Người Công Giáo với việc tu tập thiền

Cách đây vài ngày cháu Lê Đoài Túc hiện là linh mục coi xứ tại tỉnh Hòa Bình ( GP Hưng Hóa ) nói có cô gái tên Minh Đức muốn xin số đt của ông trẻ ( Túc là cháu ngoại bà chị cả ) để trao đổi về Thiền. Nghe qua đề nghị cũng thấy…ngồ ngộ nên tôi hỏi lại sơ sơ vài điều rồi đồng ý. Thật không ngờ chỉ ít phút sau chúng tôi đã trao đổi điện thoại với nhau và sau đây là nguyên văn email của cô “ Con năm nay 26 tuổi đang làm đông y tại trạm y tế xã gần nhà và theo học trung cấp dược vào ba ngày cuối tuần. Con ăn chay và tu Thiền cùng gia đình gần mười năm qua. Không biết hiện tại bác có ăn chay trường không ? Con đã trao đổi với một số tu sĩ Công Giáo đều cho rằng không cần thiết ăn chay, tất nhiên con không đồng ý. Con nghĩ quy luật là quy luật, không có chuyện ngoại trừ. Ai cũng tự hào về công trình cứu chuộc của Chúa trên thập giá nhưng không ai tự hỏi tại sao trước mỗi biến cố Chúa đều ẩn thân trước khi làm gì đó. Không ai quan tâm Chúa đã cầu nguyện thế nào để có thể đón nhận cái chết đau đớn như thế. Con đã hỏi một anh bạn ở nhà dòng rằng có bao giờ anh nghĩ rằng nếu anh không sanh ra trong gia đình Công Giáo thì sao ? Anh ấy không trả lời vì đó là chuyện không có thực thì không cần phải nghĩ. Con thì không nghĩ như thế, cuộc sống tuần hoàn với nhân quả không dứt, nếu anh không phải có duyên sanh ra trong hoàn cảnh môi trường đó tất nhiên suy nghĩ, não trạng của anh đã khác bây giờ, anh sẽ không bảo vệ đức tin kiểu cố chấp như bây giờ. Chân lý là chân lý, nó phải đúng với tất cả chứ không thể chỉ đúng với  người của một tôn giáo nào. Mệnh lệnh của Chúa là hãy tìm Thiên Quốc trước tiên rồi mọi thứ sẽ được thêm cho nhưng thực tế mọi người đều làm khác đi, mọi người cố gắng học kinh, học thần học, triết học, cố gắng làm linh mục và mọi thứ, kết quả cái gì cũng có nhưng Chúa thì không. Chúa sẽ bị bỏ lại sau lưng bởi một người đơn sơ nghèo khổ như Ngài không có cơ hội đứng gần họ. Thôi đó là chuyện của thiên hạ, bác có thể cho con biết bác có đang ăn chay và theo một pháp Thiền nào không ? Con nmuốn giới thiệu với bác pháp môn quán âm thanh và ánh sáng giúp hành giả thấy ánh sáng và Ngôi Lời nội tại trong bản tâm mỗi người. Hiện nay đây là điểm gặp gỡ của mọi người kể cả các tu sĩ hay linh mục Công Giáo đó”.

Chỉ mấy ngày sau khi nhận được thư, cô gái lại xin cái hẹn gặp mặt và chúng tôi đã có một cuộc trao đổi thân tình nhưng cũng thẳng thắn xoay quanh chủ đề Thiền và ăn chay. Trước khi chia tay và hẹn gặp lại tôi tặng cô cuốn Thiền và Cầu nguyện đã viết và xuất bản cách đây mấy năm với ý nguyện rằng cô sẽ hiểu đôi chút về đạo và người Công Giáo. Qua cuộc gặp tôi nhận xét  Minh Đức là con người rất có thiện chí nhưng thật sự vẫn chưa hiểu gì mấy về Đạo Công giáo nói chung và lãnh vực Kinh Thánh nói riêng. Tuy nhiên những phê phán của cô về người Công Giáo kể cả tu sĩ linh mục là điều khiến  người có đạo không khỏi không  lưu tâm = Chúng ta có tìm kiếm Nước Trời như là điều trước hết hay chỉ cố gắng nghiên cứu học hành để làm linh mục, cái gì cũng có còn Chúa thì không ?

Thật sự để có câu trả lời cũng chẳng có chi là khó. Vừa mới đây đức cha Bùi Tuần có nêu lên mấy cơn bão  hiện đang hoành hành trong Giáo Hội mà cơn bão nguy hiểm nhất là nạn tục hóa “Phong trào tục hóa đang hình thành và diễn biến phức tạp trong nếp sống đạo hiện nay. Nét chung của các hình thức tục hóa là nỗ  lực  các việc đạo đức bề ngoài còn đời sống nội tâm thì lại coi nhẹ” ( Nguồn Tin Vui – Những cơn bão đang tàn phá đức tin ). Tục hóa lan tràn ngày càng dữ dội nhưng chẳng mấy ai nhận ra và đức cha cho rằng đó mới là điều bi đát cho đức tin. Quả thật đức tin không thể sánh đôi với tục hóa, có cái này thì không thể có cái kia. Với tục hóa thì việc đạo đức chỉ là cái mẽ hình thức bề ngoài, rất sầm uất hoành tráng đó  nhưng cái cốt lõi là đức tin thì lại không có. Đức tin là cái cốt lõi nhưng đức tin chỉ có với một đời sống nội tâm tức quay vào bên trong nơi chính mình.

Xoay  tâm trở vào bên trong, đây chính là công việc của Thiền. Tuy nhiên làm sao để xoay tâm trở vào bên trong dường như là điều bất khả đối với người Công Giáo ? Sở dĩ nói bất khả là vì toàn bộ giáo lý  dành cho giáo dân cũng như thần học cho giáo sĩ đều không có chỗ nào nói đến hay dành cho cái việc… xoay vào ấy ?  Quả thật không cách chi xoay được và xoay như thế để làm gì một khi mà Thiên Chúa cứ vẫn được giảng dạy nếu không là đấng thần linh Tạo Hóa ở bên ngoài con người thì cũng chỉ là một thứ khái niệm chết khô của thần học. Giáo lý, thần học trong bấy lâu nay vẫn chỉ loay hoay với những khái niệm và điều này không thể không đưa đến khủng hoảng và trong cơn khủng hoảng ấy đã có không ít tu sĩ, linh mục và cả giáo dân cũng đã tìm đến với Thiền. Mặc dầu vậy Thiền là con đường có rất nhiều ngã rẽ ma chướng  nguy hiểm có thể dẫn con người tới chỗ điên loạn ( tẩu hỏa ) hoặc rơi vào địa ngục vô gián mà không biết.

Đã gọi ma chướng thì khó mà biết được, nếu biết thì không thể gọi là ma. Một trong những ma chướng của thời đại hôm nay đó là Siêu Nghiệm Thiền ( Transcendental Meditation ) do Maharishi Mahesh truyền bá trên thế giới từ năm 1955. Phương pháp thực hành  của thứ Thiền này khá dễ, chỉ cần mỗi ngày  hai lần mỗi lần 20 phút bằng cách niệm câu mật chú mantra, có thể niệm thầm hay ra tiếng. Cơ sở của Siêu Nghiệm Thiền rất khoa học, bởi nó giúp cho tâm trí lắng đọng một cách nhẹ nhàng tự nhiên trong trạng thái minh mẫn và thư giãn.  Cùng lúc đó bán cầu trái , bán cầu phải não trước và não sau hài hòa cùng nhau. Trong trạng thái minh mẫn này của não có tương quan với việc cải thiện trí nhớ, khả năng xử lý vấn đề và đưa ra những quyết định. Sự thay đổi trong hoạt động của não bộ sẽ tương tác đến chức năng sinh lý, giảm tình trạng huyết áp cao, củng cố tim mạch và cải thiện toàn bộ sức khỏe” ( nguồn Wikipedia – Thiền Siêu Việt ).

Kết quả của Siêu Nghiệm Thiền là rất rõ, có thể kiểm chứng được chỉ sau vài tuần. Thế nhưng Thiền đâu chỉ có thế, cái chủ đích ẩn sâu trong nó không chỉ là sức khỏe, là minh mẫn xử lý mọi việc, chống stress v.v… mà còn hơn thế nữa nó chính là một thứ tôn giáo được dẫn dắt bởi Thiên Ma Ba Tuần như Kinh Lăng Nghiêm nhà Phật đã cảnh báo vào thời mạt pháp. Tác hại của Siêu Nhiệm Thiền nó chỉ đến khi người ta đi sâu vào nó. Robert Thorn trước khi trở lại và thụ phong linh mục từng là huấn luyện viên môn Siêu Nghiệm Thiền cho biết đó là một  mưu đồ thâm hiểm của Satan hòng giết chết Thiên Tánh ở nơi con người ( nguồn SucsongchuaKitô. Net ).

Mặc dầu giáo lý và thần học không đề cập chi tới Thiền nhưng các Thánh chẳng hạn như Thánh An Tôn ẩn tu, Thánh Phanxico Assisi Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Teresa Avilla v.v…các ngài đều là những Thiền giả siêu đẳng. Còn các Thánh khác thật ra không vị nào mà không thực hành con đường Thiền hiểu như đó là con đường đi sâu vào bản tâm để gặp gỡ Đấng Cha là Đấng ở nơi ẩn mật. Toàn thể các Thánh và những ai tìm kiếm con đường nên Thánh đều phải đi vào con đường giác ngộ bản tâm bởi vì Đức Kitô đã truyền cho như thế “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết, rồi từ đó Tin Mừng của Nước Thiên Chúa được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

Chúa rao giảng Tin Mừng và đòi buộc chúng ta phải nỗ lực mà vào thì “ Vào” ở đây chỉ có thể là việc quay vào bên trong để nhận biết Nước Trời ở nơi mình. Chỉ quay vào bên trong mới có thể nhận biết Nước Trời bởi vì nước ấy là một thực tại mầu nhiệm siêu vượt cả giác quan cũng như lý trí suy luận. Nếu có thể gạt bỏ giới hạn của ngôn ngữ thì ắt sẽ thấy chân lý vốn là một. Thực tại mầu nhiệm mà Đức Kitô nói phải quay vào bên trong nơi nội tâm đó nhà Phật có nhiều tên gọi khác nhau như Phật tánh, Viên Giác tánh, Như Lai tánh v.v…Mật Giáo Tây Tạng gọi là Đấng Tỳ Lô Giá Na còn Lão Tử thì gọi đó là Đạo “ Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh…” ( Đạo có thể gọi được đó không phải Đạo thường. Danh có thể nói ra được đó không phải Danh thường – ĐĐK chương một ). Mặc dầu thực tại mầu nhiệm ấy không thể nói, không thể gọi  nhưng nó lại cần phải rao giảng ra và đó chính là công việc của tôn giáo.

Đức Kitô gọi việc rao truyền ấy là truyền giảng Tin Mừng, bởi khi con người tin và nhận ra  Nước Trời ở nơi mình thì sẽ phát khởi được sự vui mừng lớn lao. Chính vì nỗi mừng vui lớn ấy mà các Thánh đã dũ bỏ mọi thứ vướng bận như tiền bạc danh lợi chức quyền …ở đời để dấn thân vào con đường tìm kiếm như Chúa đòi buộc. Thực tại mầu nhiệm ấy duy nhất chỉ có một  nhưng đường vào thì tùy theo căn cơ hoàn cảnh thời đại mà có nhiều. Mặc dù nhiều nhưng tất cả đều phải lấy tâm làm chủ đạo ( Dĩ tâm vi tông ). Tâm là cái quyết định tất cả, vui buồn phước họa, chánh tà thậm chí Thiên Đàng Địa ngục cũng đều do ở nơi Tâm. Bởi tâm là cái quyết định như thế nên việc tu Thiền cần phải hết sức thận trọng chỉ sai một ly là …đi một dặm, chẳng vậy mà tổ thiền sư Tăng Xán nói “ Hào ly hữu sai, thiên địa huyền cách” cũng là ý đó.

Thời nay là thời  Hội Nhập Văn Hóa bởi đó cho nên người Công Giáo dầu muốn hay không muốn cũng phải giao tiếp với đủ mọi loại hạng người, mọi thứ sách vở cũng như tôn giáo. Qua những giao tiếp đó nếu đức tin không vững vàng ắt sẽ không khỏi chao đảo để rồi trở nên như một thứ …mồi ngon cho đủ mọi loại tà giáo, hơn nữa lại còn mang danh nghĩa thiền này thiền nọ ? Cần phải vững vàng trong đức tin, thế nhưng đức tin ấy  chỉ có thể vững cùng với một đức tin trưởng thành “ Người có lòng tin mà không có giáo lý thì dễ tăng trưởng vô minh mờ ám. Trái lại  có giáo lý mà không có lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Cho nên lòng tin và hiểu biết phải cùng đủ mới có thể làm nên cội gốc  tu hành” ( Kinh Niết Bàn ).

Để đức tin có thể đứng vững trước các lạc thuyết đang nhan nhản khắp nơi như hiện giờ thì không còn cách nào khác là phải trở về với mạc khải của Đức Kitô. Dù vậy việc trở về với mạc khải là  điều rất khó vì chưng ngay từ  thuở sơ khai Giáo Hội, Thánh Phao lô đã lên tiếng cảnh cáo “ Tôi lấy làm lạ cho anh em sao lại vội lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ân sủng của Chúa Kitô mà theo Tin Mừng khác. Nhưng không có Tin Mừng nào khác đâu. Chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em,muốn canh cải Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ trên trời có rao giảng cho anh em một thứ Tin Mừng nào khác với Tin Mừng mà chúng tôi đã rao giảng cho anh em thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -8 ).

Người Công Giáo là người có ơn gọi theo Chúa và ơn gọi  ấy chỉ có thể  dành cho nhưng ai  kiên trì  trong việc bỏ mình tức bỏ ý riêng  đi. Tu  tập Thiền  như định nghĩa của nó  thực chất cũng chỉ làm sao bỏ được ý riêng. Thật vậy Thiền tiếng Phạn nói đủ là Thiền Na ( Dhyana ) Trung Hoa dịch là Tịnh Lự có nghĩa là dứt bặt nghĩ suy tư lự.  Thiền, dù gì đi nữa cũng chỉ là một cách tu và cách tu nào mục đích cũng là để hoàn thiện bản thân “ Vậy các ngươi hãy nên hoàn thiện như Cha các ngươi là Đấng Toàn Thiện” ( Mt 5, 18) ./.

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment