- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Những cái ‘dục’

Tôi chọn một người bạn được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội để hỏi câu này:

– Chữ ‘dục’, theo chị, nghĩa là gì?

– Là những gì thuộc về thể xác.

Tuy biết chị sống dưới chế độ Cộng Sản từ nhỏ và không có ý niệm gì về tôn giáo, cũng như biết miền Bắc có thời lọai bỏ các từ Hán Việt thông dụng, nhưng tôi cũng hỏi lại:

– Chị nói theo ý nghĩa của tôn giáo, hay theo nghĩa chữ Hán?

– Ta (chị hay xưng như thế) chả biết gì về tôn giáo, cũng chả biết chữ Hán thế nào, nhưng khi nghe ‘nhục dục’ thì nghĩ là thân thể. A, nhưng hình như hễ cứ nói đến ‘nhục dục’ thì nhiều người lại hiểu là những cái xấu xa, bậy bạ… Sao lại buồn cười thế nhỉ? Ta chả thấy chữ ‘nhục dục’ có gì là bậy bạ hết.

Cả hai chúng tôi cùng cười. Tôi cũng thấy rất nhiều người hiểu như chị nói, và bèn phải tra tìm chữ Dục trong tự điển Hán Việt. Dĩ nhiên có nhiều chữ Dục khác nhau, và tôi tìm được chữ Dục có ý nghĩa gần nhất với chữ Dục theo nhận xét của chị bạn. Chữ Dục này có nghĩa là ‘ham muốn’, là có sự thôi thúc, dục giã phải đạt cho được. ‘Nhục dục’ có nghĩa là những ham muốn thuộc về thể xác. Mọi loài đều có những ham muốn, hay đúng ra là những đòi hỏi, thuộc về thể xác, để có thể tiếp tục sinh tồn, như ăn uống, ngủ nghỉ, mặc quần áo che thân, hoạt động, làm vệ sinh, làm việc truyền giống…

Có thể nêu lên 2 đặc tính của những nhu cầu thuộc về. Thứ nhất, tuy đó là những nhu cầu thấp nhất của đời sống, nhưng cũng là những nhu cầu quan trọng nhất để mọi loài sinh tồn được. Thứ hai, khi những nhu cầu này được thoả mãn, thì cơ thể cảm thấy sung sướng, nên có khuynh hướng đòi hỏi nhiều hơn, và nếu được nhiều hơn rồi thì lại muốn nhiều hơn nữa… Bởi vậy nên có những trường hợp ăn uống và hưởng thụ theo quan niệm ‘tứ khoái’, và nếu không dừng lại được thì đi đến ‘tứ đổ tường’. Vậy mấu chốt của vấn đề, là mọi nhu cầu cần phải được thoả mãn một cách đầy đủ và vừa phải, thiếu hẳn hoặc quá độ, vô chừng mực đều có hại cho sức khoẻ của cơ thể. Như thế, tiết dục là điều cần thiết, có phải không ạ? Muốn tiết dục về thể xác, một người cần ý thức rằng nhu cầu thể xác thay đổi theo tiến trình sống của đời người. Nhu cầu ăn uống của một cô cậu tuổi choai choai đang sức lớn phải cao hơn so rất nhiều so với nhu cầu ăn uống của một em bé hay người đã lớn tuổi. Cũng thế, ở lứa tuổi mà cơ thể vừa mới phát triển đầy đủ thì loài nào cũng ở cao điểm của nhu cầu ‘tìm duyên’ hầu thực hiện cái nhiệm vụ giữ giống của muôn loài. Có lần tôi nghe một người bạn phát biểu một cách trật lất rằng mục đích của việc ngồi Thiền là để diệt dục, và chị giải thích thêm theo kiểu rất hạn hẹp rằng khi diệt dục rồi thì sẽ không còn làm chuyện chăn gối nữa!

Tôi cũng biết một số người nhận là Phật Tử, và họ ăn chay thường xuyên với mục đích để diệt dục. Có thể họ hiểu diệt dục là diệt tất cả các ham muốn. Còn nhiều người theo đạo Công Giáo thì tuy không nói đến diệt dục, nhưng có để ý đến một một thứ dục cần phải.. .diệt, đó là.. .dâm dục! Trong 10 điều răn, thì hầu như ai nấy đều biết giữ điều răn thứ Sáu là “Chớ làm sự dâm dục” (không rõ nghiã so với bản tiếng Anh có nghĩa là ‘Chớ ngoại tình’). Nhưng cũng xin nhớ là trong kinh Cải Tội Bảy Mối, ngoài “Thứ ba: Giữ mình sạch sẽ, chớ mê dâm dục”, còn có : “Thứ năm: Kiêng bớt, chớ mê ăn uống”, nghĩa là không chỉ dục thuộc loại ‘dâm’ mới là tội, mà dục thuộc loại ăn uống quá độ cũng là tội. Thiết nghĩ, dục nào cũng là dục, và một người muốn sống mạnh khoẻ về thể xác lẫn tinh thần thì nên tiết chế mọi thứ ham muốn, cả về thể xác lẫn tinh thần, chứ chẳng riêng cái dục nào. Tiết chế thôi, chứ không nhất thiết phải diệt cái nào cả, và càng không nên diệt tất cả mọi thứ ham muốn, hay diêt dục nói chung. Vì diệt hết mọi thứ dục thì còn gì nữa để mà sống kia chứ!

Vâng, có ham muốn thuộc thể xác và có cả ham muốn thuộc tinh thần. Dục theo thể xác, hay ‘nhục dục’, là những ham muốn để có được sự thoả mãn bằng thân xác và qua ngũ quan. Ngoài mục đích sinh tồn như đã nói ở trên, những ham muốn về thể xác còn làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Mắt thích nhìn cái đẹp, tai ham nghe những âm thanh dịu dàng, trầm bổng, mũi thích ngửi mùi thơm, miệng muốn ăn ngon,v.v…. Như thế thì ngay cả ‘sắc dục’ vẫn chưa phải là cám dỗ hay tội lỗi gì cả, như nhiều người thường nghĩ. Chỉ khi nào những ham muốn này trở nên quá độ, gần như là bất bình thường hay bệnh hoạn, chúng thúc đẩy một người đi tìm những cảm xúc mạnh hơn, thoả mãn nhiều hơn và cỡ nào cũng vẫn chưa cảm thấy đủ… thì người đó đang có vấn đề, và sẽ đi đến những hậu quả ắt phải có. Ăn uống quá độ, say sưa… hoặc ngược lại không chăm sóc việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đầy đủ, cũng đều có hại cho sức khoẻ thể xác và tinh thần. Thử đặt câu hỏi với người Công Giáo, rằng những sự quá độ về thể xác này phải chăng cũng là những điều răn cấm kỵ, và có khác gì với ‘tội dâm dục’ không ạ?

Còn dục về tinh thần thì ôi thôi, muôn hình vạn trạng, nhưng lại cũng thuộc loại khó thấy, gần như vô hình. Muốn có thật nhiều của cải, thích được khen ngợi, muốn thành công mọi mặt không chừa mặt nào… Hoặc nếu không có được như người này người kia thì lấy làm khổ sở…. Những ham muốn này nếu chỉ ở mức độ vừa phải thì rất tốt vì chúng giúp một người tận dụng những khả năng của mình để làm thăng hoa cuộc cống và đóng góp cho xã hội. Nhưng có rất nhiều người chỉ biết dồn hết cả đời sống của mình vào một ham muốn nào đó, còn những chuyện khác thì không kể đến nữa, không còn nhìn thấy gì khác hơn là điều mình đang muốn đạt cho bằng được.

Lại còn những cái ‘dục’ nửa thể xác nửa tinh thần. Thí dụ như nghe điều gì thấy ‘ngứa tai’ thì lập tức thấy ‘ngứa miệng’, bèn nói một câu thuộc loại ‘chặn họng’, và cảm thấy khoái trá khi đối phương bị ‘cứng họng’.

Hoặc cái ‘thú’ khi đem cái dở, cái xấu của người vắng mặt ra mà kể lể, phê bình, vừa đã cái miệng lại vừa sướng hai lỗ tai.. Mới đầu không thấy gì, nhưng lâu dần có thể thành ‘nghiện’, người ta cứ lập đi lập lại như có sự thúc đẩy không cưỡng lại được, thế mới khổ.

Nói chung, cái gì thái quá cũng có hại. Nó cứ lớn phình ra trước mắt mình, che hết mọi thứ khác, khiến một người không mù mà cũng gần như mù. Mù thân xác thì còn dễ biết, nhưng mù tinh thần thì rất khó biết mình mù, vì vẫn còn thấy được những ham muốn của mình nó to tướng trước mắt, thấy hấp dẫn thế kia cơ mà. Nó lại còn điều khiển mình, thôi thúc mình, không sao cưỡng lại nó được. Rồi cứ thế mà đi lọt xuống hố lúc nào không hay. Trong Kinh Thánh Chúa Giêsu chữa lành cho người mù, vì người đó biết mình mù và tin vào quyền năng của Chúa. nên đã xin được chữa lành Còn mù tinh thần làm sao biết mà xin đây?

Gần đến những ngày lễ lớn như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, muốn chuẩn bị tâm hồn, cần được lãnh Bí Ttích Hoà Giải, nhưng sao khó quá. Tội lớn chẳng thấy mình phạm bao giờ, còn tội nhỏ thì chắc nhỏ quá nên cũng chẳng thấy gì luôn. Cứ thử xét cái điều răn thứ Sáu kia xem, “ai đó ‘làm sự dâm dục’ chớ hỏng có tui”. Vậy chứ còn các thứ “dục” quá độ khác như vừa kể ở trên thì tính sao đây? Nhất là một khi đã bị những cái quá độ đó điều khiển, không sao cưỡng lại được, thì hay nhất là tìm đến với Thiên Chúa toàn năng để xin Ngài ban cho sức mạnh thiêng liêng hầu thoát được sự kềm kẹp của chúng.

Nguyễn Thị Kim Loan
VietCatholic

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]