Anh Ðào Năm Trước

Anh đào là một trong những đặc điểm của thành phố Đà Lạt, điều này ai cũng mặc nhiên công nhận. Vào những ngày mùa Đông sắp sang Xuân, khi cái giá lạnh bao trùm lấy thành phố thơ mộng này, khi sương sớm giăng mắc khắp nơi, phủ kín những đỉnh đồi và che mờ những ngọn thông, anh đào bắt đầu nở. Trong những chiếc nụ xanh biếc ấp ủ những cánh hoa cuộn tròn màu hồng nhạt, rồi cùng với thời gian và gió nắng, cánh hoa lớn hơn, tươi thắm hơn. Và sau cùng vào một ngày bí mật được vũ trụ định sẵn, những nụ hoa hé nở, run rẩy một chút trước cái lạnh của tiết mùa; nhưng như những cô thiếu nữ của lứa tuổi dậy thì, những bông anh đào nẩy nở hơn, lớn lên, xinh đẹp, mạnh thêm trong một sức sống dồi dào với dáng vẻ hớn hở yêu đời.

Nhi yêu những bông hoa anh đào vô cùng. Vào những buổi sáng cuối Đông, Nhi đứng trên đỉnh đồi, nơi ngôi biệt thự màu trắng của gia đình nàng tọa lạc, nhìn xuống để thấy anh đào nở rực cả thành phố, nhuộm thắm một màu hồng, đẹp như cô thiếu nữ ngày về nhà chồng. Mỗi lần nghĩ đến điều ấy, đôi má Nhi lại hồng lên và nàng thấy khuôn mặt mình nóng ran. Khi ấy ai bất chợt được ngắm dung nhan Nhi, chắc đều mường tượng đến bài cổ thi “Đề Tích Sở Kiến Xứ” mà ngày xưa Thôi Hộ đời Đường trong một phút xuất thần đã múa bút đề trên vách nhà người thiếu nữ Đào Hoa thôn:

Khứ niên, kim nhật, thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,

Đào hoa y cựu tiếu Đông phong. (1)

Nhi có người yêu là Thạch, từ Sài Gòn lên Đà Lạt theo học trường Võ Bị Quốc Gia. Thạch người gầy, cao, da ngăm đen nhưng không có vẻ từng trải mùi đời cho lắm; ở con người Thạch thoáng toát ra một vẻ vừa đàn ông vừa trẻ thơ. Anh có những lúc suy tư già giặn, chín chắn, nhưng lại có những khi đặt cho Nhi những câu hỏi hết sức ngây thơ, buồn cười. Nhi yêu cả hai con người của Thạch, bởi nàng vừa thích được người yêu chiều chuộng vừa thích chiều chuộng người yêu.

Sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia là hình ảnh thần tượng của các thiếu nữ Đà Lạt. Ngày chủ nhật nắng ấm đi dạo phố bên cạnh người yêu là sinh viên Võ Bị, chững chạc và nghiêm chỉnh trong bộ lễ phục thích hợp với từng mùa, kể ra là một niềm vui, đồng thời cũng là một niềm hãnh diện. Nhi yêu Thạch không vì bộ lễ phục ấy, cũng không phải vì cái “mốt” thời đại, nhưng vì chính con người và tính nết của Thạch. Tình yêu của Thạch dành cho nàng đầy tràn ấm áp. Với Thạch, Nhi là người tình, người bạn và là người em gái nhỏ bé. Thạch yêu Nhi tự nhiên, không tiết chế, cũng không bộ điệu, làm dáng. Có những buổi Thạch kèm Nhi học toán, đang trơn tru giảng giải, bất chợt Thạch nói:

– Mình nghỉ một chút đã.

Nhi ngơ ngác:

– Để làm gì anh?

Thay vì trả lời, Thanh ôm lấy vai Nhi, chàng cúi xuống ghé hôn một cái nóng bỏng trên môi nàng. Nụ hôn đốt cháy người Nhi và làm cho nàng nghẹt thở.

Sau đó, Thạch nói:

– Em đỡ mệt chưa? Học tiếp nhé!

Nhưng Nhi phản đối:

– Chẳng thấy đỡ mệt gì cả, anh chỉ làm cho Nhi mệt thêm.

Thạch cười hì hì rất hồn nhiên làm Nhi cũng cười theo.

Hai người ít có dịp đi dạo với nhau ngoài phố. Mẹ Nhi muốn con mình và cậu bạn trai ở nhà, nói chuyện, dùng cơm với gia đình hơn là rủ nhau ra phố để rồi “lang thang chả biết đi đâu, mỏi chân vô ích”. Bà cụ không biết rằng cái chuyện “lang thang chẳng biết đi đâu” và “mỏi chân” thì quả có thật, nhưng nó không phải là chuyện “vô ích” đối với hai người đang yêu nhau. Hay nói đúng hơn, khi hai người yêu nhau, người ta không nghĩ đến chuyện “có ích” hay “vô ích” mà chỉ nghĩ đến chuyện được gần nhau thôi. Tuy nhiên Nhi và Thạch là người dễ dãi, thấy mẹ Nhi muốn hai người ở nhà, cả hai vui vẻ ở nhà ngay, không phản đối gì cả. Vào những ngày cuối tuần, Thạch ra nhà Nhi chơi. Bao giờ chàng cũng mặc bộ lễ phục của sinh viên Võ Bị rất nghiêm chỉnh. Nhi yêu cái phong thái chững chạc của Thạch, còn mẹ Nhi thì bảo con gái: “Thạch nó được hơn những anh bạn khác của con nhiều”.

Trong khi bà mẹ lúi húi lo cơm nước thì Nhi đưa Thạch lên phòng học. Thạch rất giỏi về những môn khoa học, chàng kèm cho Nhi về toán, vật lý, hóa học. Tất cả những bài vở trong tuần chưa thanh toán xong, vì khó hiểu hay vì… lười, Nhi khuân ra cho bằng hết. Thạch giảng giải cặn kẽ cho người yêu từng bài một và Nhi hí hoáy ngồi ghi chép, trông ra dáng một “gia sư” với con gái của ông bà chủ. Nhưng thỉnh thoảng hai người buông bút, hôn nhau, thì chẳng còn thấy “gia sư” đâu nữa, Nhi chỉ tìm thấy ở Thạch một người tình đam mê và lôi cuốn.

Buổi học kéo dài đến trưa, bao giờ có tiếng dép của bà mẹ lên phòng học là hai người đều đã sẵn sàng trở lại tư thế nghiêm chỉnh. Bà mẹ gõ cửa phòng bước vào, thấy con đang được anh bạn trai chỉ dẫn học hành, lấy làm hài lòng lắm. Hai người theo bà xuống phòng ăn, cả nhà đã sẵn sàng ở đấy. Bố Nhi luôn luôn vắng nhà, ông hành quân liên miên ở những vùng xa xôi. Ơ nhà chỉ có mẹ, Nhi và các em. Có sự hiện diện của Thạch, một anh con trai lớn trong nhà, tự nhiên không khí trở nên vui hơn, đầm ấm hơn. Mẹ Nhi người Hà Nội, bà làm các món ăn rất khéo. Chủ nhật nào bà cũng làm các món đặc biệt gì đó cho các con ăn thỏa thích. Bà thường làm lấy một mình, nhưng đôi khi bài vở ít, Nhi xuống bếp giúp mẹ và Thạch cũng lò dò đi theo. Chàng thích thú khi ngắm người yêu trong vai trò nội trợ, dù rằng Nhi chỉ được phép làm… thơ, còn tất cả mọi việc gia giảm, pha chế bà cụ đều tự tay quán xuyến cả. Thạch thèm rỏ rãi khi thấy những chiếc bánh tôm lềnh bềnh trong chảo mỡ, những sợi khoai xắt thật nhỏ vàng xậm lên và con tôm trên mặt dần dần chín đỏ. Lát nữa đây những chiếc bánh tôm Cổ Ngư này sẽ được cuốn trong một lá xà lách xanh ngát mắt, với những loại rau thơm, rồi được chấm sâu vào một chén nước mắm giấm ớt chua chua ngọt ngọt, với những sợi cà rốt đỏ cam, thơm và giòn… Thạch không tưởng tượng thêm được nữa, chàng cảm thấy thèm quá đỗi! Lần khác cả Thạch và Nhi đều ngồi bó gối bên cạnh bà mẹ trong căn bếp nghi ngút khói thơm mùi bột chín. Bà mẹ đang tráng bánh cuốn. Một chiếc thùng gỗ tròn to, trên bọc vải mỏng được dùng để tráng bánh. Bà cụ để bột lên trên mặt vải, dùng chính chiếc muôi múc bột để giàn bớt ra cho đều, tay kia bà cầm một chiếc đũa dài, với những động tác rất khéo léo và kịp thời, bà dùng chiếc đũa đó cuốn từng tấm bánh cuốn, đặt vào chiếc đĩa to, bánh nóng hổi và thơm phức. Lát nữa đây những chiếc bánh này sẽ được dùng với giò bò và đậu phụ rán, chấm nước mắm giấm với ớt khô giã nhỏ pha theo khẩu vị của mình. Tuyệt vời!

Thạch mê thức ăn của mẹ Nhi vô cùng. Có lần Nhi hỏi Thạch:

– Tại sao anh thích đến nhà em?

Thạch trầm ngâm một lúc rồi trả lời:

– Hai lí do.

– Thứ nhất là…?

Thạch đáp:

– Là vì em. Em đẹp và dễ thương quá!

– Thế còn thứ hai là …?

– Là vì thức ăn mẹ làm ngon quá! Không tìm thấy ở đâu khác!

Nhi cười hồn nhiên:

– Anh xấu lắm, tham ăn nhé!

Thạch cãi:

– Không! Anh chỉ thành thật thôi. Đàn ông con trai nào cũng thích ăn ngon, chỉ khác nhau là có người không nói ra, còn có người nói thẳng cho người khác biết. Anh thuộc loại thứ hai.

Nhi không vặn vẹo thêm nữa, nhưng nàng nói tiếp:

– Giả như bây giờ mẹ không biết làm thức ăn ngon, anh còn đến đây không?

Thạch nịnh:

– Có phải nhịn đói mà được đến đây mỗi ngày, anh vẫn đến. Em đẹp và dễ thương quá mà!

Nhi lấy làm thỏa mãn, nhưng nàng vẫn nói thêm:

– Em sợ mai mốt lấy nhau anh sẽ khổ, tại em không giỏi như mẹ đâu, em chỉ biết nấu nước sôi với luộc trứng thôi!

Thạch đùa:

– Em đừng lo, mai mốt anh nấu cơm cho em ăn. Ngày xưa anh đi hướng đạo mà, nấu cơm giỏi lắm à!

Hai người sống với nhau hồn nhiên, thân thương như vậy, và họ thấy cuộc đời hạnh phúc quá, đáng yêu quá.

Trong những năm hai người quen biết nhau, dịp Tết nào Thạch cũng đem đến cho gia đình Nhi một cành anh đào lớn, kèm theo một thúng trái anh đào chín nữa. Lần đầu tiên thấy Thạch khệ nệ vác cành anh đào lại, Nhi hỏi liền:

– Anh chặt cành đào của thành phố phải không? Coi chừng quân cảnh bắt nhốt anh à nhe!

Nhi hỏi vậy vì nàng nghe nói nhiều người hay chặt trộm anh đào về chưng hoặc đem về làm quà cho người Sài Gòn. Nhưng Thạch nói ngay:

– Em đừng nghĩ lầm, anh là sinh viên trường Võ Bị mà, làm sao đi chặt trộm anh đào của thành phố được. Anh có người bà con ở đây, họ có một trang trại lớn, trồng nhiều anh đào vô cùng. Anh tha hồ lựa chọn.

Rồi chàng ra vẻ giỗi:

– Chán quá! Công lao chọn gần nửa buổi mới được cành anh đào vừa ý, lại tốn bao nhiêu sức lao động để chặt và đem nó về đây. Em không thương, không khen, lại còn hỏi có phải anh đào chặt trộm không. Buồn ơi là buồn! Chắc hôm nay anh ăn cơm không được!

Nhi cười vuốt tóc Thạch:

– Thôi mà, cho em xin lỗi, tại em lo cho anh đấy thôi. Đừng buồn nữa, em thương.

Thạch tươi ngay nét mặt, trong khi Nhi chỉ thúng anh đào chín, hỏi tiếp:

– Còn thúng này để làm gì đây, ai ăn?

Thạch cốc nhẹ vào đầu Nhi:

– Em ở nhà mà chẳng biết gì cả. Thế em không nhớ bữa nọ mẹ nói anh đào chín làm rượu uống rất ngon, rất say à? Có mây cây ra hoa sớm, bây giờ đã kết quả rồi. Thúng này anh mang cho mẹ, em chỉ được cành hoa thôi.

Nhi cầm một trái anh đào lên. Cái màu đỏ thẫm trên làn da trông thật đẹp, nàng nhấm thử rồi nhăn mặt:

– Trông đẹp thật, nhưng cái mùi khó chịu lắm anh ạ, nó ngai ngái làm sao ấy!

Thạch cười, nói bóng gió:

– Cái gì đẹp cũng khó chịu cả. Nhưng khi thành rượu rồi thì làm cho người ta say.

Rồi chàng giục:

– Thôi, để anh đem tất cả vào nhà.

Trong khi hai người trẻ tìm một chỗ thích hợp trong phòng khách để dựng cành anh đào, thì bà mẹ vui vẻ với thúng anh đào chín. Bà nói:

– Cái thứ anh đào này làm rượu thì ngon phải biết!

Nhi hỏi:

– Làm cách nào hở mẹ?

Bà mẹ cười và đùa:

– Bí mật! Bao giờ con lấy chồng mẹ sẽ dạy làm rượu anh đào cho chồng uống.

Nhi thẹn đỏ chín cả mặt.

?

Sau ba năm quen nhau, vào một mùa Xuân đầy nắng ấm, nước hồ Than Thở xanh và trong vắt, hoa vườn Bích Câu đua nhau khoe thắm, và anh đào mặc áo hồng cho thành phố, Thạch và Nhi lấy nhau. Thạch đã tốt nghiệp trường Võ Bị, đang chờ đi nhận đơn vị, còn Nhi đang học dở dang chương trình cử nhân Văn khoa ở đại học Đà Lạt. Đám cưới không linh đình, không sang trọng lắm, nhưng thật vui. Cả Thạch lẫn Nhi đều có nhiều bạn bè và cả hai đều được các bạn mến; dĩ nhiên cũng có vài người bạn trai của Nhi khi đi dự đám cưới phải đeo kính đen, nhưng chuyện đó Nhi không biết phải làm sao hơn. Nàng biết có nhiều người yêu mình, nhưng nàng chỉ chọn được một. Các bà bạn của mẹ Nhi đều khen đôi trẻ thật xứng đôi vừa lứa. Bà mẹ lấy làm mãn nguyện lắm.

Sau tiệc tân hôn, mọi người về nhà Nhi. Bà mẹ nói với Thạch:

– Con không có nhà cửa ở thành phố này, cứ về đây, đừng lo ai cười. Họ cười thì họ hở mười cái răng. Thời buổi khó khăn này mà cứ đòi khư khư giữ lấy những cái luật cổ hủ thì thật là giết nhau!

Thạch cảm động về mối chân tình mà mẹ Nhi dành cho mình. Chàng tìm thấy ở gia đình này tình thân và sự chân thành. Đêm hôm ấy, Thạch và Nhi uống rượu anh đào do chính bà cụ làm. Chất rượu chua chua, ngọt ngọt, cay cay làm tê đầu lưỡi thanh xuân.

Sáng hôm sau, hai người ra vườn nhìn xuống thành phố còn ngái ngủ. Những ngọn đèn vàng vọt chưa tắt nhưng ánh sáng tỏa ra không đủ đánh tan lớp sương mù che phủ khung trời. Xa xa núi đồi chập chùng ẩn hiện trong làn ánh sáng đầu ngày trắng đục như sữa. Nhưng chỉ một thoáng sau, mặt trời đỏ ối đã xuất hiện. Một ngày khởi đầu rực rỡ và ấm áp. Hai người đứng ôm vai nhau, cảm nhận tiếng cựa mình thức giấc của cỏ hoa trong vườn, nghe tiếng chim hót trên những ngọn cây thông cao vút. Màn sương tan dần, để lộ thành phố dưới kia với màu hoa anh đào hồng thắm, đẹp hơn cả một bức tranh.

Nhi thấy yêu Thạch quá, nàng thì thầm hỏi nhỏ:

– Tối qua anh có say không?

Thạch cũng thì thầm:

– Có! Say rượu anh đào và say cả em.

Lấy nhau được nửa tháng, Thạch đi nhận đơn vị. Chàng chọn binh chủng Nhảy Dù và được đưa đi Ban Mê Thuột. Thạch với dáng dấp chưa phai nét thư sinh, nhưng tâm hồn lại vô cùng quả cảm, chàng ý thức rõ rệt nhiệm vụ của người trai thời chiến và chàng quan niệm: đã đánh giặc phải đánh cho nên hồn. Và với nhận định ấy chàng chọn binh chủng Nhảy Dù, một trong những binh chủng thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày Thạch đi, Nhi tiễn chồng ra tận nơi tập trung và nàng nhớ lại những câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm:

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,

Đường bên cầu cỏ mọc còn non.

Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,

Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.

Nước trong chảy mà phiền chẳng rửa,

Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó khuây.

Nhủ rồi tay lại cầm tay,

Bước đi một bước dây dây lại dừng…

Và sau khi tiễn chồng, nàng trở về nhà một mình, lòng buồn hiu hắt. Đành rằng Thạch ra đi là đúng với sở nguyện của chàng và nàng cũng hãnh diện có một người chồng như vậy, nhưng mỗi lần nhớ đến câu “cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi” nàng không khỏi thấy trái tim mình se thắt lại.

Từ ngày Thạch ra đi, bà mẹ thương con gái hơn. Bà thương bà, thương con gái và thương số phận của tất cả những người phụ nữ trong thời chiến. Như con gái bà chẳng hạn, lấy chồng nửa tháng, chồng đã vội từ giã, đem thân vào nơi chinh chiến, ngày trở về không bao giờ dám hẹn chắc. Yêu nhau mà không được gần nhau. Cái bi thảm của cuộc đời phần khá lớn cũng nằm ở đấy. Chính bà cũng ở trong số phận bi thương ấy. Lấy chồng hơn hai mươi năm, tổng cộng ở với chồng không được tám năm. Ong đi hành quân liên miên, thỉnh thoảng đáo về nhà thăm vợ con hai ba ngày, nhiều lắm là một tuần lễ. Là một cấp chỉ huy gương mẫu, không bao giờ ông muốn bỏ thuộc cấp gian nan để hưởng thú gia đình một mình.

Bà mẹ dạy cho Nhi cách làm những món ăn ngon: bánh tôm, bánh cuốn, bún thang, giò, nem, ninh, mọc… Bà cũng chỉ cho Nhi bí quyết cất rượu anh đào, cách chọn từng trái anh đào chín, cách ủ men làm dậy hương thơm. Nhi học rất chăm chú, có lẽ còn chăm chú hơn khi nàng học những bài học ở trường ngày xưa. Bây giờ nàng không học cho nàng, nhưng học cho Thạch, nàng biết Thạch thích ăn ngon nên muốn tự tay làm những món ăn cho Thạch. Tưởng tượng đến vẻ ngạc nhiên của Thạch và câu nói của chàng: “Em làm lấy được thật à? Sao giỏi thế?” là Nhi thấy vui. Thạch có cách nó thật tự nhiên không khách sáo, không gọt giũa ngôn từ. Những buổi chiều, Nhi thường đứng trên đồi, trong khu vườn sau nhà nàng, nhìn ra phía núi đồi chập chùng đằng xa. Nàng hướng về xứ Buồn Muôn Thưở và nàng nghĩ rằng: “Đằng sau dãy núi kia và dưới vầng mây trắng đó là nơi chàng đang chiến đấu. Xin Chúa giữ gìn chàng bình yên”.

Lần đầu tiên Thạch về phép, Nhi mừng tíu tít, nàng nói cười huyên thuyên. Thạch khoẻ ra, đen hơn, vẻ thư sinh mất hẳn, nhưng bù vào đó chàng có một khuôn mặt trầm ngâm và cương nghị. Khi Thạch vừa xuất hiện ở khung cửa, Nhi không cầm giữ được, nàng ôm chầm lấy chồng và nước mắt trào ra ướt mi. Thạch lau nước mắt cho vợ bằng cườm tay đã chai dạn của chàng và dìu nàng vào nhà. Cả nhà từ bà mẹ đến bé út đều vui hẳn lên. Nhi tíu tít lấy quần áo cho Thạch đi tắm, rồi ra chợ mua thức ăn để làm cơm. Nàng chọn làm món “Bánh Tôm Cổ Ngư” là món Thạch vốn thích nhất. Bây giờ nàng đã học được bí quyết làm thế nào thái những sợi khoai cho thật nhỏ, pha bột thế nào cho không bị vón cục, chảo mỡ phải nóng cỡ nào mới thả từng cái bánh vào, và màu sắc như thế nào tức là bánh đã chín tới. Nàng cũng đã biết được cách pha nước mắm thế nào cho đúng vị Thạch thích. Buổi trưa hôm ấy, Thạch dùng một bữa ăn ngon lành, còn Nhi thì hình như không ăn gì cả. Nàng ngồi chống đũa nhìn Thạch ăn và nghe Thạch kể chuyện. Chàng có nhiều chuyện để kể quá và Nhi thì cứ thích nghe hoài. Kể một thôi một hồi, Thạch ngưng lại hỏi Nhi:

– Thế ở nhà, em có gì lạ không? Kể cho anh nghe với?

