Con Cá Ngộp Nước

Con cá ngộp nước. Nghe như chuyện hoang đường. Có khi nào con người chết vì sặc không khí đâu nên chuyện con cá chết ngộp nước phải có lí do.

Nó tiêu trọn số tiền dành dụm mấy tháng qua để mua cặp cá hiếm Phi Châu. Cái hồ cá khổng lồ che khuất phần lớn bức tường trống bên cạnh cửa ra vào. Đây là loại cá hiếm, loại cá tham ăn lạ thường. Chỉ có hai con cá trong cái hồ khổng lồ, thức ăn dư thừa, mà vợ chồng cá luôn tranh giành miếng mồi. Con cá trống to hơn con mái gấp bội nên nhanh nhẹn hơn, bơi khoẻ hơn và thường giật miếng mồi ngon từ miệng con mái. Tham ăn nên nó lớn mau, béo mập, mạnh khoẻ. Ngày kia tình cờ và may mắn con cá mái cắn trọn miếng mồi ngon. Nó vừa bơi vừa cố nuốt miếng mồi to vì con cá trống rượt theo giành miếng mồi. Sau một lúc rượt bắt không được con cá mái mệt do sức nặng của miếng mồi, đuối sức nó bơi chậm hẳn đi. Con cá trống giành mồi hoài không xong, nó nổi dóa bực mình dùng đầu húc mạnh vào be sườn con cá cái. Bị chấn thương ngang bụng nó đau đớn mửa thốc miếng mồi trong miệng ra lảo đảo năm bảy vòng. Đảo đến đâu lớp vảy bụng rơi trong nước nhè nhẹ, đảo tới đảo lui theo gợn sóng trước khi chậm chạp chìm đáy hồ. Sau khi lấy được thế cân bằng con cá cái lao nhanh lên mặt nước đớp không khí. Miệng há to hớp từng hớp không khí. Người nó lừ đừ, hai mắt nhắm chặt, hai vi đưa đẩy rất nhẹ giữ thế cân bằng trên mặt nước, cái đuôi chìm sâu xuống tương tự như nó đang trong tư thế định thần, an nghỉ. Để ý kĩ thấy hai mang nó phun ra giòng nước có pha chút máu tươi chứng tỏ nó bị nội thương vì cú húc mạnh be sườn vừa qua của anh chồng tham ăn, giành ăn đánh vợ vì miếng mồi. Hai mang nó phun ra những giòng nước mạnh như thể cái túi thủng để nước chảy ra thành vòi.

Con cá trống được miếng mồi ngon, thong thả bơi vật mạnh miếng mồi sang phải rồi thật nhanh vật nó sang trái để xẻ nhỏ miếng mồi cho dễ nuốt. Nó ăn mồi thong dong vì con vợ đang đau đớn không đủ sức rượt bắt giành giật. Nuốt xong miếng mồi nó lặn sâu xuống đáy hồ ra chiều hả hê. Mặc con vợ bập bềnh trên mặt nước, không thèm màng tới.

Con cá mái không bơi nổi nữa nó đành thả nổi trên mặt hồ, vi nó quạt nước chậm hẳn lại dường như không còn đủ sức vận động đôi vi và đuôi cầm giữ cho thân khỏi chìm xuống. Không biết cầm cự được bao lâu nữa vì xem ra nó yếu lắm. Ngày hôm sau con cá mái chết ngửa bụng trên mặt hồ. Từ đó cá trống một mình một hồ, tha hồ bay nhảy tung tăng và tự do ăn mồi. Không còn con cá khác tranh mồi.

LẺ LOI

Những ngày đầu nó sống thật thảnh thơi, bơi chậm chạp, khoan thai. Đôi khi nó lên gần mặt hồ búng đuôi tạo nên làn sóng lớn đánh mạnh thành hồ. Sau những ngày tự do bơi lội, tự do ăn uống mà không bị trang giành nó cảm thấy cô đơn. Hình như ăn một mình không thú bằng tranh ăn với những con cá khác. Nó ngại ăn, biếng bơi lội và nhất là không còn con cá nào bơi đua mỗi chiều như trước. Mỗi chiều hai con cá đua bơi xé nước mặt hồ và đảo một vòng tuyệt đẹp từ phía này sang phía bên kia hồ rất điệu nghệ. Mấy ngày nay con cá có thử và chỉ một vài vòng nó thôi, ngưng không bơi như tên bắn trong nước nữa. Trước đây nó bơi, phóng, lượn, hớp nước, bói nước tạo nên vòng xoáy trên mặt nước. Tất cả những thú tiêu khiển trên biến mất để lại một con cá lẻ loi, trống vắng, một mình một hồ trống.

Bây giờ nó làm ngơ, trước kia con ruồi nào vô tình không biết đậu trên kiếng mặt hồ, nó lừa thế phóng mạnh lên đớp hụt con mồi, mõm nó đập vào kiếng kêu rầm, con cá rớt tỏm xuống nước, nó tiếc con mồi miệng xùi ra hai ba cái tăm chạy thành hàng thẳng lên mặt nước. Những lần như thế chủ nó thích thú cười. Con ruồi đâu biết tưởng đậu chỗ đó là an toàn nào ngờ con cá đang rình rập nhảy lên hớp đời nó. Bất thình lình nghe tiếng động dưới chân nó run rẩy cất cánh tung bay mất dạng.

Những chiều trước kia con cá bơi theo ngón tay của chủ, ngón tay chủ nó ở ngoài kiếng di chuyển đến đâu, cá bơi đến đó thỉnh thoáng nó rình rập đớp bụp ngón tay nhưng chỉ đựng phải kiếng. Muốn cá phóng nhanh chỉ cần di chuyển ngón tay ở phía cuối hồ cá phóng như bay lại đùa với ngón tay đó. Từ ngày con mái chết đến nay nó không thèm ngó ngàng đến thú vui đó nữa. Chủ dơ tay chán rồi thôi. Cá yêu mến, thương hay giận chủ khó mà biết được. Điều rõ ràng cá không linh hoạt như trước, không chơi với chủ mỗi chiều, coi thường mọi sự, kể cả miếng ăn.

Vài tuần sau ngày cá mái chết, cá trống thay đổi hẳn lối sống. Hình như nó kiếm con cá mái. Kiếm khắp hồ, chỗ nào cũng bơi đến, góc nào cũng xục xạo. Dùng miệng hất tung đám đá tìm kiếm. Cá đớp cát vào miệng nhả ra, rồi lại đớp miếng cát khác rồi nhả ra, cứ như thế cho đến lúc mệt lừ người mới thôi. Sau hai ba ngày tìm kiếm cá dồn hết giận dữ bực tức vào đám rong trong hồ. Nó cắn nát hết mọi cọng rong, ghiền nát từng cọng lớn nhỏ. Nó như một con cá điên, khi lừ đư, khi phóng tung người lên khỏi mặt nước đập vào thành kiếng kêu rầm rầm, lúc thì bơi đảo lòng vòng xoay tít, khi lại húc đầu vào thành hồ cho đến khi tróc vảy thành con cá trọc đầu.

HẬU QUẢ

Con cá không biết được hậu quả của việc làm dù tốt, dù xấu đều kéo dài vô tận. Trong lúc bực tức nó phóng mạnh vào bẹ sườn con cá mái, con mái chết. Chuyện đó đã xong, nhưng nó gánh chịu cái hậu quả cô đơn, thui thủi một mình. Khi còn có đôi phải giành ăn, giành được thì no, giành thua thì đói và nó ngấu nghiến nuốt vội miếng ăn đó, dù ăn vội vẫn thấy ngon và ăn nhiều. Bây giờ một thân một mình, ăn tự do lại không thấy ngon và để thực phẩm nằm đáy hồ, làm thối nước hồ. Khi còn có đôi nó bơi đua, nhảy đua, hớp nuớc đua, ngày nay mình nó không còn cạnh tranh, không còn bơi đua, nhảy đua, lượn đua nữa. Đời mất bao thú vị. Lúc trước làm le với bạn nó, bây giờ có làm le cũng chẳng ai coi. Cá chán chủ và chủ cũng chán cá. Trước đây thành hồ được lau sạch, nước được thay thường xuyên, thực phẩm được thay đổi. Từ ngày sống một mình, chủ cũng biếng nhác hẳn ra, không còn ngồi xem nó bơi lội, nhảy ngớp nước. Cá lười bơi, không hiếu động; chủ chán cá, bỏ mặc sống chết không màng. Hậu quả lâu dài của việc giết chết vợ, dù là vô tình, không cố ý nhưng cái hậu quả của vô tình và cố ý có khác chi đâu. Con cá mái chết. Hậu quả chết như nhau. Hành động dù vô tình hay cố ý đều có giới hạn nhưng hậu quả của việc làm dường như vô giới hạn. Cho đến bao giờ con cá mới hết cô đơn, mới được sống lại những ngày vui đùa bên nhau. Có lẽ không bao giờ còn được cái vui thanh thản của ngày xưa có nhau. Như thế hậu quả gánh chịu thường kéo dài triền miên.

NHẮC LẠI

Có ai vào nhà thắc mắc sao cái hồ to thế mà chỉ có một con cá. Câu chuyện con cá đánh chết vợ được lập lại, chi tiết được nhắc đến và lời chép miệng, thương xót được thêm vào. Chủ hồ cá bao lần nghe tiếng chép miệng, than, thương tiếc cá mái bị chết; cá đực bơi lượn đó không được khen, chẳng được thương, đôi khi còn nghe tiếng trách móc. Nó nghe tiếng trách móc, phê bình nhiều hơn lời thương xót. Chưa thấy ai nói tội nghiệp nó sống cô đơn, một mình. Cái giá nó phải trả, có tội phải đền bù đã đành và người đời nghe qua chuyện cũng bắt nó phải đền tội bằng những câu phê bình. Dù con cá không biết, hiểu tiếng người hay không thì chủ nó hiểu và chủ nó viết ra đây thay cho con cá. Không phải không biết, không hiểu mà nó được tha, nó vẫn bị phê bình, chỉ trích, trách móc.

HỒ TRỐNG

Cá đực chết buồn thảm, vì nước thối vì tự dằn vặt bản thân vì hối hận hay vì lẽ gì ai biết. Cá đực chết đi chủ nó để hồ trống sau khi chùi sạch tàn tích xưa thế nhưng chuyện con cá giết vợ vẫn còn đó. Ai vào thắc mắc cái hồ đẹp thế mà lại bỏ trống, chuyện con cá giết vợ lại được nhắc đến, từng chi tiết một được kể lại và lời phê bình, kết án lại phát ra. Làm sao xoá tan được câu chuyện đau thương của cá. Chủ nó có thể làm được còn con cá thì không. Cá có khả năng tàn phá, giết chết nhưng không có khả năng hàn gắn, làm sống lại. Đây là giới hạn chung của loài thụ tạo, kể cả con người.

LIÊN LỤY

Những giòng này không phải là lời than của cá mà là bài học về hậu quả của việc làm. Việc làm tốt tồn tại đã đành, việc làm xấu cũng tồn tại ngàn năm. Kẻ gây ra việc xấu nhiều khi đã quên mất nhưng nạn nhân và người có lòng nhân nhắc đến việc xấu không phải để phê bình, nhưng để răn mình. Nhắc đến, nhớ đến để nhắc nhở chính mình về cái hậu quả kéo dài triền miên của nó và cái giới hạn chung của loài thụ tạo.

Lm Vũ Ðình Tường
VietCatholic Network

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment