- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Chùm Hoa Sử Quân

Những buổi chiều, nàng thường ngồi trên bờ cát nhìn ra biển. Nơi đó là bờ của một cửa sông nhỏ thông ra đại dương. Những ngày nước lên, mặt nước mênh mông, phẳng lặng. Bên kia bờ là một dải xanh thẫm của cây dương và dừa, với một ngọn núi thấp; dưới chân núi lác đác một vài căn nhà gỗ mục nát của những người Mã Lai làm nghề đốt than, hoặc của những ông già Pachi (1) ngày ngày chèo xuồng chở dân tị nạn từ đảo Pulau Besar (2) sang mua hàng bên chợ làng Merang.

Nàng ngồi như thế hoài cho đến khi chiều tàn, mặt trời chín đỏ ngày càng thấp xuống. Màu mặt trời khi ấy đỏ tươi nhưng không chói. Trái cầu đỏ treo lơ lửng giữa nền trời xanh thẳm, hạ xuống chấm đường chân trời, rồi chìm dần vào vùng biển mênh mông.

Mỗi lần cảnh hoàng hôn trên biển, nàng đều xúc động đến run rẩy toàn thân. Nàng nghĩ đến chàng, giờ này không biết tại vùng biển Nha Trang hay Rạch Giá, có lẽ chàng đang lui cui trong hầm máy một chiếc thuyền, chỉnh chang máy móc, xem lại dầu nhớt và hằng vạn thứ lỉnh khỉnh khác, chuẩn bị cho một chuyến hải hành gian khổ mà chàng là người chủ xướng. Nàng tưởng chàng sẽ nâu xạm vì cháy nắng. Chàng phải tạm cất cặp kính cận, mặc bộ bà ba đen và nói tiếng địa phương. Bất giác, nàng mỉm cười: chàng có tài nhái tiếng người khác, giọng người nào chàng đã nghe qua là có thể bắt chước theo in hệt.

Mới tháng trước, một ngày ít mưa nhưng lắm gió, chàng còn dẫn nàng đến quán kem nhỏ góc công trường Chiến Sĩ. Chàng và nàng vẫn gọi tên ấy, cho dù công trường bây giờ hoang tàn đổ nát và không còn mang tên cũ. Quán ấm cúng, có giàn sử quân xanh mát với những cánh hoa nhỏ đỏ tươi. Chính nàng đã “dạy” cho chàng biết những chùm hoa giun ấy có cái tên rất đẹp trong sách thuốc Đông là Sử Quân. Chàng có vẻ thích thú khi biết cái tên ấy, và chép miệng:

– Tội nghiệp, tên “người ta” đẹp thế mà lại gọi là hoa giun. Chỉ vì quả của nó chữa được bệnh giun cho trẻ con. Đúng là “làm ơn mắc oán”.

Thấy chàng chú ý, nàng còn đọc cho chàng nghe mấy câu thơ của cô bạn thân hồi còn học trung học:

“… Mắt em nhìn vẫn còn xanh cây lá,

Môi nho đan nồng ấm chuyện hẹn hò.

Chiều đạp xe qua phố vắng làm thơ,

Và thắc mắc nỗi hoang mang mới lớn.

Có nửa đêm nằm nghe hồn choáng ngợp,

Mộng ngọt ngào tê đầu lưỡi thanh xuân.

Cài lên vùng tóc rối chùm sứ quân,

Em bỗng lạ như đường ngôi mới rẽ…” (3)

Những câu chuyện thơ mộng của chàng và nàng lạc lõng trong xã hội mới bây giờ. Chúng lạc lõng như cái quán kem nho nhỏ này trong thành phố cũng đã mang tên mới. Hầu như đây là nơi duy nhất còn chút hương vị và không khí của Sài Gòn ngày xưa, ít ra là đối với giới học sinh, sinh viên. Quán gần Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên cũ, bây giờ trở thành “trụ sở Thành đoàn thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh”. Bởi thế, những đoàn viên Thanh niên Cộng sản chập chững cũng thường ra đấy ngồi. Đó là điều khó chịu duy nhất khi khách bước chân vào quán (4).

Ly kem ăn dở dang, chàng ngừng lại, hỏi nhỏ:

– Em quyết định thế nào?

Nàng cắn môi:

– Cho em ít ngày. Em xin phép ba mẹ.

Giọng chàng thì thầm:

– Đã đến lúc phải dứt khoát. Trong hoàn cảnh bây giờ, thoát được người nào hay người đó. Thương nhau không đúng cách là chết cả chùm. Ghe của anh nhỏ, không thể đem theo hết cả gia đình. Nhưng anh sẽ giới thiệu gia đình em với một người bạn đi chuyến sau. Ghe của anh ta lớn, có thể chở được đến bảy, tảm chục người.

