- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Tháng Linh Hồn: Nghĩ về thân phận người

Trong năm phụng vụ, tháng Mười một là Tháng Linh hồn, dành riêng việc cầu nguyện cho các linh hồn, cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên, người thân và những người đã qua đời. Đây là dịp để mỗi chúng ta tỏ lòng biết ơn, báo hiếu cách đặc biệt với những người đi trước, những người đã đem lại cho ta cuộc sống hôm nay về cả vật chất lẫn tinh thần.

Ai cũng một lần đối diện với Tử thần, có sinh ắt có tử, có hợp ắt có tan, có khởi đầu ắt sẽ kết thúc. Nên lo nghĩ về cái chết là điều đương nhiên, nhưng nghĩ về cái chết để mà sống sao cho “đẹp” nơi cuộc đời này. Con người bản chất nhỏ bé, yếu đuối và mỏng giòn nên làm sao để sau những ngày sống cuộc đời dương gian với những nỗ lực của bản thân cộng với ơn thánh của Chúa, chúng ta cố gắng nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Để mong một ngày chúng ta được cùng Ngài hưởng hạnh phúc trên Thiên Quốc. Đó là điều không dễ, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải sống đúng Lời Chúa và giữ trọn Lời Ngài nơi trần gian này.

Qua đó, nhắc nhở mỗi người chúng ta về thân phận của mình – thân phận bụi tro – “Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về tro bụi”. Đúng vậy, dù chúng ta trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù quyền thế hay “dân đen”, dù tài giỏi hay ngu dốt… thì một mai cũng lìa khỏi trần thế này. Đó là định luật muôn thuở!

Giá trị cuộc đời con người không quan trọng ở độ dài của tháng ngày mình sống, nhưng được quy chiếu theo một vài chiều kích căn cốt, đó là “năng lượng” Đức tin được tích trữ, “diện tích” tình yêu được cho đi, “mật độ” bác ái được lan tỏa và “cân nặng” của sự hy sinh, từ bỏ trong đời sống của chúng ta. Như Đức cố Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Chiều cao của đời tôi là gì? Là trung thành với Thiên Chúa, với Hội Thánh, với Tổ tiên, với Tổ quốc. Chiều rộng của đòi tôi là gì? Là trưởng thành đối với gia đình, cộng đoàn và xã hội. Chiều dài của đời tôi là gì? Là Tín thành với bằng hữu, với mọi người” (trích Thập đại thành công).

Thực tế đã cho chúng ta thấy, cũng là con người nhưng có những cái chết không ai thương tiếc. Trái lại, có những cái chết ý nghĩa, được mọi người luyến tiếc, ngưỡng mộ và nhớ mãi. Có những người chết trẻ nhưng “tiếng thơm” lan rộng, nhưng có những người chết già mà còn bị khinh chê. Đó là phần nào kết quả của những gì mình đã nói, đã làm, đã nghĩ và đã sống ở trần gian.

Vậy phải sống sao cho xứng, sống sao cho “thơm” trên dòng đời nhiều trôi nổi, lắm đổi thay với nhiều xu thế xấu tốt luôn “rình rập”. Đáp lại điều đó, Đức Kitô đã mời gọi mỗi chúng ta: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Sống không hẳn là sống cho mình, nhưng là sống vì mọi người, cho mọi người, cho trần thế bằng một lòng mến, một tình yêu vô vị lợi và có khi hy sinh cả mạng sống vì lòng mến, vì tình yêu đó. Có thể trần gian cho đó là ngu dại, là điên khùng, là mất mát. Nhưng thánh Phaolô đã khẳng định: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người” (1Cr 1,25). Chính Đức Giêsu là bằng chứng sống động về điều đó. Ngài là gương mẫu cho một tình yêu bất diệt, đó hiến mạng sống mình cho nhân loại vì tình yêu.

Có lẽ không ai trong chúng ta không một lần khắc khoải về thân phận mình, không chút lo lắng về sự bọt bèo của phận người, một mai rồi sẽ ra sao? Cùng đích là đâu? Mục đích của cuộc sống trần gian là gì? Bao lâu chúng ta còn khắc khoải thì chúng ta còn ý thức được về mình, về thân phận của mình. Thánh Augustinô đã có kinh nghiệm: “Hồn con luôn bồi hồi xao xuyến cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.

Quả vậy, cuộc đời là tạm bợ, quê thật của chúng ta là Nước Trời. Chỉ có trong Chúa, nơi đó chúng ta mới có cuộc sống đích thực, trọn vẹn trong tình yêu và hạnh phúc viên mãn. Như lời các Thánh Tông đồ vẫn trăn trở: “Bỏ Ngài chúng con biết theo ai?” Đó cũng là điều chúng ta cần xác tín để rồi bước đi theo Ngài không ngần ngại.

Vậy theo Ngài thì chúng ta phải làm gì? Thánh Phanxicô Assisi gợi cho ta phần nào về điều đó ngang qua lời Kinh Hòa Bình: Hãy “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Hãy “đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”. Có như thế thì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Thật vậy, để làm sao để khi chết là khi vui, chết đi mà được mọi người luyến tiếc, nhớ nhung, chết đi mà để lại “tiếng thơm” cho đời sau. Vì chết không phải là hết, là chấm dứt mà là một sự biến đổi. Đó là chết đi con người cũ để sống với con người mới, chết đi con người tội lỗi để sống với con người trong sạch, chết đi những gì thuộc về con người để sống trọn vẹn trong Thiên Chúa. Được như vậy, khi kết thúc cuộc sống này chúng ta được bước vào cuộc sống vĩnh hằng, nơi có hạnh phúc vĩnh cữu, cùng với Chúa, Mẹ Maria, các Thiên thần và các Thánh trong nước Thiên đàng.

Lạy Thiên Chúa phục sinh, xin xót thương các linh hồn, cách riêng là linh hồn ông bà, tổ tiên chúng con sớm về hưởng tôn nhan Chúa. Về phần chúng con, những người đang trên con đường lữ thứ trần gian, xin cho chúng con thêm vững mạnh Tin – Cậy – Mến, giúp chúng con tăng trưởng các nhân đức yêu thương, đại lượng, nhân hậu, cảm thông, tha thứ, chia sẻ… để sống trọn vẹn Lời Chúa và mỗi ngày một hoàn thiện hơn.

J.B Lê Đình Nam

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]