Bông Huệ Trắng Của Người Nữ Tu

Trong chiếc áo cánh trắng, người nữ tu trông khác lạ hẳn. Vũ từng quen với hình ảnh sơ Quyên trong chiếc áo dòng gần đến gót chân và chiếc lúp đội trên đầu. Sơ Quyên, người nữ tu trẻ tuổi dòng Saint Paul, khuôn mặt trắng hồng bầu bĩnh, với cái lúm đồng tiền bên má trái, hai mắt to, đen, thật sáng sau cặp kính cận mỏng và đôi môi màu cánh sen, một thời đã được bọn giáo sư trẻ ngấm ngầm bầu làm hoa khôi của khóa Chuyên Hóa Sinh Hoạt Học Đường. Ngày đó đã có khối kẻ làm thơ ca tụng sơ; Vũ nhớ đến Kim, anh chàng giáo sư cùng dạy môn Việt văn một trường với chàng, trong bài thơ hắn làm đăng trong tập kỉ yếu của khóa đã có hai câu:

“Chào sơ khuôn mặt thân quen.

Gặp nhau môi đỏ cánh sen cười hoài…”

Kim không viết rõ tên sơ Quyên, nhưng đọc hai câu thơ này, ai cũng biết Kim viết về sơ Quyên. Sơ hình như cũng biết, và nếu có ai tinh quái đọc cho sơ nghe hai câu thơ ấy, sơ chỉ biết hé cặp môi cánh sen ra cười, khoe những chiếc răng nhỏ, đều đặn, trắng và trong như ngọc.

Riêng Vũ, chàng có một kỉ niệm khác về sơ Quyên. Bọn giáo sư do các trường gửi về tham dự khóa Chuyên Hóa Sinh Hoạt Học Đường được hướng dẫn về rất nhiều bộ môn sinh hoạt, với mục đích khi hoàn tất khóa huấn luyện, những giáo sư này trở về sẽ là người tổ chức hiệu đoàn nhà trường, cũng như hướng dẫn các giáo sư khác về bộ môn sinh hoạt.

Trong những bộ môn được học, có bộ môn Square Dance, thường được gọi là Dân Vũ Quốc Tế. Ngày mở đầu hướng dẫn bộ môn này, huấn luyện viên nói:

-Vũ là một nhu cầu nghê thuật của con người. Mọi dân tộc đều có những vũ điệu cổ truyền. Người Việt chúng ta cũng có những vũ điệu trong cung điện, vũ điệu tế lễ và vũ điệu bình dân. Bởi vậy, chúng ta không thể trách bọn trẻ say mê khiêu vũ. Có điều chúng ta không thể chối cãi được rằng khi khiêu vũ, bọn trẻ vì phải cặp với nhau suốt cả bài vũ, và hết bài vũ này đến bài vũ khác, sự đụng chạm tạo nên cảm giác có thể dẫn chúng đến những hành động không lành mạnh. Dân vũ là một bộ môn đáp ứng nhu cầu nghệ thuật, đồng thời vì phải thay cặp thường xuyên với những động tác thật nhịp nhàng, ăn khớp, nó tránh cho bọn trẻ cái cảm giác và ý nghĩ thiếu lành mạnh ấy.

Sau đó tất cả bị lôi ra sân để thực tập, cả linh mục và nữ tu cũng không được miễn trừ. Ban đầu hầu như ai nấy đều ngượng ngùng. Nhưng khi điệu nhạc vui tươi và trong sáng từ loa cassette nổi lên, sự lôi cuốn đã lan từ người này sang người khác. Huấn luyện viên đếm nhịp và hướng dẫn động tác. Quả như lời huấn luyện viên nói, dân vũ không tạo cho người ta cái cảm giác thiếu lành mạnh. Bàn tay mình nắm lấy bàn tay người bên cạnh, chưa kịp… nghĩ gì thì đã phải vội buông ra để nắm một bàn tay người khác cho kịp với nhịp điệu bản nhạc. Tuy nhiên, để giữ đúng được nhịp điệu ấy, quả thật không phải là chuyện dễ dàng. Không thiếu gì những kẻ lúng túng, chân nọ đá phải chân kia, chụp… hụt tay người bên cạnh hay vặn trái chiều tay khiến người kia la lên oai oái.

Sơ Quyên vốn du học ở Hoa Kì về, tốt nghiệp cao học ngành giáo dục, hình như không cảm thấy lạ lùng gì với bộ môn Dân Vũ Quốc Tế. Những bước chân của sơ di chuyển rất chính xác, và những động tác uốn mình, xoay vòng của sơ thật nhịp nhàng, đẹp mắt. Chẳng bù cho Vũ, chàng quả thực là vụng về. Vũ có thể hát cộng đồng, bầy trò chơi, đánh đàn, chơi thể thao; nếu cần có thể làm bích báo, viết văn, làm thơ và cả ngâm thơ nữa, nhưng về chuyện… nhảy múa thì chàng dốt đặc. Trong vòng di chuyển, mỗi lần gặp sơ Quyên, chàng lại được sơ nhắc:

– Không phải, thầy đưa chân trái lên trước…

hoặc:

– Bàn tay thầy để bên dưới bàn tay tôi, làm như nâng tay tôi lên vậy. Đấy, đúng rồi…

Sau ba, bốn giờ dân vũ, với sự hướng dẫn tận tình của huấn luyện viên và với tài hướng dẫn… phụ của sơ Quyên, Vũ đã bớt được nhiều động tác trật nhịp. Trong một giờ nghỉ giải lao, Vũ lại gần sơ chào và nói:

– Sơ Quyên à, sơ nhận tôi làm học trò nhé!