– Hãy để em đi sau với gia đình

– Anh không thể an tâm ra đi nếu em còn ở lại. Đi với anh!

Nàng cắn môi lần nữa:

– Để em về thưa với ba mẹ.

Chàng dìu nàng đứng lên, bước ra khỏi quán. Mưa tạnh từ bao giờ. Chiều đã xuống, nhưng còn chút nắng đọng trên các ngọn cây. Đường Duy Tân đẹp buồn thảm. Hai người đi bộ ngang qua trường Luật cũ. Một đám thanh niên ăn mặc lôi thôi, vai đeo túi (mốt mới của “cách mạng”) từ trong trường túa ra. Họ vung tay vung chân, hình như đang bàn luận tiếp một cuộc hội thảo nào đó. Nàng nghe loáng thoáng những tiếng “Đại Hội lần thứ tư của Đảng… Tận diệt tư sản… Cách mạng quan hệ sản xuất… Cách mạng văn hóa tư tưởng…” Tội nghiệp cho Anh và Em, tội nghiệp cho trường cũ của chúng ta (5).

Hai người chia tay nhau ở góc Duy Tân – Nguyễn Đình Chiểu, con đường Phan Đình Phùng cũ. Nàng chờ xe buýt dưới ánh đèn phố vàng vọt. Trên chuyến xe lao đao về nhà, nàng khóc âm thầm. Nàng không biết quyết định ra sao. Nàng yêu chàng và thương ba mẹ. Cuộc ra đi này không phải là chuyến du lịch, cũng không phải là một lần du học. Ra đi là vĩnh viễn, ngăn cách ngàn trùng.

Trong khi âm thầm khóc trên chuyến xe lao đao ấy, nàng cũng chẳng hay những dự định âm thầm nhưng quyết liệt của ba mẹ. Vào nhà, nàng phải chào một người khách của ba đang vội vã ra cửa. Ba tiễn khách, đóng cửa, vặn chốt lại cẩn thận. Ông quay vào, mặt nghiêm trọng khác thường. Mẹ từ buồng trong đi ra, hỏi:

– Thế nào, ba? Ông ta quyết định ra sao?

Ba mẹ cùng ngồi xuống ghế, còn nàng đứng giữa phòng, ngơ ngác. Ba vẫy nàng, bảo ngồi xuống. Ông trách nhẹ:

– Đi đâu mãi bây giờ mới về, con? Thời buổi này, không nên đi đâu xa và lâu quá.

Giọng ông nhỏ lại:

– Nghe ba dặn đây: con vào phòng, sửa soạn thật nhanh một túi nhỏ, đựng hai bộ quần áo, thứ dầy dặn, và tất cả những giấy tờ của con. Xong rồi giúp hai em cũng sửa soạn y như vậy. Từ lâu, ba mẹ vẫn âm thầm tìm cách thoát ra khỏi nước. Gia đình ta sẽ không yên và tương lai các con hoàn toàn đen tối, nếu chúng ta còn ở lại. Người ta vừa đến trả lời chấp thuận và cho biết lệnh khởi hành: tám giờ sáng bỏ Sài Gòn xuống Mỹ Tho. Chúng ta sẽ thoát ra biển lối Cửa Đại. Nhớ là ngay tám giờ sáng mai đấy.

Nàng sững sờ, người lạnh toát. Sự thật xảy ra đột ngột và khắc nghiệt. Nàng không được dự phần trong cuộc chuẩn bị này, vì nàng chỉ là đứa con gái hiền hậu và ngây thơ. Nàng đau đớn nhưng không trách ba mẹ. Quyết định của ba mẹ hoàn toàn vì sự an nguy của gia đình và tương lai các con. Nhưng rồi sẽ ra sao, chuyện của nàng và chàng?…

Giọng ba trầm trầm:

– Không có gì phải mất bình tĩnh. Can đảm lên con. Thôi, sửa soạn ngay tức khắc!

Ba nói với mẹ:

– Mẹ và Ba cũng sửa soạn cho xong.

Nàng vào phòng xếp hành lý, thẫn thờ như mất hồn. Nước mắt nàng đầm đìa và nàng gọi tên chàng bằng hai bờ môi mặn. Anh ơi, Anh ơi…

Không thể nào không gặp chàng trước khi ra đi. Lau khô nước mắt, nàng sang phòng bên phụ hai em soạn hành lý. Xong xuôi, thu hết can đảm, nàng ra gặp mẹ. Bà đang ngồi gói quần áo. Nàng nói dối mẹ, có lẽ là lần đầu tiên trong đời:

– Mẹ ơi, con đang giữ mấy cái giấy cần của nhỏ Thảo. Mẹ cho con đi đưa lại cho nhỏ nhé, một tí thôi.

Mẹ thở dài:

– Thật là phiền phức. Nhưng thôi, giấy tờ của người ta thì phải đem trả. Lấy xe Honda mà đi. Nhanh lên rồi về kẻo ba mắng cho chết!

Đường phố Sài Gòn buổi tối vắng tanh. Những ngày hơi có gió lạnh như hôm nay, đường càng vắng hơn nữa. Hình như người ta không yên tâm khi ra khỏi nhà. Luôn luôn có cái gì như rình rập, đe dọa. Nhưng với nàng, Sài Gòn hôm nay thật đẹp, cái đẹp của một vật nàng sẽ mất đi, không biết bao giờ tìm lại được. Nàng lưu luyến nhìn từng góc phố, quan sát thật kỹ từng ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Trong một phút, nàng quên mất chuyện từ giã chàng, để tâm hồn mình giã từ Sài Gòn yêu dấu.

Con hẻm nhỏ gập ghềnh đọng từng vũng nước bùn lớn, ánh đèn mờ hiu hắt, căn gác gỗ nhỏ hẹp ọp ẹp. Cái gì cũng quá đỗi thân quen. Nàng dựng xe, ào vào nhà chàng như một cơn gió lốc.

Chàng bao dung, bình dị trong câu nói, nhưng không giấu được vẻ ngạc nhiên khi thấy nàng đến thăm quá muộn:

– Có chuyện gì vậy em?

Nàng không biết bắt đầu thế nào, im lặng đưa cho chàng cuốn “Chân Dung Nàng Thơ” của Robert Nathan, cuốn truyện chàng đưa cho nàng đã lâu, bắt nàng phải đọc hết, đọc kỹ từng dòng. Giữa lòng sách, nàng kẹp một chùm hoa sử quân ép khô, cùng một mảnh giấy cứng, trên đó có dòng chữ: “Em rất yêu Anh, nhưng em cũng rất thương Ba Mẹ, nên Em đành từ giã Anh. Ngày mai Em đi. Nhưng tâm hồn Em như chùm hoa Sử Quân, ở bên anh mãi mãi…”

Chàng đọc những dòng chữ ấy rất chậm rãi, rồi thong thả nhìn lên, khuôn mặt chàng thê thảm đến tội nghiệp. Nàng không giữ được nữa, nước mắt chan hòa. Nàng gục vào vai chàng, nức nở:

– Ba dự định chuyến đi từ lâu mà em không biết. Chiều về, Ba bảo sáng mai gia đình em sẽ đi. Anh ơi, em không thể giống như cô bé trong “Chân Dung Nàng Thơ”, nói với người yêu rằng chờ ngày cô bé lớn. Em không biết định mệnh xô đẩy chúng ta đến đâu…

Chàng lùa những ngón tay cứng cỏi trong vùng tóc mây của nàng. Nàng thoáng nghe tiếng chàng thở dài. Rất nhẹ. Rồi giọng chàng bình tĩnh:

– Nhìn anh và nghe anh đây. Không có gì mà thảm sầu quá độ. Ra đi bình yên. Anh cầu nguyện cho chuyến đi của gia đình em ngay từ bây giờ. Đến đất tự do, tìm mọi cách thông báo cho anh biết. Phần anh, dứt khoát anh cũng sẽ ra đi. Hoặc đường Nha Trang hay đường Rạch Giá. Nhóm anh có hai chiếc ghe nhỏ ở hai nơi đó, thuận tiện nơi đâu, anh sẽ ra đi từ đó. Đừng lo em ạ. Chúng ta sẽ gặp nhau tại vùng đất tự do. Dù có xa cách nghìn trùng, anh cũng tìm ra em, em yêu dấu.

Hai người hôn nhau, trang trọng và đắm đuối. Cái hôn giã từ ngọt lịm mà cũng mặn chát vì nước mắt đắng cay.

Chuyến ra đi an toàn. Nàng mệt thỉu vì bị sóng nhồi và thiếu ăn uống. Đêm thứ năm, ghe đâm vào bãi cát bờ biển Trenganu, Mã Lai. Những người dân miền biển chất phác và tốt bụng đã nuôi bọn người vượt biển bằng chính những thức ăn được trích ra trong bữa ăn đạm bạc của họ. Ở đây có tình người, mặc dù đối với họ, những người vượt biển khác màu da, tiếng nói.

Rồi cảnh sát đến. Rồi thủ tục điều tra. Rồi khó dễ cấm dân tiếp tế lương thực. Nhiều lúc tưởng rằng cả ghe sẽ bị tống ra ngoài khơi lần nữa. Nhưng cuối cùng người ta cũng cho cả nhóm vào trại tị nạn, có lẽ vì ghe đã bị vỡ, vả lại trong nhóm có nhiều phụ nữ, trẻ em.

Nàng ở trại gần ba tháng, trải qua những ngày dựng lều che nắng đụt mưa, những buổi đợi chờ để vào gặp các phái đoàn di trú, những lần đợi chờ lĩnh thực phẩm ở bãi cát ven sông, những trưa dang nắng chờ xướng tên mình nhận thư của người thân gửi tới. Tất cả chỉ là những đợi chờ, đợi chờ. Ai cũng sốt ruột vì chuyện đợi chờ, nhưng riêng nàng không sốt ruột. Trong thâm tâm, nàng vẫn có một chút hi vọng mỏng manh, một ngày nào đó nhìn thấy chàng trong nhóm người vừa mới nhập trại. Hy vọng thật mỏng manh, vì chuyến đi của chàng không biết có thực hiện được không, nếu thực hiện được, không biết có lọt thoát không, lọt thoát ra biển, biển có bao dung với chàng không, và nếu biển để chàng bình yên, chàng sẽ đến bến bờ nào? Thái Lan, Mã Lai, Phi-luật-tân, Tân-gia-ba, Hồng Kông… Chàng sẽ đến được nơi đâu? Mã Lai có hằng chục trại tị nạn hoàn toàn biệt lập với nhau. Tỉ như chàng may mắn tới được Mã Lai đi nữa, chàng sẽ vào trại nào? Hy vọng thật mỏng manh, nhưng nàng vẫn đợi chờ, cuộc đợi chờ đẹp đẽ mà đau đớn nhất. Cuộc đợi chờ định mệnh…

Những buổi sáng và những buổi chiều, nàng vẫn thường hướng về biển ngóng đợi. Có những chiếc ghe tị nạn đi ngang qua cửa biển này. Mỗi khi có hình dáng một chiếc ghe mờ tít từ xa, người trong trại đã báo động cho nhau. Đám thanh niên hét đến khản cổ: “Việt Nam tới! Việt Nam tới!” Người ta đem đèn pin, mảnh kính ra đánh morse làm dấu hiệu. Người ta giấu trong bụng một lá cờ vàng ba sọc đỏ đem ra bờ biển, phất lên cho tàu trông thấy. Người ta chạy dọc theo bờ biển, hướng ghe trôi để réo gọi. Tình đồng bào, đồng hương lên tới cực độ. Người ta mặc cho cảnh sát ngăn cấm, nạt nộ, đánh đập, cúp lương thực. Người ta chỉ tìm hết cách cho chiếc ghe lênh đênh ngoài khơi biết cách vào bờ. Có những chiếc đã vào và được chấp nhận. Có những chiếc ngừng lại, lưỡng lự, rồi bỏ đi. Lúc ấy, người trên đảo vò đầu, bứt tai, có người tức quá chửi thề ỏm tỏi. Nàng không bỏ một dịp nào đón ghe Việt Nam. Nàng vẫn hình dung ra một dịp nào thấy chàng trên con tàu rách nát bước xuống, giữa đám người hình hài thiểu não nhưng khuôn mặt hân hoan. Bao lần đón người đồng hương, bao lần nàng thất vọng. Trong nhóm đồng bào đành rằng thân thiết ấy vẫn thiếu bóng dáng chàng. Thế nhưng nàng vẫn đợi chờ…

Buổi chiều nay, nàng ngồi trên bờ cát đến lúc trời tối thẫm. Dưới lạch nước đã nghe lõm bõm bước chân của những người tị nạn lén cảnh sát lên tỉnh lị Trenganu mua sắm ít đồ vật cần thiết, chờ đến tối mới dám về, lội tắt qua lòng sông cạn vào trại.

Trên đường về lều, nàng ghé vào gian nhà nguyện nhỏ bé bằng lá do đồng bào tị nạn Công giáo dựng lên. Gian nhà nguyện sơ sài, nghèo khó nhưng ấm cúng. Dưới ánh đèn măng xông, người ngồi đầy chật, đang sốt sắng lần chuỗi Mân Côi. Không còn linh mục nào ở đây cả. Cha Michel thuộc hội Thừa sai, mỗi tháng được phép vào trại một lần, phát thư cho đồng bào, gửi đến chút quà nhỏ: tấm mền, chiếc áo mà cha quyên góp được, sau đó gấp rút dâng Thánh Lễ rồi ra về cho kịp giờ ấn định. Coi sóc sinh hoạt nhà nguyện chỉ có một sư huynh dòng Lasan và một vài người thiện chí. Nhưng hình như không lúc nào người ta cảm thấy sốt sắng bằng lúc này. Sáng, tối nào cũng có giờ cầu nguyện, đọc kinh, suy niệm và chia sẽ Lời Chúa. Nhìn đàn chiên lưu lạc, chắc hẳn Chúa cũng mủi lòng.

Hôm nay có buổi suy niệm Lời Chúa. Nàng ngồi trên một băng ghế gỗ mộc đóng vội vàng thô sơ, nghe người hướng dẫn đọc một đoạn Tin Mừng. Đoạn sách nhắc lại sự kiện Chúa Giêsu cùng các môn đệ ra khơi trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ. Trời chuyển dông bão, các môn đệ lo sợ nhưng Chúa Giêsu vẫn ngủ. Nghe các môn đệ kêu cứu rối rít. Chúa thức dậy, và bảo: “Có Thầy, sao các con còn lo sợ?” Rồi Ngài ra lệnh cho sóng gió phải im lặng.

Người hướng dẫn gấp sách lại, diễn giải đôi lời rồi xin mọi người yên lặng để Chúa nói với chính tâm hồn mình và để tự mình nói lên tiếng lòng với Chúa. Không khí hoàn toàn thinh lặng. Nàng ngước nhìn lên Thánh giá làm bằng hai thân gỗ tròn treo trên vách. Lạy Chúa, đối với con, hình như Chúa cũng đang ngủ. Chúa không đáp lại lời nguyện xin tha thiết của con. Chúa mặc con bối rối, lo lắng, sợ sệt. Nhưng bây giờ, con tin Chúa vẫn ở bên con, sẵn sàng giơ tay đại lượng nâng đỡ con. Con cần có chàng và chàng cần có con. Chúa biết chúng con yêu nhau và tình chúng con trong sạch. Chúa đã dạy chúng con yêu nhau. Xin hãy thương và chúc phúc cho chúng con…

Đèn trong nhà nguyện đã tắt. Mọi người ra về. Chung quanh nhà nguyện đã vang lên tiếng trẻ con nô đùa và tiếng hát từ máy truyền hình công cộng đã bắt đầu inh ỏi. Nàng đứng lên. Tự nhiên nước mắt nàng rưng rưng, nhưng tâm hồn bình yên quá đỗi.

Đêm nay trời nhiều gió và lấm tấm ít hạt mưa. Mưa ở đây làm buồn thêm cõi lòng những người tị nạn. Quá khứ của họ vừa qua đi với những kinh hoàng khủng khiếp, tương lai sắp tới mù mịt ngút ngàn. Mưa làm người ta gợi nhớ bao kỷ niệm nơi quê nhà yêu dấu. Mưa khiến người ta hồi tưởng lại những kinh hãi trên mặt đại dương họ vừa trải qua. Và mưa bắt buộc họ phải nghĩ đến những ngày sắp tới, không biết cuộc đời mình sẽ trôi giạt về đâu. Đời tha hương thật lắm truân chuyên, trôi nổi.

Nàng nằm trên căn gác gỗ, trăn trở bồi hồi, nhớ về Sài Gòn dấu ái với những mùa mưa ngọt ngào kỷ niệm. Một ngày mưa như trút nước, chàng và nàng trú chân trong một lều cỏ bên đường đi Thủ Đức. Đất trời mờ mịt, gió rít từng cơn bên ngoài. Lều cỏ như muốn tốc mái. Hai người ngồi bên nhau, hơi da thịt nồng ấm. Nàng cảm thấy yêu chàng quá đỗi và nhủ thầm sẽ gắn liền cuộc đời mình với cuộc đời chàng. Rất nhiều buổi khác, trời mưa tầm tã, trên căn gác ọp ẹp của chàng, hai người đối diện, trầm ngâm như những ẩn sĩ. Chàng pha trà thơm và ngâm cổ thi cho nàng nghe. Không còn hạnh phúc nào trong sạch và hân hoan hơn nữa.

Đêm nay, cũng trên một căn gác gỗ, giữa hòn đảo tập trung tị nạn, nàng nhớ chàng tha thiết, cháy nồng. Trời đất sắp sang Xuân. Những trận mưa cuối mùa liên miên không dứt. Hình như Trời muốn lấy nước mưa tắm sạch địa cầu. Lều gỗ nàng ở ọp ẹp hơn căn gác gỗ của chàng gấp trăm lần. Mỗi khi có một cơn gió lớn, toàn thân nó rung lên, quằn quại như bị quất một ngọn roi, cột lều như muốn gãy và mái lều hình như sắp sửa bung ra. Nàng cắn môi, gọi tên chàng trong gió mưa ào ạt…

Nửa đêm, trời tạnh mưa, chỉ còn những cơn gió lạnh buốt. Nàng trở trăn khó ngủ. Một cái gì, hình như của linh tính, bắt nàng tỉnh thức đêm nay. Hai em bên cạnh đang say ngủ, thỉnh thoảng gọi lớn tên bè bạn cũ trong cơn mơ. Nàng nghe tiếng thở đều hòa của cha mẹ ở tầng dưới. Căn lều nàng trú ngụ khá đặc biệt. Nó nhỏ xíu như một cái chuồng chim, nhưng lại có một căn gác nhỏ. Trong mảnh đất trước cửa, nàng trồng đầy một loại hoa dừa tím. Những người bạn tị nạn của nàng vẫn đùa, nói rằng ở trại tị nạn mà có nhà lầu, vườn bông thì thiên hạ thật không ai bằng.

Bỗng nhiên, trong tiếng gió hú bên ngoài, nàng thoáng nghe những tiếng hò hét “Việt Nam tới! Việt Nam tới!” từ phía biển vọng về. Tiếng hò la mỗi ngày mỗi rõ. Nàng ngồi nhỏm dậy. Bên ngoài, tiếng chân người thình thịch chạy. Người ta đang gọi nhau ra biển đón người đồng hương. Mò mẫn bước xuống cầu thang làm bằng những khúc gỗ tròn, nàng đụng chân phải lớp cát ẩm ướt dưới nền, đúng lúc ba mẹ cũng vừa tỉnh dậy, đang khêu ngọn đèn dầu cho sáng thêm lên.

– Có ghe Việt Nam đến, Ba Mẹ ạ. Con thử ra xem có người nào quen không, nhé.

Người trong trại tị nạn chỉ coi bốn việc sau đây là trọng đại: một là những ngày có phái đoàn di trú đến phỏng vấn cho đi định cư; hai là ngày ông Daud, đại diện chính quyền địa phương mang thư của thân nhân người tị nạn đến trại; ba là dịp trại nhận được danh sách những người sắp đi định cư; và bốn là có ghe Việt Nam vượt biển đi ngang đảo. Bởi vậy, dù giữa đêm hôm, Ba Mẹ cũng bằng lòng cho nàng ra biển đón ghe. Ba chỉ dặn với:

– Đừng lội xuống nước nghe con. Thấy được người quen, nhớ về báo ngay cho Ba Mẹ biết.

Nàng bị thôi thúc đến độ để chân trần, tóc xõa, chạy vội ra bên ngoài. Trời lạnh buốt và tối đen. Nàng dẫm phải nhiều vũng nước lớn và hai ba lần lao đao sắp ngã. Xa xa, sóng biển rì rào kêu gọi. Nàng nghe như thì thào tiếng gọi của chàng.

Nước sông hôm nay lên cao, mấp mé bờ đê nhỏ. Người ta ra đến bờ biển đã nhiều. Nhìn ra khơi, nàng chưa thấy gì ngoài một vùng tối đen phía trước. Từ bờ đất ven đảo ra tới bờ biển, có một bãi cát dài và rất rộng. Ngày nước rút, bãi cát nằm trơ, lồi lõm, đọng một vài vũng nước nhỏ. Nhưng những ngày nước lớn như hôm nay, nước biển tràn vào phủ ngập bãi cát. Bây giờ nàng nhìn rõ những người đang lội qua bãi để sang bờ biển, nước ngập tới vai họ. Chưa bao giờ nàng lội qua bãi cát này vào những ngày nước lớn. Nhưng đêm nay, nàng chạy ào xuống không một chút ngại ngần. Lời Ba dặn vèo bay trong gió. Nàng chỉ nghe tiếng tiếng chàng réo gọi phía bên kia.

Nước ngập đến hông, đến bụng, đến ngực rồi tràn dần lên vai, lên cổ. Nàng lao đao, chới với. Một ngụm nước tràn vào miệng làm nàng sặc sụa. Một thanh niên từ sau bợi vội đến, dìu nàng. Anh ta gắt:

– Bậy quá! Ai biểu cô ra tới đây? Không biết lội thì ở trong mà chờ!

Nói vậy, nhưng anh ta vẫn dìu nàng, chậm và cẩn thận. Mười phút. Mười lăm phút. Cho đến khi hai người loi ngoi ướt sũng trèo lên bờ biển.

Bây giờ thì nàng đã thấy mờ mờ ngoài khơi hình dáng một chiếc ghe đen thui. Hình như nó di chuyển rất chậm, có vẻ như dọ dẫm, lưỡng lự. Thỉnh thoảng, chiếc đèn đỏ trên ghe loé sáng. Những lúc ấy, người trên bờ biển reo hò ầm ỹ. Có người gọi ơi ới, làm như tiếng gọi có thể vọng ra tận ngoài khơi:

– Vô đây! Vô đây là sống!

Người ta vun củi đốt một ngọn lửa lớn. Thông báo cho người vượt biển biết cách vào đảo là một trọng đối với cảnh sát Mã Lai. Sẽ bị đánh đập, sẽ bị lùa đi như một bầy vật, sẽ bị bắt nhốt, sẽ bị đe dọa từ chối cho đi định cư… Nhưng người ta vẫn bất chấp. Vả lại, cảnh sát ở đây là chúa lười, chẳng hơi đâu giữa đêm hôm lạnh lẽo họ đi xuồng máy qua đây can thiệp. Bởi thế, ngọn lửa càng lúc càng bốc cao, rực rỡ. Lửa làm ấm áp hồn người và nung nóng những ngóng chờ rạo rực.

Chiếc ghe hình như đã thấy rõ ngọn lửa, nó hướng mũi vào bờ. Tiếng reo hò của những người chờ đón càng thêm náo nhiệt. Nàng cũng hò hét như điên cuồng. Anh nhất định phải có mặt trên chiếc ghe này. Anh phải ghé vào đây. Đành rằng còn nhiều giới hạn, còn lắm truân chuyên, nhưng đây là bến bờ tự do, nơi chúng ta hẹn gặp.

Mũi ghe dần dần hiện rõ. Đồng bào đánh cá của ta, mỗi vùng biển đóng chiếc ghe của mình theo một vài hình nét riêng mà chỉ những người trong nghề mới nhận ra được. Nàng từng nhiều lần đi đón ghe vượt biển nên đã dần dần phân biệt được hình dáng những chiếc ghe. Chiếc ghe đang hướng mũi vào bờ này đúng là phát xuất từ Rạch Giá. Tuy còn lờ mờ, nhưng nàng chắc chắn rằng trong vòng nửa giờ nữa, nàng sẽ thấy hình dáng mũi ghe cao vút, với hàng chữ VNKG phía bên trái. Thân ghe nàng sẽ thấy sơn đen, mạnh mẽ.

– Ghe Việt Nam Kiên Giang! Bà con từ Rạch Giá tới!

Cùng với những người khác, nàng cũng hò hét thông báo. Anh sẽ ra đi từ Nha Trang hay Rạch Giá. Biết bao lần em đón những chiếc ghe VNKG trên đó không có anh. Nhưng lần này, chắc chắn anh đang cùng với chiếc ghe kia dần tiến vào bờ.

Nửa giờ sau, ghe hiện rõ, và quả thực người ta đã đọc thấy hàng chữ VNKG ở mũi ghe. Nàng không còn hồi hộp. Nàng chỉ nóng ruột ngóng chờ. Chắc chắn anh phải đến.

Những bóng người trên ghe dần dần xuất hiện. Họ lố nhố vào khoảng trên chục người, hình như tất cả đều là thanh niên. Những người trên bờ lấy tay để lên miệng làm loa, gọi lớn:

– Vô thẳng đi. Trại trị nạn đây! Vô lẹ lên!

Ghe đã vào gần bãi. Và trong một giây phút tuyệt vời, nàng thấy chàng trên đó, với cặp kính cận trễ xuống và chiếc cằm vuông cương nghị. Chàng cởi trần, người xạm đen, tóc râu tua tủa, nhưng chàng đẹp và vô cùng hùng dũng. Nàng ngạc nhiên thấy mình không nhảy cẫng lên, không hò hét. Nàng rất hân hoan trong vô cùng bình ổn. Lòng ấm lại như vừa uống một hớp rượu mạnh, nàng giơ tay, vẫy chàng yên lặng. Và chàng đã nhìn thấy. Chàng khoa tay vẫy lại, bao dung và từ tốn. Giống như hai người thấy nhau và gặp nhau như đã hẹn hò từ trước.

Tiếng người ồn ào chung quanh. Người ta la lớn:

– Lội xuống lẹ lên. Ghe hư nát như vậy là chắc chắn được ở lại rồi!

Và người ta tràn tới, giúp khuân vác hộ hành lý đang được chuyển từ trên ghe xuống. Chiếc ghe ở xa trông hùng dũng vì dáng dấp của nó, nhưng thực ra đã rách nát thảm thê.

Trong đám người hỗn độn, nàng lách lại gần chàng. Và bấy giờ nước mắt nàng chợt đổ xuống như mưa. Chàng vuốt tóc nàng, độ lượng:

– Em chờ anh lâu không?

– Đã nhiều lần em tưởng chừng anh lỡ hẹn.

Lời trao đổi ngắn ngủi. Nàng cảm thấy rất an ủi và thân quen trong câu nói của chàng. Chàng ít nói và không thích nói dài. Chàng thường bảo nàng, chỉ khi nào tình cảm vơi hoặc trống rỗng, người ta mới phải dùng lời nói bên ngoài để mong lấp đầy. Lòng chúng ta yêu nhau tràn đầy, chan chứa, cần dùng nhiều lời nói làm gì. Yêu chàng, nàng cũng lây tính ít nói của chàng.

