- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bảo Quỳnh

Hôm ấy, trời bỗng dưng đổ mưa tầm tã. Cơn mưa bất chợt kéo đến, phủ một màu trắng xóa trên thành phố tiêu điều. Phía bên kia con hẻm, những giọt mưa lớn, rơi nhanh xuống dãy mái tôn, bắn lên, nở ra những bông hoa pha lê trong vắt. Các cửa nhà đều đóng im ỉm, nhưng bọn trẻ con, không biết từ lúc nào, đã ào ra ngoài đường tắm mưa, la hét, nói cười inh ỏi. Tiếng chúng hòa lẫn trong tiếng mưa rơi, gió rít và tiếng ống cống thoát nước ào ào, tạo thành những âm thanh vô cùng hỗn độn.

Tôi ngồi bên thành cửa sổ nhìn ra ngoài trời, bỏ mặc xấp bài luận văn đang chấm dở, nằm hờ hững trên mặt bàn. Những bài luận, trăm bài như một, đều viết theo khuôn mẫu định sẵn, ca ngợi chính sách của đảng và nhà nước; lời văn hay, vụng hơn nhau chút xíu, nhưng tuyệt nhiên không bài nào có ý kiến riêng. Ngồi đọc cả trăm bài luận rập khuôn như thế, tưởng không còn có cực hình nào hơn nữa cho người dạy môn văn. Bởi vậy, bỏ dở việc chấm bài, ra cửa sổ nhìn mưa đổ xuống xối xả và nghe những âm thanh hỗn độn dưới đường, coi bộ vẫn còn thú vị hơn.

Cơn mưa đến bất chợt là một giải thoát đúng lúc cho tôi, lúc mà sự chán ngán lên đến cao độ nhất, nhưng không dám can đảm bỏ bút đứng lên, vì cách nào đi nữa, tôi cũng phải ráng “thanh toán” cho xong xấp luận văn dầy cộm như một quyển từ điển trong ngày hôm nay. Sự đột biến của không gian và thiên nhiên là cái cớ… chính đáng để ngưng công việc lại.

Hình như có một bóng người đang chạy vội ngang qua đường, nhắm ngay phía cửa nhà tôi. Trời mưa lớn quá! Giữa ban ngày mà cái bóng chỉ mờ mờ ảo ảo. Tôi mở to mắt quan sát. Cái bóng dừng lại dưới hiên nhà tôi thật, và rồi tôi nghe tiếng gõ cửa gấp rút. Không biết chuyện gì, tôi hơi e ngại nhưng cũng vội vàng bước xuống cầu thang rồi chạy ra mở cửa. Bóng người ào vào nhà cùng với những hạt mưa bị cuốn theo ngọn gió lạnh, ướt át. Tôi nghe tiếng chào “thưa cô” run rẩy thoát ra khỏi đôi hàm răng đang đánh vào nhau. À, thì ra con bé Bảo Quỳnh! Con nhỏ làm gì mà đến nhà tôi giữa lúc trời mưa tầm tã thế này! Nhưng bây giờ không phải là lúc thắc mắc, tôi đẩy vội Bảo Quỳnh vào phía trong, chỉ nhà tắm cho con bé, bảo:

– Vào lau đầu tóc và người cho khô đi. Cô lấy quần áo cho mà thay.

Bảo Quỳnh “vâng”, rồi ngập ngừng:

– Thưa, còn cái này…

– Gì đấy?

– Thưa cô, chậu hoa quỳnh em đem đến biếu cô…

Rồi Bảo Quỳnh đưa ra phía trước chậu quỳnh nhỏ xíu nãy giờ vẫn giấu sau lưng. Tôi đỡ lấy, để lên mặt bàn bên cạnh, giục:

– Được rồi, để đây. Bảo Quỳnh vào lau người cho khô đi, coi chừng bị cảm đấy.

Bảo Quỳnh vào phòng tắm rồi, tôi quay vào phòng trong, lục tìm trong ngăn tủ quần áo một bộ tương đối vừa mặc cho cô bé. Lâu lắm rồi, tôi không may mặc, mua sắm gì cả, áo quần đều đã cũ, hầu hết đã sờn vai, ngả màu. Tôi vẫn mặc đến trường dạy học tỉnh bơ. Bây giờ chẳng còn ai cười ai, vì người nào cũng như người nào, rách rưới quá cũng kỳ kỳ. Nghĩ ngợi một lúc, tôi chắc lưỡi, lấy trong đáy tủ ra bộ quần áo lụa màu cánh sen. Đây là bộ quần áo kỉ niệm. Hồi đó, Khanh đã đưa tôi đi phố mua vải và dẫn đến một tiệm may quen đo, cắt. Mua vải, may quần áo cho nhau đã là một hành động gần gũi và thân mật lắm rồi. Nhưng rồi Khanh đã ra đi, ngay từ những ngày chớm biến động. Tôi không biết bây giờ chàng ở tận chân trời nào. Mong tin và thư của chàng thì mong quá, nhưng mãi đến nay, hơn hai năm trôi qua, tôi không nhận được tin tức gì về chàng cả.

