Một Lần Mở Cửa

“Ði ra!” Tôi thường hay dùng lời này để đuổi em tôi ra khỏi phòng tôi.

Sau một ngày mệt mỏi và bận rộn, tôi chỉ muốn yên tịnh và khoảng trống cho tôi. Tôi chỉ muốn trong phòng một mình, không muốn ai làm phiền tôi và tôi chẳng phiền đến ai. Trong căn phòng của tôi, tôi có thế giới riêng của tôi mà không muốn ai xen vào. Tôi khóa cửa chặt lại vì không muốn ai xía vô đời sống riêng tư của tôi.

Sinh Viên đi đại học bằng xe bus?

Cuối tháng 8 năm 2002 tôi đã chứng kiến cảnh thực tế mà làm cho tôi mở mắt và mở rộng con tim.

Ðó là cảnh thật tại Denver, Colorado, khi tôi và em tôi tới trước 2 ngày để đi ngắm cảnh và sau đó tham dự khóa tĩnh tâm Họp Mặt Vùng Trung Tây của gia đình Ðồng Hành Linh Thao tổ chức.

Người bạn ở Denver mà tôi nhờ ra đón từ phi trường không có xe và phải nhờ người bạn khác có xe cùng ra đón tôi. Tưởng rằng người nào có xe thì phải xe mới, vì tôi đang đem hình ảnh và tư tưởng của một người từ New Orleans tới. Nhưng thì ra xe cũ rích, chẳng ngon lành gì. Về nhà bạn để ở trọ vài đêm, tôi thấy phòng khách còn nhỏ hơn phòng ngủ của tôi, và phòng ngủ của họ bằng cái closet đựng quần áo của tôi. Ðồ đạc trong nhà thì cũ kỹ và căn phòng rất chật chội.

Ðêm đầu tiên bên đó, tôi bỗng có một cảm giác thật xúc động. Bạn của tôi có một đứa bạn trai và ba đứa bạn gái thân. Nhóm bạn đó tổng cộng là năm người. Họ chở hai chị em tôi đi chơi đêm đó. Buổi tối về, một đứa bạn gái chở từng người một về, vì cả đám chẳng ai khác có xe. Hỏi ra thì tôi mới biết nếu mỗi lần họ muốn đi chơi thì phải đến từng nhà một để chở nhau đi và sau đó chở nhau về. Tôi hỏi thêm câu, “Còn đi đại học thì sao?” Họ trả lời rất tự nhiên, “Thì sáng dậy sớm đón xe bus.” Không phải xe bus của nhà trường các em học sinh thường đi, nhưng là xe bus dành cho những người không có xe. Những câu trả lời làm tôi im re, như đã đánh vết dấu sâu thẳm trong tim tôi. Tôi im lặng và ngồi suy nghĩ.

Tuy là sinh viên nghèo, nhưng tình bạn, tình người, tình thương yêu nhau thật đậm đà. Họ có nhau, họ chia sẻ với nhau những gì họ có và kể cả không có. Càng thiếu túng, càng nghèo khó, họ càng gắn bó với nhau, họ có tình thân với nhau.

Ðiều ngạc nhiên nhất của tôi là nguyên cả đám bạn không ai cảm thấy mặc cảm là “mình không có.” Kể cả đứa bạn trai của bạn tôi đã gần 21 tuổi không có xe mà vẫn cảm thấy tỉnh táo vui vẻ. Vì ai cũng như nhau, nên họ không bị áp lực là mình phải có. Trong đầu óc họ, họ không có tư tưởng phải tranh đua có những gì người khác có. Họ vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc với những gì họ có và thậm chí cả không có.

Nhu cầu sinh ra nhu cầu-nhiều điều cần phải có lắm

Thấy vậy, tôi nghĩ về New Orleans, nơi mà tôi sống và lớn lên. Bên này, tất cả những người bạn của tôi ai cũng có một chiếc xe. Trước khi vô đại học, ai cũng sắm cho mình một chiếc. Không những là một chiếc “xe” không thôi, mà phải là xe ngon, xe mới, ít ra là Honda Accord hay 4 Runner, và phải “look cool”. Sắm xe là một cái “bắt buộc” phải có-không có xe thì mình không giống ai và xấu hổ với bạn bè vì mình không có. Bạn tôi mỗi người một chiếc, và tôi cũng có chiếc xe mới từ khi tôi học lớp 11 trong trung học.

Cũng chỗ tôi ở, chung quanh tôi có nhiều cái mà “phải có” lắm. Mới lớn lên phải nghĩ tới chuyện có bồ. Có bồ thì phải có cell phone để liên lạc cho tiện. Con trai thì cần phải có chiếc xe mới đẹp để lấy le với bạn gái và cao bồi làng. Con gái thì phải đi shopping ăn mặc cho người khác ngắm. Rồi sau đó cần phải có việc làm để trả tiền xe, tiền cell phone, tiền quần áo, v.v. Ðúng là càng có nhu cầu thi càng sinh ra nhu cầu khác.

Ai cũng có xe riêng. Ai cũng có bồ riêng. Ai cũng có cell phone riêng. Ai cũng có việc làm riêng. Ai cũng có phòng riêng. Mỗi người đều có cuộc sống riêng.

Mạnh ai người nấy sống!

Tôi có rất nhiều bạn, nhưng cuối cùng tôi chẳng có một người bạn nào kế bên tôi, vì ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng tư của họ. Bạn thân nhất của tôi ở cách xa tôi chỉ 5 phút, nhưng cũng chẳng biết tôi sống chết ra sao, như hai đứa ở cách xa nghìn dặm-không cách nào liên lạc. Trong khi đó nó có cell phone của nó, tôi có cell phone của tôi, nó có xe mới của nó và tôi có xe tôi, và chúng tôi đều có bạn trai riêng, và căn phòng khá to riêng.

Vậy cuối cùng, chúng tôi còn cần gì nữa đâu? Bạn tôi và tôi cũng đâu ai cần ai. Cái mâu thuẫn nhất là tưởng rằng mình có nhiều tiện nghi để giúp cho mình sống thân mật và gần gũi hơn với người chung quanh, nhưng ai ngờ nó càng ngày đưa hai người đến một chân trời thật xa vời dù đứng trước mặt cũng không biết nhau.

Nhìn những đứa bạn ở Denver, tôi chợt nhận ra rằng tôi có quá nhiều thứ trong cuộc sống, nhưng tôi và bạn New Orleans của tôi không có một điều: Tình gắn bó, tình người, và tình cần nhau. Tôi cảm phục những đứa bạn đó, và cũng ước ao rằng mình cũng có tình gắn bó và cần nhau như vậy.

Phải được quyền lợi

Tôi đã học được bài học rất lớn, bài học khiến tôi nhìn lại chính bản thân và cuộc sống tôi đang đi về đâu.

Tôi đang đóng chặt cửa lại, không muốn ai xâm phạm tới quyền sở hữu của tôi. Tôi chỉ biết cái “Tôi” mà thôi, không biết ai khác, và cũng không cần biết chung quanh là gì.

Tôi đang sống trong đất nước tự do-tự do tôn giáo, tự do thúc ép, tự do phát biểu, v.v. Quyền lợi của cá nhân đi đầu tất cả. Và quyền lợi của tôi phải được bảo vệ trên hết.

Cuộc sống tôi luôn luôn tranh đấu cho quyền lợi của tôi. Tôi tranh đấu với ba má cho được tự do đi chơi khuya. Tôi tranh đấu cho bằng được cái quyền lợi của người Mỹ con-bồ bịch tự do thoải mái. Tôi chiến tranh vì tôi cho rằng không ai hiểu tôi, và tôi bắt mọi người phải lắng nghe và hiểu tôi. Và tôi tranh đấu cho sự riêng tư của tôi.

Hằng ngày mình đều tranh đấu cho quyền lợi riêng tư, và khi quyền lợi mình bị đe dọa, mình tìm cách bảo trì, giữ lại. Khi ai xâm phạm tới tự do-quyền lợi của mình, mình la mắng, đánh lại và tranh đấu tới cùng. Và dần dần mình chỉ có cách khóa chặt cửa lại để khỏi ai xâm phạm, đe dọa mình được. Không ai có thể cướp giựt đi những gì mình đang có.

Cuộc Sống Hy-Lạp với Cộng Ðồng

Tự do riêng tư, tự do mà sống. Cái “Tôi” đi đầu trước tất cả. Mặc kệ ai sống ra sao. Tôi sống trước đã.

Nghĩ tới đây, tôi chợt nhớ ra lối sống của người Hy Lạp vào thế kỷ thứ 4 và 5 trước Công Nguyên. Trong lịch sử chính trị của người Hy Lạp, họ không tin vào lý thuyết “tự do cá nhân” (individual freedom) giống như cuộc sống bên Mỹ hiện tại. Họ tin và theo lý thuyết “ích lợi chung” (political freedom) phải đi trước tất cả. Họ không được sống cho mình họ. Họ cho rằng, nếu muốn một chính trị quốc gia thành công, mọi người phải cộng tác với mọi người. Họ hủy đi cái “Tôi” (individual) và nâng cao đời sống cộng đồng (community). Họ tin rằng nếu chỉ có mình “Tôi” thì họ không làm được gì cả, vì cái “Tôi” cần sự ý kiến, giúp đỡ của người khác. Họ tụ họp trong những buổi bàn thảo, trong lúc đi coi rạp, họ đều thảo luận/converse và trao đổi tư tưởng với nhau. Và họ tin chính vì có cộng đồng, họ mới bảo vệ nhau được.

Mấy ngàn năm trước đây, trong chính trị, người ta đã có phương pháp sống tinh thần đoàn kết, tinh thần cộng đồng. Ai cũng cởi mở với nhau, biết chuyện nhau, và bảo vệ cho nhau.

Thời đại này thì tự do của cá nhân (individual) quá mạnh mẽ, nên con người trở thành ích kỷ. Dần dần ai cũng đóng kín cửa phòng lại, không cần đối thoại cởi mở với ai. Cần tin tức gì thì mở tivi hay cầm lên tờ báo. Thuận tiện hơn nữa, nếu muốn thêm chi tiết bài vở thì một mình mình ngồi trước màn ảnh vi tính (computer) và lên mạng (Internet). Không cần cộng đồng giúp mình và cũng không cần giúp cộng đồng.

Tôi thật sự đang cần gì và tìm gì?

Tôi nhận ra tôi quá đầy đủ, chẳng thiếu thốn gì. Tôi cũng nhận ra rằng tôi quá ích kỷ. Tôi chỉ sống cho mình, chứ không sống cho người khác. Cuộc sống chẳng lẽ ngày ngày đi làm kiếm tiền, ăn uống sắm sửa cho cá nhân, tiếp tục tranh đua và tranh chấp từng li từng tí với người và với đời, tối về ngủ rồi sáng tiếp tục như hôm qua? Cuộc sống chỉ có vậy thôi sao?

Nghĩ lại, tôi thật giàu có về vật chất, nhưng đâu là giàu có về tâm hồn? Tuy tôi có rất nhiều tiện nghi, nhưng thật sự nó đâu đem cho tôi hạnh phúc thật sự. Có nhiều tiện nghi nhưng thật ra nó đâu đem cho tôi ý nghĩa của cuộc sống. Tôi muốn đi tìm hạnh phúc lâu bền. Tôi muốn tìm được ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày của tôi.

Ðã đến lúc tôi phải mở cửa phòng của tôi và đón nhận người khác vào. Những người chung quanh tôi, những người tôi thương yêu, và cộng đồng đang cần tôi, cần tôi chú ý đến và cởi mở với họ. Và tôi cũng cần họ, cần họ bước vào cuộc sống của tôi.

Nhưng sống cho người khác thì không phải dễ. Chẳng lẽ tôi cho chiếc xe tôi đi rồi đón xe bus mỗi ngày đi làm và đi đại học? Chẳng lẽ tôi bỏ căn phòng khá lớn có cái giường êm, để ngủ ở ngoài xa lông? Giải quyết này chẳng khá gì. Tôi mở cửa đón nhận người khác bằng cách nào đây?

Tìm một con đường, tìm một lối đi

Sau khi đi Denver về hơn một tuần, chương tình Giáo Lý và Việt Ngữ tại giáo xứ tôi bắt đầu. Sơ Giám Ðốc điện thoại cho tôi và nói, “Con tiếp tục dạy lớp 1 Giáo Lý và Việt Ngữ cho Sơ.” Tôi ok.

Một tuần sau, Sơ lại nói chuyện với tôi trên điện thoại: “Con dạy thêm giùm Sơ lớp 3 xưng tội rước lễ lần đầu được không?” Tôi không dám nhận lời ngay vì trách nhiệm dạy lớp 3 thì quá lớn, nhưng Sơ nói với tôi, “Con có khả năng và nếu con dạy thì Sơ yên tâm.” Nghĩ đi nghĩ lại, tôi cũng nhận lời.

Ðúng một tuần sau đang khi dạy học, Sơ Giám Ðốc vô lớp tôi và nói, “Con có thể dạy thêm cho Sơ lớp VSL 5 hay không? Lớp đó gồm có những em từ lớp 5 tới lớp 10 sau khi đã được chấm điểm bài thi theo trình độ tiếng Việt.” Tôi bắt đầu đắn đo.

Khả năng đâu mà tôi dạy các em lớn, mà nhiều đứa ngang ngược nữa chứ? Dạy 2 lớp Việt Ngữ và 2 lớp Giáo Lý như vậy có nghĩa là tôi sẽ mất rất nhiều thời gian… nào là soạn bài rồi, sau đó đi dạy, rồi chấm điểm các bài thi. Còn thời gian đâu nữa mà đi chơi? Trong tuần tôi vừa phải đi học lấy 18 credits trong vòng hai ngày, các ngày khác phải đi dạy học ở trường Mỹ, cuối tuần thì làm việc cho cộng đồng. Tôi còn trẻ mà, cuối tuần cũng muốn đi chơi lắm chứ. Hơi đâu mà hứa với Sơ nhiều làm gì cho mệt?

Tôi suy đi nghĩ lại và nhận ra điều này: Sơ tin tưởng tôi. Sơ tín nhiệm tôi nên mới nhờ tôi dạy cho Sơ 4 lớp. Những năm vừa qua tôi cũng đã dạy học, nên tôi được Sơ tín nhiệm. Chuyến đi Denver về đã làm cho tôi nhận ra rằng Chúa ban cho tôi quá nhiều ơn trong cuộc sống và cũng cho tôi khả năng dạy học. Tôi nhớ lại lời cầu nguyện của Thánh I-Nhã, là một người tài giỏi lập lên Dòng Tên, nhưng vẫn khiêm tốn nguyện rằng:

“Con xin dâng Chúa con người của con. Những gì con có xin dâng lại cho Chúa. Này là tự do, ý chí của con. Này là trí nhớ, trí hiểu của con, mọi sự đều là của Chúa. Xin dùng con theo thánh ý Ngài. Xin ban tình yêu và ân sủng Chúa. Amen.”

Nghĩ tới đây, tôi đành phải để Chúa làm việc trong tôi và qua tôi. Khả năng Chúa cho tôi chính vì Chúa muốn dùng tôi làm khí cụ của Ngài, nên tôi phải mở rộng con tim để Chúa làm việc. Tôi bắt đầu mở toang con tim tôi và lại hứa với Sơ một lần nữa.

Ðúng vậy, dạy học cũng rất vất vả, nhưng tôi có niềm hãnh diện xây dựng cộng đồng bằng phần dạy học của tôi. Chính bàn tay Chúa giúp tôi góp phần xây dựng cộng đồng. Nhất là qua chương trình dạy Việt Ngữ mùa hè vừa qua tôi đã được niềm hứng khởi khi thấy trẻ em tiến triển đọc và viết được tiếng Việt. Và tôi có thể nói tôi có niềm vui trong việc giáo dục vì tôi đã và đang làm được ích lợi cho người khác và cho xã hội.

Và đó chính là niềm hạnh phúc của tôi. Qua dạy học các trẻ em, tôi tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc thật sự trong tim. Tôi tìm được ý nghĩa của cuộc sống khi tôi cho đi một phần của tôi để tôi xây dựng một phần khác.

Và lúc khi tôi mở cánh cửa của con tim tôi để giúp người khác, tôi giúp cho chính bản thân tôi thêm đầy ý nghĩa và tràn trề hy vọng.

Tất cả mệt nhọc cũng biến mất đi khi một em học sinh nhỏ chạy tới ôm lấy tôi và nói, “I miss you.”

Thì ra tìm được ý nghĩa trong cuộc sống cũng chẳng khó gì. Khi tôi quên mình đi và sống cho người khác, tôi tìm lại được bản thân tôi. Tôi tìm được bản thân tôi qua từng nụ cười tôi cho người và người cho tôi. Và tôi sống tươi mát và bình an hơn vì có Chúa ở trong tôi, làm việc qua tôi.

Tối nay trước khi đi ngủ, tôi bỗng nhiên nghe những lời vang vảng đâu đây như vọng lại từ một đồng cỏ xanh nào đó bên dòng suối tươi mát đang chảy rì rào. Và kìa! Một đàn chiên đang ríu rít chung quanh một người rất quen thuộc trông ánh mắt sáng long lanh tràn đầy sức sống trổi lên một khúc sáo thật du dương trầm bổng. Tôi chợt cảm nhận lời Thánh Vịnh 23:

Chúa chăn nuôi tôi, tôi còn mà thiếu gì?

Chúa bảo vệ tôi, lẽ nào tôi còn sợ chi?

Trên đồng cỏ xanh rì, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đã dẫn tôi về, về bên dòng suối mát.

Tôi ăn uống thỏa thuê, thêm sức cho hồn tôi.

Sông Thanh

VietCatholic News

Chia sẻ Bài này:

Related posts