Chàng lúi húi mở nắp cái túi đeo trên vai, lấy ra một tập sách, trao cho nàng và nói:

– Nếu anh lỡ hẹn, làm sao trao lại cho em được vật này!

Đó là cuốn truyện “Chân Dung Nàng Thơ” nàng đã đưa cho chàng buổi tối hôm nào. Nàng đón lấy, mở ra. Chùm hoa sử quân ép khô vẫn còn nằm nguyên đấy. Mẩu giấy cứng nàng viết lời từ biệt cũng vẫn còn nguyên đấy. Nàng cảm động đến ứa nước mắt, trong khi giọng chàng trầm trầm bên tai:

– Anh trân trọng tất cả những gì thuộc về em. Chùm hoa sử quân này cũng thuộc về em. Những ngày em đi rồi, anh nhìn ngắm nó để nhớ tới em.

Câu chuyện giữa hai người bị cắt đứt khi ông trưởng ban đại diện tị nạn nói lớn:

– Anh em ở tạm ngoài bãi đây, chờ cảnh sát đến làm thủ tục. Cần nhấn mạnh với họ là ghe đã hư không thể ra khơi được nữa. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách báo cho cao uỷ tị nạn. Đừng lo, thế nào anh em cũng được nhập trại… Xin bà con trong trại vui lòng giải tán trước khi cảnh sát tới.

Nàng cầm chặt tay chàng:

– Chịu khó ở ngoài này vài ngày anh nhé. Em sẽ tìm cách ra thăm anh.

– Không sao đâu em ạ. Chuyến đi truân chuyên gian khổ lắm, anh sẽ kể sau. Nhưng anh và bạn bè vẫn còn đủ sức khoẻ. Vào trại nhớ báo cho Ba Mẹ biết.

Nàng rời chàng, lẫn lộn trong đám đông lội qua bãi cát mà bây giờ nước xuống đã gần cạn. Nàng mỉm cười nghĩ rằng khi biết tin chàng đến, Ba Mẹ sẽ không trách mắng nàng về tội dám lội xuống nước trong khi không biết bơi.

Chuyến ra đi của chàng không biết có thực hiện được không; nếu thực hiện được, không biết có lọt thoát không, lọt thoát ra biển, biển có bao dung với chàng không; và nếu biển để chàng bình yên, chàng sẽ đến bến bờ nào? Thái Lan, Mã Lai, Phi-luật-tân, Tân-gia-ba, Hồng Kông… Chàng sẽ đến được đâu?…

Vậy mà cuối cùng chàng đã đến. Đúng vào hòn đảo Pulau Besar thuộc tiểu bang Trenganu của Mã Lai Á, nơi nàng và gia đình, vượt biển ít tháng trước chàng, đang trú ngụ.

Một phép lạ xảy đến cho hai người. Nàng nghĩ như vậy trong khi bước vào ngôi nhà nguyện nhỏ bé trước khi trở về lều. Nàng đã đón nhận phép lạ ấy với tất cả sự han hoan nhưng bình thản. Trong tâm hồn, nàng cảm ơn Thượng Đế muôn vàn. Chúa Giêsu đã tỉnh giấc và nghe lời nàng kêu cứu. Vì tình yêu của Ngài bao la đại hải nên Ngài đã đáp lời nàng tha thiết cầu xin. Trên hòn đảo tị nạn thực sự đã có Mùa Xuân. Mùa Xuân của Đất Trời, Mùa Xuân của Đức Tin và Mùa Xuân của Tình Yêu. Trong trái tim nàng thổn thức lời hát: “Con dâng lên Ngài lòng cảm mến vô biên. Con dâng lên Ngài, ôi trái tim dịu hiền… Chúa ơi, tình Ngài cao hơn Thái Sơn, chứa chan bao tình mến thuơng…” (6)

Nàng làm dấu Thánh giá, bước ra khỏi nhà nguyện. Nước mắt nàng lại ứa ra. Nàng có tật hay khóc khi gặp một niềm vui nào quá lớn.

Quyên Di
Hoa Hồng Nhà Kín

(1) Tiếng Mã Lai, có nghĩa là Cha, Bố

(2) Pulau Besar, tiếng Mã Lai, có nghĩa là Hòn Đảo Lớn. Trại này đóng cửa năm 1978, chính quyền Mã Lai thiết lập một trại lớn hơn là trại Pulau Bidong.

(3) Thơ Kiều Giang

(4) Thời điểm xảy ra chuyện này là năm 1977

(5) Xem chú thích 4

(6) Nhạc Dao Kim

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]