu mất một, nếu vậy chưa thành dấu Thánh Giá, chưa là sống đạo. Tôi đã ý thức hai chiều kích căn bản này của việc sống đạo chưa?

Chia sẻ: Người ta thường bảo người tín hữu Việt Nam sống đạo với Chúa (hàng dọc) rất tốt, nhưng sống đạo với anh em (hàng ngang) chưa tốt: đi lễ đông, đọc kinh, xưng tội, rước lễ nhiều, nhưng thiếu đức bác ái với người khác… Bạn nghĩ thế nào?

Cầu nguyện:Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”


30/03/16                             THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS

                                                                           Lc 24,13-35

CÙNG ĐI VỚI ĐẤNG PHỤC SINH

“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32)

Suy niệm: Từ Giê-ru-sa-lem đi Em-mau đường chim bay dài khoảng gần 12km, một con đường khá dài với khách bộ hành. Con đường ấy lại càng như dài vô tận với hai môn đệ mệt mỏi, rã rời bỏ cuộc, về lại quê cũ. Cùng với người bạn đồng hành Giê-su, những cây số đường dài ấy rồi cũng kết thúc. Thế nhưng quan trọng hơn, nỗi buồn, lòng tuyệt vọng của hai môn đệ cũng tan biến theo từng cây số. Điều gì đã tạo nên sự kỳ diệu này? Thưa, nhờ người bạn đồng hành Giê-su: lời gợi ý để họ thổ lộ, tâm tình lắng nghe, lời giải thích ý nghĩa đau khổ trong chương trình cứu độ. Nhờ đó, “lòng họ bừng cháy lên,” ý nghĩa đời sống trở nên rõ nét hơn, đêm đen trở thành ánh sáng ban ngày.

Mời Bạn: Em-mau nằm ở phía tây Giê-ru-sa-lem, hướng mặt trời lặn. Vì thế, con đường Em-mau cũng có thể được coi như hành trình của cuộc đời bạn, hành trình đi đến chỗ kết thúc cuộc sống thể lý. Bạn không cô đơn, vì có Đức Giê-su đồng hành với bạn, trò chuyện với bạn, giải thích Kinh Thánh cho bạn, và bẻ Bánh Sự Sống trao cho bạn mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay vẫn có nhiều người như đang lê gót về Em-mau trong buồn chán, mất hết hy vọng. Tôi sẽ tập “đồng hành” với họ qua thái độ quan tâm, lắng nghe, giải thích Lời Chúa cho họ trong khả năng của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con ngắm nhìn Chúa cùng bước với hai môn đệ Em-mau trên con đường dài. Ngày hôm nay, con tin rằng Chúa cũng đang đồng hành với con trên hành trình về quê trời. Xin cho con luôn hy vọng vì có Chúa hiện diện với con. Amen.


31/03/16                          THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS

                                                                           Lc 24,35-48

“BÌNH AN CHO ANH EM”

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36)

Suy niệm: Thấy người chết hiện về là một hiện tượng khủng khiếp, có thể làm ta sợ chết ngất đi được. Vì thế, Đức Giê-su phục sinh đã tìm mọi cách giúp các môn đệ vượt khỏi nỗi sợ này. Ngài chúc bình an cho các ông, Ngài cho các ông xem thấy những vết thương ở chân và tay, Ngài ăn miếng cá nướng trước mặt các ông. Ngài cho thấy thân xác ấy không phải là của một hồn ma, nhưng là thân xác vinh hiển của Đấng Phục Sinh. Thân xác phục sinh ấy vẫn còn mang những vết thương ở tay, chân và cạnh sườn, chứng tích của tình yêu thương mà Ngài đã trải qua. Thân xác phục sinh ấy ngày nay vẫn còn tiếp tục hiện diện với thế giới, đặc biệt trở thành lương thực nuôi sống con người trần thế trong tư thế Bánh ban sự sống.

Mời Bạn: Hãy tin tưởng rằng thân xác vinh hiển của Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha mãi mãi mang những vết thương của cuộc Khổ Nạn ngày xưa. Bạn hãy vượt qua những nỗi sợ trong cuộc sống vì xác tín Đấng Phục Sinh ấy đang ở với mình, đồng hành với mình, luôn yêu thương chăm sóc bạn. Hiện nay bạn đang có những nỗi sợ nào (dư luận, bệnh tật, áp lực công việc, tương lai…)?

Sống Lời Chúa: Sau khi gặp gỡ, đón nhận Mình Máu của Đấng Phục Sinh trong thánh lễ, tôi ý thức mình được mời gọi trở thành chứng nhân cho Ngài bằng một đời sống tích cực, nhiệt thành hơn trong đời sống đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Đấng Phục Sinh, Chúa tiếp tục ban bình an cho con qua các bí tích, sự hiện diện của Chúa. Xin giúp con không còn nô lệ cho các nỗi sợ, can đảm làm chứng tá cho niềm tin vào sự phục sinh của Chúa. Amen. 

Chia sẻ Bài này:

Related posts