Sơ Quyên tròn mắt, ngạc nhiên:

– Học trò… gì cơ thầy?

– Học trò môn Dân Vũ đó. Sơ hướng dẫn tôi còn hữu hiệu hơn huấn luyện viên.

Sơ Quyên cười. Hình như sơ có thể trả lời mọi câu hỏi bằng nụ cười của sơ. Tuy nhiên, sau đó sơ lấy ra một tờ giấy, dùng bút vẽ sơ đồ, diễn tả cách di chuyển, đổi chỗ cho một bài Dân Vũ đã được học hôm trước. Sơ còn giúp Vũ thực tập bằng cách cầm tay sơ thế nào cho đúng. Sự tự nhiên và cũng rất hồn nhiên của sơ lây sang Vũ, và chàng cảm thấy lòng mình vui quá, tươi mát quá. Kết quả của việc xin làm học trò ấy là: trong điểm thi kết khóa, bộ môn Dân Vũ cũa chàng được chấm trên trung bình.

* * *

Những ngày vui ấy đã trôi qua, và trôi đi rất xa. Mỗi lần nhắc lại những ngày đó, bọn giáo sư cùng khóa với Vũ, và cả chàng nữa, có cảm tưởng là những ngày ấy đã diễn ra trong một kiếp sống khác của mình. Đời sống bây giờ hình như không liên quan gì đến đoạn đời ấy nữa, mặc dù xét theo tiêu chuẩn thời gian bình thường của con người, thì nó chỉ mới cách đây một vài năm.

“Cách mạng” vào, cướp đi của người ta nhiều thứ, với người này, nó cướp đi địa vị và sản nghiệp, với người khác, nó cướp đi tình cảm và những người thân. Với Vũ nó cướp đi một đoạn đời và những kỉ niệm đẹp. Với sơ Quyên, không biết nó đã cướp đi những gì, điều chắc chắn Vũ biết là nó cướp đi của người nữ tu này bộ áo dòng.

“Hiến pháp” của nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” ghi rõ “người dân có quyền tự do tín ngưỡng.”Nhưng điều này đã được giải thích một cách ngụy biện như sau: “Nếu người dân có quyền tự do tín ngưỡng thì cũng có quyền tự do vô tín ngưỡng. Bởi thế, nếu nói về tín ngưỡng với một người nào thì tức là đã đụng chạm đến quyền tự do vô tín ngưỡng của người ấy.” Riêng ở những nơi công cộng, người ta không được có những hành vi tuyên truyền cho tôn giáo, vì như vậy là “xâm phạm quyền tự do vô tín ngưỡng một cách tập thể”. Mặc chiếc áo dòng cũng là một hành vi tuyên truyền cho tôn giáo nên không được chấp nhận trong những nơi công cộng, như trên đường phố, trường học, bệnh viện v.v…

Thế là sơ Quyên cũng như các linh mục, tu sĩ khác không được phép mặc áo dòng trong khuôn viên nhà trường nữa, dù đó là trường của nhà dòng, do chính nhà dòng thiết lập và điều khiển mấy chục năm nay. Bây giờ trường thuộc quyền “nhân dân”, là tài sản của “nhân dân”, đem lại phúc lợi cho “nhân dân”. Giáo sư, tu sĩ phải lưu lại trường, tiếp tục phục vụ con em nhân dân theo chương trình giáo dục mới, vì hiện tại nhà nước chưa có đủ cán bộ giáo dục và cán bộ điều hành chính thức tiếp quản các trường học miền Nam.

Được tin nhắn, sau giờ dạy chính thức ở một trường khác,Vũ đạp xe đạp sang trường nhà dòng, nơi sơ Quyên còn đang làm công tác của một giám học. Nếu không vừa di chuyển qua những con đường náo nhiệt và bừa bãi những dấu vết của cuộc đổi mới, Vũ đã cho rằng ngôi trường của sơ Quyên là một ngôi trường ngày trước mà chàng vừa đi ngược thời gian để gặp lại. Thật vậy, ngôi trường như tách ra khỏi được những biến chuyển bên ngoài. Phía trong bức tường dày bao bọc, ngôi trường với những mái ngói cổ kính, nằm giữa một khu vực đầy cây cao bóng mát và những vườn hoa tươi tắn hầu như không có gì thay đổi. Còn đang là giờ chơi, những cô nữ sinh áo sơ mi trắng, “duýp” màu xanh đậm tha thẩn đi dưới những giàn hoa giấy hay những tàn cây râm mát, y như là không biết rằng cái xã hội bên ngoài đã thay đổi hoàn toàn rồi, Vũ đưa mắt nhìn lên những lớp học trên lầu, vẫn cửa sổ kính với màn cửa màu sắc tươi tắn như ngày nào. Tâm hồn Vũ dịu lại, êm đềm. Cả mấy tháng nay chàng mới có được cảm giác này. Cái cảm giác bình yên, lắng đọng giống như của một người bị ai đuổi, phải chạy một quãng rất xa, bây giờ dừng lại, đi thong thả và thở đều hòa, vì biết rằng mình đã chạy thoát; hay giống như của một người vừa qua cơn bệnh thập tử nhất sinh, nay hồi phục, thân thể mỏi mệt nhưng biết rằng mình đã vượt qua được sự chết.

Hết giờ chơi, một em học sinh lớp Sáu, cầm cái chuông nhỏ nơi tay lắc một hồi. Nghe tiếng chuông ấy, các học sinh khác, kể từ các chị lớp Mươi Hai trở xuống, nhanh nhẹn đi về phía cửa lớp mình, xếp hàng đôi, rồi thong thả, im lặng vào lớp học theo lệnh của trưởng lớp. Sự trật tự ấy, không biết bao giờ học sinh được huấn luyện dưới mái trường xã hội chủ nghĩa mới có được.

Vũ đếm từng bước chậm rãi tiến lại phòng giám học, một phòng ở ngay góc vuông thước thợ, nơi tiếp nối hai dãy lớp, với một vườn hoa pensée xinh xắn phía trước. Những cánh hoa tím, mịn màng, mỏng manh, trông hiền dịu như đời sống của một nữ tu. Cửa phòng đóng kín. Ngập ngừng một lúc, Vũ đưa tay gõ ba tiếng nhẹ. Có tiếng bên trong vọng ra:

– Mời vào.

Vũ xoay trái nắm đấm cánh cửa, bước vào. Có giọng reo vui:

– Ồ, thầy Vũ! Tôi mong thầy quá!

Sơ Quyên rời bàn giấy đứng lên. Vũ nhìn sơ, là lạ. Hiểu ý, sơ đưa tay vuốt mái tóc bôm bê, hai má đỏ hồng lên vì xấu hổ. Sơ nhìn Vũ hỏi:

– Thầy thấy tôi lạ lắm phải không?

Vũ gật đầu và mỉm cười, chàng cố cười tự nhiên và mong rằng nụ cười của mình không có nét gì tinh nghịch hay chế giễu. Chàng cho rằng mình sẽ có tội lớn nếu làm cho sơ Quyên có cảm tưởng chàng trêu chọc sơ trong dáng dấp mới. Tuy vậy, chỉ trong một giây ngắn ngủi, óc Vũ đã có một sự so sánh: nếu trong bộ áo nữ tu, sơ Quyên trông dịu hiền, thánh thiện thì trong dáng dấp bây giờ, sơ trẻ hơn, tươi mát hơn, và… lạy Chúa tôi, quyến rũ hơn. Mái tóc bôm bê trước kia giấu kín trong cái lúp, bây giờ được thả tự do, đuôi tóc chấm ngang má và hơi cong về phía trước, tựa như kiểu tóc của Sylvie Vartan, khiến cho đôi má có vẻ bầu bĩnh hơn. Cái cổ trắng, cao một cách quí phái làm tăng thêm vẻ đẹp của khuôn mặt. Trên khuôn mặt ấy, dù sao cũng vẫn có những nét căn bản không thay đổi: đôi mắt to trong sáng sau cặp kính cận mỏng, chiếc mũi cao, thẳng như người Tây phương, cái lúm đồng tiền bên má trái, và đôi môi hồng màu cánh sen, lúc nào cũng như sẵn sàng nở nụ cười. Bộ áo dòng bây giờ được thay bằng chiếc áo cánh trắng cổ trái tim và cái quần đen giản dị.

Sau cái gật đầu và mỉm cười, phải đến gần một phút Vũ mới nói tiếp:

– Trông sơ lạ thật, nhưng tôi vẫn nhận ra như thường không thể lẫn sơ với người bên ngoài được.

Sơ Quyên lại cười; nhưng nụ cười vụt tắt ngay khi nghe Vũ hỏi:

– Hỏi thật sơ nhé: sơ thích mặc áo dòng hay mặc như thế này?

Sơ Quyên hé răng cắn môi dưới rồi trả lời:

– Thầy Vũ à, thầy muốn tôi giận thầy không? Nói thật cho thầy biết: tôi khóc đến hơn một tuần lễ vì cái lệnh kì cục của nhà nước. Tôi đã xin mẹ bề trên cho rời trường học, về nhà dòng để được tiếp tục mặc áo dòng…

Vũ cắt ngang lời Sơ:

– Xin thành thật xin lỗi sơ, tôi đùa vô duyên quá. Thế nhưng mà mẹ bề trên trả lời làm sao?

Sơ Quyên vui vẻ trở lại:

– Thì mời thầy ngồi đã…

Sau khi Vũ đã yên vị, sơ Quyên nói tiếp:

– Mẹ không có cho. Mẹ bảo trong giai đoạn này, tôi phải ở lại trường. Mẹ an ủi tôi rằng ngay mẹ khi ra đường cũng đâu có được mặc áo dòng. Mẹ khuyên tôi bằng một câu rất thông thường nhưng chí lí: “Chiếc áo không làm nên thầy tu.” Mẹ nói Chúa nhìn tâm hồn con để biết con yêu Chúa đến bao nhiêu, chứ Chúa không để ý xem con có mặc áo dòng hay không?

Sơ ngưng một lúc rồi tiếp:

– Mẹ khuyên thật có lí. Nhưng mà tiếc thì tôi vẫn tiếc. Thầy biết không, trước khi trưởng thành đủ để tìm thấy giá trị đích thực của đời tu, thì hình ảnh giúp tôi chọn cuộc đời tận hiến vẫn là hình ảnh Ma Sơ dạy giáo lí lúc tôi còn nhỏ. Dáng người sơ thanh nhã, dịu dàng, trong chiếc áo trắng nữ tu, trông sơ như một thiên thần.

Vũ định đùa: “Còn sơ thì mặc áo dòng hay áo thường, sơ cũng vẫn giống một thiên thần” nhưng chàng ngưng lại được.

Sơ Quyên nghiêm trang trở lại:

– Mời thầy sang đây, tôi có chút việc muốn nhờ thầy, mong thầy không chối. Mình là “bạn Chuyên Hóa” mà, phải không thầy?

“Bạn Chuyên Hóa”, đó là chữ anh chị em, và cả các linh mục, nữ tu nữa gọi những người cùng khóa Huấn Luyện Chuyên Hóa Sinh Hoạt Học Đường với mình. Khóa học tổ chức tại trường Chí Thiện, Chợ Quán ba năm trước, học vào những ngày cuối tuần, kéo dài năm tháng trời, với rất nhiều những dịp sinh hoạt chung, khiến các khóa viên càng ngày càng trở nên thân thiết.

Vũ trả lời:

– Vâng, “bạn Chuyên Hóa” thì không chối từ nhau điều gì. Nhưng Sơ cứ thử nói xem tôi có đủ khả năng không đã.

Sơ Quyên lại cười:

– Tôi nói, thầy không được chối quanh đấy. Hiện tại trường bên này thiếu một thầy giáo dạy môn Văn lớp Mười Hai, môn này có nhiều phần đụng đến lí luận văn học, phải giảng luôn cả triết học Mác Xít, ai cũng ngại. Tôi suy nghĩ mãi, thấy thầy có kinh nghiệm…

Vũ ngắt lời:

– Coi bộ sơ cho tôi là người có khả năng và kinh nghiệm giảng dạy chương trình văn học và chính trị của nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Sơ ơi, cái môn đó thì nhà giáo miền Nam chúng ta chả ai có khả năng và kinh nghiệm cả, kể cà những anh rành lí thuyết Mác-Lênin còn hơn cả các chính trị viên cộng sản chính gốc. Biết rành là một chuyện, mà dạy cho đạt được cái gọi là “mục đích yêu cầu” của sở Giáo Dục lại là chuyện khác. Thôi, tôi chả dám…

Giọng sơ Quyên nhỏ nhẹ:

– Tôi năn nỉ thầy mà. Tôi nói chuyện khả năng và kinh nghiệm là cái khả năng và kinh nghiệm sư phạm cơ, mà thầy không chịu hiểu. Cái khả năng giúp cho người thầy giáo muốn học sinh hiểu đến cỡ nào thì hiểu đến cỡ ấy; và nếu muốn chúng hiểu cả những gì mình không nói thành lời, chúng cũng sẽ hiểu được như thế.

– Sao sơ biết tôi làm được chuyện đó?

– Thầy quên tôi có cao học ngành tâm lý giáo dục sao? Chỉ nói chuyện với thầy vài lần, tôi có thể biết đại khái thầy là người như thế nào, bản chất ra sao, có những khả năng trội vượt nào…

Ngưng một chút, sơ Quyên nói tiếp:

– Với lại hồi trước, mấy cô giáo hay dự các buổi sinh hoạt liên trường cũng nói nhiều về thầy…

Đến lần Vũ cười:

– Họ nói xấu tôi những gì đó sơ?

– Họ bảo thầy… lém lắm!

Vũ giơ hai tay lên:

– Chết thật! Mấy cái cô này vu khống cho người ta. Tôi phải kiện mới được.

– Thầy kiện ở đâu? Kiện với Ủy Ban Quân Quản thành phố hở?

Sơ Quyên hỏi đùa Vũ như vậy, rồi trở lại giọng nghiêm trang:

– Thôi, thầy bằng lòng giúp tôi đi. Mà cũng chẳng phải là giúp tôi nữa, chính là giúp các em học sinh ở đây. Không hiểu cuối năm đi thi tốt nghiệp Phổ Thông rồi, các em ấy đạt được cái gì, nhưng dù sao đi thi mà đậu cũng vẫn hơn là rớt.

Vũ cố vớt vát:

– Tôi dạy cái môn quỉ quái ấy, lỡ nói nhăng nói cuội bị bắt thì sao?

– Tôi không nghĩ như vậy đâu. Thầy khôn ngoan lắm mà. Với lại tôi sẽ cầu nguyện cho thầy.

Nghe đến hai chữ “cầu nguyện”, Vũ cảm thấy như có một mũi gai nhọn đâm thấu vào trái tim chàng. Lâu quá, Vũ không còn biết cầu nguyện là gì nữa, chàng đã quên mất thói quen đó. Trước đây không một buổi sáng nào thức giấc, trước khi ra khỏi giường, Vũ không tưởng nhớ đến Đấng Tối Cao và dâng lên Ngài tất cả những giờ phút chàng sẽ trải qua, sẽ sinh hoạt trong ngày hôm ấy. Cũng như không một đêm nào trước khi lên giường ngủ, chàng không để ra ít phút để kiểm điểm lại một ngày đã qua, và về những gì chàng đã suy nghĩ, đã hành động, đã nói năng, phản ứng. Chàng cảm tạ Thượng Đế về một ngày yên bình, xin lỗi Ngài về những lỗi lầm chàng đã vấp phải. Thói quen ấy đã mất đi, cùng với cái chết của miền Nam và những bước chân ra đi, thật xa, của những người thân trong gia đình, cả của người con gái mà đã một thời chàng yêu thương tha thiết. Bây giờ, sau những giờ bắt buộc phải dạy tại nhà trường và những buổi họp, những buổi học tập chính trị, những buổi lao động tập thể phải tham dự, Vũ trở về căn nhà gỗ của chàng, một mình một bóng, lặng lẽ và cô độc. Chàng chẳng muốn mời bạn bè lại nhà, cũng không để cho học trò tự do đến thăm như trước. Dù hiểu rõ ràng rằng chuyện người yêu và những người thân ra đi trong khi chàng kẹt lại hoàn toàn do cảnh ngộ đẩy đưa, và dù chàng vui mừng thật sự khi được tin những người ấy đến được xứ sở tự do một cách an bình, trong vô thức Vũ vẫn có một cái gì giận dỗi. Hình như mọi người đều đã bỏ chàng, và cả Đấng Tối Cao mà chàng tôn thờ cũng bỏ rơi chàng nốt. Sự giận dỗi nội tâm khiến Vũ không còn muốn cầu nguyện. Lâu dần, chàng không còn biết đến những chữ “phó thác”, “xin ơn che chở” là gì nữa. Vũ đã đối phó với những khó khăn, nguy hiểm bằng chính sức lực, đầu óc của chàng. Đôi lúc, Vũ cũng giật mình tự hỏi mình xem mình có đang tình nguyện trở thành một kẻ vô thần không, nhưng những giây phút tự vấn ấy rồi cũng qua đi, và Vũ vẫn không tìm lại được thói quen cầu nguyện.