Nhi trả lời bằng một câu thật ngắn:

– Ngày nào em cũng nhớ anh.

Mấy đứa bé cười như nắc nẻ và lêu lêu chị, nhưng Thạch cảm động ghê lắm. Chàng biết Nhi yêu mình lắm, yêu bằng một tình yêu rất nồng nàn và tự nhiên.

Buổi tối hôm đó, hai người đi lang thang trong thành phố. Bây giờ mẹ Nhi không cho là “đi lang thang vô ích” nữa, bà để cho hai người trẻ làm bất cứ điều gì họ muốn. “Hai đứa yêu nhau quá mà cứ xa nhau biền biệt, được ở gần nhau vài ngày, cho chúng nó được tự do. Vả lại dù sao chúng nó cũng đã là vợ chồng”. Bà nghĩ thế và yên tâm đi ngủ sớm.

Đi lang thang chán, Thạch đưa Nhi vào một quán chè. Ban đêm trời lạnh, ăn một chén chè đậu xanh nóng thật tuyệt. Hai người sống lại thưở còn là người tình của nhau. Ngày ấy Thạch gặp Nhi cũng trong quán chè này, chàng và một vài người bạn vào đây ăn một li chè cuối ngày nghỉ, trước khi trở vào trường. Nhi đang ở trong quán đó với các cô bạn gái. Các cô mặc áo dài nữ sinh Bùi Thị Xuân màu xanh lam, nói cười hồn nhiên tíu tít. Vừa nhìn thấy Nhi, tim Thạch như ngừng đập. Có một cảm giác lạ lùng nào đó ùa tới, thấm sâu vào tâm hồn chàng. Thạch bỗng dưng biết một cách rõ ràng đây là người mà Chúa định đặt sống bên cạnh mình suốt đời. Bởi thế, mặc cho bạn bè cười nhạo, Thạch tìm cách làm quen với Nhi ngay lúc đó, hơi đường đột nhưng rất tự nhiên. Và tuy e ấp, Nhi cũng đáp lại sự làm quen của Thạch. Nhi cho Thạch địa chỉ. Đúng một tuần lễ sau, sáng chủ nhật nghe tiếng bấm chuông, Nhi ra mở cửa thấy Thạch đã đứng chờ sẵn. Nhi hơi sửng sốt, trong khi Thạch đòi nàng đưa vào nhà chào bà mẹ rồi chàng đường hoàng ngồi ở phòng khách nói chuyện với hai mẹ con. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, hình dáng chàng sinh viên Võ Bị Quốc Gia trở thành quen thuộc với gia đình Nhi. Hầu như ngày nghỉ cuối tuần chàng không đi đâu cả, chỉ đến nhà Nhi, kèm nàng làm bài, phụ giúp mẹ Nhi vài việc lặt vặt, chơi với các em Nhi. Thạch chơi bóng bàn rất giỏi, đánh tây bàn cầm tuyệt vời khiến các em của Nhi phục lăn.

Ở quán chè ra, hai người đi bộ về nhà. Vào phòng khách, Nhi đốt lò sưởi. Cả hai ngồi nhấm nháp rượu anh đào và ôn lại với nhau rất nhiều kỉ niệm từ thưở ban đầu yêu nhau.

Sau lần Thạch về thăm nhà lần đầu tiên ấy, Nhi có thai. Nàng trở nên mệt mỏi và lười đi lại. Nhi thường ở trong phòng, viết thư cho Thạch, nàng kể cho chàng biết những thay đổi của em bé mà nàng đã cảm thấy trong bụng mình. Nhi cũng thường ngồi đan áo cho chồng và cho con. Cuộc đời nàng bây giờ, nếu có những hạnh phúc thì hạnh phúc ấy hoàn toàn tuỳ thuộc vào người chồng đang chiến đấu miền xa và đứa con chưa chào đời. Với Nhi cuộc đời như thế đã là đẹp. Nàng có người yêu mình và có những người để mình yêu.

Thạch về thăm nhà lần thứ hai thì chỉ còn hai tháng nữa Nhi sẽ hạ sinh đứa con đầu lòng. Nhi không được khoẻ cho lắm. Nàng có hơi mập ra một chút, nhưng da xanh và cảm thấy mệt nhọc vô cùng. Thạch lo sợ, chàng muốn vợ dùng thuốc bổ, nhưng mẹ Nhi cho rằng uống thuốc bổ nhiều, thai to khó sinh. Bà nhắc nhở Nhi chịu khó đi lại, cất nhắc nhiều, dù có cảm thấy mệt mỏi. Bà đem kinh nghiệm của người đàn bà bảy lần có thai ra chỉ vẽ cho con gái đầu lòng. Bà cũng vui khi nghĩ mình sắp có cháu ngoại và mong rằng đó là một đứa cháu trai.

?

Nhi sinh con trai đầu lòng- đúng như sở nguyện của mẹ Nhi- vào giữa lúc mặt trận Ban Mê Thuột gay go nhất. Cộng quân bao vây thành phố cao nguyên này, cắt đứt mọi đường tiếp tế. Ban Mê Thuột chìm trong khói lửa. Nằm trên giường bệnh viện, nghe những lời bàn tán xôn xao của người chung quanh, Nhi thấy chết điếng trong lòng. Không biết số phận Thạch, người chồng thân yêu của nàng ra sao! Nếu chàng có mệnh hệ nào, thì… Nhi rùng mình không dám nghĩ tiếp.

Mỗi ngày nhân viên bệnh viện đưa em bé ra cho nàng ẵm hai lần. Đứa bé xinh đẹp bụ bẫm với khuôn mặt giống bố như đúc, nhưng trắng hồng và mái tóc lơ thơ trên chỏm trông thật dễ thương. Nhi ôm con và nước mắt nóng hổi trào ra ướt má. Có thể nào con nàng mồ côi cha từ thưở sơ sinh? Nhi cay đắng trong lòng và cảm thấy chiến tranh nghiệt ngã quá!

Tin Ban Mê Thuột thất thủ tràn lan rất nhanh. Thị xã Đà Lạt như lên cơn sốt. Khắp nơi người ta thăm hỏi nhau, tìm cách biết tin tức người thân. Nhi như người chết dở khiến bà mẹ phải an ủi suốt ngày. Nàng quên hết tất cả để chỉ còn nhớ tới Thạch, không biết chàng sống chết ra sao, và nếu còn sống chàng trôi giạt về đâu. Một buổi chiều có lính gõ cửa, trao cho Nhi một mảnh giấy nhỏ. Nhi mừng chết được, rõ ràng là nét chữ của Thạch. Thạch vắn tắt cho nàng biết chàng đã thoát được ra khỏi vùng lửa đạn, và bây giờ đơn vị của chàng đang cố thủ thị trấn Pleiku.

Pleiku bây giờ đang trong cơn hỗn loạn, thị trấn nhỏ bé này một sớm một chiều bỗng nhiên trở thành tuyến đầu khói lửa. Pleiku lúc này hừng hực cơn sốt chiến tranh, chắc không còn cảnh:

Phố núi cao,

Phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh

Trời thấp thật buồn

Em Pleiku

Má đỏ môi hồng

Ở đây buổi chiều

Quanh năm mùa đông.

Vài ngày sau, đang khi Nhi cho con bú thì Thạch đẩy cửa bước vào. Người chàng cháy nắng và khét lẹt mùi thuốc súng. Thạch ôm lấy vợ, lấy con, nước mắt chàng trào ra nóng hổi. Lần đầu tiên Nhi thấy Thạch khóc. Nàng biết Thạch yêu nàng, và yêu con ghê gớm. Thạch cho vợ biết Pleiku đã thất thủ, đơn vị chàng hỗn loạn, tứ tán. Thạch cố thoát khỏi vùng tử địa về đây. Nhi vừa mừng vừa lo. Mừng vì Thạch thoát hiểm, nhưng lo vì không biết số phận Đà Lạt sẽ ra sao, có thoát khỏi nanh vuốt tử thần hay cũng chung số phận với Pleiku, Ban Mê Thuột!

Sự thật còn tàn nhẫn hơn điều Nhi lo sợ! Không riêng gì Đà Lạt mà cả nước lần lượt rơi vào tay kẻ thù. Nhi chết điếng trong lòng. Nàng biết hy vọng được sống hạnh phúc đơn giản bên chồng không bao giờ thành sự thật nữa!

?

Bố Nhi và Thạch bị cưỡng bách trình diện học tập cải tạo. Ngày chàng bước chân ra khỏi nhà, Nhi thấy cả tấm màn đen kịt phủ xuống gia đình nhỏ bé của nàng. Đành rằng theo thông báo, “các sĩ quan ngụy chỉ đi học tập có ít tuần” nhưng người phụ nữ có trực giác bén nhạy lắm. Nhi linh cảm thấy sự thật không đơn giản như vậy. Nàng chưa hề có kinh nghiệm về cộng sản, nhưng nàng biết kẻ thù không khoan dung, hiền lành như thế. Những con người thâm hiểm ấy, khi nói chuyện đôi mắt luôn ngó dáo dác hoặc cúi gầm mặt xuống. Nhi thấy không thể tin tưởng được lời nói của những con người này.

Nhi và mẹ nàng không có gì để tiễn bố Nhi và Thạch cả, ngoài một túi quần áo cũ, ít lương khô và tiền lẻ. Và hai người thân của nàng ra đi biền biệt. Một tháng, hai tháng, rồi một năm, Thạch vẫn biệt vô âm tín. Nhi không biết chồng đã bị đưa đi những đâu, trải qua những nhà tù nào, chịu bao nhiêu nỗi nhục nhằn cay đắng, thân xác bị hành hạ đến độ nào! Đêm đêm, Nhị quỳ cầu nguyện xin Chúa thương chồng, thương con. Nàng không nghĩ đến thân mình, chỉ lo cho chồng cho con. Con nàng lớn lên dần dần trong cảnh đói khổ nhục nhằn. Nhi và mẹ tảo tần buôn bán, tìm cách chui qua màng lưới công an khu vực, kiếm chút tiền lo cho gia đình. Nhưng tất cả đều thiếu thốn và rách nát. Hai người đàn bà, một già một trẻ, đành rằng có trái tim đầy ắp tình yêu nhưng hoàn cảnh trước kia không đào tạo họ thành những người đàn bà quán xuyến.

Một ngày, có giấy của phường gửi tới nhà Nhi báo cho biết Thạch đang “được học tập cải tạo” tại Pleiku và chính quyền cách mạng “luôn luôn nhân đạo và khoan hồng” cho phép Nhi được đi thăm chồng trong dịp tết này.

Nhi mừng quá khi được tin chồng còn sống. Chàng ra sao không biết nhưng chàng còn sống đã là điều quá vui rồi. Nhi mừng đến độ nàng quên cả hoàn cảnh thực tế là gia đình không đủ tiền chi dùng trong nhà, lấy đâu tiền mua sắm phẩm vật thăm nuôi Thạch.

Niềm vui ban đầu qua đi, Nhi bắt đầu nghĩ đến thực tế. Và lần đầu tiên Nhi biết thế nào là “lo toát mồ hôi”. Nhi lo quá, tiền ở đâu để mua sắm cho Thạch, chẳng lẽ đến với chàng bằng hai tay không! Đến lúc này nàng mới hiểu có tình yêu không thôi chưa đủ, dù thích tiền hay không thích tiền, người ta vẫn cần đến nó.

Buổi chiều, Nhi ra ngoài vườn nhìn xuống thành phố. Mùa Xuân đã về, anh đào đang kì nở rộ. Hoa hình như không biết thành phố đổi chủ và lòng người đang héo hắt. Hoa vẫn tươi thắm, vẫn xinh đẹp. Dù người dân Đà Lạt có tàn tạ theo năm tháng thì núi đồi vẫn xanh, nước hồ Than Thở vẫn biếc, hoa vườn Bích Câu vẫn thắm, và thành phố vẫn nhuộm hồng mầu anh đào. Nhưng Nhi biết cảnh đẹp cũng chẳng được bao lâu nữa dưới chế độ này! Nhi nhớ quá những ngày Thạch và nàng ôm vai nhau, đứng ở đây nhìn xuống thành phố, Thạch ví von rằng chàng yêu đôi má của Nhi nên rất thích mầu hoa anh đào. Nhi cũng nhớ những cánh hoa anh đào thật đẹp, mỗi mùa Xuân ngày trước Thạch mang về trang hoàng phòng khách nhà nàng. Tình yêu của hai người hình như mang mầu hồng của hoa anh đào. Nàng cũng nhớ đến dư vị thơm ngát của chất rượu anh đào, đã làm nàng ngất ngây trong đêm hoa chúc!

Nghĩ đến thực tế, nước mắt Nhi như muốn trào ra. Nhưng nàng cắn môi không khóc. Đây không phải là lúc khóc nữa, mà là lúc tĩnh trí để tính chuyện. Nhi không muốn Thạch tủi thân và sau đó là đói khát, thèm nhạt khi nàng đến thăm chàng với hai tay không! Nàng nghĩ mãi, và cuối cùng nàng đã tìm được giải pháp.

?

Buổi chiều hôm đó, sau khi đã được một món tiền, chạy ra chợ vào cửa hàng mua sắm các thứ cần thiết cho chồng, Nhi về nhà, người mệt đừ, mắt hoa đầu váng. Nàng nằm vật ra giường mẹ lúc nào không biết. Nhi tỉnh dậy khi con nàng đói, khóc lên từng chập. Nàng thức giấc, mệt nhọc xuống bếp gạn cho con ít nước cháo. Thằng bé ăn xong, no bụng, nhoẻn miệng cười và đùa nghịch với những ngón tay của mẹ nó. Chơi với con một lúc, Nhi để con nằm một mình, đi lại phía bàn, nàng lật quyển nhật ký ghi những dòng chữ cho chồng. Đã lâu quyển nhật ký của nàng đã trở thành tập để viết thư cho Thạch, những bức thư không bao giờ được gửi đi, nhưng Nhi thấy cần phải viết, như một cách để thở than, sẻ chia, tâm sự.

Anh thân mến

Có lẽ niềm vui lớn nhất trong đời em là được tin anh còn sống và được phép đến thăm anh. Anh có bị hành hạ nhiều không? Bọn họ đã làm gì anh, đã đày đọa anh đến thế nào? Cố gắng và can đảm anh ạ. Chúng ta là những người có niềm tin, chúng ta tin có Chúa và Ngài là ông bố nhân từ đầy quyền năng, một ngày nào đó sẽ cứu thoát chúng ta.

Em nghèo, không có tiền mua quà cho anh, gia đình mình bây giờ gian nan lắm, chắc anh cũng biết. Nhưng cuối cùng em cũng xoay được một món tiền. Anh xem, em cũng mua được cho anh đủ cả quần áo, thuốc men, lương khô và một đôi gà cho anh nuôi lấy trứng. Em giỏi không anh? Khen em đi! Anh yên tâm, em không làm điều gì tủi hổ, xấu xa để anh buồn đâu. Để em kể cho anh nghe tại sao em có tiền nhé.

Cả buổi chiều, em suy nghĩ hết cách, không tìm ra cách nào kiếm tiền mua quà cho anh, em không có gì cả cho anh ngoài chính bản thân em. Chính ý nghĩ đó khiến em nảy ra sáng kiến: tại sao em không biến chính những gì của bản thân em làm quà tặng anh. Anh ạ, em nghĩ đến chuyện bán máu, máu của chính em, đang lưu chuyển trong thân thể em.

Ngày xưa bố em làm ơn cho nhiều người, trong những người chịu ơn bố có một y tá. Ong này được chính quyền mới coi là người vô thưởng vô phạt, nhất là các bệnh viện bây giờ đang cần những y công, nên ông được lưu dụng. Hiện nay ông làm trong phòng hiến máu ở một bệnh viện gần nhà mình. Gọi là hiến máu, thật ra là bán máu. Mỗi người hiến máu được ăn một bữa cơm và tuỳ theo số phân khối rút ra sẽ được trả một món tiền. Theo luật thì chỉ được đến hiến máu bao nhiêu lần theo một tiêu chuẩn nào đó mà em không rõ, nhưng những người nghèo vẫn đến bán máu, và ông y công kia thông cảm làm ngơ cho.

Em đến bệnh viện nối đuôi xếp hàng giữa một ngày có nhiều gió lạnh. Trong hàng người rách rưới nghèo nàn ấy, em nghe những lời trò chuyện, nào là ông kia máu rút ra trông tím lịm, nào là cô nọ cũng vừa hiến máu xong ngã ra bất tỉnh. Thú thật em cũng có sợ. Nhưng anh ơi, em có thể cho anh tất cả thì tiếc gì vài chục phân khối máu!

Cuối cùng cũng đến lượt em. Ông y tá nhận ra em ngay. Ông ân cần hỏi thăm về bố, mẹ và gia cảnh nhà mình. Em vắn tắt cho ông biết về những điều ông hỏi rồi vào đề ngay, xin ông rút máu của em, càng nhiều càng tốt. Em cần tiền để thăm nuôi anh. Ông nhìn em ái ngại và nói:

– Theo tiêu chuẩn, cô không được phép hiến máu. Cô gầy và xanh xao quá! Nhưng thôi, tôi cũng làm liều. Ngày xưa ông nhà rất tốt với tôi. Trả ơn cách này tôi thấy không an lòng chút nào. Lỡ cô có mệnh hệ gì, mai mốt tôi làm sao dám nhìn ông nhà! Nhưng thôi, hoàn cảnh thế này, đành nhắm mắt mà làm vậy.

Và rồi sau những thủ tục giấy tờ, ông thận trọng trong từng cử chỉ một, đưa mũi kim vào mạch máu em. Máu được rút từ thân thể em vào ống-xi-lanh, đỏ thắm. Em hơi choáng váng, nhưng bằng tất cả nghị lực, em giữ cho mình bình tĩnh. Để quên đi sự choáng váng, em nhìn màu máu của mình. Màu đỏ đẹp quá, em nghĩ đẹp hơn màu hoa anh đào mà chúng mình ưa thích. Anh ơi! Mong rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù chúng ta có nghìn trùng xa cách, tình yêu của chúng mình vẫn đẹp như màu hoa anh đào và tươi thắm như màu máu của em. Máu em sẽ nuôi dưỡng anh trong đoạn đời khốn khổ nhất. Máu của em biến thành quần áo cho anh mặc, lương khô cho anh dùng, thuốc men cho anh uống, gà đẻ trứng cho anh bổ dưỡng. Anh yêu dấu, em còn muốn dâng tặng anh nhiều hơn thế nữa, nhưng hoàn cảnh khốn khổ của chúng ta đã ràng buộc chúng ta nhiều quá!

Anh cứ yên tâm, em sẽ phấn đấu! Nhi của anh, Nhi bé bỏng ngày xưa bây giờ giỏi lắm. Nhi của anh biết lo cho mẹ, biết nuôi con, biết kiếm tiền mua quà thăm nuôi anh. Với lại chúng ta còn có Chúa, Chúa không bỏ chúng mình đâu. Máu lấy ra rồi mai mốt Chúa lại cho máu khác. Rồi chúng ta một ngày nào đó sẽ gặp nhau. Anh sẽ khoẻ mạnh oai hùng như ngày nào. Và chúng ta còn có con trai nữa! Ngọc bây giờ xinh đẹp, kháu khỉnh lắm anh ạ. Chúng ta nghèo, nhưng em vẫn lo cho con được đầy đủ. Gia đình chúng ta sẽ hạnh phúc. Một ngày nào đó Đà Lạt ấm nồng trong nắng; anh đào, loại hoa anh yêu, nở rộ, và chúng ta sẽ đứng ở vườn sau nhà, trên đồi, ngắm thành phố mặc áo hồng như ngày nào. Anh cứ tin điều đó đi, anh nhé!

Em yêu anh vô cùng!

Nhi viết xong những trang giấy cho Thạch, nàng mệt quá. Đầu óc choáng váng, mắt nàng hoa đi! Nhi gục xuống bàn, lịm thiếp, trong khi trời rực sáng.

(1) Năm ngoái, hôm nay, cũng cửa này

     Hoa đào tô thắm má hây hây

     Người cũ về đâu nơi xứ lạ

     Hoa đào còn cợt gió Đông bay.

     (QD. thoát dịch)

Quyên Di

Hoa Hồng Nhà Kín

Chia sẻ Bài này:

Related posts