Cầm bộ quần áo lụa trên tay và áp nó lên người, tôi hơi rùng mình, như cảm thấy da thịt được vuốt ve. Bước vội về phía nhà tắm, vắt bộ quần áo ngang qua thành cửa, tôi dặn với vào trong:

– Quần áo khô có sẵn đây. Thay đi rồi ra đây với cô.

Bảo Quỳnh đáp lại bằng một tiếng “dạ” thật ngoan và hiền.

Tôi bước ra ngồi ở bàn, vừa ngắm chậu hoa quỳnh, vừa lan man nghĩ đến cô học trò dễ mến này.

Đó là một chậu quỳnh mới ươm. Chiếc lá quỳnh lớn, một nửa lấp dưới đất, một nửa nằm bên trên. Từ cạnh lá, mọc lên một cọng cao và thẳng, trên đó có những cái lá nhỏ xíu mới thành hình, còn giữ màu hung đỏ. Ngoài cái màu hung đỏ của lá non ấy, còn lại là một màu xanh như ngọc thạch. Cây quỳnh mới mọc trông thanh nhã và đầy nhựa sống.

Tôi thích quỳnh, một phần vì hoa của nó khi nở trông thật đẹp, một phần vì Khanh thích loại hoa này. Hồi đó, mỗi lần lại thăm Khanh, tôi thường theo chàng ra mảnh vườn nhỏ sau nhà, ngắm những chậu quỳnh tươi tốt do chính tay chàng chăm sóc. Thỉnh thoảng, Khanh chỉ cho tôi coi những nụ hoa mới mọc và lộ vẻ sung sướng một cách rất hồn nhiên khiến tôi cũng thấy vui lây. Những ngày tươi đẹp và thân ái ấy bây giờ đã xa. Chúng tôi mỗi người một ngả. Tôi không có dịp trở lại căn nhà Khanh ở ngày xưa nữa, vì một lần đi qua đó, tôi thấy lố nhố trước cửa những người lạ hoắc từ đâu dọn đến đấy. Không biết những chậu quỳnh còn ở nguyên chỗ cũ không, và nếu còn, nó có được chăm sóc đúng mức không. Tôi lấy làm ân hận là ngày đó đã không xin Khanh một chậu về nhà. Nếu có, mỗi lần nhìn cây quỳnh, chắc rằng tôi thấy gần gũi chàng hơn, mặc dù thực tế chúng tôi trùng trùng ngăn cách.

Vốn thích giống hoa quỳnh từ trước, nên cách đây hơn một tháng, khi lại thăm nhà Bảo Quỳnh, tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy dáng cây hoa quen thuộc trong vườn sau nhà cô bé. Thấy tôi ngắm nghía cây hoa mãi, Bảo Quỳnh nói:

– Nếu cô thích, em sẽ ươm cho cô một cây. Cô yên chí đi, ông nội của em chỉ cho em cách ươm rồi. Dễ lắm cô ạ, chỉ cần một cái lá đã già nhưng còn tươi, cắm xuống đất, chịu khó tưới bón, chỉ ít lâu sau sẽ có cái cây mới mọc lên ngay ở mép lá.

Tôi gật đầu, nhưng sau đó quên khuấy đi chuyện ấy, cũng không nghĩ là cô học trò giữ lời hứa đến thế này. Hóa ra ngay từ hôm tôi lại thăm, Bảo Quỳnh đã ươm cây quỳnh non này cho tôi rồi.

Tôi đang ngắm nghía chậu quỳnh thì Bảo Quỳnh bước ra. Mái tóc ướt mới chải, khuôn mặt và đôi má đã lấy lại chút sắc hồng, đôi mắt sáng long lanh dưới hàng lông mày thanh nhã; và trong bộ quần áo lụa màu cánh sen, cô bé trông lớn ra và đẹp quá. Tôi cất tiếng khen thực thà, nhưng lời khen của tôi làm Bảo Quỳnh e thẹn, đỏ cả mặt, rồi ngồi xuống cạnh tôi, nói lảng sang chuyện khác:

– Cô thích chậu quỳnh này không? Đẹp chứ cô nhỉ.

Rồi Bảo Quỳnh vênh mặt lên một cách rất hồn nhiên, tiếp:

– Em trồng đó, cô khen em đi!

