Vượt Thoát Kiến Chấp

          Kiến chấp có nghĩa là  chấp vào những  cái thấy sai lạc và cái chấp sai lạc  căn bản gồm có hai, một là chấp xác thân này là mình và hai là chấp tâm tưởng những nghĩ suy lo lường này là mình.  Từ nơi hai cái chấp căn bản ấy mà con người vướng vào đủ mọi thứ chấp chước sâu nặng khác nhau. Chấp xác thân là mình ắt không thể thoát khỏi sự trói buộc của tham ái, nguồn gốc của hết thảy khổ đau. Chấp tâm phân biệt là mình ắt không sao tránh khỏi sân hận si mê đầu mối của mọi giống tội.

          Đức Ki Tô ra đời rao giảng Tin Mừng Nước Trời chính là để cho con người tin vào Tin Mừng ấy hầu thoát khỏi mọi ràng buộc của những cái thấy sai lạc bằng cách nêu cao chân lý Con Thiên Chúa ( Xem lại phần VI ). Chân lý này đã được Thánh Gioan xác nhận “ Hãy xem Cha đã ban cho chúng ta sự thương yêu bực nào để chúng ta được gọi là Con Cái Thiên Chúa mà chúng ta cũng quả thật là như vậy” ( 1Ga 3, 1 ).

          Khi nhắc lại “ Cũng quả thật như vậy” Thánh Gioan muốn ám chỉ địa vị đích thực là Con Thiên Chúa để phân biệt với câu “ Được gọi là Con Cái Thiên Chúa” Giữa hai câu đó có sự khác biệt thế này. Một đàng đúng là Con Thiên Chúa, Con từ trong bản chất đích thực của nó. Một đàng chỉ được coi là con… trên danh nghĩa. Từ bao lâu nay chúng ta đã được trình bày, được  học hỏi về chân lý Con Thiên Chúa như thế nào ? Thông thường ta vẫn cho rằng chỉ những ai được chịu  Phép Rửa Tội mới được nhận là con cái Thiên Chúa. Điều này mặc nhiên không chấp nhận những người ngoại đạo cũng là con cái Thiên Chúa như mình. Mặt khác mặc dù những người chịu Phép Rửa được gọi là  con cái Thiên Chúa. Thế nhưng đây chỉ là một thứ…con chỉ có cái danh chứ không có thực  và  không cách gì có thể sánh ngang hàng địa vị Con Thiên Chúa của Chúa Giê Su.

          Quan niệm trên đây phải nói đó là một sai lầm  nghiêm trọng bởi đã tạo ra hố cách biệt thẳm sâu không những với Thiên Chúa là Cha mà còn cả với Chúa Giê Su vì Ngài là trưởng tử là hoa quả đầu mùa ( 1C 15, 23 ). Nếu Đức Giê Su Ki Tô là trưởng tử thì mọi người có hay không có tôn giáo đều nhất định phải là anh em với Ngài. Vả lại cũng chính Ngài đã xác nhận điều ấy khi nói với Madalena  lúc  nàng ra viếng mộ Chúa Ki Tô Phục Sinh “ Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Cũng là ĐCT Ta cũng là ĐCT các ngươi” ( Ga 20, 7 ).

          Thiên Chúa là Cha của  Chúa Giê Su cũng là Cha của hết thảy chúng sinh vạn vật. Thế nhưng  lại chỉ  có Ngài mới thấy được tính chất là Cha của Thiên Chúa còn tất cả  phàm nhân chúng ta thì không. Nếu có sự khác biệt nào giữa Đức Ki Tô và con người thì duy nhất chỉ ở điều này. Ngài  có sự thấy biết về Cha còn chúng ta thì không “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta thì biết Ngài” ( Ga 8, 35 ).

          Bởi Đức Ki Tô thấy biết về Cha  nên mới từ trời xuống thế mạc khải để chúng ta cũng được  nhận biết Đấng ấy như Ngài. Nhận biết về Đấng Cha có nghĩa chúng ta là con của Ngài, một Người Con thực sự và không chút chi khác biệt với Chúa Giê Su. Cũng do nơi  sự thấy biết hoàn toàn ( triệt ngộ ) ấy mà Ngài đã  được Chúa Cha xưng tụng là Con Rất Yêu Dấu ( Mt 3, 17 ) Còn về phần chúng ta do tin theo mạc khải thế nên được vinh dự lớn lao trở thành anh em với Ngài.

          Tin theo để tiến tới sự hiệp nhất với Đấng Cha là một cuộc sống tâm linh đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và đòi hỏi trước hết cho những ai muốn thực sự bước vào Thời Mới là phải thay đổi lối sống cũ “ Con không thể lớn lên về tâm linh nếu không được chuẩn bị để thay đổi. Để bắt đầu, những cuộc thay đổi này có thể đến từng chút một. Nhưng con càng tiến sâu vào cái mới, những biến đổi đó càng trở nên quan trọng và sẽ liên quan đến cả cuộc đời. Đôi khi phải có một cuộc xáo trộn từ trên xuống dưới để dẫn đến một lối sống hoàn toàn mới. Nhưng thật là ngỡ ngàng khi con có thể làm quen một cách nhanh chóng với sự thay đổi trong lúc con còn can đảm và tin vững chắc rằng đó là để đi tới cái tốt hơn, chớ gì sự trọn lành luôn là mục đích của con. Con hãy tiếp tục vươn lên mãi. Hãy cố gắng đạt tới cái coi chừng như không thể” ( Aileen  Caddy Sđd ngày 19 tháng giêng )

          Cái coi chừng như không thể”  cần phải đạt tới ở đây chắc hẳn ai cũng hiểu đó là hiệp nhất với Đấng Cha ở nơi chính mình. Thế nhưng do đâu mà sự hiệp nhất lại là cái không thể ? Xin thưa đó là bởi những giới hạn mà con người đã tự đặt ra cho mình. Một khi đã chấp xác thân này là mình rồi thì …mình chỉ là cái cái khối vật chất nặng chừng vài mươi ký lô chứa đầy máu mủ tanh hôi thì làm sao có thể kết hợp được  với Thiên Chúa Đấng Toàn Năng Toàn Thiện  cao cả vô biên ? Lại nữa một khi đã chấp Tâm Phân Biệt  là mình thì mình chỉ là những ý nghĩ  thoạt vui thoạt buồn, hy vọng đó mà liền thất vọng đó, khởi rồi liền diệt, diệt rồi lại khởi liên miên không dứt thì làm sao  có thể kết hợp được với Đấng Vô Thủy Vô Chung, Sự Sống vĩnh cửu đời đời  ?

          Do nơi hai cái chấp căn bản này mà đã nảy sinh vô vàn vô số những cái chấp khác, chấp vào sở học vào gia thế, màu da chủng tộc  tôn giáo v.v…Thật rất khó  lôi kéo con người ra khỏi những giới hạn chật hẹp đó để đi tới Đấng là vô giới hạn “ Con hãy ra khỏi cái ổ ( ngã chấp ) của con đi và hãy mở rộng tâm hồn con rồi hãy thực hiện điều này là không có giới hạn nào cả. Có nhiều người không thể nhìn xa hơn bàn chân của họ hay nhóm người của họ hay cộng đoàn nơi họ đang sống. Họ quá bị ràng buộc bởi những điều vụn vặt đến nỗi họ không thể nào lớn lên được chính lúc nó phải cần đến thật nhiều những thay đổi lớn lao và cho thật mau. Con đừng thỏa mãn vỏn vẹn với những gì con đã hiểu được nhưng hãy sẵn sàng đi xa hơn nữa, dám đi đến những nơi không thể đến được. Chính như vậy mà con mới có thể thăng tiến. Con hãy chấp nhận mình bị kéo dãn ra cho đến mức muốn bị cắt đứt và cứ kéo xa hơn nữa. Con hãy nhìn xem, sau cùng việc nào qua đi cũng để lại một cái gì hoàn toàn mới. Con đừng sợ cái mới và cái lạ. Nhưng hãy dấn bước vào với một lòng tin và trông cậy tuyệt đối, biết rằng mỗi bước đều dẫn con đến một trời mới tuyệt vời một đất mới kỳ diệu” ( Aileen  Caddy ngày 24 tháng 5 ).

          Tất cả những chấp chước tự giới hạn như vừa nêu, tuy cũng là những trở ngại đáng kể. Thế nhưng nó không ghê gớm cho bằng việc “Thỏa mãn vỏn vẹn với những gì con đã hiểu được”. Những gì đã hiểu hay nói đúng hơn, những gì mình tưởng rằng đã hiểu, đây là một thứ Sở Tri Chướng cực kỳ tai hại. Chính là Sở Tri Chương chứ chẳng phải điều chi khác đã giết chết tất cả mọi sáng tạo. Đây là sức  ỳ ghê gớm nhất mà con người ta lại bám vào nó như thể đó là những chân lý ngàn đời không thể sai lầm.

          Tất cả những quan niệm duy lý của thần học từ bao lâu nay đều là những Sở Tri Chướng ngăn ngại cho Thời Mới. Ở đây nên phân biệt thế nào là sở tri thế nào không phải sở tri ? Sở tri là những cái thấy biết  do ý thức phân biệt suy tư mà có. Còn không phải sở tri đó là phát khởi của trí huệ vô phân biệt tức trực giác. Để  có thể hiệp nhất với với Đấng Thiên Chúa nội tại  thì quá trình thực hiện tâm linh tất cả chỉ là việc thoát khỏi kiến chấp tức cởi bỏ hết những chướng ngại do Sở Tri Chướng gây nên hầu cho trực giác phát khởi “ Chỉ khi nào lòng trí con nhẹ nhàng con mới  mở rộng tâm hồn và có khả năng đón nhận những cái mới xung quanh con và con mới có thể hòa vào với những tư tưởng mới, ý kiến mới và lối sống mới. Con hãy chuẩn bị để nhìn cao hơn và xa hơn những lãnh vực rộng lớn hơn và con hãy thả bước trên những con đường của Thánh Thần. Có nhiều điều con có thể hiểu và chấp nhận bằng trực giác, còn lý luận ( suy tư phân biệt ) trên những việc đó là vô ích. Vậy thì tại sao con không sẵn sàng để sống và hành động bằng trực giác và cảm hứng ? Khi con làm như vậy là con đang hoạt động trong tâm hồn hướng thượng và con sẽ có khả năng đón nhận cái mới. Con sẽ trở thành một con kênh trong sáng để cái mới có thể triển nở trong và qua con” ( Ailoeen  Caddy  Sđd ngày 7 tháng 4 ).

          Sống và hành động bằng trực giác và cảm hứng đó là hoạt động của những tâm hồn có chí hướng thượng và đây quả thật là lý tưởng tuyệt vời đáng để ta ước ao thành  tựu. Thế nhưng bất cứ cái gì cũng có cái giá phải trả của nó, càng muốn lên cao bao nhiêu càng phải biết trút bỏ những gánh  nặng trì kéo bấy nhiêu. Đường trọn lành là đường kết hợp với Đấng Vô Sở Bất Tại. Bởi thế cho nên không thể bám víu vào Ngài như một thứ đối tượng dù là vật chất hay tinh thần, dù là cụ thể hay trừu tượng. Thánh Gre’gorio  giám mục thành Nixê  ví Thiên Chúa  như một  vách đá trơn nhẵn  và dựng đứng không có chỗ nào cho trí khôn con người có thể bám víu suy luận. Một Thiên Chúa mà suy tư ( lý trí ) có thể nhận biết thì đó chắc  chắn không phải là một Thiên Chúa chân thật  mà chỉ là một quan niệm nào đó về Ngài.

          Không  thể nhận biết Thiên Chúa dù bằng cảm quan hay lý trí, Thánh Augustino nói “ Nếu anh hiểu được Ngài thì đó không phải là Ngài” ( Si tu comprends, ce n’est pas lui ). Chân lý muôn đời là một, Kinh Kim Cang nhà Phật cũng nói không khác “ Này Tu Bồ Đề, các đại Bồ Tát nên sanh tâm thanh tịnh như vầy: Chẳng nên sanh tâm trụ sắc, chẳng nên sanh tâm trụ thinh, hương, vị, xúc pháp ( mà ) nên sanh tâm không chỗ chi trụ ( Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm ).

          Để có thể hiệp nhất với Đấng Vô Sở Bất Tại đó thì không được phép “ Trụ” vào bất cứ một thứ hình tướng hay chấp vào một  quan niệm nào. Hễ có tướng trạng hoặc quan niệm được thì đều là hư vọng. Có nhận ra  như  thế mới rõ tại sao trong Kinh Thánh Cựu Ước luôn mô tả Thiên Chúa Gia Vê là Đấng hết sức gớm ghét và gắt gao đòi phải thẳng tay diệt trừ thần tượng đủ loại. Không được phép bám vào bất cứ thứ gì thuộc hiện tượng giới, chẳng những đó là những thứ thô phù như thần tượng bóng đá, điện ảnh, xì ke ma túy…. mà còn với cả những tình cảm quyến luyến, những hy vọng hão huyền v.v….

          Tất cả những việc…lìa tướng này khiến cho  Tâm trải qua những phút giây trống rỗng tưởng chừng không thể chịu đựng nổi và dường như mình đang đi vào …cõi chết “ Cuộc sống thì đầy tràn cái mới ( Do trực giác mang lại ). Nhưng cần phải gạt bỏ cái cũ để có chỗ cho cái mới xâm nhập. Quá trình dẹp bỏ để trở nên trống rỗng có thể là rất đau đớn bởi khi con đã  vứt bỏ cái cũ đi, con có thể cảm thấy  không còn gì nữa cả để bám víu mà chỉ thấy còn có một mình, một mình trống rỗng không còn một chút gì cả. Con có thể cảm thấy cuộc đời đã chết hoàn toàn và rỗng tuếch không một ý nghĩa và con như muốn giơ đôi tay thất vọng lên trời. Con hãy nên nhận định rằng nếu con trải qua một đôi lúc như thế thì đó đang là giai đoạn tước bỏ cái cũ để con có thể  một lần nữa  dành chỗ cho một cái mới. Con đừng bao giờ thất vọng mà hãy đứng vững cho tới khi nào con hoàn toàn trống rỗng và được tẩy rửa và tống khứ mọi thứ ra ngoài. Rồi con lại có thể bắt đầu trong một bầu khí mới mẻ của Thánh Linh và trong sự thật. Con có thể trở nên như một đứa trẻ, thiết tha trân trọng vẻ diệu kỳ của cuộc sống mới và đồng thời nó cũng tràn ngập dần vào cuộc đời của con” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 16 tháng giêng ).

          Qua lời khai thị này ta thấy có điều xem ra thật phi lý, đó là nỗ lực tối đa của việc thực hiện tâm linh, tưởng sẽ thu đạt được kết quả lớn lao tương xứng nào đó nhưng rút cục lại chỉ được một “ Cái Tâm hoàn toàn trống rỗng” thế này thì tôn giáo có thể còn có vai trò nào không ? Vâng, đúng là tôn giáo nếu hiểu như là một mớ những giáo điều và kinh kệ thì không thể đóng vai trò gì. Nhưng nếu hiểu đó là con đường thực hiện tâm linh hay một thứ Thiền Đạo thì đây đúng là cứu cánh của nó. Cứu cánh “ Tâm trống rỗng” cũng chính là cái Tâm Vô Niệm của  Phật giáo Đại Thừa mà Thiền sư Hoàng Bá xác nhận “ Phàm người học đạo, muốn được thành Phật, tất cả Phật pháp đều chẳng nên học chỉ học vô cầu vô trước. Vô cầu thì Tâm chẳng sanh, vô trước thì Tâm chẳng diệt. Chẳng sanh, chẳng diệt tức là Phật.”. Cái học Vô Cầu Vô Trước đó tức là Thiền Định. Vậy thử xem “ Tiếng Thì Thầm” nói thế nào về con đường này ?. /.

 

Phùng  Văn  Hóa

( Kỳ sau: Đường lối thực hành )

Chia sẻ Bài này:

Related posts