Họa cha

Hai anh em mồ côi từ lúc nào? Cha mẹ chết ra sao? Hoàn cảnh nào đưa đẩy chúng thành mồ côi và hình ảnh cha mẹ là những bận tâm lớn của hai đứa trẻ. Nhất là thằng anh lớn. Không ai hở môi về hoàn cảnh gia đình hai đứa. Mọi người chung quanh giữ im lặng làm như không biết. Thậm chí ngay cả gia đình nuôi cũng không bao giờ đá động đến cha mẹ hoặc nói cho biết thân nhân, gia tộc hai đứa. Nhiều lần gạn hỏi hoặc là bị gạt sang một bên hoặc trả lời quanh luẩn lạc đề sang chuyện khác.

Hai anh em, thằng lớn tên Bi, thằng nhỏ tên Vuông. Mỗi lần bắn bi thua bạn bè chòng ghẹo bi vuông sao thắng được bi tròn. Nghe câu đó là hai anh em nó hợp lực cãi lại cho đến khi nào hết chữ nghĩa mới chịu thua. Mỗi lần như thế hai anh em thân thiện với nhau hơn, bỏ xa lũ bạn và hai đứa bày trò mới. Tất nhiên những đứa cãi nhau bị loại ra ngoài trong cái trò chơi mới. Dù cãi nhau với hai đứa nhưng cần bạn chơi nên chỉ ít phút sau chúng sáp lại gần quên chuyện cũ. Cãi nhau cũng xảy ra rất thuờng giống như là một môn chơi. Trò chơi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bắn bi, búng và thảy giây thung, chơi khăng, tạt lon. Chơi riết nhàm chán, cãi nhau chính là đổi món ăn chơi. Chúng cãi nhau, lớn tiếng nhưng không bao giờ dùng vũ lực, chỉ to tiếng om xòm lối xóm. Tâm tính đứa nào cũng hiền và đứa nào cũng háo thắng là đầu mối các cuộc cãi vã.

Gia đình nuôi hai anh em coi chúng như con ruột, không ép chúng quá độ. Có giờ giấc làm việc, học hành và giờ giấc chơi với bạn bè. Tình thương của cha mẹ nuôi càng đậm đà bao nhiêu nó càng thấm thiếu tình cha mẹ ruột bấy nhiêu. Đêm đêm mơ thấy cha ngồi bên nghe mẹ kể chuyện. Ráng mở mắt nhìn không thấy mặt cha, xoay qua xoay lại không rõ chân dung mẹ. Quờ quạng trong đêm tối, buồn chán, thở dài, ngủ tiếp. Tình cha nghĩa mẹ sâu đặm trong hồn nên ngủ mơ gặp cha mẹ chính lá giấc mộng vàng.

Bi có tài hội hoạ, không học ở trường hội hoạ, không người hướng dẫn mà do tài thiên phú. Gọi là tài thì hơi quá lời mà chê thì lại khắt khe. Bi hoạ hình nảy nọ đường nét thanh tao của bàn tay thiếu điêu luyện. Nhờ vào tài họa đó Bi vẽ chân dung cha mẹ. Nhiều bức chân dung cha mẹ nhìn từ phía sau, không rõ khuôn mặt. Trong giấc mơ chỉ thấy loáng thoáng con người ngồi, đứng, đi lại, chuyện vãn mà không bao giờ thấy rõ mặt. Chính vì thế mà bức hoạ thường là sau lưng, ngồi đâu lưng lại.

Đôi lúc cha mẹ nuôi so sánh Vuông với cha mẹ, Bi ghi nhớ và vẽ lại trên giấy. Gia tài Bi giữ kĩ là những tấm hình ít nhiều liên quan đến cha mẹ qua giấc mơ, hay qua nhữg lời ví von, so sáng của người khác về cha mẹ ruột. những câu nói nó giống cái vành tai, càng lớn trông càng giống bố nó, khi ăn mắm cái mũi cứ hỉnh lên.

Những ví von đó làm khổ thằng em, thằng Vuông. Ngày kia lúc Vuông đang ngủ Bi muốn vẽ hình cái mũi hỉnh lên giống cha nó Bi quẹt mũi Vuông cục mắm bằng ngón cái. Thằng Vuông ngủ mà cái mũi cứ hỉnh lên vì mắm thối, nó ngồi cạnh giường em cắm cúi vẽ cái mũi. Đang vẽ Vuông cựa quạy thế nào cụm mắm rơi tọt xuống chiếu thế là hai đứa phải ngủ chiếu mắm tôm.

Mỗi lần em nó khóc người nuôi nó luôn mắng nhiếc cái miệng trông giống hệt thằng cha mày. Ngày đêm mong mỏi nhìn thấy người cha nên nó vẽ tạm cái miệng em nó, vẽ đi vẽ lại nhiều lần nhìn vẫn không thấy giống. Mỗi lần em nó khóc nó mang tấm hình ra so sánh, rồi lại cất đi rồi lại vẽ cái khác. Ngày kia nó đang cặm cụi vẽ dở cái miệng méo của em, thằng nhỏ nín khóc nó nhắc khóc nữa đi, đứa em không khóc nó lại gần xáng một bạt tay như trời giáng thằng em tru tréo, té nhào xuống đất khóc. Nó chạy nhanh lại bàn vẽ tiếp, để mặc thằng em muốn khóc sao thì khóc.

Ngày kia nó nghe có người thợ vẽ rất giỏi, chuyên hoạ hình hai anh em ôm tất cả những tác phẩm của nó ra, tấm thì cái mũi, tấm thì cái tai, tấm thì con mắt, tấm thì cái miệng nhờ người hoạ sĩ chân dung đó ráp lại thành tấm hình cha nó. Không thể nào diễn tả được hình ảnh cha mẹ ra sao nên nó ghi lại từng phần một, môi miệng, tai mắt rồi nhờ ráp lại ít ra là có được tấm hình của cha để nhìn.

Khi hợp lại các phần trên thành hình một người có khuôn mặt hao hao hình hai anh em, nhìn tới nhìn lui người vẽ nhận ra tấm hình đang hoạ chính là hình của mình. Từ cái nghi ngờ đó ông ta tìm dò hỏi và nhận ra hai đứa đó không ai khác mà chính là con mình. Ông nhận diện khi vì lúc nhỏ một thằng bị đạn có vết thẹo to vai trái sau lưng. Đứa kia bàn chân trái sáu ngón. Nhờ những đặc tính đó mà ông dò hỏi ra để nhận chúng.

Lm Vũ đình Tường

Nguồn: Tiếng Chuông

Chia sẻ Bài này:

Related posts