Dĩ nhiên là tôi khen, nhưng sau đó trách… yêu:

– Tại sao không để hôm khác mà lại đội mưa đến nhà cô như thế này? Rồi về nhà lỡ đau ốm có khổ không!

Bảo Quỳnh cười, khoe đôi hàm răng trắng đều:

– Cô đừng có lo, em khỏe như một… con voi vậy.

Rồi cô bé chống chế:

– Với lại em đâu có ngờ trời mưa bất chợt như thế. Em đang đi thì mưa đổ ụp xuống làm em không kịp trú chân vào đâu cả. Đã ướt cho ướt luôn, em không có tạt vào đâu nữa. Với lại tính em đã định tặng ai cái gì thì làm cho bằng được. Đem chậu quỳnh tặng cô, nửa đường lại đem về, em không thích.

Con bé nói liến thoắng làm tôi cũng vui vui; nhìn ra ngoài, trời vẫn mưa lớn, hình như chưa giảm bớt chút nào. Đồng hồ đã chỉ bảy giờ tối; tôi nói với cô học trò:

– Thôi, ở đây ăn cơm với cô đi. Ba mẹ cô hôm nay đi vắng cả, chỉ có hai cô trò mình thôi. Lát nữa về, cô viết thư cho ba má em, nói là em ở nhà cô, ba má không có la đâu.

Bảo Quỳnh nhận lời ngay, không làm bộ làm tịch gì cả. Hai người xuống bếp, hâm lại nồi cơm nguội và niêu cá kho. Thời buổi này, còn được ăn cơm cá kho như tôi, đã là sang lắm rồi.

Trong khi ăn, tôi hỏi cô học trò:

– Tên Bảo Quỳnh của em với hoa quỳnh có liên hệ gì với nhau không? Ai đặt tên cho em vậy?

Bảo Quỳnh đặt chén cơm xuống bàn, gật đầu:

– Có cô ạ. Ông nội đặt tên cho em đấy.

Rồi cô bé kể:

– Ông nội thích hoa quỳnh lắm cô ơi. Ông gây giống trong vườn từ lâu lắm rồi, trước cả lúc má em sinh ra em nữa. Có lần ông nội kể cho em nghe là ngày má sinh ra em cũng là ngày hoa quỳnh trong vườn nở. Đêm ấy, ông nội mời các bạn ông đến chơi, ngắm hoa, nói chuyện văn chương thi phú gì đó. Rồi ông với các bạn nghĩ đến chuyện đặt tên cho em. Cuối cùng, do buổi ngắm hoa của ông nội mà em có cái tên Bảo Quỳnh, tức là bông hoa quỳnh quí.

Nói đến đây Bảo Quỳnh đùa:

– Nhưng mà em chẳng thấy quí ở chỗ nào cả. Em chỉ ăn hại thôi. Lớn như thế này mà chưa giúp đỡ gì được cho ông nội với ba má. Rồi thời buổi bây giờ, chẳng biết là có dịp tỏ lòng hiếu thảo không.

Lời nói đùa của Bảo Quỳnh, tôi thấy có chút xót xa ẩn giấu trong đó. Hoàn cảnh xã hội trong chế độ hiện tại khiến cho người lớn thêm cằn cỗi âu lo và trẻ con mất đi sự hồn nhiên tươi trẻ.

Bảo Quỳnh chợt hỏi:

– Ngày mai cô trả luận văn cho tụi em hở?

– Ừ. Rồi tôi nói thật: vậy mà bây giờ cô vẫn chưa chấm xong. Chắc phải thức suốt đêm nay rồi.

Bảo Quỳnh có vẻ ái ngại:

– Cô chẳng có khỏe gì đâu cô ơi. Coi chừng cô đau đó.

Tôi thở dài:

– Biết làm sao bây giờ. Ngoài giờ dạy, cô phải lo họp tổ, họp khối. Rồi còn lao động xã hội chủ nghĩa. Về nhà nhiều khi mệt quá mà vẫn phải soạn giáo án và chấm bài…

Bảo Quỳnh ngắt lời tôi, giọng có vẻ bi phẫn:

– Sao người ta ác thế cô nhỉ…

Nhưng rồi cô bé đổi giọng vui vẻ ngay:

– Cô chấm bài của em chưa cô?

– Rồi, bài của Bảo Quỳnh bao giờ cô cũng chấm trước.

– Em được nhiều điểm không cô?

– Chắc là nhất lớp. Thích chưa?

– Em chẳng thích. Học cái gì mà chán quá cô nhỉ. Hồi năm lớp Chín, khi “họ” chưa vào đây, cô dạy chúng em về Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trấn Tế Xương, Cao Bá Quát… hay hơn nhiều. Hồi đó mỗi lần làm một bài luận văn, em thấy hứng thú lắm. Còn bây giờ, viết bài luận nó ngượng làm sao ấy. Mình không nghĩ vậy mà cứ phải viết vậy.

Tôi nói với Bảo Quỳnh là tôi còn ngượng hơn nhiều, khi cứ phải giảng cho học sinh những điều mà mình không nghĩ như vậy.

Cơm nước vừa xong, trời cũng ngớt mưa. Bảo Quỳnh thu dọn chén đĩa, vừa làm vừa nói:

– Xin phép cô, em đi về kẻo ba má đợi. Với lại để cô chấm bài nữa chứ. Em phá rầy cô hoài, đâu có được.

Tôi lấy cho Bảo Quỳnh mượn cái áo mưa và hỏi:

– Có cần cô viết thư cho ba má không?

Cô học trò lắc đầu:

– Cảm ơn cô, nhưng chắc không cần đâu cô ạ. Bao giờ ba má em cũng tin em. Em xin phép lại nhà cô thì ba má biết em lại nhà cô, không nghi ngờ gì cả.

Đưa cô bé học trò ra cửa, ngắm cái thân hình, dáng điệu thật đẹp của nó trong bộ quần áo lụa cánh sen, tôi chợt hỏi:

– Bảo Quỳnh, em có thích bộ quần áo này không? Giữ lấy mà mặc.

Bảo Quỳnh lắc đầu nguầy nguậy:

– Không, em không lấy đâu, để cô mặc. Cô mặc bộ này chắc là đẹp lắm. Mà sao em không thấy cô mặc bao giờ?

Tôi trả lời quanh quất cho xong:

– Hơi rộng đối với cô. Thôi, nghe cô, giữ lấy mà mặc. Cô tặng mà.

Bảo Quỳnh ngần ngừ giây lát, rồi ngỏ lời cám ơn. Trong ánh mắt cô bé, tôi đọc thấy cái tình cảm vừa vui thích vừa cảm động.

Bảo Quỳnh về rồi, tôi ngồi tư lự và nghĩ đến cái giây phút ngần ngừ trước khi ngỏ lời tặng bộ quần áo. Dĩ nhiên tôi cũng quí và thương bộ quần áo ấy lắm. Khanh đã tự tay chọn xấp lụa này và đã tự đưa tôi đến tiệm may. Nhưng mà con bé mặc bộ quần áo này trông đẹp quá, và tôi muốn được thấy nó đẹp đẽ xinh xắn mãi như thế. Còn Khanh của tôi, nếu biết chuyện này, chắc chàng cũng không nỡ trách tôi. Yêu Khanh, tôi cất giấu tình yêu ấy ở một nơi thật kín đáo tận đáy tim, như thế, cần chi phải có kỉ vật để mà nhìn ngắm, nhớ nhung! Vả lại, nếu thật sự những kỷ niệm và tình cảm đôi khi cũng cần được sống lại bằng những hình ảnh thân quen, thì tôi đã có chậu hoa quỳnh. Đành rằng đây không phải là cây hoa do chính bàn tay chàng chăm sóc, nhưng dù sao cũng là loại hoa chàng yêu thích. Chúng tôi đã từng có những kỷ niệm ngồi bên nhau, ngắm những cánh lá trong xanh màu ngọc thạch và những cái nụ sắp nở đong đưa khi cơn gió thổi qua.

Dù lòng không đến nỗi buồn thảm, nhưng không hiểu sao tôi thở dài nhè nhẹ, rồi lên lầu tiếp tục công việc chấm bài chán ngắt.

Sáu tháng sau, cây quỳnh trổ nụ; trước chỉ nhỏ như những hạt đậu bám vào mép lá, sau càng ngày càng phát triển, thành những cái nụ hoa xinh xắn. Hình như tôi có duyên với hoa cỏ. Một lần, ngày xưa, Khanh cũng bảo tôi như thế. Tôi trồng cây hoa gì, cây cũng trổ hoa tươi thắm. Đây là lần thứ nhất tôi trồng quỳnh và quỳnh nở hoa. Nhớ ngày xưa Khanh nói có những người trồng cả bốn năm năm, quỳnh không một lần trổ bông. Tôi cảm thấy vui vui với ý nghĩ “mình có duyên” và đột nhiên nhớ đến Bảo Quỳnh. Bây giờ đang kỳ nghỉ hè, tôi ít gặp cô bé hơn, mặc dù thỉnh thoảng Bảo Quỳnh vẫn đến chơi, khi mang thứ này, khi mang thứ khác, nói là của ba má biếu cô giáo. Chẳng biết có thực vậy không hay Bảo Quỳnh mua sắm lấy. Dù thế nào đi nữa thì đây cũng là một tình cảm quí báu. Tình thầy trò trong hoàn cảnh, chế độ này mà còn giữ được như vậy, kể cũng là điều họa hiếm.

Nụ đầu tiên trong bảy cái nụ quỳnh sắp nở. Buổi sáng hôm ấy, leo lên cái sân thượng con con của mình, thấy nụ quỳnh chắc chắn sẽ nở đêm nay, tôi chợt có ý nghĩ rủ Bảo Quỳnh đến chơi, nói chuyện và ngủ lại đêm. Nghĩ là thực hiện ngay, tôi lại nhà Bảo Quỳnh xin phép ba má cô bé. Cha mẹ Bảo Quỳnh tiếp tôi rất nồng hậu. Gia cảnh ông bà giờ đây có vẻ thanh bạch, nhưng cung cách ăn nói, cư xử, hình như vẫn giữ được cái nếp quí phái, đài các của thuở xưa. Khi tôi ngỏ lời, hai ông bà vui vẻ chấp thuận ngay.

Hai cô trò chúng tôi có nguyên một ngày với nhau. Ba má tôi hôm ấy cũng lại vắng nhà, chúng tôi thật là thoải mái. Tôi đã dùng số tiền nhỏ nhoi dành dụm được mua đường, đậu để nấu chè, có cả bánh ngọt và trà tàu nữa. Bảo Quỳnh kiếm được ở đâu một gói ô mai cam thảo và ô mai me thật to. “Tiệc” như vậy quả là linh đình lắm rồi. Chúng tôi tạm quên đi những căng thẳng, nhiễu nhương của cuộc sống, để được hưởng trọn vẹn một ngày vui. Bảo Quỳnh khen “trông cô trẻ và đẹp quá” khi thấy tôi mặc chiếc áo soie màu xanh nõn chuối; còn tôi thì thấy Bảo Quỳnh thật xinh trong bộ quần áo lụa cánh sen mà cô bé tế nhị mặc ngày hôm nay để tỏ sự yêu thích món quà tôi tặng. Càng lớn, cô bé càng đẹp và càng quyến rũ. Tôi nghĩ con bé này chắc chắn đã làm “đau tim” không biết bao nhiêu anh chàng.

Đêm hôm nay, hai cô trò thức trắng để ngắm hoa. Chúng tôi bắt chước người lớn, uống trà, ăn bánh, có khác chăng là “nhắm” cả ô mai me và ô mai cam thảo. Chúng tôi không có những câu chuyện văn chương để nói, nhưng có những kỷ niệm lớp học để nhắc lại với nhau, những kỉ niệm của những ngày đất nước chưa rơi vào cảnh lầm than cùng cực như hôm nay.

Mười giờ đêm, hoa nở. Chúng tôi có thể nhận được độ nở của đóa hoa. Những cánh hoa trắng muốt, từ từ bung ra, tỏa rộng dần, làm thành một cái “lồng”, chứa đựng ở bên trong lòng hằng trăm cái nhụy nhỏ, bao quanh một cái nhụy lớn. Cánh hoa cứ từ từ mở rộng mãi, những chiếc nhụy rung rinh, cử động nhẹ, khiến cho toàn thể bông hoa như có một linh hồn. Một mùi hương tỏa nhẹ, không nồng nàn, không sang trọng đài các, nhưng làm cho người ta lâng lâng, ngây ngất.

Nhìn lòng hoa, Bảo Quỳnh nói:

– Cô có thấy những nhụy hoa trông như một đám rước không?

Tôi dùng trí tưởng tượng và hình như có cảm thấy như thế thật. Bảo Quỳnh nói tiếp:

– Ông nội em bảo rằng đó là cảnh các nàng tiên rước bà Tây Vương Mẫu ở điện Giao Trì.

Chuyện loanh quanh về các loài hoa và thú chơi hoa.Về món này, Bảo Quỳnh tỏ ra hiểu biết nhiều. Tôi hỏi thì Bảo Quỳnh cho biết những hiểu biết ấy đều do ông nội dạy cho. Ông nội Bảo Quỳnh yêu thích hoa cỏ đã lâu. Khi gia thế còn hưng thịnh, đã có thời kỳ ông cụ chăm sóc cả trăm khóm phong lan, trồng mười mấy loại hồng, hướng dương, cúc đại đóa. Riêng về giống quỳnh thì ông cụ yêu thích một cách đặc biệt, chả thế mà ông đã dùng tên Quỳnh đặt cho cô cháu gái cưng.

Trời đã khuya lắm rồi. Khoảng hai giờ đêm, những cánh hoa từ từ xếp lại, cuống hoa mềm rũ không đỡ nổi bông hoa nữa. Đám rước bà Tây Vương Mẫu chấm dứt. Chỉ trong vòng nửa tiếng hơn kể từ lúc cánh hoa xếp lại, bông hoa khép kín hoàn toàn, rũ xuống trông thật thê thảm.

Tôi giục Bảo Quỳnh vào nhà ngủ. Nhà chật, hai cô trò nằm cạnh nhau trên một giường. Bảo Quỳnh nhắm mắt, hơi thở đều hòa, hình như cô bé đã ngủ. Dễ chừng trời đã về sáng. Tôi nằm trằn trọc mãi, không ngủ được. Tự dưng tôi nhớ Khanh vô cùng, không biết bây giờ chàng đang ở đâu, làm gì, nghĩ gì, có bao giờ và có lúc nào còn nghĩ đến tôi không. Tôi nhớ đến những kỷ niệm giữa hai người, nhớ đến cái nắm tay và nụ hôn đầu tiên. Trái tim người con gái lưu giữ lại rất nhiều những kỷ niệm, dù là những kỷ niệm nhỏ nhặt mà người con trai không bao giờ ngờ tới. Tôi nghĩ có lẽ giờ này Khanh đã quên tôi rồi. Ý nghĩ ấy làm cho tôi tủi thân, một giọt nước mắt lăn tròn trên má, rơi nhanh xuống gối.

Bảo Quỳnh chợt mở mắt, ôm lấy vai tôi:

– Cô, làm sao cô khóc?

Tôi cảm thấy xấu hổ đã bày tỏ sự yếu đuối trước mặt một người học trò. Nhưng câu hỏi dịu dàng của Bảo Quỳnh khiến tôi xúc động hơn, và nước mắt lại ứa ra nhiều hơn nữa. Cố gắng trấn tĩnh, tôi hỏi:

– Bảo Quỳnh chưa ngủ à?

– Em không ngủ được, có lẽ tại nước trà. Rồi Bảo Quỳnh hỏi lại, sao cô lại khóc?

Tôi không muốn giấu giếm nữa, thành thực trả lời:

– Tại cô… nhớ một người…

Bảo Quỳnh hỏi tiếp, tôi không cảm thấy trong câu hỏi một vẻ tò mò tọc mạch, nhưng một sự thăm hỏi ân cần:

– Thầy… hở cô?… Em xin lỗi cô, em không biết gọi thế nào nên tạm gọi như thế… Thầy ở đâu rồi? Hình như không bao giờ em thấy cả…

Tôi cảm thấy có nhu cầu tâm sự nên trả lời:

– Cô với người ấy cũng chỉ là quen nhau rồi yêu nhau thôi. Nhưng bây giờ thì người ấy đã đi xa lắm rồi, không có tin tức gì cả, cô cũng chẳng biết ở đâu.

– Sao cô không đi tìm?

Tôi tròn mắt trước câu hỏi táo bạo của đứa học trò, rồi dịu dàng trả lời:

– Biết tìm ở đâu bây giờ? Với lại mình là con gái, chẳng lẽ lại đi tìm người ta. Vả lại đâu phải là chuyện quanh quẩn đi tìm trong một phạm vi nhỏ bé, đằng này vượt cả một đại dương, rồi thì trời đất mênh mông… Lại nữa biết đâu tình cờ gặp lại, hoàn cảnh đã đổi khác…

Nói đến đây trái tim tôi như thắt lại, tôi cảm thấy đau đớn toàn thân. Bảo Quỳnh hình như vẫn đeo đuổi theo một ý nghĩ riêng nào đó, im lặng một lúc, cô bé lại hỏi:

– Cô ơi, cô có yêu người ta không?

– Có chứ!

– Yêu nhiều không?

– Nhiều lắm.

Bảo Quỳnh nói một hơi dài:

– Như thế thì cô phải đi tìm. Yêu nhiều là có quá đủ lý do để đi tìm rồi, bất kể miệng tiếng, lề thói thường tình, bất chấp khó khăn nguy hiểm. Cũng không thể tuyệt vọng, còn một chút hy vọng là còn đi tìm.

Tôi giật mình trước quan niệm yêu và sống của cô học trò này. Cô bé xinh xắn, nhu mì nhưng lại có quan niệm rất bạo và sống thực. Không muốn đi sâu thêm, tôi trả lời cho qua chuyện:

– Ừ, để cô nghĩ xem…

Rồi tôi lảng qua chuyện khác:

– Bảo Quỳnh này, hình như có nhiều cậu theo em lắm phải không?

Cô học trò gật đầu xác nhận, nhưng nói thêm:

– Có nhiều người để ý đến mình thì cũng vui vui, cô ạ. Nhưng em chẳng để ý ai đâu, em chỉ yêu một người thôi.

– Tuấn phải không? Tôi hỏi.

