- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thung ruộng nhỏ

Người ta gọi là Ruộng Nhỏ, nhưng trong ký ức tôi – ký ức của một đứa trẻ lúc lên mười – đó là một cánh đồng xa tít, lồng lộng gió chiều đuổi bắt những vạt nắng chập chờn dát trên sóng lúa. Đã hơn ba mươi năm, lòng tôi vẫn thương những bông hoa dại hiền lành bên bờ mương nhỏ, vẫn nhớ da diết những lúc bì bõm bắt cá đồng, hái rau muống trong vũng nước cạn cuối thung. Mỗi lần nghĩ đến, lòng tôi lại bồi hồi, như nghe tiếng cút gọi bạn xa xa, như thấy đàn cò soải cánh trong màn chiều bảng lảng, cánh đồng yên ả nghỉ ngơi… Dường như mùi ngai ngái của rơm rạ, bùn lầy, tiếng rúc rích, ềnh oàng của côn trùng, ếch nhái,… vẫn còn đâu đó “nằm gọn” trong tâm thức. Bởi tất cả đã thấm vào đời tôi quá đỗi tự nhiên, thắm đượm trong tôi cái nét hoang sơ mộc mạc như cây, như cỏ. Thi thoảng, trong giấc chiêm bao, tất cả lại ùa về gợi niềm thương nhớ đến phát khóc được…

Ruộng Nhỏ là quà tặng kỳ diệu của thiên nhiên giữa vùng đồi núi quê tôi. Phía Bắc Ruộng Nhỏ là dãy Núi Đất thâm thấp, sẫm một màu cây rừng. Phía Nam là dãy đồi trài, đất đỏ phì nhiêu, quanh năm bắp, khoai xanh mướt. Đầu phía Tây tập trung những con suối chảy miết từ trên Núi Chứa Chan đổ về, tưới vào vùng đất thịt trũng, tạo nên thung ruộng tốt tươi này. Còn cuối phía Tây là hai doi đất sà sà như hai cánh tay vươn ra từ hai phía Bắc Nam, ôm lấy Ruộng Nhỏ, khép lại ở con suối róc rách chảy về hướng rừng xa xa… Quê tôi ngày ấy đẹp lắm, trù phú, no đủ, thơm lành như quả chín.

Nhưng rồi cuộc sống bỗng thay đổi. Tất cả bỗng tan biến, chìm sâu dưới làn nước thẳm và trở thành ký ức. Trong số những đứa trẻ đã lặn ngụp và lớn lên trên cánh đồng ấy như tôi, chẳng biết có còn ai nhớ đến cái tên Ruộng Nhỏ. Nhưng có lẽ, với những người nông dân đã từng gắn bó nắng mưa trên thung ruộng này thì “Ruộng Nhỏ” là một nỗi đau dai dẳng, một tiếng kêu oan bất lực còn ứ lại trong cổ họng, để rồi cuộc đời bị đẩy vào cảnh đói cực, lầm than.

Ngày ấy, chị em tôi đã khóc rất nhiều, còn ba mẹ và mấy anh trai thì buồn đến nỗi cơm không nuốt nổi, khi người ta quyết định biến thung Ruộng Nhỏ cùng nương rẫy bốn bề thành cái đập trữ nước. Một con đê dài hơn hai cây số được đắp phủ trên hai doi đất phía đông, bắt ngang từ phía đồi trài qua Núi Đất, nhấn chìm toàn bộ thung ruộng cùng đất đai màu mỡ xung quanh. Nhà cửa, gia sản của gia đình tôi cùng rất nhiều người dân khác coi như mất trắng.

Sở dĩ người ta nghĩ ra cái “phát minh vĩ đại” biến ruộng đồng thành đập chứa nước là do thời ấy giá cà phê rất “sốt”. Nhà nhà, người người trồng cà phê, nên nhu cầu tưới tiêu rất lớn. Gia đình tôi cũng chỉ còn bám víu vào mấy sào đất rẫy trồng cà phê. Thế nhưng, chưa kịp bình tâm sau “cú sốc” mất ruộng mất vườn, gia đình tôi và những người nông dân khốn khổ lại bị “bồi” thêm một “cú đấm” làm kiệt quệ, không đứng dậy nổi: Tất cả rẫy đất trong địa phương đều bị xung vào đất công, làm “thí điểm” hợp tác xã. Nghĩa là “làm nháp”, được thì làm, không được thì thôi. Chuyện như đùa, nhưng cái đói khổ và bần cùng của người dân lại là… sự thật. Gia đình tôi rơi vào cảnh điêu linh!

Hai năm sau, hợp tác xã tan rã, đất đai của chúng tôi không được trả lại mà lại nhẹ nhàng “chuyển” sang chủ mới trong sự bức xúc, bất bình của người dân. Và rồi, rủ nhau “con kiến đi kiện củ khoai”, nhưng cuối cùng cũng chỉ mòn sức lực, hao tiền của. Gia đình tôi và không ít nông dân đã thật sự trở thành “vô sản” chính hiệu!

Nói về chuyện cái đập chứa nước tưới tiêu. Nó đã nhấn chìm bao nhiêu héc-ta ruộng vườn, làm tán gia bại sản bao gia đình, và hệ trọng hơn hết là tàn phái cả một hệ sinh thái tốt tươi, một phong cảnh hữu tình xinh đẹp mà thiên nhiên ban tặng – để rồi mấy năm sau chẳng ai cần đến nó nữa. Bởi cà phê trồng chưa kịp thu hoạch đã rớt giá, rớt thê thảm, thu hoạch không đủ bù tiền dầu chạy máy nổ tưới nước. Nông dân quê tôi tiếc xót nhưng cũng đành phá bỏ cà phê, chuyển qua trồng cây tiêu, cây điều. Nhưng rồi cũng chỉ được vài ba năm đầu, khi nhà nhà rủ nhau trồng rầm rộ, thì tiêu, điều cũng chung số phận với cà phê. Bởi thế nên quê tôi mới có câu nói “chơi chữ” thế này: “Cà phê, tiêu, điều vắng lặng”. Nhìn hồ nước lênh láng vô hồn, dân làng tôi quệt nước mắt nhớ thương Ruộng Nhỏ…

Quả là khó hiểu cái kiểu lãnh đạo “hứng đâu làm đó”, không cần đo lường hậu quả, hay không có năng lực để đo lường, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”! Một nước nông nghiệp mà không thể điều phối cơ cấu cây trồng hợp lý, không thể bình ổn giá và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, cứ mặc sức (hay thông đồng?) các thương lái và “đầu nậu”, thi nhau o ép. Nông dân cứ loay hoay nay trồng, mai đốn, mùa trước được giá, mùa sau mang đổ. Thuốc trừ sâu và phân bón hoá học chẳng ai quản lý, kiểm tra. Càng bón, càng xịt, đất đai càng cằn cỗi, bạc màu, cây cối nhiễm độc không sống nổi. Nông dân cũng chẳng còn tha thiết với ruộng vườn, bởi làm đâu thua đó. Tình trạng này không phải chỉ tồn tại ba mươi năm trước, mà cho mãi đến giờ vẫn vậy. Người nông dân cứ phải gánh chịu thiệt thòi, thất bát. Trách nhiệm thuộc về ai? Kỹ sư, tiến sĩ nơi đâu? Làm được gì? Ai thương thiên nhiên tàn úa? Ai xót nông dân đói khổ?

Suốt đời, có lẽ tôi sẽ còn ám ảnh cái đói của những năm ấy – thập niên 1980. Sắn, khoai cũng không có để mót. Đọt lá vông, đọt dền gai cũng bị bọn trẻ chúng tôi tranh nhau hái về làm rau. Tận kế sinh nhai, dân làng đổ vào rừng: cây lớn xẻ ván, cưa gỗ, cây nhỏ đốn củi, đốt than. Dân tiến đến đâu, rừng bị đẩy lùi đến đó, tan hoang, trơ trụi. Nhưng có lẽ sự đốn chặt và vận chuyển thô sơ của người dân cũng chẳng thấm vào đâu so với sự khai thác rầm rộ, quy mô của những đội kiểm lâm “khai thác có chỉ thị và có quy hoạch” với cưa máy, xe cần cẩu chạy rầm rập đêm ngày mà chúng tôi vẫn gặp trong rừng. Để rồi trong một thời gian ngắn, vùng Đồng Nai nhiều rừng núi, lắm dã thú, chim muông như thế cũng bị khai thác đến cạn kiệt. Có một thời, người dân hoảng sợ, hoang mang vì đêm đêm, đàn voi trong rừng không còn nơi trú ẩn, kéo ra phá rẫy, quật đổ nhà cửa và chà giết người dân. Sau khi quá nhiều người bị voi giày chết, các nhà chức trách mới bắn thuốc mê rồi đưa đàn voi ấy vào những khu rừng bảo tồn. (Hay đưa đi đâu? Ai mà biết được!).

Con người được Đấng Tạo Hoá trao cho trí khôn để canh tác, gìn giữ và phát triển trái đất (xem St 1 và 2) – ngôi nhà chung của nhân loại. Thế nhưng con người đã khai thác thiên nhiên đến khánh kiệt để thoả mãn tham vọng và mục đích của mình, không cần biết đến tương lai các thế hệ sau, và cứ như thể thiên nhiên không có mục đích và vai trò riêng của nó trong vũ trụ. Đến một lúc (mà đã đến rồi), thiên nhiên sẽ thịnh nộ chống lại con người vì những hậu quả con người gây ra (xem mục II, chương 10, sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo). Nhân loại đang đứng trước những thảm hoạ và thách đố lớn về các vấn đề môi trường: trái đất nóng lên, hiệu ứng nhà kính, mực nước biển tăng, tài nguyên, năng lượng cạn kiệt… Không chỉ có thế, mà hình như, khi thiếu đi cái trong lành, hiền hoà của thiên nhiên tưới gội vào lòng, con người càng khó có được những rung động yêu thương trong sáng, và càng trở nên vô cảm, tàn ác với nhau hơn.

Có một điều dễ nhận ra: với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, bất cứ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào, và bất cứ ai quan tâm, đều có thể nhận ra các vấn nạn về môi trường và biết nguyên nhân của các vấn nạn ấy. Rất nhiều hội thảo lớn nhỏ đã được tổ chức trên nhiều quy mô và nhiều cấp độ, nhưng rồi, khói, nước, và rác thải vẫn xả vào môi trường sống, rừng vẫn bị tàn phá, tài nguyên vẫn bị khai thác một cách tàn bạo và vô trách nhiệm. Phải chăng, phía sau chính trường đã có sự khuynh đảo quyền lực của các thế lực kinh tế và các “thế lực đen”? Môi trường không còn là một vấn đề đơn lẻ mà đan xen chặt chẽ với chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục… Những nước càng nghèo, càng lạc hậu, bị những thể chế độc tài cai trị, thì vấn nạn môi trường càng trầm trọng.

Đất nước tôi đang ở đâu? Tôi làm được gì cho bầu trời quê hương này? Một bầu trời xám xịt, mịt mù khói bụi. Một đất nước đi đâu cũng gặp rác, những nơi càng sầm uất, hiện đại thì rác càng nhiều. Người ta cứ làm bẩn môi trường sống của mình một cách thản nhiên, chẳng chút ray rứt, suy nghĩ. Những kẻ hữu trách thì bận lo những “chuyện lớn”, rác bụi chỉ là “chuyện nhỏ”.

Tôi làm được gì? Cùng lắm sử dụng lại vài cái túi ni-lon, tiết kiệm chút nước, chút điện, hoặc rỉ tai chị bán hàng ăn đầu xóm thôi đừng đốt than đá nữa, rất có hại cho sức khoẻ và hại môi trường, hoặc giả treo thêm vài chậu dây leo trước cửa… Có lẽ những thứ tôi làm được chẳng thấm vào đâu. Nhưng tôi sẽ quyết chí làm với hy vọng nhỏ nhoi: biết đâu, những việc bé nhỏ ấy sẽ đâm chồi nảy lộc trong lương tâm con cái tôi, hay trong lương tâm ngay lành của một người nào đó, giống như bông hoa dại, vạt nắng chiều năm xưa trên thung Ruộng Nhỏ, cứ ngỡ chẳng là gì, nhưng vẫn trĩu nặng mãi trong tôi…!

Mẩu Bút Chì

 

Trích tập san Giáo Huấn Xã Hội số 17

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]