- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Sức Mạnh Của Tư Tưởng (2)

“Tư tưởng lóe lên từ nhịp đập của trái tim” (Kn 2, 7)

Tác động hỗ tương giữa tư tưởng và hành động

Triết gia Epitète khuyên ta phải triệt để xua đuổi những tư tưởng xấu xa ra khỏi đầu óc, vì nó gây ra những căn bệnh nghiêm trọng về tinh thần. Nó còn là nguyên do của những bệnh tật thể lý. Ông nói: “Những bệnh này thường do người đau không biết làm cho đời sống của mình thích nghi với những vấn đề thực tế”. Văn sĩ Montaigne cũng nói: “Loài người đau khổ do hoàn cảnh thì ít mà do ý niệm của mình về hoàn cảnh thì nhiều”. Ý niệm thay đổi thì tâm trạng sẽ đổi thay.

Không phải chỉ có tư tưởng mới chỉ đạo hành động, mà hành động cũng ảnh hưởng ngược lại trên tư tưởng. Nhà tâm lý William James cho thấy: “Khi chúng ta định chế hành động, thì chúng ta có thể định chế tư tưởng một cách gián tiếp được”. Ông cho thấy không thể dùng ý chí để thay đổi cảm xúc, nhưng khi thay đổi hành động thì cảm xúc cũng khác đi do tư tưởng đã chuyển hướng từ hành động. Ông còn xác minh thêm: “Khi mất sự vui vẻ mà muốn chuộc lại, thì chỉ cần tỏ ra một thái độ vui vẻ và hành động nói năng như là sự vui vẻ đã tới rồi vậy”. Thật ra để hành động như vậy thì cũng đã có ước muốn trong tư tưởng. Có những trường hợp không thể vận dụng tư tưởng thì chuyển sang cách thế hành động.

Những tác hại của tư tưởng và hành động tiêu cực

Có nhiều thứ bệnh ngặt nghèo không do vi khuẩn gây nên, nhưng do tư tưởng tiêu cực hoặc hành động đen tối tạo nên, làm thành những cảm xúc bất lợi như lo lắng, sợ sệt, buồn rầu, oán ghét… Theo Đông y, những cảm xúc hụt hẫng đó làm mất cân bằng trạng thái âm dương trong cơ thể nên sản sinh ra bệnh lý, và gây nên những tác hại khó lường: nóng nảy hại can, buồn giận hại tâm, lo lắng hại tỳ, chán nản hại phế, sợ sệt hại thận.

Theo Tây y cũng thế, qua nhiều cuộc khám nghiệm, đã chứng minh rằng, khi giận dữ, độc tố từ các hạch nội tiết có thể chạy vào huyết quản. Do đó, số lượng của bạch huyết cầu có thể giảm sút một cách nhanh chóng, và khi quá thấp, nó có thể làm hại hệ thống miễn nhiễm của cơ thể. Tác giả một bài đang đăng trong tạp chí Life cũng cho thấy rằng: “Những bệnh về động mạch thường thấy nơi những người có tư tưởng thù hằn, ghen ghét. Nếu cứ như vậy nó sẽ trở thành bệnh kinh niên, và có thể bị suy nhược vĩnh viễn”. Như vậy, ghen ghét, thù hằn, tức giận, là những tư tưởng đen tối không những làm bại hoại đời sống tinh thần, mà còn hủy hoại sự sống cơ thể.  

Nguyên nhân bệnh lý phát xuất từ đời sống tinh thần, nên phương thuốc trị liệu hữu hiệu cũng phải là cải thiện tinh thần, bằng việc chuyển đổi tư tưởng và cách thế hành động cho phù hợp với ước vọng chân chính của con tim mình. Hạnh phúc của ta không do ngoại vật, nhưng do tự thâm tâm. Tâm bị xáo trộn và bất an là do phản hồi tiêu cực của tư tưởng và hành động. Ngoại vật chỉ gây ảnh hưởng tác động, tâm thức mới giữ vai trò quyết định. Vì thế, tự mình trói buộc mình thì cũng phải tự mình tháo cởi cho mình. Tất cả mọi phương cách đều bằng xoay trở tư tưởng và hành động mà thôi.

Thật ra, nói theo triết Đông, cũng chẳng có gì là ngoại vật, mà Vật đây có nghĩa là Tâm, bởi vì tâm hòa đồng giữa muôn vật. Vương Dương Minh đã lập luận như sau: “Thân chi chủ thể tiện thị tâm, tâm chi sở tại tiện thị ý, ý chi bản lý tiện thị tri, tri chi sở tại tiện thị vật” : chủ thể của thân là tâm, phát động của tâm là ý, bản thể của ý là trí, sở tại của trí là vật. Do đó mới có chủ trương: “Vô tâm ngoại chi vật”: không có vật nào ở ngoài tâm.

Như thế, muôn vật ở tại tâm ta và thiên lý cũng ở tại tâm ta: “Thiên lý tồn nhân tâm” “Vạn vật giai bị ư ngã” (Mạnh Tử). Sở dĩ vật làm cho tâm bị dao động, bất an, là do ảo tưởng, thành kiến, hoặc cố thủ theo một quan niệm nào đó, không phù hợp với thực tại hay chân lý của sự vật. Tâm bị động sẽ khiến toàn thân bị xáo trộn, và gây tác hại trên cơ thể qua hệ thống thần kinh, nặng nhẹ trên cơ quan nào tùy theo cấp độ chấn động của các loại xúc cảm do tâm tưởng làm nên.

Từ chính mình

Hãy bắt đầu và xếp đặt lại tư tưởng của mình với tất cả niềm tin chiến thắng. Chiến thắng được chính mình thì sẽ chiến thắng được mọi sự. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” là lẽ bình thường, nhưng “Mưu sự tại Thiên, thành sự tại nhân” mới là phi thường. Mọi cái do Trời bày ra, nhưng sử dụng để thành sự cho đời mình là do ta: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng”. Cứ tự giúp mình rồi Trời sẽ giúp. Trời không hành động thay ta, nhưng hành động cùng với ta để thể hiện định mệnh tự do của ta. Đó cũng là quan niệm “Nhân định thắng Thiên”, không phải là thắng Trời, mà là thắng tính cách sai lạc trong quan niệm của mình về trời đất và con người, là vượt trên hoàn cảnh thiên nhiên ở bên ngoài để làm chủ bản thân và vận mệnh của mình.

Con người là tâm linh của trời đất vạn vật. Cái tâm đó có sức sáng thấu suốt như nhật nguyệt “dữ nhật nguyệt hợp kỳ sinh”, và “giao hội cùng thần tri hóa” được cả trời đất, quỉ thần và vạn vật. Kinh Dịch cho ta thấy con người được chia sẻ sức vạn năng của Tạo hóa (nhân giả thiên địa chi đức), cùng tham dự bản chất âm dương với vạn vật (âm dương chi giao) và cùng do nguyên lý của Dịch biến hóa. Con người còn đặc biệt hơn muôn vật ở chỗ hội tụ sự linh diệu của thần linh (quỉ thần chi hội), mặc dù khác với thần linh vì có tú khí (ngũ hành chi tú khí). Do đó, con người có khả năng “tinh nghĩa nhập thần, dĩ trí dụng dã”.

Kinh Dịch có một hình ảnh tuyệt vời về con người, rất gần với Kinh Thánh. Điều đó cho con người thấy được tính chất cao cả và phẩm giá cao trọng của mình, để con người không có quyền an phận thủ thường, và đồng thời biết vận dụng tư tưởng trên nền tảng đó để tích cực xây dựng đời mình. Đó cũng là cách thức suy nghĩ của toàn thể Tin Mừng mà Đức Giêsu đã vận dụng cho cuộc đời Ngài và cho toàn thể nhân loại. Hãy nhìn ngắm và học hỏi nơi Ngài mỗi ngày.

Đặt tâm trí mình vào những điều cao hơn

Thật ra, không phải suy nghĩ khác đi thì tình trạng sẽ khác đi, nhưng là trong sự suy nghĩ tích cực ta ổn định được tâm trí của mình, và tìm ra cách thế hiện diện tốt nhất cho đời mình. Mọi cái sẽ lần hồi thay đổi từ đó để phù hợp với nhịp điệu và tiến trình mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện cách đẹp nhất cho ta trong tình yêu Ngài. Hãy luôn tìm kiếm những điều thiện hảo và đặt tâm trí mình vào những điều cao hơn (x. Mt 6, 33), không thể ngụp lặn và dìm mình trong dòng sông tư tưởng đã khô cạn chỉ còn lại bùn sình. Thánh Phaolô cũng khuyên ta hãy biết hướng lòng đến những gì “là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14, 17).

Hãy để cho tư tưởng ta bơi lội và được gột rửa trong dòng sông ân sủng của Thiên Chúa; dòng sông luôn tràn đầy sự thiện hảo và hương vị ngọt ngào thiêng liêng; dòng sông luôn chuyển hóa và tái sinh vào sự sống mới cho những ai thực lòng khao khát khi dám mở rộng tâm hồn và đường lối tư tưởng của mình để vượt qua những kiểu cách suy nghĩ hạn hẹp và lề thói tầm thường đã bị cứng đọng.

Có những trắc trở và khó khăn dường như vượt sức ta; có những hoàn cảnh éo le khiến ta cảm thấy như bó tay không thể làm gì hơn; cũng có những oan trái và cay nghiệt khiến ta rúng động cả tâm can. Chúa thấy tất cả những điều đó, và qua những điều đó, một lần nữa, Ngài muốn gột rửa tinh trong quả tim và khối óc của ta. Ngài mời gọi ta biết vận dụng toàn thể nội lực của mình dựa trên sức mạnh của tư tưởng để vững vàng trước mọi nguy nan.

Dù có khi không khắc phục được tình trạng theo ý muốn của ta, nhưng giúp ta thanh thản đón nhận và kiên định hào hùng trong cuộc sống. Giá trị cao cả của đời sống tinh thần là ở chỗ đó, ở ngay trong tình trạng mà Chúa muốn như vậy. Chính thánh Phaolô đã ba lần xin Chúa cho ông thoát khỏi nỗi khổ đang dằn vặt chính mình.  Nhưng Chúa quả quyết với ông: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. (2Cor 12, 8).

Phaolô nghĩ rằng Chúa muốn như vậy để ông khỏi tự cao tự đại. Mầu nhiệm tình yêu Chúa thật lạ lùng, hiểu được như thế nên Phaolô càng thêm xác tín: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.” (2Cor 12, 9). Kinh nghiệm sống với Chúa cho Phaolô biết cách suy nghĩ tích cực, dù không thoát được sự nhức nhối và không mạnh mẽ như mình mong muốn, nhưng ông “cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối… Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cor 12, 10). Ý hướng và cách thức tư duy của Phaolô thật tuyệt vời. Đó là kiểu mẫu để ta học biết cách vận dụng tư tưởng của mình.

Bằng tấm lòng của Chúa

Sách Khôn Ngoan nói rằng: “Tư tưởng lóe lên từ nhịp đập của trái tim” (Kn 2, 7). Với một tấm lòng rộng mở và bao dung, sẽ phát xuất những tư tưởng sáng ngời. Quen sống thân tình với Chúa, ta rất an tâm trong mọi tình huống, chẳng có gì để sợ hãi, bi quan hay thất vọng. Tấm lòng của Chúa làm nên tấm lòng của ta, khi ta biết luôn kề cận bên Ngài. Kinh nghiệm sống với Chúa giúp ta biết cách vận hành tư tưởng của mình một cách thông thoáng, nhẹ nhàng hòa hợp với tâm tình và đường nẻo của Chúa. Thế là an vui và hạnh phúc phát sinh trong từng ngày. Cho dù có những ngày đen tối, nhưng chính trong đêm tối ta mới thấy bầu trời đang tỏa rạng những ánh sao, thiên nhiên đang thì thầm, cảnh vật đang lên tiếng, vũ trụ đang lặng lẽ trở mình, như đang thúc đẩy và hổ trợ cho sự chuyển mình của ta. Trong tâm tình đó, ta cảm thấy rộn rã một niềm vui mới, để bắt đầu một ngày mới, một cuộc sống mới, với ân sủng mới mà Chúa muốn trao ban.

Lòng yêu mến Chúa khiến ta không nao núng trước mọi tình thế, bởi vì “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người.” (Rm 8, 28). Tư tưởng đó phải được thấm nhuần trong trái tim ta, làm nên một niềm tin bất khuất, và biến thành sức mạnh vạn năng có thể lay chuyển mọi sự trong quyền năng của Thiên Chúa. Sức mạnh của tư tưởng nằm trong sức mạnh của niềm tin. Hãy luôn tự nhủ mình như thánh Phaolô: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.” (Pl 4,13). Sức mạnh của Chúa nằm trong cách vận hành tư tưởng của ta trong tư thế tích cực, ngay chính và chủ động, để làm chủ mọi hiện trạng, chứ không thụ động, khiếp nhược hay buông xuôi trước thế sự thăng trầm. Tư tưởng của ta chứa đựng một sức mạnh kỳ diệu, để từ đó Thiên Chúa sẽ biến đổi đời sống ta.

Tư tưởng và dục vọng

Dục vọng vẫn tiềm tàng trong tâm khảm của mỗi người, và nó tạo nên những đợt sóng ngầm làm chao đảo cuộc sống tùy theo mức độ thoái hóa của tư tưởng. Kitô giáo không chấp nhận diệt dục, nhưng hướng nó sang mục tiêu khác, bằng cách sử dụng những kỹ thuật tu đức để nâng tâm hồn vượt lên trên khát vọng của xác thịt. Chủ yếu là lý trí làm chủ và hướng ý chí theo mình. Làm chủ được tư tưởng là làm chủ được dục vọng. Thay vì ham mê những sản khoái thấp hèn thì ham mê những điều cao cả. Điều khiển được tư tưởng như một phản xạ tự nhiên, thì dục vọng không còn đáng sợ. Tất cả then chốt của vấn đề là tập trung và điều hướng tư tưởng. Dục vọng lôi ta xuống thì vẫn có những hình ảnh cao đẹp kéo ta lên. Cứ hướng tư tưởng đi lên ta sẽ cảm nhận được niềm vui tinh thần thật sâu lắng, và rồi sức mạnh của lòng ham muốn được chuyển đổi thành sức mạnh của tư tưởng thuần khiết; những khát vọng tầm thường được chuyển đổi thành khát vọng thanh cao.

Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã hứa: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12, 32). Chúa vẫn làm điều Ngài hứa trong từng giây phút của đời ta. Ngài thật sự đang kéo ta lên, có điều ta đừng ghì xuống. Hãy ngước mắt và ngẩng đầu lên để nhận lãnh ơn Chúa cứu độ, nghĩa là để thấy những điều cao quí vô ngần đang chờ đợi ta, đang được trao ban cho ta. Đừng cúi gầm xuống với những tư tưởng bị chế ngự do bản năng, hoặc bị động do sự đàm tiếu của thiên hạ. Cũng đừng ngó xuống để tiếc rẽ những mất mát, những lợi lộc tầm thường. Cứ phải nhìn lên, đặt tư tưởng của mình vào tư tưởng của Chúa, để thấy Chúa còn có những dự án khác cho đời ta. 

Tư tưởng có thể thay đổi mọi sự, vì mọi sự bắt đầu bằng tư tưởng. Thay đổi như thế nào thì tùy định hướng, nội dung và tính chất của tư tưởng. Tư tưởng mang lại hạnh phúc nhưng cũng mang lại bất hạnh. Tư tưởng là sức mạnh sáng tạo và biến đổi, nhưng cũng là sức mạnh phá hoại và hủy diệt. Bởi vậy mỗi tư tưởng là mỗi sự cân nhắc và chọn lựa. Mỗi tư tưởng phải là mỗi khôn ngoan và “minh trí”.

Nhìn vũ trụ vạn vật, ta nhận ra Thiên Chúa là một nhà tư tưởng lỗi lạc vô song đã sắp xếp, an bài mọi sự trong một trình tự chuyển biến siêu vượt để mọi loài mọi vật theo cách thế của mình mà phát sinh và triển nở. Trên đường tiến hóa về Tinh Thần tột đỉnh là Đức Kitô, Thiên Chúa vẫn đang không ngừng sáng tạo trong sức sáng tạo tư tưởng của con người. Ngài đang qui hợp mọi tư tưởng tích cực nhất, sinh động nhất, cao đẹp nhất, để hình thành một trời mới đất mới cho một nhân loại mới. Trong đó, có bản thân ta đang phấn đấu từng giờ để vượt lên chính mình trong tư tưởng và đường nẻo của Chúa, hầu hoàn thành cuộc đời mình một cách tốt nhất như Chúa muốn. 

 

            Lạy Chúa, mỗi khi tư tưởng con hướng về Chúa là con cảm thấy vui dù cuộc đời có nhiều cái đáng buồn; mỗi khi con đặt tâm tư mình kề cận bên Chúa là con cảm thấy được an ủi và ấm áp cõi lòng dù cuộc sống có nhiều đắng cay và cô đơn giá lạnh. Ước chi mọi tư tưởng của đời sống con làm thành dòng suối tuôn chảy liên tục bắt nguồn từ nơi Chúa, để con được ở trong Chúa trong mọi tư tưởng của con. Xin cho con đừng tìm kiếm gì khác ngoài một mình Chúa trong mọi suy nghĩ của con, thế là no thỏa và hạnh phúc vô vàn cho con rồi. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Nguồn: Simon Hòa ĐàLạt

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]