Bảo Quỳnh giật mình:

– Đúng, thưa cô. Nhưng sao cô biết?

Tôi ra điều triết lý:

– Khi người ta yêu nhau, khó lòng mà giấu được những người chung quanh.

Tuấn cũng là học trò của tôi, cùng lớp với Bảo Quỳnh. Tuấn khôi ngô, đứng đắn, học giỏi, nhiều khả năng, thật xứng với Bảo Quỳnh. Tôi cầu cho hai người học trò này tương lai sẽ hạnh phúc, không gặp cảnh chia lìa như hai chúng tôi.

Tôi không nói nhiều nữa, nhưng Bảo Quỳnh bắt đầu nói rất nhiều. Hình như cô bé cũng mong được tâm sự những chuyện kín đáo, khó có thể nói cho người khác nghe. Bảo Quỳnh kể cho tôi nghe chuyện hai đứa bắt đầu để ý đến nhau thế nào, Tuấn có hiếu với mẹ già ra sao; kể luôn cả chuyện cả hai có ý định vượt biên, thoát khỏi địa ngục này nữa. Tôi lặng yên nghe Bảo Quỳnh nói, nghe một cách chăm chú và rất ân cần. Trời đã sáng rõ mà câu chuyện của Bảo Quỳnh vẫn chưa chấm dứt.

?

Rồi tôi nhận được thư của Khanh, liên tiếp nhiều bức. Tôi sung sướng đến rớt nước mắt khi đọc lá thư đầu tiên chàng gửi về. Tôi đọc đi đọc lại mấy chục lần mà lần nào đọc cũng cảm thấy xúc động sâu xa. Cách tôi nửa vòng trái đất, Khanh vẫn còn nhớ đến tôi, thật sâu đậm, và tha thiết ước mơ có ngày chúng tôi gặp lại.

Tôi có kể cho Bảo Quỳnh nghe về tin vui này. Cô học trò cưng vui mừng chẳng kém gì tôi và càng ngày càng tiêm nhiễm cho tôi cái ý tưởng “đi tìm”.

Một phần vì những bức thư chứa chan tình cảm của Khanh, một phần được Bảo Quỳnh… “khuyến khích”, tôi đã quyết định vượt biên. Chuyến ra đi của tôi chỉ có ba má tôi và Bảo Quỳnh biết. Ba má tôi tỏ ra vô cùng can đảm, ông bà trấn an tôi và bảo tôi không có gì phải lo nghĩ về ông bà. Ông bà cầu nguyện Chúa chúc lành cho chuyến đi và cuộc sống tương lai của tôi. Riêng Bảo Quỳnh, cô bé gục vào vai tôi và khóc. Nhưng rồi sau đó, lại cười thật tươi, cầu chúc tôi đi bình an, sớm gặp được “người ấy”, và còn hẹn rằng sẽ gặp tôi vào một ngày rất gần, vì Tuấn và Bảo Quỳnh cũng đang chuẩn bị cho chuyến ra đi.

Tôi là một trong những người vượt biên may mắn nhất. Tôi chỉ đi một lần mà thoát. Chuyến đi không gặp nguy hiểm gì trên mặt biển, cũng không gặp hải tặc. Ghe đến thẳng Indonesia. Mấy tháng sau tôi lên đường sang Hoa Kỳ đoàn tụ với Khanh. Ngày Khanh đón tôi ở phi trường, tôi đã ôm ghì lấy chàng khóc như mưa, mặc cho những người chung quanh nhìn tôi với đôi mắt tò mò.

Tôi về căn nhà nhỏ mà Khanh đã mua từ ngày được tin tôi đặt chân đến trại tị nạn. Vườn sau nhà Khanh trồng rất nhiều quỳnh. Có thứ quỳnh trắng quen thuộc như ở quê nhà, lại có loại quỳnh là lạ hơi khác một chút, mà theo Khanh nói, sẽ nở hoa màu đỏ, màu cam hay màu hồng. Những hoa quỳnh màu này sẽ tươi lâu hơn, đến hai, ba ngày chứ không phải tàn sau một đêm như loại quỳnh trắng.

