Sống đức tin giữa giòng đời

Người Công giáo Việtnam chúng ta hằng tuần đọc kinh 10 điều răn đức Chúa Trời, Tám mối Phúc Thật của Chúa, hầu như thuộc lòng trước khi dâng Thánh lễ trong Thánh đường. Có những gia đình còn quây quần đọc ở nhà cho con em bạn trẻ học đọc theo nữa.

Ôi một lối sống đạo cầu nguyện thật sống động và cao qúi qúa!

Ðây là tập tục đạo đức rất tốt. Ðây là cung cách giáo dục sống đức tin bình dân mà mang lại hiệu qủa sâu xa trong đời sống cho con người.Và đây cũng là cung cách cầu nguyện bằng chính Lời Kinh Thánh, Lời căn bản nhất của Chúa. Như thế đâu cần phải lần mò đi tìm đọc những kinh xa lạ khó hiểu, hay những suy luận thần học bay bổng ở những sách vở cao cấp!

1. Ðức tin và lời Kinh

Có nhiều người than trách: người giáo dân Việtnam chỉ biết đọc kinh thuộc lòng, rồi chỉ luẩn quẩn với lời giảng của các linh mục ở nhà thờ, kinh kệ và lễ lạy. Ngoài ra chẳng hiểu biết tí giáo lý thần học nào hơn nữa!

Than trách như thế là thiếu công bình, là không đúng, là coi khinh thường lòng đạo đức của người giáo dân sống đức tin.

Biết làm dấu Thánh gía tuyên xưng Thiên Chúa ba ngôi, biết đọc kinh cầu nguyện từ chính những Lời của Chúa như 10 điều răn, như Kinh Lạy Cha, như Kinh Kính mừng… mà còn thuộc lòng nhập tâm được là chuyện qúa tốt, chuyện đáng cổ võ khuyến khích.

Xin ngước mắt lên Trời cao tưởng nhớ với lòng cảm phục và biết ơn sâu xa, công đức các Vị Thừa Sai ngày xưa sang truyền giáo ở Việtnam đã viết sáng tác những kinh sách bình dân, nhưng thật căn bản, dựa trên Phúc âm lời Chúa cho người giáo dân học giáo lý, và căn cứ theo đó mà sống đức tin!

Xin muôn đời cám ơn ông bà cha mẹ, các linh mục, các bà Sơ, các ông quản bà quản đã chăm sóc dậy dỗ trẻ em bạn trẻ học giáo lý kinh bổn thuộc lòng và thúc dục họ đón nhận các Bí tích.

Xin đừng nghĩ là lý thuyết thần học khô khan bay bổng mới là giáo lý, mới là căn bản cho sống đức tin. Không đâu, có được những điều đó là thêm bớt thôi, như người tây phương nói: Plus – minus – cộng – trừ.

Căn bản vẫn là Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn trí tuệ và đọc tuyên xưng ra ngoài môi miệng trong đời sống. Chả thế mà trong mỗi Thánh lễ, trước khi nghe Phúc âm Lời Chúa, chúng ta làm ba dấu Thánh Gía: một trên trán có ý muốn nói: Con nghe Lời Chúa với trí khôn để suy biết Chúa; rồi trên môi miệng: Con nghe Lời Chúa và muốn loan truyền tiếp; và trên ngực: Con nghe Lời Chúa bằng trái tim lòng yêu mến.

Người Công gíao Việtnam đều biết làm dấu Thánh Gía, đọc kinh hát xướng thuộc lòng, đi tham dự Thánh Lễ biết sống cung kính Mầu nhiệm đức tin, và trong đời sống biết mình là con Chúa, là người bất toàn cần đến lời kinh cầu nguyện của Chúa truyền, sống theo lời chỉ dẫn của Giáo Hội.

Vâng, người tây phương học hành cao, trình độ nghiên cứu hiểu biết thần học triết lý sâu xa, họ sống thực hành bác ái quảng đại. Ðiều này đáng qúy lắm, xứng đáng với đời sống làm con Chúa giữa trần gian. Nhưng đức tin vào Chúa qua cung cách sống thực hành tình yêu mến và thảo hiếu niềm tin cùng cầu nguyện với Chúa thưa thớt ít giảm đi, và dần đến chối bỏ Thánh gía Chúa Giêsu, hồ nghi chối bỏ Chúa Giêsu là Thiên Chúa, cho Ngài chỉ là một con người lịch sử, không muốn biết đến Thiên chúa là tình yêu, rồi lơ là với việc tiếp nhận các Bí tích, coi Giáo hội Chúa là một cơ chế làm việc không hơn không kém…Thì những kiến thức thần học cao sâu kia giúp ích gì cho đời sống đức tin bao nhiêu! Và việc sống bác ái quảng đại có lẽ chỉ dừng lại ở trạm “cứu tế xã hội“ chăng?

Tôi không dám và cũng không bao giờ được phép nói lời kết án. Tôi tôn trọng tự do. Nhưng sống đức tin mà như thế thì gieo tạo ra hồ nghi thắc mắc, hoang mang nhiều hơn là tin vào Chúa là Cha và giúp củng cố niềm tin cho người khác!

2. Lời kinh củng cố đức tin

Dịp Ðại hội giới trẻ thế giới ở Cologne bên Ðức, ngày 19.08.2005, linh mục Felix, một cha sở bên nước Kasachtan thuộc Liên bang Xô Viết cũ, đã trong nghẹn ngào xúc động nói về đời sống đức tin của mình trong cuộc gặp gỡ với Ðức giáo hoàng và các chủng sinh cùng các giám mục, linh mục tu sĩ:

“ Kính thưa Ðức Thánh cha,

Con là một linh mục sinh ra lớn lên ở vùng nhà quê đất nước Kasachtan. Ðức tin vào Thiên Chúa do cha mẹ, ông bà của con đã gieo trồng, ghi khắc đậm nét nơi con. Trong thời kỳ khó khăn bị theo dõi, nếu sống trung thành theo niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và vào Hội Thánh Công giáo.

Khi con còn nhỏ. Bà nội con đã dậy con cách cầu nguyện cùng Chúa Giêsu Kitô. Ở nhà con học kinh, học cầu nguyện. Nhưng đi đến trường học, con bị mất niềm tin vào Chúa. Vào thời kỳ cộng sản liên bang Sô-viết người ta hỏi con: Bà nội con đã học mấy năm ở trường học? Con trả lời là hai năm. Họ nói với con: Nghe đây bạn nhỏ, bây giờ bạn học nhiều năm hơn bà nội của bạn rồi. Bạn bỏ cách xa bà nội bạn rất nhiều. Bạn biết nhiều hơn bà nội và như vậy bạn không cần phải tin vào Thiên Chúa làm chi nữa!”

Sự độc đoán đó đã phá hủy đức tin của con. Con lớn dần trong thế giới thành người vô thần. Con đã trở thành người lính trong quân đội Sô viết. Trong thời gian này con nhìn thấy nhiều cảnh đè nén bất công, không còn biết đếm xỉa, để ý gì đến con người ngay giữa những bạn lính đồng đội với nhau…

Con buồn và thất vọng. Từ lúc đó con bắt đầu suy nghĩ về đời sống của mình.

Nhân ngày về thăm nhà, gặp lại cha mẹ ông bà. Con kể cho ông bà nội nghe những gì con thấy và những gì con suy nghĩ. Bà nội con nhìn con nói: Con ơi, con phải bắt đầu cầu nguyện lại đi thôi! Thiên Chúa tình yêu sẽ giúp con”.

Những lời chân thành đó của bà nội con khác nào như một ân đức giúp soi sáng tâm trí con lúc đó. Con bắt đầu viết lại kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng Maria học thuộc lòng và cùng cầu nguyện với bà nội con.

Trở về đơn vị làm nhiệm vụ. Nhưng lúc nào con cũng đọc nhẩm lại những lời kinh đó. Và từ từ con cảm nghiệm tận trong thâm tâm sự hiện diện của Chúa bên con, rồi có tiếng thì thầm trong tâm hồn con: Hãy tin tưởng nơi Cha!

Sau khi mãn hạn đi lính, con trở về nhà bằng an. Từ lúc đó con cầu nguyện lần chuỗi mân côi nhiều và bắt đầu đọc sách Kinh Thánh. Ðức tin của con vào Thiên Chúa được củng cố thêm và sau hai năm con đã tìm thấy ơn Gọi con đường làm linh mục…”.

Thật đơn sơ mộc mạc chân thành. Nhưng lại thật căn bản hữu ích, cần thiết cho đời sống đức tin phát triển!

3. Mười điều răn Ðức Chúa Trời

Khi đến một thành phố lạ, người lái xe hơi hay người đi bộ, cần bản đồ thành phố đó, ngày nay có máy chỉ đường Navigation, để đến đúng đích điểm muốn đi tới.

Kỳ nghỉ hè đi du lịch thăm thắng cảnh thiên nhiên vùng núi rừng bao la cao sâu, ta cũng cần đến bản đồ vùng núi đồi thung lũng đó, để khỏi đi lạc đường. Bảng chỉ dẫn ngoài đường, ngoài xa lộ, giúp ta tìm đúng hướng muốn đi tới.

Chúng ta không chỉ đi lạc ngoài đường ngoài phố chợ. Nhưng cũng có thể đi sai đường ngay trong cuộc sống của mình. Người ta có thể không bị lạc lối ở một vùng xa lạ. Nhưng lại ngay trong chính đời sống mình. Vì không còn biết hướng nào là đúng, là tốt hữu ích cho đời sống nữa.

Trong cuộc sống ai cũng đón nhận được những chỉ dẫn tình người qúi báu. Cha mẹ chỉ dẫn con cái qua lời khuyên nhủ, an ủi phấn chấn và cảnh giác. Vợ chồng nói với nhau những bàn thảo giúp ích trong cuộc sống gia đình, nhất là trong việc nuôi dậy con cái. Thầy Cô chỉ bảo học trò, sinh viên những lời giảng dạy hữu ích cho việc học hành mở mang trí tuệ. Bạn bè góp ý kiến giúp nhau cùng tìm ra giải đáp đang suy nghĩ tìm tòi. Người hiểu biết hơn đề nghị một phương pháp có thể mang lại kết qủa tốt đẹp hơn cho cuộc sống.

Trong đời sống đạo giáo niềm tin cũng có những chỉ dẫn như thế. Những chỉ dẫn này, người Công giáo đều biết, đây là điều rất đáng qúy chuộng: Mười điều răn của Chúa.

Mười điều răn của Chúa khác gì bản đồ, bảng chỉ đường, lời khuyên nhủ của cha mẹ gửi gấm vào tay con cái, lời vợ chồng bàn tính cùng chia sẻ với nhau về cuộc sống nuôi dậy con cái, kiến thức Thầy Cô giúp học trò học hành.

Mười điều răn của Chúa góp phần giúp cuộc sống tinh thần con người tìm được đúng đích điểm mong ước: hạnh phúc cho tâm hồn mình và mang hạnh phúc đó cho người xung quanh.

Gia đình ông Pilawa có ba con, ông là người điều khiển chương trình truyền hình trên đài truyền hình ARD bên Ðức, đã nói về cách sống đức tin, cách giáo dục con cái trong gia đình mình: “Ðức tin trình bày cho trẻ em một lối sống có hệ thống trong đời sống: Có một Thiên Chúa hằng quan tâm đến tôi. Ngài chờ đợi nơi tôi không nói dối, không ăn trộm ăn cắp, yêu mến kính trọng cha mẹ, và tình liên đới bác ái, tốt với những người khác. Ở gia đình chúng tôi Mười điều răn của Ðức Chúa Trời thay thế lọai phim Super Nanny.”

Ðức thánh cha Benedictô thứ 16 đã xác tín “ Mười Ðiều Răn của Chúa không phải là một gói những bảng cấm đoán”.

LM Nguyễn ngọc Long

Vietcatholic News

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment