- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Mẹ Gấu

Gấu có sức khoẻ phi thường, móng cào đá thành cát, răng tiện đứt xương. Gấu bạo tàn, hung hãn, bình thường rất chậm, nhưng khi cần chạy khá nhanh. Khi cần, gấu có thể trèo cao; lúc phải lội, nó bơi như cá. Trời nóng, nó vẫn tỉnh như không; trời lạnh, nó dám dầm mình trong đá tuyết. Một con vật phơi mình trong nắng, đùa giỡn dưới mưa, dầm mình trong tuyết. Khi muốn, nó coi thường núi cao, rừng rậm, bất chấp đường dài cheo leo hiểm trở cách mấy không sờn lòng. Với những điều kiện như thế gấu quả là đáng sợ. Trong số những ưu thế đó nổi bật nhất là tình thương gấu mẹ dành cho con. Một con vật chai lì thế lại rất mềm lòng vì tình thương.

TRUYỀN NGHỀ

Hang gấu ở là một hốc đá nhô ra che mưa nắng. Bên ngoài cửa hang có tàng cây mát, quanh đó là cỏ non và xa hơn nữa là khe suối nước trong. Khung cảnh thật hữu tình. Hàng ngày ba mẹ con gấu luôn ra sân cỏ chạy nhảy, vui bên nhau. Khi mệt, gấu mẹ nằm lăn ra sân cỏ cho con bú rồi mẹ lịm vào giấc ngủ để anh chị em gấu tự do vờn nhau, chạy nhảy. Chúng không đi xa nhưng quanh quẩn bên mẹ và khi thấy nguy chúng cùng rú lên một tiếng. Gấu mẹ nằm ngủ chập chờn, sẵn sàng đáp ứng khi nghe tiếng con kêu hú cầu cứu. Những lúc như thế, gấu mẹ tỉnh táo lạ thuờng, nó nhổm ngay dậy hú vang trời dọa địch. Việc đầu tiên là tìm con, sau khi nhìn thấy hai đứa con an toàn lúc đó nó mới yên tâm tìm kẻ địch. Ngó trước, ngó sau không có gì nguy hiểm gấu mẹ từ từ nằm xuống và hai con lại tiếp tục trò chơi như trước.

Thấy con thấm mệt, gấu mẹ nhẹ nhàng đi đến sau con, dùng tay tát nhẹ vào mông, cái tát nhẹ cũng đủ làm con lăn đi hai ba vòng. Đứa con gượng đứng dậy hiểu ý lẽo đẽo theo mẹ về hốc đá. Sau khi cho con nằm yên trong hốc đá, gấu mẹ phóng nhanh xuống suối đứng rình, khi thấy con cá trờn tới, nó phóng nhanh người xuống giòng nước rồi, nổi lên với con cá đang giẫy chết trong miệng. Nó lắc nước bắn tung toé khô mình mẩy, ngậm cá mang về nuôi con. Cả mẹ lẫn con đều chia nhau ăn tươi, nuốt sống con cá mới bắt.

Mẹ dậy con tập vồ, tập bắt, tập vã mặt, leo cây, lội suối. Ngày kia, ba mẹ con gấu xuống suối bắt cá, lũ gấu con đã không bắt được cá còn bị nước cuốn trôi đi. Hình ảnh ngượng ngạo của gấu con thấy vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Xuống gần bờ suối, nước chảy bắn vào mắt nó nhắm tịt mắt bước được hai ba bước hụt hẫng té lăn cù. Nó gượng dậy, trong khi đó gấu mẹ đứng xa xa gầm gừ không biết nhắn bảo hay răn đe chỉ nghe tiếng gầm gừ trong họng. Gấu con nhìn mẹ nheo nheo cái mắt bước tiếp, nó lại té nhào lần thứ hai. Nó gượng đứng lên tiếp tục và thích thú bơi trong nước.

KHÓC CON

Vài tuần sau vững bụng hơn, gấu con thấy nước hớn hở cắm đầu chạy bỏ mặc mẹ phía sau. Gấu mẹ cũng tin tưởng khả năng bơi lội của con, không ngờ nó phóng xuống ngay bờ vực thẳm, người nó lăn hàng mấy chục vòng nơi con dốc hiểm rơi tòm xuống nước. Gấu con bị lăn nhiều vòng quá choáng váng không còn tự chủ để giòng nước cuốn trôi. Nhận thấy tình thế nguy hiểm gấu mẹ phóng xuống cứu. Trễ rồi, chậm một bước.

Một lúc sau gấu mẹ trồi lên rống một tiếng lớn tiếp tục lặn. Cứ thế ngụp lặn hai, ba, bốn, năm lần, liên tục. Mỗi lần trồi lên khỏi mặt nước gấu mẹ nhìn đứa con sót lại trên bờ hú lên những tiếng ghê rợn, tựa tiếng khóc tiếc thương, càng về sau giọng càng thảm não, ở đàng xa nghe thấy còn nổi tóc gáy, dợn da gà, nói chi đến ở kề bên. Sau hàng giờ hụp lên, lặn xuống làm đục cả khúc suối gấu mẹ mệt nhoài vẫn chưa thất vọng. Nó lặn xuống đáy suối, vần tung mọi tảng đá, cào rong, bới rêu, móc từng khe đá khiến cá, tôm hàng ngày vẫn mượn làm nơi trú ẩn nay bị bới tung ra chúng sợ hãi bơi toán loạn thoát thân.

Chưa bao giờ thấy gấu mẹ hung bạo như thế. Mắt nó đỏ ngầu, đầy vẻ giận dữ, miệng hả rộng để lộ răng nanh dài, nhọn hoắt, vàng khè lập loè trong nắng. Các móng vuốt màu trắng lòi ra sau lớp da đen trông như những móc sắt cán đen. Cứ tưởng tượng năm cái móng vuốt kia bám vào da thịt đâm sâu thấu xương thành năm cái móc. Gấu không cần phải cào cấu do đau dớn giẫy dụa cũng đủ xé da thịt thành năm vết chém đẫm máu. Gấu ngồi thở hổn hển, cái bụng nó phập phồng nhô ra, lép vào như bong bóng. Rãi nó rơi dài thành sợi kéo từ miệng chảy dài xuống đầu ngọn cỏ tạo thành những sợi tơ óng ánh lúc căng, lúc thẳng theo từng cơn gió. Vây quanh nó là đám ruồi, muỗi lượn quanh tìm thế tấn công. Bay đến mỏi cánh vẫn chưa thấy an toàn đáp xuống.

Ngồi bên bờ suối gấu buông những tiếng hú dài. Tiếng hú cao ngất trời, vang đi trong chiều tàn rồi tiếng vọng đáp tạo thành một thứ âm thanh ma quái. Tiếp theo tiếng hú là tiếng cào cấu trên thân cây rột rẹt như tiếng cưa cây của một máy cưa cũ rích. Gấu mẹ dồn hết cơn giận vào móng vuốt. Nó cào, cấu, xé, quăng ném, đập chân trên đất, rồi hai chân trước vỗ mạnh vào nhau như tự phạt mình. Sau một lúc gầm, thét, đạp, vỗ, gấu mẹ ngậm đứa con còn lại vào miệng từ từ về hang.

TRẢ THÙ

Những ngày sau đó mới là khủng khiếp. Gấu mẹ lạnh lùng đi tới đi lui nó dồn hết mọi bực tức vào cành cây kẽ lá, bất cứ thứ gì cản đường đều trở thành nạn nhân của cơn giận mất con. Cành cây nào chắn lối đi gấu mẹ nhổ tận gốc, chưa đã cơn giận nó cắn nát từng cành trước khi bỏ đi. Đám ruồi bu quanh nó chộp vào tay vò nát, nó đớp rồi phun ra phèn phẹt như một con gấu điên. Vô phúc con vật nào luẩn quẩn quanh đó thì khó toàn thây.

Giờ giấc của nó cũng thay đổi, ăn uống, đi lại, xuất hiện khác thường không theo khuôn mẫu như trước. Đêm đêm nó ra bờ suối ngồi rình. Hai mắt chiếu thẳng xuống giòng nước, mệt mỏi nó nằm để mõm trên hai chân trước, mắt vẫn không dời giòng suối. Cứ thế cho đến sáng nó lại chậm chạp về hang. Những sáng sương mù nó vừa đi vừa hú, dọc đường ngồi xuống tru lên thành tiếng dài, vang vọng giữa cảnh vật. Gấu thương khóc con thảm sầu. Trong mắt nó giờ chỉ còn lại một mầu xạm đen, ảm đạm, thê lương.

ĂN THỊT MẸ

Những ngày thương khóc mất con chưa nguôi đời nó có tai hoạ mới đến từ thiên nhiên. Mùa mưa lũ bắt đầu, mưa rơi nặng hột gấu đứng dưới mưa rú lên những lời than vãn. Bình thường nó rất bén nhậy khi thời tiết thay đổi. Có lẽ đau khổ mất con khiến nó vô tình với thời tiết. Thương con và buồn là nguyên nhân chính làm nó lơ đãng không nhận ra cơn bão lớn đang tới. Những cơn mưa lũ mở đường cho cơn bão thứ hai mà nha khí tượng tiên đoán là một trong những cơn báo có sức tàn phá lớn. Sức gió mạnh hơn cơn bão đầu mùa. Gấu mẹ không biết điều đó. Các con vật khác biết từ lâu, chúng gom thức ăn ẩn mình trong tổ chỉ trừ gấu mẹ, vẫn tru tréo, cào, bới, buồn, hận, giận, thương khóc đứa con giòng suối cuốn trôi. Cơn bão đầu nuốt trửng của nó đứa con yêu. Không biết sự gì sẽ đến với nó trong cơn bão thứ hai sắp đến.

