- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thời Đại Mới

          Nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba, một thiên niên được nhiều lời tiên tri cho biết sẽ là thời đại của tâm linh. Chẳng biết lời tiên tri ấy  xác thực bao nhiêu thế nhưng có điều không ai có thể phủ nhận đó là nhân loại nói chung và các tôn giáo nói riêng đang trải qua một cơn khủng hoảng hết sức trầm trọng mà khía cạnh nguy hiểm nhất  đó là hiện tượng Tục Hóa ( Laicite’ ).

          Tục hóa có nghĩa là lấy  thế tục làm cứu cánh, khi ấy tôn giáo bị đẩy ra bên ngoài như một chuyện riêng tư và có khi còn bị coi là có hại cho việc xây dựng xã hội trần thế ?

          Ở đây ta thấy giữa lời tiên tri về thời đại tâm linh và hiện tượng Tục Hóa hiện nay phải chăng có gì đó mâu thuẫn ? Làm sao lại có thể bước sang thời đại tâm linh bằng cách loại trừ  tôn giáo ? Hay phải chăng đã đến lúc tôn giáo phải chấm dứt để cho thời đại tâm linh xuất hiện ?

          Vấn đề sẽ sáng tỏ khi ta xác định được  tâm linh là gì ? Nói rằng thời đại này là thời tâm linh, điều ấy không có nghĩa chỉ đến nay mới có tâm linh còn trước đó thì không ? Chẳng phải thế, thực ra nếu hiểu tâm linh là đời sống thiêng liêng, tin có đời sau có Thiên Đàng, Hỏa Ngục và sự thưởng phạt đời đời thì trước đây trong Đạo Cứu Rỗi tất cả mọi tín hữu đều sống đời sống tâm linh cả. Nhưng nay thì khác, có hai trường hợp  xảy ra, một là nếu không tin có linh hồn có đời sau gì cả thì vấn đề tâm linh chẳng cần đặt ra làm gì. Hai là vẫn tin có linh hồn nhưng quan niệm Cứu Rỗi đã đổi khác. Trước đây sống tâm linh là để lo cho phần rỗi đời sau trên Thiên Đàng. Còn nay thì cũng vừa phải lo cho đời sau mà cũng vừa phải ..lo cho đời này tốt hơn mới có thể bước vào đời sau.

          Trong trường hợp thứ hai  thì đó là quan niệm coi Tục Hóa như là một dấu  chỉ của thời đại…( Xem Th.Cẩm – NS  Cg&Dt số 13/66 ). Nói cho đúng  cái gọi là Dấu Chỉ  ấy  thực chất chỉ là một thứ hình thức tôn giáo  phi tôn giáo  đồng nghĩa với vô thần “ Ông Jean Frangcois Mayer nhà sử học người Thụy Sĩ chuyên nghiên cứu về các giáo phái, trước hiện tượng này đã tự hỏi: Trong thời gian bao lâu nữa chúng ta  còn có thể nói về lòng đạo đi song song với tôn giáo quy phạm. Sự tồn tại của một quy phạm của các Giáo Hội cơ chế càng ngày càng trở nên mờ nhạt. Liệu trong tương lai còn tồn tại những  cơ chế có khả năng cung cấp một quy luật cho toàn thể xã hội chứ không chỉ cho một nhóm nhỏ ? Hãy nghĩ rằng mặc dầu có những dấu chỉ tôn giáo bao bọc chúng ta trong bầu khí văn hóa, người ta vẫn có thể sống trong một thế giới mà trong đó các truyền thống tôn giáo chủ đạo của Tây phương không đóng một vai trò nào cả” ( NS Cg7Dt số 29/97 ).

          Đúng là người ta có thể sống trong một thế giới mà trong đó các truyền thống tôn giáo  của  Tây phương ( ám chỉ Ki Tô giáo ) không đóng một vai trò chủ đạo. Thế nhưng thực sự thì  con người có thể sống không cần tôn giáo hiểu như là một sinh hoạt tâm linh hay không ?  Chính cuộc sống thiếu phần tâm linh đã đẩy nhân loại vào cơn khủng hoảng lớn lao như hiện nay đang thấy chứ không phải nguyên nhân nào khác.

          Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là không thể  phủ nhận tôn giáo quy phạm hiểu như là một tổ chức có cơ chế có phẩm trật, coi nó như một thứ chỉ đáng…vứt đi nhưng cần phải tìm ở đó các yếu tố tâm linh đích thực. Yếu tố tâm linh ấy cách nay hai ngàn năm Đức Ki Tô đã truyền cho người đàn bà xứ Samaria bên bờ giếng Gia Cóp: Hãy tin Ta, giờ đến các ngươi thờ lạy  Cha chẳng tại trên núi này cũng chẳng tại Gierusalem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết. Còn chúng ta  thờ lạy điều chúng ta biết. Vì sự cứu rỗi đến từ Itsraen. Nhưng giờ sắp đến mà nay đã đến rồi khi kẻ thờ lạy Cha hãy lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy. Cha vẫn hằng tìm kiếm người như vậy để thờ lạy Ngài. Đức Chúa Trời là  thần khí bởi đó cho nên những ai thờ lạy Ngài phải lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Ngài” ( Ga 4, 21 -24 ).

          Đức Ki Tô nói “ ĐCT là  Thần Khí” vậy Thần Khí đó có thể tồn tại ở đâu để chúng ta thờ lạy nếu chẳng phải là ở trong chính tâm hồn mỗi người ? Bởi Thiên Chúa là Đấng hiện hữu ở nơi Tâm thế nên cần xoay ngược cái Tâm trở vào bên trong  để thờ lạy. Trước đây trong Đạo Cứu Rỗi  dẫu thần học không hề đá động gì đến một Đấng Thiên Chúa nội tại. Thế nhưng trong thực hành mọi tín hữu vẫn tin có linh hồn, tin có sự thưởng phạt đời sau. Đấy là đạo vừa dễ làm vừa đạt hiệu quả tối đa. Thế nhưng nay niềm tin đơn sơ đó đã không còn và để thay thế, người ta đòi hỏi đủ thứ lý luận đủ thứ  giải thích siêu hình để rồi chán chê  lại quay sang  đòi  cải tạo  thế giới bằng học thuyết xã hội  nọ kia v.v…

          Tôn giáo  thay vì là con đường thực hiện tâm linh tính thì lại trở thành một thứ  Nhân Bản Chủ Nghĩa hoàn toàn không tưởng. Rút cục nhân bản chẳng thấy đâu mà  chỉ thấy  con người ngày càng  sống trong tình trạng vong thân, đánh mất mình  để rồi  làm mồi cho đủ thứ  dục vọng xâu xé….Tình trạng  thê thảm này sẽ còn kéo dài mãi  và có thể chỉ chấm dứt ở dưới đáy hố  diệt vong nếu con người không chịu tìm về với bản tâm, nguồn an vui  và sức mạnh  đã sẵn đủ ở nơi mình “ Có quá nhiều tâm hồn phí phạm thời giờ  và nghị lực để tố cáo mọi người về việc bất ổn định của thế giới này. Thay vì họ nhận thức rằng  họ có thể làm một cái gì đó cho nó khi họ biết bắt đầu ngay từ chính mình. Con hãy trước hết bắt đầu dọn dẹp nhà cửa của con. Khi người ta ném một hòn đá xuống cái hồ nước, những gợn nhăn lan rộng ra nhưng chúng  đi từ hòn đá đó. Con hãy bắt đầu từ chính mình rồi con mới có thể chiếu dãi ra sự bình an yêu thương hài hòa và thông cảm đến với mọi tâm hồn chung quanh con. Ngay từ bây giờ con hãy hành động đi, con khao khát thấy một thế giới tốt đẹp hơn. Vậy con hãy làm một cái gì theo hướng đó, không phải chỉ tay năm ngón cho người khác nhưng là hãy nhìn vào con, moi tim ở trong tim con. Vực những gì không được ngay ngắn và tìm ra lời giải đáp ở trong con. Như vậy con mới có thể tiến lên một cách uy phong và trở nên một cánh tay đắc lực cho những người xung quanh và cho những ai đến với con. Sự đổi thay phải và chỉ bắt đầu từ cá nhân rồi mới lan rộng ra cộng đoàn, thành phố, đất nước và thế giới” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 13 tháng 7 ).

          Tất cả mọi sự, cho đến thay đổi cả một thời đại đều bắt đầu từ ở nơi mỗi một cá nhân. Điều này xem ra có vẻ quá ư …hoang đường thế nhưng sự thật lại đúng như vậy. Đông phương có đề ra nguyên tắc “ Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” Cần phải hiểu “Bình” ở đây không phải là mang quân đội đi bình trị các  quốc gia bộ tộc khác mà là đem lại bình an cho hết thảy mọi người  không phân biệt màu da chủng tộc. Hoặc cao hơn một bậc nữa đó là đem lại an bình cho toàn thể chúng sinh vạn vật.

          Để  thực sự có được sự bình an trong tâm hồn tuy vậy là điều  hết sức khó khăn bởi chưng  đây là cuộc trở về với nội tâm  đòi hỏi  phải vượt  qua nhiều chông gai trở ngại giống như một cuộc…phiêu lưu trong sa mạc “ Thời đại mới này đòi hỏi sức mạnh, dũng cảm và nhiệt tình cũng như một đức tin và niềm cậy trông vững chắc như đá tảng. Đây là cuộc phiêu lưu diệu kỳ và như vậy phải có tinh thần phiêu lưu để xông tới và xâm nhập vào nó” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 6 tháng 11 ).

          Sao có thể nói con đường tâm linh di vào thời mới này là cuộc phiêu lưu ? Bởi vì con đường này không hề có sẵn mà phải tự mình khai phóng. Tất cả những gì có trước đó mang tính chính thống dẫu cho được cả thế giới công nhận cũng cần phải biết duyệt  xét lại. Ngay cả những gì được gọi là đức tin thế nhưng nếu nó mang nặng tính chất công thức giáo điều  thì cũng trở thành vô giá trị.

 Tóm lại đây phải là một cuộc mạo hiểm cá nhân mà không một kinh nghiệm nào dù là của bất cứ một nhân vật nào có thể giúp ích. Tuy nhiên như vậy phải chăng muốn tiến hành cuộc phiêu lưu tâm linh này cần phải gạt bỏ tất cả mọi  hình thức tôn giáo quy phạm mà mình và cha ông trước đó vẫn theo ? Hoàn toàn không phải  vậy mà ý nghĩa cuộc phiêu lưu ấy là ở nội tâm chứ không phải hình thức bên ngoài.

Về hình thức thì hầu như vẫn giữ nguyên chỉ có nội dung  là đổi mới, sự đổi mới này thật triệt để có nghĩa rất khác với truyền thống cả những điều phải tin và phải làm. Với phần nội dung đổi mới triệt để như thế có nguy cơ đưa đến  rối hay …lạc đạo không ? Điều này có quan hệ với phần hình thức sống đạo bề ngoài. Nếu phần hình thức vẫn giữ nguyên có nghĩa vẫn sống một cuộc sống của người tín hữu bình thường kinh nguyện lễ lạy  nghiêm chỉnh  thì bảo đảm không thể  lạc hay rối đạo. Tại sao ? Bởi vì  những hình thức ấy đã được thôi thúc  từ trong nội tâm mà phát ra.

Mặt khác chứng cớ cho thấy cuộc mạo hiểm đã đi đúng hướng đó là sự an thỏa tâm linh, ý thức những gì mình đang theo đuổi  là  để vâng theo Thánh Ý Chúa “ Con có cảm thấy con là thành phần của cái gì mới mẻ không ? Con có cảm thấy con đang hòa tan trong cái tổng thể một cách tuyệt hảo hay con cảm thấy vướng víu khó chịu ? Nếu như vậy thì con hãy nên  ra khỏi đó và tìm một lối đi khác. Chỉ có những linh hồn biết hài hòa với cái mới, biết để lại đằng sau tất cả những cái cũ và không thương tiếc, có tinh thần mạo hiểm mới có thể  sẵn sàng tiếp xúc với cái mới  đồng thời có khả năng dấn bước vào một cách tự do. Nếu con còn muốn níu bám vào những lề thói cũ và những tư tưởng cục bộ, sợ phải đập vỡ những cái khuôn đúc. Vậy là con chưa sẵn sàng cho cái mới đâu. Điều này đòi hỏi dũng cảm, sức mạnh, quyết tâm và nhận thức sâu xa trong nội tâm là những gì con đang làm là đúng” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 17 tháng 11 ).

Thời đại mới rồi sẽ đến, rất nhiều dấu chứng cho thấy điều đó. Thế nhưng cũng như bất cứ một cuộc cách mạng xã hội hoặc tâm linh nào khác bao giờ cũng phải khởi phát nơi một cá nhân và sự khởi phát mang tính cá nhân ấy chẳng phải là cái chi khác mà của  một quan niệm “ Thoạt kỳ thủy, quan niệm cũng giống như  một hạt giống cần phải có thời gian cho nó và thời gian ở đây không phải chỉ tính từ khi bắt đầu được gieo xuống mà là từ rất lâu xa trong quá khứ. Rồi đến khi hạt đâm chồi nẩy mộng lớn lên thành cây. Nó cũng cần phải được tiếp tục vun trồng cho đến chịu cả vùi giập của nắng mưa mới có thể chứng tỏ sức  sống. Một quan niệm mới cũng giống như một hạt giống được trồng trong hơi ấm của mái nhà. Hạt giống này chưa thể được đưa ra ngay khỏi bầu khí ấm áp đó khi nó chưa hội đủ sức mạnh để có thể trồng ở nơi nó phải đương đầu với những yếu tố bên ngoài. Một quan niệm mới cũng vậy, nó không thể được bóc ra như một con thỏ từ một cái mũ  của nhà ảo thuật. Để  nó có được bản chất và hình hài thì phải cho nó có thời gian. Nó phải được thử sức nhiều lần trước khi đem ra cho mọi người. Điều đó đòi hỏi một Tình Yêu lớn lao và một sự kiên nhẫn tột bực. Điều đó đòi hỏi sự cống hiến và sự tận tụy. Quá trình này đang được thực hiện trong lúc này cho thời kỳ mới. Đây là một cái gì hoàn toàn mới. Có nhiều ý tưởng mới và nhiều quan niệm mới đang được nảy sinh và mỗi cái phải được thử nghiệm, thông hiểu, yêu mến và trân trọng. Nếu con là trụ cột của Thời Mới, con phải sẵn sàng tiến bước, không chút sợ hãi và sẵn sàng thử thách cái mới nhất của cái mới” ( Aileen  Caddy  Sđd – ngày 27 tháng 10 ).

Phải sẵn sàng tiến bước và sự tiến bước này chắc hẳn phải là tiến bước trên đường tâm linh. Thế nhưng tại sao tiến bước mà lại có thể gây nên sợ hãi ? Bởi vì sự tiến bước  ấy  đòi hỏi cần  phải  thực hiện một cuộc vượt qua chính bản thân mình  tức  vượt  thoát mọi kiến chấp./.

 

Phùng  Văn  Hóa

( Kỳ sau: Vượt thoát kiến chấp )

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]