Tôi sung sướng trong hạnh phúc, đem hết cả tài năng nhỏ nhoi của mình ra trang hoàng nhà cửa, nấu nướng. Giờ rảnh, tôi học thêm Anh văn để thích nghi với đời sống mới. Khanh đi làm từ sáng, chiều tối trở về, vui tươi vì thấy trong nhà có bóng tôi, nhà cửa chỗ nào cũng ngăn nắp, và bữa cơm chiều ngon lành được dọn sẵn, đợi chờ. Tôi đặc biệt chăm sóc những chậu quỳnh của Khanh, vì biết chàng rất yêu quí giống hoa này. Những nụ hoa của cây quỳnh đỏ sắp sửa nở, tôi háo hứng mong đợi. Đôi khi tôi nhớ đến chậu hoa quỳnh cô học trò Bảo Quỳnh tặng, còn để trên cái sân thượng của ngôi nhà ở Việt Nam. Ba má tôi trọng tuổi, tay chân run rẩy, chắc chẳng có dịp leo lên sân thượng chăm bón cho cây quỳnh. Nghĩ đến điều đó, tôi thương ba má quá, lấy giấy bút ra viết thư cho ông bà với những lời thăm hỏi ân cần. Tôi cũng nhớ đến Bảo Quỳnh và định bụng một vài hôm nữa sẽ viết thư cho cô bé.

Chưa kịp viết thư cho cô học trò cưng thì tôi đã nhận được thư cô bé gửi sang. Bảo Quỳnh biết được địa chỉ của tôi, vì khi còn ở trại tị nạn, tôi đã viết cho cô bé một bức thư, cho địa chỉ nhà Khanh, nơi tôi sẽ cư ngụ khi định cư tại Hoa Kỳ. Nhìn lá thư dán tem Thái Lan, tôi vui mừng và hồi hộp. Hơi tiếc là Bảo Quỳnh đi chậm, không có mặt được ở đây, bây giờ, để tối nay xem quỳnh đỏ nở. Tôi bóc vội phong bì, đọc thư. Và bức thư đã dập tắt tất cả niềm vui, nỗi mừng mà tôi đang có. Thư viết:

“Thưa cô,

Bảo Quỳnh, học trò cưng của cô đây. Em đã đặt chân đến trại tị nạn ở Thái Lan, với một thân xác và cõi lòng tan nát.

Chuyến đi đầy những tai nạn kinh hoàng. Vừa ra cửa biển, ghe bị tàu biên phòng VC rượt bắt, tài công cho ghe chạy thục mạng. Đạn VC bắn như mưa. Nhờ đêm tối, ghe vượt thoát, nhưng một số người trúng đạn thiệt mạng, trong đó có Tuấn. Em đã ngất đi khi người ta ném xác Tuấn xuống lòng biển sâu. Bốn lần ghe gặp phải hải tặc Thái Lan. Cả bốn lần, không một đàn bà con gái nào trên ghe thoát nạn, kể cả những em bé mười ba, mười bốn tuổi. Em là một trong những cô gái bị chúng hành hạ, dằn vặt nhiều nhất, có lẽ vì em có chút nhan sắc.

Thưa cô, sao bây giờ em ghét cái tên Bảo Quỳnh của em thậm tệ. Hay là cái tên đó nó vận vào người em? Mà thân phận em có lẽ còn tệ hơn bông hoa quỳnh nữa: bông hoa còn nở một lần rồi mới héo tàn, riêng em, tuổi trẻ chưa có một lần nở hoa đã bị tàn phá.

Đôi lúc em không muốn sống và có ý định tự hủy, nhưng em nghĩ đến ba má, đến ông nội nên lấy lại được can đảm. Ba má không bao giờ muốn em sống yếu đuối và luôn dạy em phải phấn đấu với mọi nghịch cảnh. Nhưng thú thật với cô, em không biết mình sẽ giữ được lòng can đảm đến bao giờ.

Em hiện không còn thân nhân nào ở nước ngoài, những người trước đây chúng em định nhờ giúp đỡ là họ hàng bên nhà Tuấn, bây giờ Tuấn không còn nữa, những liên hệ đó không có ảnh hưởng gì với em cả. Em mong cô, nếu có thể, (em nói nếu có thể, vì sợ làm phiền cô, và nhất là phiền “thầy”) làm thủ tục bảo lãnh cho em. Xin cô thoải mái quyết định, vì em cũng không muốn mang tiếng là đem vận xui đến cho ai…”

Tôi buông rơi bức thư, nước mắt giàn giụa. Tôi không ngờ cô học trò cưng của tôi lại gặp cảnh khổ đến như thế. Qua cơn xúc động, tôi nghĩ đến việc cấp tốc làm giấy bảo lãnh cho Bảo Quỳnh. Một việc thứ hai, tôi nghĩ cũng cấp bách không kém, là năn nỉ Khanh, xin chàng dọn hết những chậu quỳnh mà chàng rất mực yêu quí đi nơi khác, dù là quỳnh trắng nở một đêm hay quỳnh màu nở được mấy ngày. Tôi e sợ ít tháng nữa đây, khi Bảo Quỳnh đến ở căn nhà này với chúng tôi, nhìn những chậu quỳnh ấy sẽ động mối thương tâm…

(Viết theo lời kể của cô giáo T.H)

Quyên Di

Hoa Hồng Nhà Kín

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]