Đúng ra gấu mẹ không bị thương gần chết nhưng nếu không mang thân ra gánh chịu thì đứa con còn lại bị đá đè chết hôm đó. Ngày kia trên đường về, nước lũ bào mòn đất chân tảng đá. Gấu con vừa đặt chân đến tảng đá một làn chớp loé lên, chiếu sáng cả bầu trời. Làn chớp giúp gấu nhẹ nhận ra tảng đá lung lay, sắp sập, trong khi đó gấu con lại đứng ngay dưới tảng đá. Gấu thấy hòn đá rung rinh, nó rú lên một tiếng khủng khiếp hy vọng gấu con biết hiểm tránh xa. Nào ngờ gấu con chưa từng nghe tiếng hú thất thanh không hiểu. Gấu con đứng tại chỗ, trợn mắt ngó mẹ. Biết con bị nạn gấu mẹ phóng thân mình đến đỡ đá chết thay con. Thân nó vừa hất con văng ra ba bốn thước thì cũng đúng lúc tảng đá đổ nhào xuống thân. Tảng đá phạng giữa lưng, nó đau đớn hự lên một tiếng rồi im bặt. Toàn thân nó xụm xuống, mặt úp sát đất bất động. Gấu con vỡ lẽ rú lên bò bên mẹ. Chân trước khều khều mép mẹ. Vẫn bất động, một làn máu đỏ hoà nước mưa chảy dài trên đất. Gấu con dúi đầu vào đầu gấu mẹ, mặc kệ trời mưa, sấm sét. Trước đây mỗi lần mưa như thế nó hay ra sân đùa giỡn. Giờ đây nó nằm cạnh mẹ để nước mưa tha hồ tuôn trên mình. Gấu mẹ xỉu suốt đêm mãi gần sáng hôm sau mới tỉnh. Chân khập khiễng nó tha cái thân nội thương về hang, đói rét và đau đớn. Nằm trong hang nó không tru được nữa và cũng chẳng bắt được mồi.

ĐỔI THAY

Sau cơn bão cảnh vật đổi thay. Cây đổ nằm la liệt, con đường mòn trước kia hai mẹ con vẫn đi, nay chỗ còn, chỗ mất, lồi lõm, thành quả của đất chùi. Sân cỏ trước kia mẹ con gấu chiều chiều chạy nhảy nay thay hình đổi dạng. Nơi đó có nhiều rãnh sâu, vết chảy dài, đất bào mòn sâu hàng thước, dọc theo lá cây còn xanh, tróc cành, tước vỏ, tổ sâu, cánh kiến và vài cành lủng lẳng tổ chim treo tòng teng trên đó.

Trời quang, mưa tạnh hai mẹ con gấu cũng ra khỏi hang. Gấu mẹ phờ phạc, bạc nhược, coi mất hết vẻ oai phong, hùng tráng. Đôi mắt nó u buồn, mệt mỏi còn đâu cái anh dũng tinh anh nhanh nhẹn. Lông dựng ngược như cắm vào da. Phía vai trái có một vết thương lớn bằng miệng li, sâu hoắm, vết máu tươi vẫn còn rịn ra. Nhìn gấu ai cũng kinh ngạc tự hỏi làm thế nào gấu mẹ mất vẻ tinh anh nhanh thế. Vì lí do gì mà một tuần lễ nó xuống sắc lẹ như vậy.

Lời đồn đãi trong dân gian là khi túng quẫn gấu tuy hung dữ nhưng thương con vô hạn. Khi thiếu thức ăn gấu nhịn đau cắn thịt mình nuôi con. Người ta cứ nghĩ đây là truyền thuyết hơn là sự thật. Thực tế là như vậy trong những ngày mưa bão thiếu thức ăn gấu mẹ không đành lòng nhìn con chịu cái đói cào cấu. Nó nhịn được nhưng con nó thì không. Để nuôi con khỏi đói gấu mẹ xé thịt mình nuôi con. Vừa đói cộng với nội thương vì tảng đá rơi trúng lưng lại thêm mất máu vì gấu mẹ dùng máu thịt mình nuôi con. Ngoài giải thích này ra ít có giải thích nào hợp lí hơn. Nếu đây là sự thực thì con người không khỏi kinh ngạc nhảy bật khỏi ghế khi chính mắt chứng kiến cảnh gấu móc thịt mình nhét miệng con. Tôi hy vọng những điều này có thể thực hiện được khi các nhà nghiên cứu về đời sống hoang dã của gấu cấy vào trong người nó một máy điện tử nhỏ xíu để theo dõi.

Đối với sinh vật khác, gấu mẹ đối xử bằng mật đắng; ngược lại đối với con, gấu mẹ nuôi con bằng mật ngọt tình thương. Ai ngờ được một con vật bề ngoài da chắc hơn đồng, móng cứng tựa đá và móng vuốt sắc bén như sắt, nhưng bên trong lại chứa một trái tim chan chứa tình thương, mềm lòng vì con.

Lm Vũ Đình Tường
VietCatholic Network

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]