5 Phút cho Lời Chúa Tháng 02-2016

21/02/16                               CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – C

                                                                           Lc 9,28b-36

DUNG MẠO ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA

Đang lúc Đức Giê-su cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. (Lc 9,29)

Suy niệm: Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót trình bày cho ta thấy dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Giê-su, một Đức Giê-su vừa đau khổ u buồn vừa hân hoan vui mừng. Đau khổ cùng với nỗi đau của con người, đặc biệt đau khổ trong cuộc Khổ Nạn. Hân hoan trong tình yêu với Chúa Cha và với con người, hân hoan vì yêu và được yêu. Ngài yêu mến Chúa Cha, yêu thương con người; Ngài được Chúa Cha yêu lại: “Đây là Con Ta yêu dấu,” cũng như được nhiều người, nhất là môn đệ, yêu thương đáp trả. Kinh nghiệm tình yêu cho ta biết rằng yêu là chấp nhận đau khổ, nhưng yêu cũng đồng nghĩa với còn hy vọng, niềm vui. Dung mạo Đức Giê-su vui tươi, hy vọng vì yêu thương, tin tưởng nơi con người; dung mạo ấy lắm lúc đượm vẻ đau buồn cũng vì yêu con người, yêu cho đến cùng.

Mời Bạn: Bạn làm thế nào để duy trì niềm vui thánh thiện mình đang có? – Bạn hãy cầu nguyện sốt sắng như Chúa Giê-su, và hãy “dựng lều” ở lại với Ngài trong bí tích Thánh Thể hằng ngày, nhất là khi bạn hiệp thông với Ngài cách đặc biệt khi rước lễ.

Sống Lời Chúa: Đừng đánh mất niềm hy vọng khi gặp thử thách, đừng chỉ biết tận hưởng niềm vui mà quên mất việc bổn phận. Sau khi được biến đổi như ba môn đệ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê, bạn hãy “xuống núi,” trở lại với công việc đời thường cách tốt đẹp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dung mạo Chúa trở nên chói lói, sáng ngời đang khi cầu nguyện. Xin cho con siêng năng cầu nguyện, để cũng được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn con đến Chân, Thiện, Mỹ. Amen.


22/02/16                                            THỨ HAI TUẦN 2 MC

Lập tông toà thánh Phê-rô                            Mt 16,13-19

CÔNG TRÌNH HỘI THÁNH

Đức Giê-su hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)

Suy niệm: Khi xây nhà, ai cũng thừa biết phải bắt đầu từ nền móng, và là một nền móng được gắn vào đá vững chắc, chứ không ai khờ dại xây nhà hờ hững trên nền cát. Để xây Hội Thánh, Chúa Ki-tô cũng muốn xác định tính vững chắc của những tảng đá Ngài sẽ dùng để làm nền móng cho Hội Thánh là các tông đồ. Phép thử của Ngài là một câu hỏi. Cần phải biết “Thầy là ai?” để hiểu mục đích mà Thầy nhắm đến khi thiết lập Hội Thánh. Cần phải biết Thầy để biết được giới hạn của mình cũng như để lường trước sức nặng của Hội Thánh mà Thầy sẽ đặt lên vai mình. Qua phép thử này, Chúa Ki-tô cho biết tính vững chắc của Hội Thánh không hệ tại những đầu óc thông thái mà là một niềm xác tín vững vàng vào Đấng mà mình đang đi theo. Với niềm tin vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống thì Hội Thánh có sức đứng vững trước mọi thách thức, chống phá, dù là quyền lực của ác thần Sa-tan.

Mời Bạn: Qua hơn hai mươi thế kỷ, biết bao vương quyền hay thể chế trần gian đã sụp đổ, nhưng Hội Thánh Chúa Ki-tô vẫn kiên vững; sự thật này minh chứng cho một nền móng vững chắc của tòa nhà Hội Thánh. Mời bạn tiếp nối lời tuyên xưng “Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống” để góp phần xây dựng Nước Chúa ở trần gian nay.

Sống Lời Chúa: Nhiệt thành tham gia vào đời sống của Giáo Hội địa phương là bạn đang góp phần xây dựng Hội Thánh Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, chúng con tin rằng Hội Thánh Chúa luôn vững bền. Xin gìn giữ chúng con trong Hội Thánh để chúng con thuộc về Chúa luôn.


23/02/16                                             THỨ BA TUẦN 2 MC

Th. Pô-li-cáp, giám mục, tử đạo                      Mt 23,1-12

CHIẾC CẶP CỦA GIÁO HOÀNG

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ…” (Mt 23,11)

Suy niệm: Hình ảnh ĐGH Phanxicô luôn tự tay mình xách chiếc cặp da trong các chuyến công du không giống các nguyên thủ quốc gia khác đã gây ngạc nhiên cho nhiều người. Khi được hỏi, Ngài vui vẻ trả lời “bạn phải tự làm lấy việc của mình đó là điều bình thường”. Đó là một trong số ít hình ảnh của ĐGH Phanxicô, vị lãnh đạo có tinh thần phục vụ, luôn bận tâm sâu sắc với những người nghèo khổ và bất hạnh. Hãy nghe những gì tổng thống Obama nói về Ngài khi đón tiếp ĐGH tại Nhà trắng: “Với lòng khiêm tốn, Ngài mang lấy một sự đơn sơ, lịch thiệp trong lời nói và sự quảng đại trong tinh thần. Chúng tôi nhìn thấy nơi Ngài một mẫu gương sống động cho những lời giảng dạy của Chúa Giê-su, Đấng là vị lãnh đạo có thẩm quyền luân lý, không chỉ trong lời nói mà còn trong hành động.”

Mời Bạn: Trong khi xã hội hôm nay người ta tìm mải kiếm của cải và quyền lực để khẳng định mình quan trọng và tìm cách cai trị người khác. Đức Giê-su đang mời gọi bạn làm chứng nhân cho Ngài bằng đời sống thánh thiện, vui tươi và tinh thần khiêm tốn phục vụ âm thầm như muối, như men giữa lòng đời.

Chia sẻ: Hành động hôm nay bạn quyết tâm sẽ làm để phục vụ người khác, với tất cả sự khiêm tốn là gì?

Sống Lời Chúa: Suy ngẫm câu “Ơn riêng Thiên Chúa ban, mỗi người trong anh em hãy dùng mà phục vụ người khác” (1Pr 4,10).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa một thế giới con người luôn tìm mọi cách thống trị người khác. Xin cho biết học được nơi Chúa tinh thần của người tông đồ, luôn biết tìm hy sinh và khiêm tốn phục vụ như Chúa. Amen.


24/02/16                                             THỨ TƯ TUẦN 2 MC

                                                                           Mt 20,17-28

XÓT THƯƠNG: PHỤC VỤ

“Cũng như Con Người đến (…) là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28)

Suy niệm: Trong những ngày Tết Nguyên Đán vừa qua, hầu như ai cũng được vui hưởng những ngày tết vui tươi, ấm cúng, kể cả những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Để đem lại niềm vui cho các gia đình ấy, hẳn nhiều người đã phải âm thầm hy sinh, lặng lẽ chia sẻ. Mùa Chay trong Năm Thánh Lòng Thương Xót mới bắt đầu, cái “âm thầm,” điều “lặng lẽ” kia lại càng cần hơn nữa. Chúng ta thường nghĩ rằng thầy Giê-su phục vụ qua những việc  làm, mà quên rằng Ngài phục vụ trước hết qua lòng xót thương nhân loại đang đắm chìm trong tội lỗi. Vì thế, trước khi nghĩ đến phải làm gì để giúp đỡ tha nhân, ta cần nhìn tha nhân bằng “ánh mắt đầy yêu thương của Chúa”. Cảm nhận nỗi đau của anh chị em chung quanh là chính nỗi đau của mình, ta đã bắt đầu việc phục vụ người khác rồi đấy.

Mời Bạn: Bạn và tôi thường mong muốn làm được thật nhiều điều hữu ích cho người khác. Điều đó cũng phải lẽ thôi! Thế nhưng, có được ánh mắt yêu thương của Chúa là điều ta ít quan tâm. Cầu chúc bạn Năm Mới và mùa Chay thánh thật “thịnh vượng” trong lòng thương xót của Chúa nhé!

Chia sẻ: Cảm thông và chia sẻ luôn là thái độ cần có để chúng ta nên giống thầy Giê-su. Bạn hãy chia sẻ những cảm nghiệm có được khi sống Năm Thánh Lòng Thương Xót qua việc liên đới với nỗi đau của người chung quanh.

Sống Lời Chúa: Tôi tập nhìn người khác với ánh mắt thương xót, khoan dung, thông cảm như Chúa dạy.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Năm Thánh Lòng Thương Xót,” xin cho có ánh mắt yêu thương-tinh thần phục vụ của Chúa.


25/02/16                                          THỨ NĂM TUẦN 2 MC

                                                                           Lc 16,19-31

BIẾT NGHE – TIN, VÀ BIẾT YÊU

“Mô-sê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” (Lc 16,31)

Suy niệm: Có hai điều đặc biệt trong dụ ngôn này: 1/ Người nghèo có tên La-da-rô (nghĩa là “Thiên Chúa giúp”), lần đầu tiên một nhân vật trong dụ ngôn có tên rõ ràng; 2/ Số phận hạnh phúc hay trầm luân của con người sau khi chết. Tuy không giải thích tại sao anh La-da-rô được hạnh phúc trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng dụ ngôn cho ta hiểu rằng việc hưởng thụ của cải vật chất cách ích kỷ dẫn người nhà giàu tới chỗ dửng dưng, vô cảm với người nghèo, cản trở lòng tin vào Thiên Chúa. Ông nhà giàu không bị phạt vì giàu có, mà vì ông đã làm ngơ trước tình cảnh khốn cùng của La-da-rô. Tình trạng giàu nghèo đời này không quyết định số phận ta ở đời sau, nhưng hệ tại ở thái độ và cách thế đón nhận, sẻ chia.

Mời bạn: Đức tin của bạn được củng cố, phát huy ngày qua ngày nhờ một trí óc và con tim biết vâng nghe theo Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội và gương các thánh. Nhờ đó, bạn dễ dàng thanh thoát “những thú vui thế gian,” sức hấp dẫn của tiện nghi, hưởng thụ, mà quan tâm hơn đến tình yêu đối với tha nhân, nhất là với ai đang cần sự trợ giúp cụ thể, vật chất cũng như tinh thần.

Sống Lời Chúa: Bên cạnh bạn có “anh La-da-rô” nghèo khổ nào không? Bạn hãy có một nghĩa cử chia sẻ bằng vật chất, tinh thần trong tình liên đới  của kinh “Thương người có mười bốn mối.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con, ai cũng nghèo về một mặt nào đó, ai cũng cần đến người khác… Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh, can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen.                                     (Rabbouni)


26/02/16                                           THỨ SÁU TUẦN 2 MC

                                                                 Mt 21,33-43.45-46

TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT

Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. (Mt 21,42)

Suy niệm: Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su vừa ám chỉ đến cái chết dã man mà các Thượng tế và Pha-ri-sêu gây ra cho mình, vừa loan báo về sự phục sinh mà Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện cho Ngài. Với sự phục sinh ấy, Thiên Chúa tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, lòng thương xót mạnh hơn tội lỗi của con người. “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Vâng, Chúa Giê-su chính là tảng đá bị giới lãnh đạo Do Thái loại bỏ bằng cái chết trên thập giá.  Thế nhưng, cái chết hy sinh ấy trở thành nguồn ơn cứu độ tha tội cho con người, là cửa ngõ khai mở nguồn sống mới cho nhân loại.

Mời Bạn: Màu tím của mùa Chay dù không phủ lên khuôn mặt bạn lớp khăn tang của buồn sầu, tang thương, nhưng là màu báo hiệu mùa sám hối, cầu nguyện và chay tịnh, để hướng bạn về cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn hãy tin tưởng phó thác vào lòng thương xót của Chúa,  sám hối trở về để được Chúa xót thương tha thứ qua bí tích Hòa giải.

Sống Lời Chúa: Đọc kinh Lòng Thương Xót hoặc ít là mỗi ngày một lần nhìn lên Thánh giá đấm ngực và đọc: “Vì cuộc Khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, do tội lỗi chai lì, con không biết thương xót người khác, cũng chẳng quan tâm yêu mến Chúa. Xin dủ lòng thương xót tha thứ cho con, và ban ơn nâng đỡ để con biết yêu mến Chúa và yêu thương nhau.


27/02/16                                           THỨ BẢY TUẦN 2 MC

                                                                     Lc 15,1-3.11-32

NGƯỜI CHA HOÀN HẢO

“Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15,32 )

Suy niệm: Hai người con thật bất ngờ trước cung cách đối xử quá nhân lành của cha mình. Người con thứ không thể tưởng tượng mình được tha thứ và đón tiếp như vậy. Người con cả cũng không thể ngờ cha mình bỏ qua tội lỗi người em mình dễ dàng đến thế. Anh đòi hỏi sự công bằng của chủ-tớ, chứ không dựa trên tình nghĩa cha-con. Tình yêu của người cha hoàn hảo đến độ cả hai người con ngỡ ngàng, vì ông yêu con bằng lòng thương xót cao vời, vượt lên trên sự công bằng. Nhà thơ và soạn kịch W. Shakespeare cho rằng lòng thương xót không phải là phẩm tính của loài người mà là của Thiên Chúa, vượt qua lằn ranh nhân loại. Người cha của lòng thương xót hoàn hảo mà Đức Giê-su muốn giới thiệu chính là Thiên Chúa của chúng ta.

Mời Bạn: Nhân loại cần tình thương hơn là sự công bằng. Chỉ dừng lại ở sự công bằng của lề luật, lý lẽ, con người sẽ dễ trở nên dửng dưng, vô cảm trước nhu cầu của người anh em, làm cho lòng thương xót không thể triển nở được.

Chia sẻ: Khi chỉ cư xử với nhau dựa trên sự công bình, ta chưa trở thành hoàn thiện “như Cha trên trời.” Ta cần phải có lòng nhân từ, là nhân đức trọng hơn mọi lễ phẩm.

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi tập cách ứng xử với người lân cận dựa trên lòng thương xót, chứ không chỉ dựa trên sự công bằng khô cứng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã bày tỏ lòng thương xót của Chúa Cha cho con. Xin giúp con thấu hiểu rằng Tin Mừng về lòng thương xót Chúa thì vô biên. Bao lâu lòng thương xót bị giam hãm, đời sống sẽ như ao tù.


28/02/16                               CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – C

                                                                               Lc 13,1-9

THƯỜNG XUYÊN HOÁN CẢI

“Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13,5)

Suy niệm: Mỗi dịp mùa Chay, lại nghe các cha lập lại điệp khúc “hãy sám hối, hãy hoán cải!” Lại ngồi suy nghĩ: bản thân mình tuy chưa phải là thánh thiện, nhưng cũng thuộc loại tốt rồi! Mình còn chỗ nào cần phải sám hối, hoán cải nữa đâu! Có lẽ ông A, bà B kia mới cần… Đó có thể là cảm nghĩ của ta cũng như nhiều người. Thật ra, Lời Chúa nhắc nhở rằng cần thiết phải có một sự thay đổi, điều chỉnh thường xuyên trong lối nghĩ cũng như lối sống của ta cho hợp với Tin Mừng hơn. Tin Mừng nói với ta rằng mải mê hưởng thụ các tiện nghi đang khi người lân cận thiếu thốn đã trái với tinh thần của người môn đệ Chúa. Tin Mừng xác quyết rằng không quên mình, không sống cho người khác, cũng chẳng quan tâm đến hạnh phúc người chung quanh là chưa sống đạo thật sự. Người thân trong gia đình, người lân cận mời ta bỏ đi thói nói xấu, xét đoán, gán cho họ những ý đồ xấu. Họ mời ta khoan dung hơn, thông cảm hơn, cư xử nhân hậu với họ hơn. Mùa Chay này, ta có làm ngơ trước lời ngỏ ấy không?

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi quyết tâm đổi mới lối suy nghĩ và lối sống: tích cực hơn trong việc tham gia sinh hoạt chung, quảng đại hơn trong việc quan tâm giúp đỡ người khác, bao dung hơn trong các mối tương quan.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con không bao giờ tự mãn về mình, nhưng phải thường xuyên hoán cải, đổi mới theo đòi hỏi của Tin Mừng Chúa. Đây là điểm yếu của con, vì con thích an phận trong lối sống, an toàn cho bản thân trong lối nghĩ, và an nhàn cho thân xác của mình. Xin giúp con dám đổi mới trong mùa Chay này. Amen.


29/02/16                                            THỨ HAI TUẦN 3 MC

                                                                             Lc 4,24-30

ĐÓN NHẬN SỰ THẬT

Mọi người trong hội đường phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành… để xô Người xuống vực. (Lc 4,28)

Suy niệm: A. Schopenhauer, một triết gia vô thần, chủ trương thế giới hiện tượng này là sản phẩm của một ý chí mù quáng; ông cho rằng mọi sự thật đều trải qua giai đoạn bị chế diễu, bị chống đối và mãi đến giai đoạn cuối cùng mới được công nhận là hiển nhiên. Có vẻ những người đồng hương của Chúa đang đi theo lối mòn đó: Họ giận dữ với Ngài vì Ngài dám nói lên sự thật: Thiên Chúa là Chúa của các dân tộc, chứ không phải của riêng dân Do Thái. Ngài ban ơn cho cả những người dân ngoại như người đàn bà góa ở Si-đôn, hay cho Na-a-man, quan chức người Xy-ri-a. Hôm nay cũng vậy, Đức Giê-su không dành ưu tiên cho người đồng hương Na-da-rét hay người Do Thái. Tin Mừng Nước Trời của Ngài phải được dành cho mọi dân tộc trên trái đất này.

Mời Bạn: Người Na-gia-rét phạm sai lầm vì đã dừng lại giữa đường trong khi tìm kiếm sự thật. Vì thế, họ đánh mất cơ hội nhận ra Đấng Cứu Thế. Bạn hãy tránh đi vào vết xe đổ ấy mỗi khi đi tìm kiếm một sự thật: sự thật về Chúa, về mình, về người anh em, để “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32).

Sống Lời Chúa: Tôi tập bình tĩnh, không bực tức khi được nghe nói một sự thật về mình, để rồi dần dần sẽ nhận thấy sự thật ấy quá rõ ràng với mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa can đảm đối diện với những chống đối khi loan báo Tin Mừng Nước Trời, dù lắm lúc suýt mất mạng vì sự can đảm ấy. Xin ban ơn nâng đỡ con, để con cũng không ngại ngùng khi gặp những thách đố, chống đối, chê cười trong lúc thi hành sứ vụ của Chúa giao phó. Chúa là thành lũy của con. Amen.



[1] X. L. Cadière, Văn Hóa Tín Ngưỡng Gia Đình Việt Nam qua Nhãn Quan Học Giả L. Cadière, bản dịch của Đỗ Trinh Huệ, tr. 89.

Chia sẻ Bài này:

Related posts