Một chút suy tư về chân lý

Có lẽ câu hỏi Chân Lý là gì? mà ngày xưa Tổng trấn Philatô hỏi Chúa Giêsu, luôn mãi tồn tại trong thế gian này, cho đến khi nào tội lỗi của nhân loại không còn nữa. Đối với Philatô Chân Lý là điều gì đó ông ta không hiểu, cũng như khái niệm Khoa học hay Triết học đối với một em bé đang học mẫu giáo. Cho đến hôm nay vẫn còn vô số người giống như Philatô xưa, tuy có chút kiến thức, nhưng lại hiểu biết lờ mờ. Bởi vậy có người cho rằng chỉ có sự thật tương đối thôi, vì nó tùy thuộc vào không gian và thời gian. Có kẻ cho là chân lý đang bị khủng hoảng trầm trọng; có người lại bảo rằng chân lý tuyệt đối là không có chân lý, v.v…

Chiết tự danh từ Chân Lý mà Philatô hỏi Chúa, ta thấy: Chân là chân thật, chân chính và Lý là lý lẽ, triết lý. Từ ngữ Hán Việt có nội dung phong phú đến thế, nhưng chỉ mới giúp ta hiểu đúng một phần. Vì Chân Lý Chúa muốn nói ở đây không phải là một mớ chữ nghĩa, lý thuyết, một quan niệm trừu tượng, mà là một sự sống đầy sinh động, một hành động cụ thể, một thực tế hiển nhiên. Ý nghĩa của Chân lý sâu xa như vậy, cho nên Philatô ngày xưa, cũng như nhiều người trong thế giới hôm nay làm sao có thể hiểu thấu được !

Thánh Tôma Aquinô đã thử định nghĩa : Chân lý không sai lầm, hoàn toàn tuyệt đối, đó là chân lý đến từ Chúa Thánh Linh (I-2, 109, I, Summa Theologica); và Thánh Tiến Sĩ giải thích : ”Nếu chúng ta nói rằng chân lý hiện hữu trong trí năng tự nhiên của con người, thì như thế có rất nhiều chân lý do trí năng con người tạo nên… Nhưng nếu chúng ta nói về chân lý trong vạn vật, thì sở dĩ vạn vật được chân chính là do bởi một chân lý nguyên thủy, nhờ đây mà mọi vật được đồng hóa với chính thực thể của nó. Do vậy, mặc dù cốt lõi của những mẫu thức, hay vạn vật thì nhiều, tuy nhiên chân lý của trí năng Thiên Chúa chỉ có một, nên điều gì phù hợp hay tuân theo nó thì được coi là chân chính, xác thực, hợp lẽ phải”. (I, 16, 6).

Thần học gia Bernard Lonergan, rút tỉa từ triết lý cao siêu của Thánh Tôma Aquinô, đã đưa ra định nghĩa : Chân lý là mối tương quan giữa sự hiểu biết và bản thể .

Vậy nói cách dễ hiểu, cụ thể thì Chân Lý là gì ? Thưa đó là chính Chúa Giêsu Kitô, là Tin Mừng Cứu độ. Ngài là Đấng mà toàn bộ Cựu ước hướng về, báo trước. Ngài là Đấng đến từ Thiên Chúa, Ngài sống và chết thay cho toàn nhân loại; điều mà không ai khác có thể thực hiện được, cho nên Ngài là chân lý. Nhưng thử hỏi, làm cách nào để biết được ai là Đấng đến từ Thiên Chúa, vì tất cả các tôn giáo đều cho rằng lãnh tụ của họ là bậc siêu phàm, là đấng thần thánh ? Đức cố Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, trong cuốn “Your Life Is Worth Living” cho rằng Đấng được gọi là Chân lý phải được xác minh bằng lý trí và lịch sử, nhất là phải hội đủ ba yếu tố : Thứ nhất, đấng đó phải báo trước ngày mình đến. Thứ hai, đấng đó phải làm được những phép lạ để chứng minh rằng mình được sai đến. Thứ ba, những điều đấng ấy dạy hoặc mạc khải không được trái ngược với lý trí của con người, dù cho các điều ấy thật cao siêu, nhiệm mầu. Ba yếu tố này là tiêu chuẩn, thước đo Chân lý. Ngài viết tiếp : “chúng ta hãy thử dùng trí khôn, nhìn vào lịch sử để đặt câu hỏi về một số lãnh tụ tôn giáo :” có ai biết trước Đức Phật sẽ đến trong thế gian này không?” “nơi Đức Không Tử sinh ra có được báo trước hay không?” “có ai tiên đoán việc Socrate sẽ chết vì phải uống thuốc độc cần (hemlock juice) không?” “có truyền thống cổ xưa nào cho biết Mohammed sẽ sinh ra trong một dân tộc nào đó không ? và mô tả là ngài sẽ chết cách nào không?” “Có bà mẹ nào trong các bạn biết trước bạn sẽ được sinh ra không?” “Có ai trong các bạn, có thể chỉ vào một hồ sơ lịch sử, trong đó nói trước bạn sẽ sống ở đâu, chết cách nào, chết ở đâu, tính cách của bạn ra sao, cách bạn giảng dạy thế nào, phẩm cách giáo huấn của bạn có thể khiến những hạng người nào trở nên thù nghịch với bạn ?”

Như vậy chúng ta có thể kết luận cách không sai lầm rằng chỉ có một Chân Lý duy nhất, một Tin Mừng duy nhất : Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến từ Thiên Chúa. Dĩ nhiên muốn lĩnh hội Chân lý, con người ta phải được giáo dục để thấm nhuần từ từ. Chân lý vô tận như bầu trời, do đó không thể thu tóm chân lý trong một bài giảng hay một bài thuyết trình. Cũng vì thế mà Chúa Giêsu đã không trả lời cho câu hỏi của Philatô bằng một vài câu nói. Bởi lẽ chính Chúa đã sống 30 năm để làm chứng cho chân lý đó. Làm sao ta có thể nói đầy đủ, hiểu hết về Chân Lý, trong khi chính Chúa Kitô phải dùng 3 năm rao giảng, và sau đó, Chúa Thánh Thần đến để hoàn tất! Lúc còn nhỏ, lắm khi chúng ta nhìn bầu trời và cứ tưởng là khoảng cách từ quả đất đến mặt trời gần đến độ có thể đo lường được. Nhưng khi càng lớn lên, càng hiểu biết, chúng ta lại thấy nó thật xa, to lớn hơn, sâu thẳm hơn, bao la hơn nhiều, như chính Thiên Chúa vậy. Không ít khi ta đã mỉm cười nhớ lại ngày xưa có lúc ngây ngô hãnh diện với kiến thức nhỏ nhoi mình có, cho rằng mình có thể với tới bầu trời, hoặc đang nắm giữ chân lý trong tay.

Nguời ta chia tôn giáo trên thế giới này ra hai loại : loại thứ nhất là tôn giáo dạng mạc khải, gồm Kitô giáo, Do Thái Giáo và Hồi giáo. Dạng thứ hai là tôn giáo dạng giải thoát, gồm tất cả các tôn giáo còn lại. Điểm chung mà mọi tôn giáo đều đề cập đến là sự đau khổ, nhưng mỗi tôn giáo lại có cách nhìn khác nhau về nó. Hầu hết các tôn giáo đều tìm cách khống chế hoặc tránh né sự đau khổ. Có tôn giáo còn xem thế gian này là bể khổ. Duy nhất chỉ có triết lý Kitô giáo là có một cách nhìn khác biệt. Không phải người Kitô hữu không sợ đau khổ, không cần tránh né nó, hoặc thậm chí đi tìm sự đau khổ. Họ vẫn cùng với nhân loại ngày từng ngày loại trừ đau khổ, sự ác để cuộc sống con người được dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Thế nhưng một khi không thể tránh né được đau khổ hoặc sự dữ, thì họ biết nhìn những gì xảy đến với tinh thần tích cực : đau khổ mà họ sẵn lòng đón nhận trong đời có thể trở thành một phương thế hữu hiệu để họ được kết hiệp sâu sắc hơn với những đau khổ của Con Thiên Chúa trong cuộc khổ nạn, và như thế tham gia tích cực hơn vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu ngày xưa, cũng như bao con người khác đã run sợ trước đau khổ : “Lạy Cha nếu có thể được, xin hãy cất chén đắng này xa con!”. Tuy nhiên, vì yêu thương nhân loại và nhất là muốn đi đến cùng sứ mạng làm chứng cho Chân lý, cho Tình yêu Thiên Chúa, nên Ngài đã tự nguyện đón nhận đau khổ và cái chết. Ngài xác định mình đến từ Thiên Chúa Tình yêu, tôn giáo Ngài thành lập là tôn giáo của tình yêu. Ngài dạy nhân loại yêu thương nhau, dù đó là kẻ thù. Ngài dạy nhân loại biết quên mình, dám sống và dám chết cho người khác. Khác hẳn với tất cả các lãnh tụ tôn giáo khác, Ngài đã đi trước, làm gương, đã cương quyết thực hành những điều mình dạy bảo nhân loại. Ngài yêu thương, Ngài tha thứ, Ngài hy sinh mạng sống mình cho tha nhân : chấp nhận chết trần truồng, nhục nhã trên thập giá, bên cạnh hai tội nhân trộm cướp. Một cung cách sống và yêu tuyệt vời đến thế, thử hỏi đó không phải là Chân lý đích thực hay sao ?

Ngài là chân lý duy nhất, nên những gì phát xuất chính thức từ Ngài đều được coi là chân lý, là sự thật. Tôi dùng từ ngữ chính thức, vì hiện nay vẫn có một số người lợi dụng danh nghĩa, giáo lý của Ngài để làm những điều xấu xa. Họ cố tình hiểu sai Thánh kinh, pha trộn, thêm thắt, làm cho chân lý nguyên thủy bị lai tạp, biến chất để phục vụ cho những toan tính riêng. Chưa kể người ta còn xuyên tạc, phản bác ý nghĩa Thánh kinh nữa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít người cho rằng chân lý đang bị khủng hoảng. Mặc dù chân lý, lẽ phải, đang được diễn tập trong Giáo Hội Công giáo, dĩ nhiên với những bước đi chập chững, có khi vấp té, nhưng không bao giờ Chân lý có thể bị khủng hoảng cả ; bởi lẽ Chân lý phát xuất từ chính Thiên Chúa. Chỉ có con người xấu xa, tội lỗi, nhiều dục vọng, mới có thể làm cho chân lý bị méo mó, biến dạng, mất phẩm chất mà thôi.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị luôn nhắc nhở trong các văn kiện truyền giáo rằng : không bao giờ được cưỡng bách hay áp đặt niềm tin của mình trên người khác. Điều này trùng hợp với ý tưởng của Léon Tolstoy : “Sự thật phải được đón nhận mà không bị cưỡng bách”. Nếu có ai hỏi rằng làm thế nào tôi có thể thấy Chúa Giêsu và xác tín Ngài là Chân Lý đích thực ? Xin trả lời rằng hãy “nhìn vào Giáo Hội Công Giáo của Ngài”. Giáo hội này do Ngài thiết lập, nên Ngài luôn hiện diện trong lòng thực tại vừa siêu nhiên vừa trần thế này để điều khiển nó. Sau khi từ cõi chết sống lại và về trời, Ngài sai Thần Chân Lý đến ở với Giáo hội, tiếp tục sứ mạng của Ngài. Cho nên Giáo Hội hẳn là nơi mà mọi người có thể tìm thấy Chân lý nguyên thủy của Thần Linh. Khi gia nhập Giáo hội, người lãnh nhận đức tin, bị đòi hỏi thực hành đức Ái cách triệt để, như là điều kiện thiết yếu để được ơn cứu độ. Sự đòi hỏi này thật ra không phải là sự cưỡng bách, nhưng là lời mời gọi mọi kẻ tin tự nguyện đáp trả lại Tình yêu quá lớn lao của Thiên Chúa dành cho bản thân họ, cho Giáo Hội, cho toàn nhân loại.

Tóm lại, khác hẳn với các lãnh tụ tôn giáo trên trần gian này, Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, đã có kế hoạch cụ thể từ xa xưa, chuẩn bị cho sự nhập thể của mình. Cho nên chúng ta có thể nói rằng, những vị sáng lập các tôn giáo đều được sinh vào thế gian này để được sống ; duy chỉ có Chúa Kitô là Đấng sinh vào thế gian này để được chết. Chân lý là sự mạc khải của Thiên Chúa đến với nhân loại qua và trong Chúa Giêsu Kitô, do đó không còn có một Chân lý nào khác ngoài chính Ngài. Chân lý không phải là một cảm nhận của trí năng về thực tại, nhưng là thực tại chắc chắn của Thiên Chúa. Ta chỉ có thể đạt đến Chân Lý xuyên qua đức tin, và nhờ đó sẽ được cứu thoát. Như thế, Chân lý là một cung cách sống, hướng dẫn con người tiến về Thiên Chúa. Nó bao gồm các nhân đức đối thần, tinh thần thờ lạy và sự sống của Thiên Chúa trong linh hồn. Chân lý mà Philatô, cũng như bạn và tôi muốn lĩnh hội, không phải là một chân lý bao la bát ngát, trừu tượng, nhưng là chân lý hướng đến sự sống. Riêng đối với bản thân tôi : tuy có lúc phải sống trong nghi nan, yếu đuối, nhưng ánh sáng chân lý đang hướng dẫn bước chân tôi đi trong thế giới tối tăm này, thật đủ để dạy tôi biết phải sống như thế nào và chết như thế nào cho thật có ý nghĩa.

Phaolô Ngô Suốt

Chia sẻ Bài này:

Related posts