5 Phút cho Lời Chúa Tháng 02-2016

Mục Lục

Ngày 1 – 6: Trang 1

Ngày 7 – 13: Trang 2

Ngày 14 – 20: Trang 3

Ngày 21 – 29: Trang 4

* * *

“PHÚC THAY AI XÓT THƯƠNG NGƯỜI

VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG”

(Mt 5,7)

THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI

THƯƠNG XÁC BẢY MỐI

Thứ nhất cho kẻ đói ăn

Thứ hai cho kẻ khát uống

Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc

Thứ bốn viếng kẻ tù rạc

Thứ năm cho khách đỗ nhà

Thứ sáu chuộc kẻ làm tôi

Thứ bảy chôn xác kẻ chết

THƯƠNG LINH HỒN BẢY MỐI

Thứ nhất lấy lời lành mà khuyên người

Thứ hai mở dạy kẻ mê muội

Thứ ba an ủi kẻ âu lo

Thứ bốn răn bảo kẻ có tội

Thứ năm tha kẻ dể ta

Thứ sáu nhịn kẻ mất lòng ta

Thứ bảy cầu cho kẻ sống và kẻ chết

* * * * *

01/02/16                                             THỨ HAI TUẦN 4 TN

                                                                              Mc 5,1-20

CHỨNG NHÂN TẠI GIA

Kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Chúa. Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh.” (Mc 5,18-19)

Suy niệm: Mọi người đều được mời gọi sống ơn Chúa kêu gọi mình. Người thì sống đời độc thân, người thì sống đời tu trì, đa số thì sống đời gia đình. Tuy rằng hình thức đời sống có khác nhau, nhưng tất cả mọi đời sống đều cùng chung một mục tiêu như Chúa Giê-su đã nói, đó là phải ‘mang lại hoa trái’. Tin Mừng hôm nay thuật lại, người bị quỷ ám được Chúa chữa lành ước muốn được ở với Chúa như các tông đồ, muốn đi theo Chúa trên từng cây số trong vùng Pa-lét-tin, muốn ‘đi phượt’ với Chúa đến vùng thôn quê ra vùng thành thị như một người ‘không có nơi gối đầu’, không phải bằng xe máy, mà bằng đôi chân trần. Nhưng anh bất ngờ khi nghe Chúa nói với anh, “về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh”. Anh khám phá ra rằng, để sinh hoa trái thiêng liêng, điều cốt yếu không phải khăng khăng làm điều anh muốn, mà là tìm điều Chúa muốn. Và điều Chúa muốn anh thực hiện là chia sẻ kinh nghiệm về lòng Chúa thương xót cho người trong gia đình của mình. Một khi anh chia sẻ kinh nghiệm đức tin như thế, anh đã đã sinh hoa trái thiêng liêng trong gia đình của anh rồi.

Mời Bạn: Nhiều người đang quên mất bổn phận về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm. Bạn quyết tâm gì khi nghe lời Chúa hôm nay?

Sống Lời Chúa: Kể cho người thân trong gia đình nghe một kinh nghiệm Chúa yêu thương bạn hay gia đình bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót.


02/02/16                                              THỨ BA TUẦN 4 TN

Dâng Chúa Giê-su trong đền thánh

Bế mạc Năm Thánh Đời Sống Thánh Hiến    Lc 2,22-40

TÌNH YÊU MỜI GỌI TÌNH YÊU

Khi đã đủ thời gian, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa. (Lc 2,22)

Suy niệm: Lễ dâng Chúa Giê-su vào Đền Thánh được dành cầu xin cho cuộc hiến tế của Chúa Giê-su trở thành nguồn hứng khởi cho mọi Ki-tô hữu, cách riêng cho các tu sĩ nam nữ là những người “không chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng cần viết nên” bày tỏ lòng quảng đại “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.” Người sống đời thánh hiến quyết tâm dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa theo gương Chúa Giê-su. Vì thế, tuy người tu sĩ có quyền sử dụng sự tự do của mình như mọi người, nhưng vì yêu Chúa hết lòng, họ bắt chước Chúa Giê-su từ bỏ ý riêng của mình để chọn ý Chúa. Người tu sĩ có quyền diễn tả cảm xúc như người khác, nhưng vì yêu Chúa hết linh hồn, họ tự nguyện sống thong dong như Chúa Giê-su vì Nước Trời. Người tu sĩ có quyền sở hữu như mọi người, nhưng vì yêu Chúa hết trí khôn, họ quảng đại cống hiến những gì mình có cho việc truyền giáo. Năm thánh Đời Thánh Hiến là dịp cho tu sĩ trở về nguồn cội ơn gọi và củng cố lời cam kết “theo sát Chúa Ki-tô” mọi ngày.

Mời Bạn: Thánh Tê-rê-xa đã tự hỏi: “Thế giới này sẽ thế nào, nếu không có các tu sĩ?” Câu hỏi này càng thôi thúc tín hữu quý mến ơn gọi thánh hiến, vừa cầu nguyện và cổ động nhiều người trẻ dấn thân sống ơn gọi thánh hiến.

Sống Lời Chúa: Mỗi thứ năm hằng tuần, hãy dâng những hy sinh và cầu nguyện cho các tu sĩ.

Cầu nguyện: Xin Mẹ Ma-ri-a tiến dâng các tu sĩ cho Chúa như Mẹ tiến dâng Chúa Giê-su lên Chúa Cha. Amen.


03/02/16                       THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo                           Mc 6,1-6

KHÁM PHÁ NGỌC TRONG ĐÁ

Đức Giê-su chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. (Mc 6,5-6)

Suy niệm: Vậy là cuộc ra mắt của Đức Giê-su với người đồng hương Na-da-rét thất bại nặng nề. Lý do thật dễ nhận thấy: lòng thành kiến. Ca dao Việt Nam nhận định: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh, thấy Bụt hiền lành bế Bụt đi chơi”. Có thể nói rằng bất cứ ai thành tâm thiện chí đến gặp Đức Giê-su, đều được ơn hoán cải: xấu nên tốt (ông Gia-kêu, người phụ nữ Sa-ma-ri…), tốt nên tốt hơn (các tông đồ, ông Ni-cô-đê-mô…), trừ những kẻ cứng lòng tin như dân làng Na-da-rét. Họ đánh mất cơ hội ngàn vàng ‘đổi đời’ chỉ vì họ chỉ biết nhìn đến quá khứ 30 năm Ngài chung sống ở giữa họ: một bác thợ mộc, một anh láng giềng, người con trong một gia đình tầm thường. Đôi mắt họ bị lớp vỏ quen thuộc che khuất, trí óc họ bị bao phủ bởi sương mù thành kiến, và họ đã hụt mất một cơ may.

Mời Bạn: Nhớ đến câu ngạn ngữ Anh: “Sự quen thuộc sinh ra lòng khinh thường”. Các bí tích, nghi thức trong đời sống đạo, vợ chồng, bạn hữu, họ hàng, hội viên đoàn thể… trong đời thường, có thể quá quen thuộc với bạn, khiến bạn coi thường, và vì thế, nhiều khi bạn không nhận ra đúng giá trị của những điều, những con người quen thuộc ấy.

Sống Lời Chúa: Tập nhận ra một khía cạnh tích cực, một đức tính nổi bật của những người sống quanh mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tựa như dân làng Na-da-rét, cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội Thánh có nhiều bất toàn. Xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.      

(Rabbouni)


04/02/16                    THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

                                                                              Mc 6,7-13

SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC THƯƠNG XÓT

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (Mc 6,12)

Suy niệm: Lời rao giảng đầu tiên của Gio-an Tẩy Giả là: “Anh em hãy sám hối” (Mt 3,2). Khởi đầu sứ vụ của mình, Đức Giê-su cũng rao giảng: “Anh em hãy sám hối” (Mt 4,17). Đến lượt các môn đệ được sai đi rao giảng, các ông cũng kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Sám hối là điều kiện để được tha thứ, được Chúa xót thương. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót (Ep 2,4), Người muốn thi thố lòng thương xót đến mọi người. Tuy nhiên, phía con người cần phải ăn năn sám hối để lãnh nhận ơn cứu độ hay lãnh nhận sự thương xót của Chúa. Như cái máng muốn thông nước cần dọn sạch rác rưởi, cũng vậy tâm hồn tội lỗi muốn lãnh nhận lòng thương xót của Chúa cũng cần ăn năn sám hối.

Mời Bạn: Nói tới sám hối chúng ta thường nghĩ tới một trạng thái u buồn ảm đảm, nhưng thực ra đáng vui mừng hơn là buồn. Vì người sám hối là người đổi mới cuộc đời, đưa mình trở về tình trạng trong sạch. Chuyện người con thứ trong Tin Mừng Lu-ca chương 15 cho thấy niềm vui của người sám hối trở về. Chính khi anh nói lời sám hối với người cha, là lúc anh nhận được lòng thương xót tha thứ của cha và niềm vui được “sống lại” sau những ngày “chết” trong tội lỗi. Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót mời gọi chúng ta sám hối đó bạn!

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trước khi đi ngủ hãy dành vài phút để xét mình và dâng lên Chúa tâm tình sám hối chân thành.

Cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm. Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 50,3-4)


05/02/16                    THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo                           Mc 6,14-29

LÒNG THƯƠNG XÓT KHÔNG CHẾT

Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su,… liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!” (Mc 6,14.16)

Suy niệm: Vua Hê-rô-đê trượt dài trên con đường tội lỗi: từ cuộc sống ăn chơi sa đoạ, ông liên tiếp phạm từ tội ác này đến tội ác khác, mà đỉnh điểm là sát hại Gio-an Tẩy Giả chỉ để giữ sĩ diện vì lời ông trót thề trong một phút cuồng si. Dù vậy tiếng nói lương tâm không ngừng thức tỉnh ông quay về con đường hướng thiện: ông vẫn biết “ông Gio-an là người công chính thánh thiện”, khi Gio-an khiển trách về đời sống thác loạn của mình, Hê-rô-đê “rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe”. Và giờ đây, ông linh cảm Đức Giê-su là Gio-an Tẩy giả hiện hình: phải chăng đó là dấu chỉ tiếng nói của lòng thương xót Chúa không chết trong tâm hồn Hê-rô-đê? Thiên Chúa không muốn để một con người dù tội lỗi cách mấy đi nữa phải hư mất, nên vẫn tiếp tục lên tiếng trong lương tâm để thúc giục con người tỉnh ngộ quay về với đường ngay nẻo chính. Chỉ cần quay đầu trở lại là gặp được bến bờ thứ tha.

Mời Bạn: Lòng thương xót của Chúa không còn là một nghi vấn mà là xác tín của chúng ta. Thiên Chúa là Cha không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ cho con cái. Ngài mong mỏi chúng ta đừng bao giờ thất vọng. Trái lại, dẫu bạn tội lỗi mấy đi nữa, hãy quả quyết đứng lên và trở về với Cha để được ấp ủ trong lòng thương xót của Ngài.

Chia sẻ: Bạn có bị “dị ứng” đối với bí tích Hoà giải không? Vì lý do gì?

Sống Lời Chúa: Trong Năm Thánh này, bạn thường xuyên đến với Bí tích Hoà giải hơn, để cảm nhận sâu xa hơn lòng thương xót của Chúa đối với bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn tội.


06/07/16                    THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo                 Mc 6,30-34

LÒNG NHIỆT THÀNH VÌ SỨ MẠNG

“Anh em hãy lánh riêng ra… mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ để ăn uống nữa… Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương… và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6,31.34)

Suy niệm:Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu…” Lời ca khúc ấy nghe nao lòng. hôm nay lòng nhiệt tình vì sứ mạng của Đức Giê-su cũng làm ta nao lòng như vậy. Ngài là nhà thừa sai cần mẫn hay lam hay làm, quên mình và chỉ quan tâm lo lắng cho người khác. Dầu không có một thời biểu chặt chẽ, Người vẫn chú ý ‘lên lịch’ cho các môn đệ: sau một đợt làm việc căng thẳng thì cần “nghỉ ngơi đôi chút”. Thế nhưng, ‘lịch’ ấy thường xuyên bị xáo trộn. Thầy trò tránh đám đông để tìm chút nghỉ ngơi, nhưng đám đông nhanh chân hơn, đã ‘đón lõng’ thầy trò! Thế là lại phải mau mắn đáp ứng, bởi vì Đức Giê-su vẫn chạnh lòng thương!

Mời Bạn: Hãy chiêm ngắm một Giê-su như bị vắt kiệt bởi nhiệt tình sứ mạng. Chúng ta được khuyến khích có lịch làm việc; nhưng lịch ấy có cứng quá đến nỗi nhiều khi biến ta thành những kẻ vô tâm và bất nhẫn không?

Chia sẻ: Làm sao để học bài học “chạnh lòng thương” của Đức Giêsu để đón nhận những người tìm đến với mình – thay vì là quạu quọ bực bội?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần cảm thấy bị quấy rầy và muốn nổi cáu với ai đó, ta nhớ đến Đức-Giêsu-chạnh-lòng-thương!

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an. Xin cho con biết quên mình, để phục vụ vì yêu thương tha nhân. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts