- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Lòng tự trọng

Ngày 27/4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong Won xin từ chức sau khi không hoàn thành trách nhiệm trong thảm họa chìm phà khiến gần 200 người chết và hàng trăm người mất tích.

VTC News đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh chủ đề này.

– Quan điểm của ông như thế nào xung quanh vụ việc Thủ tướng Hàn Quốc từ chức để nhận trách nhiệm sau vụ lật phà Sewol?

Tôi nhớ đây không phải lần đầu tiên một vị Thủ tướng Hàn Quốc từ chức. Tháng 3/2006, Thủ tướng Lee Hae Chan cũng đã phải xin từ chức vì đi chơi golf giữa lúc diễn ra cuộc biểu tình của nhân viên đường sắt trong toàn quốc, mặc dù ngày ông chơi golf đúng là ngày nghỉ lễ của nước này.

Nhìn hình ảnh ông Thủ tướng Chung Hong Won cúi thấp đầu xin lỗi dân chúng và đọc lời ông: “Là Thủ tướng tôi chắc chắn phải nhận trách nhiệm và từ chức. Tôi quyết định từ chức lúc này để không trở thành gánh nặng cho Chính phủ.” Tôi thấy hành động của ông ấy thật là quân tử.

Những hành động trên cho thấy quan chức Hàn Quốc có ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng rất cao. Trước mỗi sai phạm trong công việc họ phụ trách hoặc liên quan đến những cấp, những người mà họ có ảnh hưởng, họ sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân và từ chức ngay.

Thậm chí, có người còn tìm đến cái chết để bảo toàn danh dự như Cựu Tổng thống Ro Moo Hyun. Tháng 5/2009, ông đã gieo mình xuống vách núi tự vẫn để kết thúc những ngày sống “khó khăn” do dư luận xì xào về sự dính líu của một số thành viên gia đình ông đến những vụ bê bối.

Nói gì thì nói, các vị lãnh đạo, cựu lãnh đạo ấy là những người giàu lòng tự trọng. Qua đó, tôi cũng hiểu vì sao đất nước Hàn Quốc lại phát triển nhanh như thế…(x.bolapquechoa.com).

Những người lãnh đạo thành công, được người dân mến mộ và có lòng tự trọng luôn tự quyết định số phận chính trị của họ. Thật ra, ở các nước dân chủ, việc từ chức của các quan chức và chính khách gần như là một nét văn hoá: văn hoá từ chức. Một khi họ cảm thấy không còn đóng góp gì cho xã hội, hay lương tâm họ tự cảm thấy cắn rứt trước những cái chết oan uổng của người dân, họ tự nguyện xin từ chức. Ông Chung Hong Won, đáng kính trọng không chỉ vì dám từ bỏ chiếc ghế quyền lực, mà còn là vì ông chân thành bày tỏ niềm đau xót, thương dân của ông. Ông thực sự thấy mình có lỗi, có tội với những nạn nhân. Như vậy, lãnh đạo không phải là uy quyền, không phải là bằng cấp, là chức vụ, mà là uy tín.

Con người không chỉ là cái bụng lo cơm áo gạo tiền. Con người không chỉ là cái đầu biết đắn đo, tính toán hơn thiệt. Con người còn là cái tâm biết tự trọng và cần được kính trọng. Ðã là người, ai cũng bức xúc, phẫn nộ khi bị khinh rẻ; biết hổ thẹn, tức là chính mình khinh mình, khi mình thiếu tự trọng.

Nhưng tại sao phải tự trọng ? Đó là tiếng nói của lương tâm. Cụ thể, ai cũng ôm ấp và cố gắng thực hiện một cái gì đó nó làm cho mình lớn hơn mình. Một niềm tin tôn giáo, một lý tưởng xã hội, một khát vọng nghệ thuật, một mơ ước yêu thương… Chỉ có con người mới mang những giá trị vượt người và sẵn sàng chết để bảo vệ những giá trị đó.

Người có đức tin tự hào về niềm tin của mình. Niềm tin ấy giúp họ tự trọng và trân trọng tha nhân. Nói cách khác, tự trọng đồng nghĩa với tự do vì tự trọng là chính mình làm chủ mình. Tự do đi đôi với bình đẳng, vì với tư cách là người ai cũng phải được kính trọng như ai.

Tôi nhớ đến câu chuyện: “Bát mì của lòng tự trọng”.

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con.

Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.

Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng.

Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình.

Lòng tự trọng với ánh hào quang chói lọi của nó sẽ trở thành lương tri con người (Irving Layton).

Phúc âm Thánh Luca kể câu chuyện “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện” (Lc 18, 9-14). “Người Pharisiêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao người khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Khi so sánh, ông mới thấy mình cao vượt hơn mọi người về mặt đạo đức. Ông kể lể với Chúa : “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Ông quan niệm cầu nguyện chỉ là việc đổi chác theo lẽ công bình, chứ không phải là một ân sủng.

Trong khi đó, “Người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời.” (Lc 18,13). Ông thành tâm cầu nguyện, “vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’” (Lc 18,13). Ông nhận sự thật về mình, chứ không dám so sánh với ai. Ông chỉ biết tương quan giữa Thiên Chúa và mình là một tương quan bất tương xứng.

Trong dụ ngôn này, rõ ràng ông Pharisiêu tập trung hoàn toàn vào cái tôi của mình. Không thông cảm với người khác, làm sao ông có thể đòi Thiên Chúa cảm thông với mình ? Đó là lý do tại sao ông thất bại trong việc cầu nguyện. Thật là công dã tràng bao nhiêu khó nhọc trong việc giữ luật và đóng góp vào đền thờ.

Trái lại, dù không có những việc đạo đức như ông Pharisiêu, người thu thuế “đã được nên công chính” (Lc 18,14) vì đã hết lòng cầu khẩn Chúa xót thương đến thân phận mình. Ông không có công trạng gì để tự hào. Khi nhìn lại mình, ông chỉ thấy một vực thẳm tội lỗi.Nhìn lên Thiên Chúa, ông lại thấy vực thẳm đầy ân sủng. Trái lại, ông Pharisiêu không hề cầu xin Chúa tha thứ hay thương xót, nên tình trạng ông trước sau như một. Ông coi mình hoàn hảo về mọi phương diện, nên cầu nguyện đối với ông là đòi nợ. Thiên Chúa chẳng nợ ai cả, tại sao ông lại biến Thiên Chúa thành con nợ ? Lời cầu của ông hoàn toàn dựa trên công trạng riêng, chứ không trên tình yêu Thiên Chúa.

Câu chuyện “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện” là một giáo huấn của Chúa Giêsu về lòng tự trọng. Người thu thuế đã có nhiều công trạng đặc biệt không? Có phải do anh ta là người đạo đức và bác ái không? Hoàn toàn không! Anh ta chẳng có công trạng gì, ngoài một “mớ tội” công khai. Vậy thì do đâu mà anh ta được nên công chính, như lời Chúa Giêsu quả quyết ở đoạn cuối Tin Mừng: “Người thu thuế được nên công chính, còn người Pharisêu thì không” ? Lý do: trước mặt Chúa, anh biết khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Thể hiện qua các cử chỉ: đứng xa xa mà không dám tới gần cung thánh, cúi đầu, đấm ngực…Tất nhiên là đấm ngực chính mình, chứ không phải đấm ngực người khác như người biệt phái. Hơn nữa, còn do anh biết giục lòng thống hối ăn năn một cách sâu xa, và tha thiết kêu xin lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chỉ với một lời cầu xin ngắn gọn, có thể nói được là ngắn gọn nhất, mà anh lại được trở nên công chính. Thế mới hay lời Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: “Phàm ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Thánh Phaolô cảm thấy tự hào khi nói : “Nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4,17).Thế nhưng, ngài qui hướng tất cả về Thiên Chúa, Đấng “đã ban sức mạnh cho tôi” (2 Tm 4,17). Đó là lý do tại sao ngài đầy hứng khởi khi “chúc tụng Chúa vinh hiển đến muôn thuở muôn đời Amen ” (2 Tm 4,18). Thánh nhân thú nhận : “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,9-10).Ơn Chúa vô cùng sung mãn đã bù đắp được tất cả những thiếu sót quá khứ và đưa thánh nhân vào một tương quan hoàn toàn mới với Thiên Chúa và tha nhân.

Lòng tự trọng luôn gắn với đức khiêm nhường sẽ trở thành lương tri con người.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]