– Thầy Vũ à, thầy nghĩ gì mà lâu thế? Thầy bằng lòng giúp tôi, giúp các em học sinh nhé. Chúa sẽ ở với thầy, che chở thầy và nâng đỡ thầy.

Giọng người nữ tu trong trẻo và dịu dàng bên cạnh khiến Vũ sực tỉnh. Chàng trả lời sơ Quyên bằng một câu chính chàng cũng không ngờ:

– Dạ, xin vâng lời sơ. Nhưng xin sơ cầu nguyện với tôi. Ngay bây giờ.

Sơ Quyên nhìn Vũ hơi lâu, rồi khẽ gật đầu. Sơ đứng lên khép cánh cửa văn phòng lại, kín đáo lấy trong túi ra một tượng Thánh Giá nhỏ, treo lên cái đinh đóng sẵn trên tường. Giọng sơ thầm thì:

– Thầy biết không? Tôi vẫn có những giây phút cầu nguyện giữa giờ làm việc như thế này. Tôi yếu đuối và non dại, sống trong xã hội đầy những hận thù, rình rập đe dọa như bây giờ, tôi biết đối phó ra sao. Sự cầu nguyện, phó dâng tất cả cho Thiên Chúa giúp tôi bình tĩnh và yên tâm trở lại. Tôi nghĩ rằng tôi nhỏ bé và khờ dại, nhưng Cha trên trời của chúng ta vô cùng khôn ngoan, Ngài là Đấng Toàn Năng, tôi đâu còn sợ gì nữa. Thầy cũng có thói quen cầu nguyện. phải không?

Vũ định đính chính. Nhưng nghĩ sao, chàng chỉ thinh lặng. Sơ Quyên lại nói:

– Thôi chúng ta đọc kinh Lạy Cha đi…Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, Amen… Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Giọng sơ thật nhỏ nhưng thật rõ, êm đềm, đều đặn. Vũ mấp máy môi đọc theo. Lâu quá, Vũ không đọc kinh, bây giờ đọc lại tự dưng Vũ để ý đến từng chữ một, từng lời, từng ý chứ không chỉ đọc ngoài miệng như trước đây nhiều lần chàng đã đọc. Và Vũ đã xúc động thực sự, xúc động như lần đầu tiên chàng thấu hiểu ý nghĩa của kinh Lạy Cha. “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” Chúa ơi, không ai nợ tiền nợ bạc con cả, nhưng có những người mà con nghĩ họ nợ con món nợ tình cảm, và họ đã không trả. Có những người cả đời con gắn bó ngay từ thuở ấu thơ, sống dưới một mái gia đình, ăn chung mâm, cùng chơi đùa với những trò chơi tuổi dại, lớn lên con đã nâng đỡ họ, dắt dìu họ, vì con lớn hơn họ, khôn ngoan hơn họ, và nhất là vì con yêu thương họ. Những người đó giờ này đã đi cả, đi rất xa, đến một chân trời khác, họ xây dựng cuộc đời mới và không nhớ gì đến con, không nhớ đến món nợ yêu thương mà con trao cho họ với cả tấm lòng. Và lạy Chúa, có một người con gái mà con đã trao trọn cho cô ấy cả một trái tim tuổi trẻ, một trái tim nồng nàn và nguyên vẹn, con đã cố gìn giữ qua bao nhiêu cám dỗ của cuộc đời chung quanh và sự đòi hỏi của thân thể người thanh niên. Nếu sống vào thuở xa xưa, chắc nhiều lần cô ta và con đã chỉ núi chỉ sông, chỉ trăng chỉ sao mà thề sẽ sống chết vì nhau. Ở thời này chúng con đã không chỉ tay mà thề như vậy, nhưng đã trao cho nhau những câu nói, những cử chỉ còn nặng hơn cả một lời thề. Cô ta đã ra đi và nợ con cả một trái tim chất chứa đầy những tình sâu nghĩa nặng đó… Bây giờ Chúa bảo con tha cho tất cả, thì vâng… con xin tha, mặc dù chuyện này rất khó. Con sẽ tha, bởi vì Chúa đã tha cho con quá nhiều, tha cho con cả một quãng thời gian dài hờ hững với Chúa; tha cho con cả bao nhiêu ngày con không hề biết tha thứ; tha cho con về những ý nghĩ và hành động ngông cuồng; tha cho con về những tuyệt vọng và không còn tin tưởng… Vâng lạy Chúa, con sẽ tha, tha tất cả, cũng như Chúa đã tha cho con tất cả… Con cũng xin “cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, sự dữ đang bao quanh chúng con, sự dữ diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên quê hương chúng con hiện tại; sự dữ bao trùm từ những trung tâm quyền lực cao nhất và lan tràn trong khắp xã hội. Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ đó…

Sơ Quyên làm dấu Thánh Giá kết thúc giờ cầu nguyện vắn vỏi, nhưng Vũ vẫn còn đắm chìm trong giây phút trầm tư bất chợt. Tôn trọng những giây phút thiêng liêng đó, sơ Quyên nhẹ nhàng rời chỗ, tiếp tục công việc làm của mình.

* * *

Những ngày dạy học tại ngôi trường này quả là những ngày êm đềm đáng nhớ. Nữ sinh lớp Mười Hai trường nhà dòng, đang tuổi lớn, đẹp tươi mát, nhưng tâm hồn hồn nhiên, thùy mị như những em bé mười ba. Vũ giảng bài, không phải soạn giáo án, không phải đạt “mục đích yêu cầu”. Học trò hiền như con chiên, chả cô nào thắc mắc về những điều thầy giảng. Nhân đó, Vũ chỉ nói sơ sài về những điểm chính trong nội dung bài giảng mà không phải đi sâu vào chi tiết với những lời lẽ “sắt máu” như tại những lớp ở trường chính của chàng. Một tuần, Vũ chỉ dạy trọn hai buổi học ở trường nhà dòng, hai ngày chàng cho là hai ngày tạm bỏ thế gian để về thiên đàng.

Sơ Quyên có một vài săn sóc, tuy nhỏ nhưng rất ân cần đối với Vũ. Thỉnh thoảng trước giờ dạy hay trong giờ chơi, sơ mời Vũ sang phòng mình, pha cho chàng một ly sữa hoặc nấu một ly mì gói, ép chàng dùng. Vũ có từ chối thì sơ nói:

– Trông thầy gầy và yếu lắm, thầy phải dùng thêm một chút tôi mới để thầy vào lớp.

Đôi khi Vũ từ chối và hỏi sơ Quyên:

– Sơ lấy quyền gì bắt tôi phải như thế? Nếu dùng quyền giám học thì tôi xin nghỉ dạy đấy.

Nhưng sơ Quyên trả lời một cách khôn ngoan:

– Đâu có, tôi dùng quyền của một người bạn đối với một người bạn mà.

Rồi sơ ép:

– Thầy chịu khó dùng đi. Thứ này nhà dòng còn để dành được đấy.

Có lần Vũ nói:

– Tôi thấy sơ còn mệt và yếu hơn cả tôi nữa. Sơ phải dùng những món này mới đúng.

Sơ Quyên cười thật tươi:

– Thế thầy không biết người nhà dòng ăn ít quen rồi sao?

Nhiều buổi ra chơi, Vũ không ngồi lại phòng giáo chức. Chàng vốn là người dễ ngại ngùng khi tiếp xúc với những người lạ. Ở đây, Vũ chẳng quen thuộc mấy, toàn là những khuôn mặt lạ, có cả những khuôn mặt mới nhìn đã thấy đáng ngại. Những buổi ra chơi đó, Vũ thường đi băng qua một khoảng sân rộng để vào nhà nguyện của nhà dòng. Nhà nguyện màu trắng, xây cất theo mô hình của một đại thánh đường nhưng lại nhỏ bé xinh xắn. Ngôi nhà nguyện nhỏ này vốn là kỉ niệm đẹp của tất cả các nữ sinh trường nhà dòng trước đây. Nhiều cô nữ sinh sau này ra trường, lớn lên, lấy chồng và muốn được cử hành hôn lễ tại nguyện đường này nhưng không được các sơ đồng ý. Các sơ muốn giữ cho nhà nguyện một không khí đơn sơ, tĩnh mịch.

Vũ đã vào ngôi nhà nguyện đó, quì ở hàng ghế cuối cùng, nhìn lên cung thánh, và chàng cũng đã yêu thích nhà nguyện như bao nhiêu người trước đây đã yêu thích. Ở đây, chàng thấy được bình yên, không phải là thứ yên bình giả tạo của một người chạy trốn thực tại, nhưng là thứ yên bình phát xuất từ nội tâm. Cũng rất nhiều lần Vũ thấy sơ Quyên vào nhà nguyện. Những lúc này, sơ mặc lại chiếc áo dòng khiến cho Vũ thấy ở sơ một hình ảnh quen thuộc. Thường sơ Quyên vào nhà nguyện để dọn khăn bàn thờ, thay hoa ở bàn thờ chính và những bàn thờ Đức Mẹ, thánh Giuse… Hai người thấy nhau, thường chỉ gật đầu chào nhẹ mà không nói một lời nào. Thường thường bàn thờ Đức Mẹ cắm hoa huệ, loại huệ ta cuống dài, hoa nhỏ, trắng muốt và hương thơm rất ngát. Mùi hương nhắc cho người ta nhớ tới những buổi chầu Thánh Thể, chầu phép lành, những buổi đọc kinh kính viếng Đức Mẹ vào các chiều thứ Bảy. Hai bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của sơ Quyên thoăn thoắt làm việc, hình như hai bàn tay ấy đã quen thuộc với công việc này từ lâu lắm rồi, Vũ đoán chúng đã quen với việc thay hoa, cắm hoa ngay từ ngày sơ Quyên còn là một thiếu nữ mười ba, mười bốn, chập chững bước chân vào nữ đệ tử viện dòng Saint Paul. Sơ rút những cành hoa cũ, bỏ vào một chậu nhỏ mang sẵn, rồi đổ nước trong bình, thay nước mới, tháo sợi dây buộc bó hoa mới, lấy từng cánh ra cắm thử để ước lượng độ cao, lấy dao cắt bớt cuống, chẻ cuống hoa ra làm tư, rồi thực sự cắm vào bình, bàn tay khéo léo của sơ đưa cành hoa tỏa đều ra chung quanh, trông thật nhẹ nhàng thanh nhã.

Phải thú nhận một điều là sự có mặt của sơ Quyên trong nhà nguyện làm cho Vũ chia trí. Cái bóng trắng nhỏ nhắn thấp thoáng trước mặt khiến Vũ không thể chú tâm cầu nguyện được. Chàng để mắt quan sát những cử chỉ của sơ, để ý từng cái bái quì trước cung thánh, dịu dàng và tôn kính, để ý từ bàn tay thon nhỏ đưa lên làm dấu Thánh giá, để ý từng cái kiễng chân với bình hoa trên bàn thờ. Đã có lúc chàng tự trách mình sao để ý tới sơ nhiều quá như thế, và chàng nghĩ rằng chắc Chúa cũng trách mình nữa. Thế nhưng mà, nếu Chúa thật sự là Chúa nhân từ của chàng thì Chúa cũng phải “thông cảm” với chàng chứ. Làm sao cầm trí cho được khi có cái bóng cứ loáng thoáng trước mặt mình, làm đủ những thứ linh tinh như thế. Vũ xin lỗi Chúa nhưng cảm thấy lòng bình an, vì chàng đã không bắt lỗi chàng và cho rằng Chúa cũng không bắt lỗi chàng nốt.

Những ngày vui qua mau. Mấy tháng ngắn ngủi Vũ dạy học tại trường nhà dòng chấm dứt đột ngột sau thông cáo của sở Giáo Dục thành phố, qui định mỗi giáo viên chỉ dạy tại một trường duy nhất. Buộc lòng Vũ phải trở về nhà trường chính của chàng.

Buổi dạy cuối cùng của trường nhà dòng, sau khi giờ học chấm dứt, Vũ thu xếp sách vở, từ giã học trò bằng những lời chân thành phát xuất tự trái tim của chàng. Chàng cầu chúc những cô học trò “ngoan hiền như con chiên” của chàng, trong hoàn cảnh nào cũng giữ được niềm vui và hạnh phúc, món quà tặng quí báu mà Thượng Đế ban cho con người. Vũ nói tới Thượng Đế một cách bình tĩnh, tự nhiên không một chút lén lút hay sợ hãi. Học trò cũng đón nhận lời cầu chúc của chàng một cách chân thành. Có vài cô tính hay xúc động, gục mặt xuống bàn giấu những giọt nước mắt nóng. Vũ không dám đứng lại lâu thêm nữa, chàng phác một cử chỉ giã từ cuối cùng rồi ra khỏi lớp, xuống cầu thang bước nhanh về văn phòng giám học.

Sơ Quyên đã chờ sẵn Vũ trong phòng. Vũ định nói nhanh một lời cảm ơn và từ giã vì chàng rất sợ những phút chia tay, nhưng con người sơ Quyên và không khí thinh lặng khiến Vũ không thể làm theo ý muốn. Nhẹ nhàng, sơ mời Vũ ngồi xuống ghế và đẩy nhẹ một ly nước cam pha sẵn về phía chàng, cùng với lời mời:

– Mời thầy dùng nước.

Trong lúc Vũ nghịch với cái muỗng thì sơ Quyên tiếp tục nói:

– Thầy không dạy học ở đây nữa, tôi buồn thật đấy, thầy Vũ ạ. Sự có mặt của thầy có lẽ để thể hiện của tình bạn, nhưng bên cạnh đó, hình như Chúa muốn dùng thầy để nhắc nhở tôi một điều gì. Một người không dâng mình vào nhà Chúa như thầy mà sống rất can đảm, rất an bình và phó thác trong hoàn cảnh hiện tại như thầy, điều đó khiến tôi cảm thấy mình có nhiều thiếu sót trong đời sống tu trì. Nhiều lúc tôi đã thấy lo sợ, nhiều lúc tôi xao xuyến, nhiều khi tôi đã thiếu trông cậy vào ơn Chúa. Tôi biết rằng có Chúa đời tôi sẽ an bình, nhưng đôi khi tôi lạc mất Chúa và đánh mất sự bình an của mình. Tôi cảm ơn thầy về sự nhắc nhở rất âm thầm đó.

Nghe sơ Quyên nói, Vũ cảm thấy như mặt mình nóng dần lên vì xấu hổ. Chàng tự biết mình chẳng ra gì, nhiều khi hư đốn. Đã có những lúc Vũ để cho mình tưởng tượng những chuyện táo bạo, chàng đã thầm ước rằng giá mà sơ Quyên không đi tu, hay giá mà sơ Quyên thôi đừng tu nữa. Chàng đã còn nghĩ thêm rằng chuyện ấy có sao đâu, sơ sẽ chẳng có lỗi gì khi có một quyết định mới. Vả lại, thời buổi bây giờ, chuyện tu trì coi bộ khó khăn quá. Nhiều nhà dòng đã bị đóng cửa, tài sản bị tịch thu, các tu sĩ ra ngoài sống chen lẫn với người đời, việc tu hành chỉ còn giữ được trong lòng. Ngôi trường của sơ Quyên hiện tại và những cơ sở khác thuộc nhà dòng, chỉ ít lâu nữa rồi cũng lọt vào tay đảng và nhà nước, Vũ biết chắc chắn như thế. Đã có nhiều khi Vũ nghĩ về sơ Quyên, không phải là nghĩ về một người nữ tu, nhưng là nghĩ về một người con gái dịu dàng xinh đẹp, đem đến cho cuộc đời chàng niềm an ủi và sự nâng đỡ tâm hồn. Sau những mất mát quá nhiều, nhất là những mất mát về tình cảm, sơ Quyên là dòng suối mát duy nhất đổ tràn nước nguồn dịu ngọt vào tâm hồn chàng. Không bao giờ Vũ nói ra, nhưng thực sự chàng đã vui đến cả mấy ngày liền mỗi khi sơ dành cho chàng một cử chỉ chăm sóc. Nguyên cái chuyện nghĩ rằng sơ dành cho mình một cảm tình đặc biệt, Vũ đã thấy hạnh phúc vô cùng.

Nhưng bây giờ thì Vũ hiểu, người nữ tu trẻ và xinh đẹp này thực ra có một tâm hồn rất vững chãi, một sự cương quyết đi theo con đường đã vạch sẵn. Cuộc đời của sơ hình như không còn thuộc về sơ nữa, mà thuộc hẳn về Thiên Chúa. Vũ cũng hiểu được rằng tất cả những sự dịu dàng, những cử chỉ săn sóc sơ dành cho chàng hoàn toàn ngay chính, trong sạch; một tình cảm tinh tuyền chỉ có nơi những tâm hồn hướng thượng. Không chối được rằng sơ có dành cho chàng một cảm tình đặc biệt, nhưng cảm tình ấy trong sáng và thẳng thắn, không có chút gì mờ ám, khuất tất, cũng như không hề ảnh hưởng chút nào đến sự hiến thân trọn vẹn cho lí tưởng tu trì.

Vũ xấu hổ vì trong khi lòng mình có nhiều ngõ nẻo quanh co như thế thì sơ Quyên, với đôi mắt trong sáng, lại nhìn chàng như một mẫu người cao thượng, ngay chính, một con người có thể nâng đỡ sơ trong bước đường hoàn thiện. Bây giờ Vũ mới hiểu thấm thía lời nói của một vị linh mục nào đó, trong một bài giảng chàng đã nghe lâu lắm rồi, vị linh mục ấy nói: “Chúa có thể thực thi thánh ý Ngài bằng những dụng cụ tầm thường nhất, vô dụng nhất.” Để nâng đỡ sơ Quyên trên đường toàn thiện, Chúa đã dùng chàng, một dụng cụ tầm thường và bất xứng để làm công việc ấy. Dụng cụ có thể không ý thức về việc nó làm, và thực sự là nó đã không làm, chính người sử dụng nó đã làm, nhưng nó đã thực hiện được những điều mà người sử dụng muốn làm qua nó.

Vũ trầm ngâm một lúc lâu, rồi chàng nói với sơ Quyên những gì chàng đang nghĩ, dĩ nhiên chàng chỉ nói những gì nên nói trong lúc này:

– Không được tiếp tục dạy ở đây, không được có dịp gặp gỡ sơ, tôi cũng buồn lắm, sơ Quyên ạ. Nhưng mà người nâng đỡ sơ trong mọi nơi, mọi lúc chính là Chúa, không phải là bất cứ ai khác, cả tôi nữa. Cám ơn Chúa, nếu thật sự Chúa đã dùng tôi như một dụng cụ của Ngài để nâng đỡ sơ trong những ngày tháng qua, nhưng tôi cần nói thật với sơ, tôi xấu hổ vì thấy mình xấu xa và bất xứng, tôi nói thật điều này chứ không phải nói những lời lẽ khiêm nhường bên ngoài đâu.Tôi cần được cầu nguyện nhiều, thỉnh thoảng sơ làm ơn nhớ đến và cầu nguyện cho tôi.

Giọng sơ Quyên từ tốn:

– Tôi cũng cần được cầu nguyện. Tất cả chúng ta đều cần ơn Chúa. Thôi thì… cầu nguyện lẫn cho nhau, thầy nhé.

Vũ đứng lên nghiêng mình chào người nữ tu và bước ra. Trên đường về nhà, chàng thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thoát. Hình như có một niềm vui khiến chàng nghĩ rằng mình có thể bay bổng lên không, mặc dù chàng vẫn còn mang một thân thể nặng nề.

* * *

Trước lễ Giáng Sinh năm ấy một ngày, Vũ tìm cách ghé qua trường nhà dòng thăm sơ Quyên. Lòng chàng run lên nhè nhẹ khi đặt chân vào khuôn viên nhà trường, đi dưới những bóng cây râm mát, ngang qua những vườn hoa, ngước nhìn những cửa sổ kính của các phòng học… Chàng dừng chân trước cửa văn phòng Giám Học, nơi có một vườn pensée tím nho nhỏ phía trước. Chàng đứng trước cửa phòng, tay cầm một cành huệ trắng, cành huệ thay thế cho một bông hoa hồng mà vào một ngày nào đó khi chàng còn dạy ở ngôi trường này, suýt nữa chàng đã đem đến tặng sơ Quyên.

Cánh cửa mở sau ba tiếng gõ nhẹ. Giọng vui mừng quen thuộc của sơ Quyên cất lên:

– Ồ, thầy Vũ. Tự nhiên tôi nghĩ là hôm nay thầy đến.

Vũ giơ cành huệ ra phía trước:

– Lễ Giáng Sinh, tôi đến thăm sơ, chúc sơ mãi mãi hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Tôi muốn tặng sơ một cành huệ trắng, bông hoa tượng trưng cho hình ảnh người nữ tu suốt đời tận hiến cho một tình yêu cao cả.

Sơ Quyên đón lấy cành huệ. Giọng sơ vui vẻ một cách hồn nhiên:

– Cảm ơn thầy. Tôi hiểu thầy muốn nhắc tôi điều gì, thầy Vũ ạ. Vâng, tôi hứa mà, tôi hứa dù hoàn cảnh có đổi thay và khe khắt đến thế nào đi nữa, mãi mãi tôi vẫn sẽ là một nữ tu trung thành với tình yêu Thiên Chúa, cho dù bộ áo tôi mặc bên ngoài có hình thức như thế nào cũng vậy.

Trong phòng, mùi huệ thơm ngát tỏa lan, mùi thơm của lòng đạo đức, của những buổi cầu kinh trong nhà nguyện, của tâm hồn thanh khiết một vị nữ tu.

Quyên Di
Hoa Hồng Nhà Kín

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment