Nội Tâm Hóa để nhìn xuyên thấu

Báo Người Đưa Tin, 24.4.2014, tác giả Trần Vũ, trong bài “Kì dị những người có khả năng nhìn xuyên thấu” kể về ba người có đôi mắt nhìn xuyên thấu cách kỳ lạ.

Một trong ba con người kỳ lạ ấy có tên là Laura Castro. Cô sống ở Miami bang Florida nước Mỹ. Cô có thể nhìn thấu bê tông.
Điều kì dị là mắt của cô chỉ có một màu trắng chứ không có con ngươi. Nhiều lần người ta thử khả năng nhìn xuyên thấu của Laura khi bắt cô nhìn qua những bức tường và thừa nhận khả năng của cô là có thật.

Mẹ Laura kể thêm: “Lần đầu tiên Laura phát hiện ra khả năng nhìn xuyên thấu mọi vật là vào một buổi sáng. Sau khi tỉnh dậy, con bé bất ngờ nhìn thấy tất cả những gì có trong cơ thể mình. Nó hét lên đầy sợ hãi”.

Nhưng nhìn xuyên thấu bằng con mắt thể lý như Laura Castro là điều hiếm hoi, không phải ai cũng có thể có được, dù ra sức tập luyện.

Trong đời sống đức tin, chúng ta cần có tầm nhìn xuyên thấu. Tầm nhìn xuyên thấu trong đức tin, mọi người đều có thể có nhờ luyện tập. Sự luyện tập thường xuyên sẽ giúp ta biết nội tâm hóa mọi hoàn cảnh, mọi biến cố xảy ra trong đời mình.

Nội tâm hóa tất cả đời sống của mình, cũng là một trong những phương thế giúp sống và đạt tới sự trọn lành.

I. NHƯ TỔ PHỤ GIACÓB.

Chúa ban cho Tổ phụ Giacób có khả năng nội tâm hóa đời sống cao. Bởi thế, bằng ánh nhìn nội tâm, Tổ phụ đi tìm ý nghĩa những biến cố trong đời mình bằng tầm nhìn thấu vào và xuyên qua của mình.

Chẳng hạn, trong một giấc mơ đêm, trên đường xa đến nhà cậu ruột là ông Laban, nhằm vâng lời cha là Issaác, cưới con của cậu làm vợ mình, Tổ phụ Giacób nhìn thấy chiếc thang cao tận trời. Trên đỉnh thang, có Thiên Chúa ngự. Tổ phụ cũng nhìn thấy đông đảo các thiên thần lên lên xuống xuống trên thang.

Như đã từng nội tâm hóa mọi sự, vì thế, từ một giấc mơ, Tổ phụ đã không xem đó chỉ là giấc mơ. Tổ phụ nhìn xuyên thấu điều tưởng chừng chỉ là giấc mơ, để khám phá tình yêu của Thiên Chúa, để nhận ra Đức Chúa của cha ông mình luôn ở cùng mình.
Tổ phụ cầu nguyện cùng Thiên Chúa ngay sau “biến cố” giấc mơ: “Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an, thì Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi” (St 29, 20-21).

Tổ phụ Giacób đã tạ ơn Chúa. Tổ phụ lập bàn thờ để nói lên lòng biết ơn của mình. Nhờ tầm nhìn xuyên thấu, từ giấc mơ đẹp, Tổ phụ biết rằng, Chúa hằng ở cùng mình. Trên dặm trường xa, Chúa vẫn theo mình. Chúa vẫn sẽ tiếp tục đưa bàn tay phù trợ bao bộc, đỡ nâng, che chở.

Nhờ tầm nhìn xuyên thấu, Tổ phụ Giacób cảm nhận bình an của Chúa suốt hành trình đời mình. Tổ phụ luôn biết ơn Chúa, luôn trung thành vâng nghe thánh ý Chúa.

II. CHÚNG TA NỘI TÂM HÓA MỌI HOÀN CẢNH.

Tầm nhìn xuyên thấu đưa ta vào hiệp thông với Thiên Chúa. Tình yêu hiệp thông với Chúa và trong Chúa, chính là “chiếc thang Giacób” để con người đến gặp và kết hiệp nên một cùng Chúa.

Trong mọi nỗi vui buồn sướng khổ của đời mình, chúng ta hãy bắc một “chiếc thang” nối từ lòng chúng ta đến lòng Thiên Chúa, để ta mãi trung thành trong đức thờ phượng, đức tin, đức cậy và lòng mến.

Cũng như Tổ phụ Giacób, hãy luôn nội tâm hóa mọi biến cố đời mình, để thực hành cho bằng được tầm nhìn xuyên thấu, để khám phá tình yêu của Thiên Chúa, để nhận ra tôn nhan của Chúa luôn ở cùng mình.

Hãy như Tổ phụ Giacób đã tạ ơn Chúa. Chúng ta cũng sẽ lập bàn thờ là chính tâm hồn mình, để thờ phượng Chúa. Có Chúa ngự nơi bàn thờ tâm hồn, chúng ta sẽ không dám để tội lỗi làm vấy bẩn, không dám để thói hư tật xấu đánh mất ơn nghĩa Chúa. Cần một tâm hồn lành mạnh như thế, để nói lên lòng biết ơn của mình dành cho Thiên Chúa.

Từ giấc mơ đẹp, Tổ phụ biết rằng, Chúa hằng ở cùng mình. Trên dặm trường xa, Tổ phụ tin, Chúa vẫn theo mình. Chúa vẫn sẽ tiếp tục đưa bàn tay phù trợ bao bọc, đỡ nâng, che chở.

Hãy học nơi Tổ phụ Giacób, chúng ta lợi dụng tầm nhìn xuyên thấu, để gắn chặt vào Chúa, để có thể sống đúng như ông Môsê dạy trong sách Đệ Nhị luật: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh em, và lên cửa thành của anh em (6, 5-9).

Nhờ tầm nhìn xuyên thấu, như Tổ phụ Giacób, chúng ta cảm nhận bình an của Chúa suốt hành trình đời mình. Chúng ta cũng sẽ luôn biết ơn Chúa, luôn trung thành vâng nghe thánh ý Chúa như Tổ phụ.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment