- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Chuột

Từ nhà đến trường chỉ có 7 cây số, năm cây số đường đất và hai cây số đường dầu thế mà lũ học sinh năm đứa chúng tôi phải mất 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày đi học: hai tiếng đi và hai tiếng về. Bốn tiếng đồng hồ đi bộ là thời gian chúng tôi có nhiều kỉ niệm đẹp và cũng là thời gian thú nhất của tuổi học trò. Năm đứa ở cùng xóm ngày nào cũng rủ nhau đi học đúng giờ, không cần cha mẹ thúc giục. Nhờ thế mà cha mẹ khen ngoan, ham học, vui lòng với tinh thần ham học của con. Thực tế các cụ đâu có biết việc học đối với chúng tôi chỉ là phụ, việc đi bộ chung với nhau mới là chính, quan trọng hơn việc học gấp bội. Không đứa nào nói với đứa nào nhưng phải tự biết cái thú của nó. Nhờ những bước chân âm thầm trên mà sau này đứa nào cũng thành đạt, đạt được ước mơ thời niên thiếu. Tuy cái ước mơ đó chẳng có gì gọi là cao sang nhưng ít nhất mỗi đứa hài lòng với điều mong mỏi, có công ăn việc làm hẳn hoi, trở thành hữu ích cho xã hội. Không đứa nào tệ thành đầu trộm đuôi cướp như những nguyền rủa chủ nhân của trái ổi, bẹ chuối, cây mía, gốc mì, củ sắn của cái tuổi học trò. Thế mới biết nguyền rủa cho lắm cũng chẳng đi đến đâu, không hại ai chỉ nói cho sướng miệng. Nói đúng hơn của cải và khôn ngoan đi chung với nhau. Mất của là mất cả khôn ngoan. Những lời chửi bới không làm chúng tôi nhụt chí nhưng nghịch bạo hơn và cẩn thận hơn. Trò đời vẫn thế. Mươi năm sau có người trước đây từng đào cha bới mả ba đời nhà chúng tôi nhưng sau này có việc đến ngọt như đường, mềm như con chi chi. Tất nhiên không ai trong chúng tôi để ý chi đến chuyện vặt vãnh đó, không có thâm ý hằn thù chỉ lâu lâu gặp lại bạn cũ kể cho nhau nghe những kỉ niệm xưa mua vui.

Con đường đến trường là nơi chúng tôi có nhiều kỉ niệm. Trên con đường này là nơi chúng tôi học bài, ôn bài, làm bài tập, và tâm sự với nhau về mọi vấn đề từ chuyện gia đình đến hy vọng, ước mơ cho tương lai. Không thiếu điều gì trong đầu mà không được nói với nhau trên con đường kỉ niệm đẹp của thuở thiếu thời. Cuộc đời sao mà nhiều chuyện, nói với nhau mãi cũng không chán, ngay cả chẳng có chuyện gì đáng nói thế mà vẫn tranh nhau nói. Nhiều khi hai ba đứa cùng nói, không cần ai nghe, tuổi trẻ là như thế. Có gì nói toạc ra, không cần giấu, nhiều lúc cũng chẳng cần ai nghe. Đối với bạn thì như thế. Đối với cha mẹ hay người lớn thì khác hẳn. Chúng tôi nói với các ngài càng ít càng tốt. Dường như chẳng có gì nói với các ngài ngoài việc phải xin xỏ điều này, chuyện nọ. Hơn nữa cha mẹ và con cái không có thông lệ nói chuyện với nhau một cách cởi mở. Nói với nhau trong khung cảnh lớn bé dường như làm cụt hết các tư tưởng. Tôi vẫn thèm hình ảnh bà mẹ trẻ bồng con nói với con trong tay; trong khi đứa bé không hiểu gì chỉ nhoẻn miệng cười hay dẫy dọn. Hình ảnh đẹp đó biến mất khi ta lớn lên. Đối thoại trong gia đình trở thành khuôn phép thưa gửi. Hầu hết các cuộc đối thoại trong gia đình giữa cha mẹ và con cái mang tính cách phỏng vấn điều tra nhiều hơn là vui chuyện với con cái. Chính vì mang tâm trạng bị phỏng vấn, điều tra mà con cái luôn dấu cha mẹ những điều họ nhĩ trong lòng. Cực chẳng đã mới phải nói chuyên với cha mẹ. Để bù vào cái nhu cầu cần diễn đạt tư tưởng trên chúng tôi tranh nhau nói khi gặp nhau. Thường trên đường về học nếu có gì thắc mắc không hiểu hỏi nhau như thế đã hiểu và nhớ được ít nhiều điều thầy giảng. Về đến nhà mệt khờ người đâu còn sức nào mà học bài, làm bài tập. Chỉ đọc qua loa cho xong việc, tránh cha mẹ mắng mỏ. Phần nào chưa hiểu rõ hay câu hỏi nào giải không được hôm sau gặp nhau bàn tiếp. Đi học sáng trời còn tối, nhất là những ngày mưa lâm râm, không thánh nào kiềm chế được cái tính hay nghịch, ranh mãnh của tuổi trẻ. Chúng tôi thường bắt đầu mỗi ngày bằng việc rủ nhau ôn bài học. Lí do phá phách gần nhà không có lợi vì hàng xóm vạch mặt chỉ tên có mà ốm đòn. Đi xa xa một chút không ai biết ai tha hồ phá. Để tránh buồn chán chúng tôi ôn bài bằng các câu đố và thay nhau giải đáp các câu đố. Nhờ vậy cả bọn hiểu bài và thuộc bài. Học thầy không tầy học bạn nhờ đi bộ. Không những bài học mà cả bài tập cũng được làm trong lúc đi bộ, vừa có việc để làm vừa không phí thời gian. Nhiều khi cả lũ năm đứa trả lời sai giống nhau. Sau khi những câu hỏi được giải đáp, các bài toán đã thanh toán xong. Đứa nào cũng mau mắn thi thố tạm gọi là “tài ranh mãnh trời ban.”Thời gian nghịch phá bà con là những ngày bài dễ đi chưa hết nửa đừng đã thuộc bài, hết việc làm nên phá xóm làng cho thỏa những lúc ở nhà bị cấm đoán. Lí do thứ hai phá để cứu đói. Chiều đi học về bụng anh nào cũng đói meo. Vài chén cơm rang sáng sớm dồn xuống chân rải đường hết sạch chất dinh dưỡng. Không phá phách kiếm của ăn không đủ sức bò về nhà an toàn. Một khúc mía, một trái chuối xanh, trái xoài hay bất cứ thứ gì lót dạ cũng giúp cho đôi chân đều nhịp bước luôn. Ở cái tuổi đó chúng tôi không hiểu mình làm điều chống đói. Giờ đây nghĩ lại mới hiểu rõ việc mình làm mấy mươi năm về trước. Tôi vẫn nhớ điều thắc mắc tại sao anh tôi đi học về không ăn cơm ngay mà luôn nhai khúc mía. Đói quá, ăn cơm không thấy ngon vì cơm cần thời gian tiêu hóa. Ăn mía chất đường vào máu ngay nên người cảm thấy khỏe. Hơn nữa cơm đồng quê chỉ có cơm và rau chấm mắm thối cũng chẳng có bao dinh dưỡng. Nghĩ lại bây giờ mới biết lúc đó sống thật gian nan. Trời công bằng cho hưởng niềm vui trong cái gian nan đó.

Mấy chục năm xa cách mỗi lần bạn bè có cơ hội gặp nhau gợi lại cái kỉ niệm êm đềm tinh nghịch kia vẫn thấy thú cho tuổi đời niên thiếu. Có một kỉ niệm mà khi nhắc đến đứa nào cũng ấm ức vì năm trẻ ranh mãnh như bọn tôi thua mưu mụ già không một chữ bẻ đôi. Trong số những bạn học chung lớp và ngay cả khi chung trường đều biết bọn ngũ liên bang đi đâu cũng có nhau, nghịch phá cũng có nhau và nếu cần đánh đấm thì cũng phải phá vòng vây của năm đứa. Chúng tôi là tác giả của bao vụ phá làng xóm, phá bạn bè, phá thầy cô và ngay cả phá nhau nữa. Chính bọn năm đứa từng làm chứng gian cho nhau, thề gian, và chạy tội thay cho nhau khi cần. Bọn ngũ liên bang này là tác giả gây nhiều tiếng xấu cho trường và làm nhiều bạn chung lớp phải đòn oan. Ấy thế mà thua mưu mụ già nhà quê. Thế có đau không chứ.

Miền Nam khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa nắng hạn. Mùa nào có cái vui của mùa đó. Tất cả những trò chơi đều là những thú vui chế tạo tại chỗ, vừa vui lại không mất tiền mua. Vào mùa mưa đi học thường lầy lội. Việc đi lại có nhem nhuốc, bẩn thỉu hơn nhưng thân xác thoải mái hơn vì khí trời mát dịu. Mùa hè thú vị hơn vì được đua xe đạp và thả dốc cầu đua xem xe nào cứng hơn, chạy nhanh hơn. Cái trò chơi ú tim này cứ đứa nào gan dạ, lì lợm, không sợ đau là thắng. Chẳng có kĩ thuật gì ráo trọi. Lì đòn, gan dạ thế nào cũng đoạt giải. Nhờ trời thương không đứa nào bị tật nguyền vì cái trò vừa táo bạo vừa ngu của tuổi học trò. Ở lứa tuổi đó chúng tôi nghĩ khác lắm, không có trò chơi nào là ngu cả, không thứ nào có hại cả. Càng nguy hiểm càng thú vị. Bây giờ nghĩ lại mới thấy dại nhưng cũng thầm tạ ơn trời đã giúp cả bọn nếu không thì tất cả đều què đui mang tật nguyền suốt đời.

Một ngày kia trên đường về học, trời nắng đứa nào cũng khát nước bèn rủ nhau vào nhà cụ Hớn xin nước uống. Cụ Hớn được chọn vì hai mắt cụ đã lòa không còn nhận diện được mặt mũi trẻ ranh. Đây không phải là lí do chính. Lí do chính là nhà cụ đơn chiếc nên cụ nuôi con chó khá dữ. Chọc phá chó là nghề của thằng Dư. Bố Dư trước đây làm nghề giết chó nổi tiếng nên Dư bị anh em trong bọn chế nhạo. Tự ái nổi lên không sao chống chế được nên Dư nhận lời trêu chó nhà cụ Hớn. Để có lí do chính đáng vào trêu chó cái lí do xin nước uống được ngấm ngầm chế ra cho có cớ gõ cửa nhà cụ Hớn. Cụ sống một mình nên thường trữ nước mưa uống quanh năm. Cái nắng trưa hè mà uống gáo nước mưa thì không còn gì mát bằng. Giọt nước uống vào cổ đến đâu, người uống cảm thấy khoan khoái, dễ chịu đến đó. Giọt nước mưa trong miệng ngon đến độ nuốt vào họng rồi mà tiếc vì cái vị ngon lành. Nó ngọt lịm mặc dù nước không có pha đường nhưng ngọt mát, dễ chịu sảng khoái vô cùng. Cái tinh khiết trong lành của nước mưa hình như có khả năng vận động cơ thể pha loại đường dự trữ sẵn trong người làm cho vị nước thêm ngọt ngào. Nước mưa mát, không lạnh gắt như đá chanh, nhưng lạnh vừa phải, lạnh êm dịu làm cho các cơ thịt cuống họng nở ra vừa thưởng thức cái mát dịu hiền vừa xả hơi tịnh dưỡng. Không giống cái lạnh xe thắt của nước đá, hay kem. Uống vào miệng thấy thú nhưng nơi cổ các bắp thịt phải xe thắt chống lại cái lạnh quá độ nên các cơ thịt trong cuống họng không cảm thấy thoải mái bằng uống nước mưa để lạnh trưa hè. Phải uống vào trưa hè mới đúng lúc, uống lúc khác cũng thú nhưng không bằng trưa hè, nhất là lúc đang khát còn sướng hơn gấp bội.

Chưa vào đến ngõ nhà cụ Hớn con vện trong nhà đã sủa vang, đúng tầm chân thằng Dư để ngay vào miệng con vện một cái ra hồn. Nó ăng ẳng ba bốn tiếng rồi cụp đuôi biến mất sau nhà. Thằng Dư hành động lẹ quá làm anh em mất hứng, đứa nào cũng tiếc rẻ vì cú đá nhanh như chớp của Dư. Hai tay nó ôm ghi đông xe, hơi ngiêng người về phía con chó và bất thần xuất ra cú đá thần tốc vào ngay miệng con vện. Con chó đau quá vãi ra mấy giọt nước đái cụp đuôi chạy mất. Đúng lúc đó tiếng cụ Hớn vọng ra từ trong nhà hỏi ai đó. Dư ngồi đong đưa trên xe, tay bám vào kèo mái hiên chõ miệng vào thưa xin nước uống. Trong khi đó chúng tôi cũng vừa dựa xe vào vách đất ngó nhớn nhác tìm xem con Vện còn dám xuất hiện nữa hay không. Đứa nào cũng hả dạ vì cú đá của thằng Dư vì coi như chính mình trả thù được con Vện. Nhiều lần con Vện theo sau chúng tôi rồi bất phần gâu lên một tiếng thật to khiến có đứa sợ hoảng hồn, tim đập thình thịch đến mười phút sau mới hoàn hồn. Hôm nay thì nó cụp đuôi biến mất, thế mới đáng đời. Thằng Dầu khoái nhất vì có lần nó bị con Vện rượt theo xe đạp cắn, Dầu hoảng hồn nhắm mắt đạp thoát nạn không biết lớ quớ thế nào lọt ngay xuống sông. Con Vện vẫn không tha cứ đứng trên bờ chõ mõm xủa. Cu Dầu phải vác xe bơi sang phía bên sông về nhà, người ướt như chuột lột. Hôm nay Dầu hả dạ vì cú đá của Dư làm con vện lấm lét ngó từ đàng xa.

Cụ Hớn ngần ngừ chối khéo lão đâu có đủ nước uống cho nhiều người vậy. Năm cái miệng tru tréo xin xỏ, năn nỉ, kể lể nắng nhọc, vất vả trên đường đi học về. Cụ Hớn không mủi lòng vì nắng nôi khổ cực của bọn trẻ ranh nhưng cụ không thể chối được vì lũ ranh con này có dư giờ để giả deo, nài nỉ. Cụ càng chối bọn tôi càng thích thú. Có lẽ nhận ra điều đó nên cụ hỏi hết câu này sang câu khác trước khi đưa điều kiện hôm nay cho nhưng mai phải đi xin nhà khác không được đến nữa. Sau khi thỏa thuận xong năm đứa uống ngon lành những gáo nước lạnh.

Con Vện bị cú đá bất ngờ vẹo hàm, không xủa được và cũng không ăn uống được gì. Cụ Hớn thương con Vện lắm nhưng không biết làm sao hơn là xỉa xói, chửi rủa lũ học trò ma quái, côn đồ. Trong lúc bực quá và thương con vện như người nhà. Thấy nó đau cụ không nhịn được nhờ người viết hộ lá thư gởi đến trường tố cáo hành động đánh chó của cụ. Thơ được viết xong dán cẩn thận bằng mấy hột cơm nguội vò nát cho dẻo. Hạt cơm còn dính lọ lem nơi bì thư. Cụ nhờ người chuyển thư tố bọn tôi nhưng thằng học trò nào đó nhận thơ mà không dám giao thơ. Kể ra là nó khôn đấy nếu không thì nó chỉ có nước bỏ học nếu năm đứa chúng tôi bị đòn. Con Vện ngày một gầy guộc đi vì nó đau không ăn được. Cụ Hớn đau lòng và hận bọn năm đứa. Cụ không biết tên cũng không nhận diện được, ngoài nhận giọng nói. Cơn nguôi chưa hết năm đứa lại rủ nhau vào xin nước. Lần này muốn dò xem con Vện thế nào, mất bóng nó cả tuần nay nên đứa nào cũng thắc mắc. Không lẽ cú đá của Dầu mạnh đến độ chết được con Vện. Năm đứa chúng tôi trở lại xin nước làm bộ quyên hẳn điều đã hứa trước đây. Vài đứa còn nói ngang khiến cụ giận tím mặt nhưng không làm cách nào đuổi được bọn tôi. Con Vện vẫn còn nhớ cú đá ngày hôm trước nên hôm nay nó đứng đằng xa chĩa mõm về phía chúng tôi sủa, không dám đến gần. Thằng Dư thấy cụ không cho nước nó làm bộ ngã lăn đùng ra đất giẫy đành đạch trước mặt cụ. Dẫu thế cụ nhất định chối khéo, không cho lấy một giọt. Cả bọn làm bộ dắt xe đạp đi ra. Nói là làm bộ thực ra chúng tôi thay phiên nhau cầm chân cụ để lẻn vào phía sau nhà tìm nước uống. Không biết vì luống cuống hay cố tình mà một đứa trong bọn làm bể cái gáo múc nước. Khi cái tin gáo múc nước bị bể chúng tôi tìm cách rút lẹ tránh cái miệng tru tréo của cụ Hớn. Ai cũng tin là câu chuyện đến đó là xong. Không ngờ ngày hôm sau cụ ra đến tận trường học phàn nàn về việc uống trộm nước, đánh chó và đập bể gáo múc nước. Nếu chỉ uống trộm nước vì khát thì sự việc đơn giản thôi. Đàng này cụ tố là đập bể gáo múc nước và đánh què chó cho nó to chuyện. Năm đứa bị thầy tổng giám thị gọi lên đứa nào cũng thề sống thề chết không đập bể gáo múc nước. Lời thề của trẻ ranh không nặng kí, không ai chứng dám cho. Cụ Hớn nhất định buộc tội cả bọn. Cuối cùng thầy cảnh cáo bắt hứa trước mặt cụ là không bao giờ được xin nước nhà cụ Hớn. Vấn đề tạm giải quyết xong nhưng không đi vào quên lãng và chắc chắn chưa đến hồi kết thúc. Dầu hứa trước mặt thầy nhưng trong bụng không vui chút nào. Không ai nói với ai nhưng đứa nào cũng mang trong đầu ý tưởng phải tìm cách chơi lại cho bõ ghét. Sự việc chưa đi đến đâu vì chưa ai nghĩ ra được cách trả thù cho xứng đáng. Đúng ra lúc bực tức thì nói thế, thực tâm cả bọn ham chơi nên cũng không ai để tâm tìm cách trả thù. Vừa xong việc nọ lại xảy đến việc kia. Cụ Hớn nhắc thầy giám thị cái thơ cụ gởi trước đây hơn tuần. Thầy giám thị mù tịt về cái thơ. Năm đứa chúng tôi cũng ngã người ra không hề biết gì về cái thơ. Sau khi tra hỏi thầy giám thị biết rõ chúng tôi vô tội vạ về cái thơ nên câu chuyện cái thơ được xếp lại chờ dịp giải quyết. Cả bọn thở phào nhẹ nhõm. Kể từ ngày đó chúng tôi bắt đầu đi điều tra nguồn gốc cái thơ. Hỏi người lớn thì không được chỉ còn cách dọa dẫm mấy thằng ranh con ở khu ngoài thì thế nào cũng lòi ra. Khi những lời hăm dọa đưa ra cu Học sợ quá nghỉ học với lí do bị bệnh. Cu cậu bị bắt vì nói dối trường thì được nhưng không dối được gia đình. Cậu cắp sách đi học nhưng chui vào đâu đó chơi đến giờ học lẩn về nhà. Không may cho nó có đứa trong bọn trông thấy. Thằng Dư túm cổ áo nó nạt lớn. Mày cầm thư mụ già Hớn phải không. Cu Học sợ quá khai ra là lá thơ còn trong cặp cả hai tuần nay nhưng chưa dám đưa. Dư giật cặp của Học đổ ngay xuống đường tìm. Thấy cái thư nó nhặt nhanh lấy rồi nhanh nhẹn bỏ vào túi. Nó ra lệnh tha cho rồi lên xe đạp đi khỏi.

Không biết có phải thâm ý Học trả thù mà vài ngày sau hũ nước cụ Hớn có con chuột cống khổng lồ chết lềnh bềnh trong đó. Không cần phải suy già đoán non cụ cũng gán ngay cho lũ ngũ quỷ phá cụ hôm trước. Cụ Hớn tin là năm đứa tìm cách trả thù bằng cách ném chuột chết vào trong lu nước nhà cụ. Cách trả thù trên thì quá lắm. Cụ tức vô cùng nhưng không làm cách nào hơn được. Chưa cáo nhà trường thì chúng đến xin nước. Cáo nhà trường chúng bỏ chuột chết vào lu. Làm sao bây giờ. Cụ vừa tức vừa sợ nên cụ không trực tiếp báo cho trường học hay nhưng đi rêu rao đầu làng, cuối xóm về thành quả chuột trong lu nước. Tin bay đến trường nhưng rồi chẳng ai đoái hoài đến việc con nít làm chi. Dù sao cũng chỉ là tin đồn có hại cho trường nên thầy giam thị nói xa nói gần nhắc nhở chung tư cách của học sinh. Mấy đứa bào chữa kẻ thiếu tư cách nhất là kẻ mồi lê mách lẻo, gặp chuyện lớn nhỏ đều phao tin như thế mới là mất tư cách. Tuy kháo nhau như thế nhưng đứa nào cũng sợ nếu bố mẹ biết được thì khó mà thoát được sự khốn. Cáo nhà trường không đáng sợ, cáo bố mẹ mới là đại họa. Ngày hôm sau đi học vừa gặp nhau đứa nào cũng hỏi cùng câu. Hôm qua có sao không. Hình như bố mẹ chúng lo làm không để ý đến việc thiên hạ đồn thổi. Tạ ơn trời cho cha mẹ bận rộn. Nếu không thì có đứa ốm đòn.

Câu chuyện chuột trong lu nước đi vào quên lãng. Bẵng đi thời gian khá dài năm bảy tháng không còn đứa nào nhớ đến nhà cụ Hớn. Đột nhiên thằng Dư nhắc đến nhà cụ Hớn và nó rủ nhau vào xin nước uống. Cả bọn thấy ngại làm sao đó nhưng thằng Dư năn nỉ quá cả bọn đành chiều theo ý nó. Lí do chính không phải nó có tài lãnh đạo nhưng nó học được mấy cú đá kinh hồn từ người anh dậy võ trong quân đội nên khi đụng trận có thằng Dư anh em cảm thấy yên tâm hơn. Vì thế mà cả bọn chiều Dư. Như mọi khi con Vện cũng nhao ra xủa vang, cũng giọng khàn khàn của cụ hỏi vọng ra từ trong sập gỗ. Mấy đứa nhìn nhau e ngại nhưng cụ hỏi rát quá đành liều nói xin nước uống. Khác hẳn thái độ mọi người trông chờ. Cụ Hớn mời uống nước cẩn thận. Cụ còn giải thích mùa mưa sắp tới rồi nên lão không cần trữ nước nữa các cậu cứ tự nhiên cho. Thấy thái độ hiếu khách của cụ cả bọn mạnh dạn hơn trong việc xin nước và đôi khi còn tử tế biếu cụ quả đu đủ hay mấy trái chuối. Gọi là biếu cho nó sang thực tế thì toàn đồ ăn cắp cả. Đi đêm thấy gì tiện tay là vặt không đặt vấn đề đúng sai. Đồ ăn cắp ăn ngon hơn đồ nhà vả lại đi đường đôi khi đói không lấy gì ăn được. Cách duy nhất chống đói là ăn cắp vừa tươi vừa ngon.

Lu nước nhà cụ Hớn cạn gần đáy cả bọn mới nhìn thấy xác chuột chết nằm chình ình một đống dưới đáy lu. Lúc đó mới biết suốt thời gian qua đứa nào cũng ních đầy bụng nước chuột cống. Vài đứa chạy tháo ra sân ói tới mật xanh, mật vàng, nằm vật xuống sân thở dốc. Cụ Hớn thấy thế vui ra mặt nhưng cứ làm bộ thản nhiên như không có sự gì xảy ra. Khi bị chất vấn cụ chối khéo lão già rồi không đủ sức đổ lu nước chuột chết đi, hơn nữa già lão rồi lẩm cẩm không nhớ. Các cậu có tốt thì đổ lu nước đi cho lão. Tuổi già sức yếu, cụ không thể đổ lu nước đi được nhưng đậy chặt nắp để đó chờ có ai đến giúp đổ đi dùm.

Đúng vậy, lu nước có chuột không bị phí nhưng được đổ vào bụng của ngũ liên bang, đến khi chúng nhận ra thì lu nước đã cạn gần đáy.

Lm. Vũ đình Tường

Nguồn: Tiếng Chuông

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]