Lòng nhiệt thành

“Bất cứ làm việc gì hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa (Cl 3, 23)

1. Phương diện nhân bản

“Giá trị con người trước hết là do bầu nhiệt huyết của họ” (H. Bordeaux). Bầu nhiệt huyết này tạo nên sự nhiệt thành đối với mọi người và mọi việc trong nhiệm vụ của mình. Đó là tâm thế cơ bản để tạo nên sự phấn khởi sinh động cho cuộc sống. Thiếu bầu nhiệt huyết này con người dễ trở nên lơ đãng, ù lì hoặc lơ là chểnh mảng với mọi tương quan trong đời sống mình, thiếu sự thể hiện chính mình, và như vậy làm giảm đi giá trị và năng lực của mình. Lòng nhiệt thành tạo nên niềm vui sống, như là một kích thích tố để phát huy và kết hợp mọi người trong tình thân ái. Lòng nhiệt thành cũng là yếu tố chủ chốt để khởi sự và hoàn thành công việc. Nó là đức tính của những con người có bản lãnh chỉ huy, lãnh đạo, tổ chức và là yếu tố thành công trong mọi lãnh vực. Bởi vậy “sự thất bại nặng nề nhất của con người là đánh mất đi lòng nhiệt thành”(Châm ngôn Hoa Kỳ). Dù biết rằng nhiệm vụ hằng ngày có nhiều khó khăn và trắc trở, nhưng “không có gì là không làm được với một con tim đầy nhiệt tâm” (Heywood). Vì thế, khi đã  làm là “phải tin tưởng vào những điều mình làm và làm với tất cả lòng nhiệt thành” (Olle Laprune). Thành tâm thiện chí nhưng không thể thiếu nhiệt tâm, vì “thiếu nhiệt tâm là dấu chỉ của một đời sống tầm thường” (Descartes). Là con người,  ai cũng có những khát vọng thâm sâu, những mơ ước tươi đẹp; và còn hơn nữa người ta muốn nuôi dưỡng những hoài bão lớn lao, ôm ấp một lý tưởng sống thanh cao, nhưng “Con người chỉ trở nên cao cả khi họ dám xả thân cho một cái gì lớn hơn là bản thân mình” (Saint Exupery), và đó chính là hoa quả của lòng nhiệt thành. Nhiệt thành với công việc, nhiệt tình với mọi người, nhiệt tâm với trách vụ sẽ giúp con người sống một cách sung mãn và đáng yêu trong từng giây phút hiện tại của đời mình. Đó là một tâm thế tích cực được mở ra để cho đi và đón nhận một sự sống dồi dào và phong phú hơn cho mình và cho mọi người. Bởi vậy ở đâu có sự hiện diện của lòng nhiệt thành thì ở đấy có bầu không khí sinh động tạo nên mối dây liên kết trong yêu thương và an bình. Một con người tầm thường thôi, nhưng khi có lòng nhiệt thành thì họ có khả năng thay đổi chính môi trường lặng lẽ tẻ nhạt và im lìm bất động trở thành một khung cảnh năng hoạt đầy sức sống, như một nắm men làm dậy lên một khối bột vậy.

2. Phương diện tu đức

Là Kitô hữu, lý tưởng sống độc nhất của cuộc đời chúng ta là làm theo theo Thánh ý Chúa (Dt 10, 7. 9). Nhưng chỉ “làm theo Thánh ý Chúa thôi thì chưa đủ, mà còn phải làm một cách vui vẻ và nhiệt tình” (François De Sale). Nhiệt tình là tinh thần của niềm vui đổ vào khả năng của ước muốn. Muốn biết niềm vui là gì, ta phải luôn sống trong bầu khí vui tươi tràn trề. Ngay cả hạnh phúc trần gian cũng không đến với những kẻ rầu rỉ hay những người tìm kiếm hạnh phúc với đôi mắt u sầu. Để được hạnh phúc ta phải hành động trong hạnh phúc. Để được niềm vui thiêng liêng liêng, ta phải nhiệt tình trong mọi việc mình làm. Công việc mà chúng ta làm một cách say mê sẽ ít nhọc nhằn hơn là làm một cách chán chường. Thiếu sự say mê và nhiệt tình chúng ta sẽ kéo lê công việc một cách nặng nề, mất đi niềm vui và tính cách sáng tạo. Và như vậy chẳng còn ý nghĩa gì nữa trong mọi nhiệm vụ của cuộc đời dâng hiến. Sự dâng hiến nào nào cũng phải là sự dâng hiến của con tim nhiệt tình, bừng cháy lên ngọn lửa yêu mến, “vì nhiệt tâm nhà Chúa” (Tv 69). Điều đáng sợ nhất là nóng thì không nóng hẳn, lạnh không lạnh hẳn, nhưng cứ hâm hẩm (Kh 3, 16) nên tự mình loại trừ mình trong đời sống cộng đoàn và trong tiến trình tu đức của đời sống tâm linh.

3. Phương diện đời sống

Nhiệt thành không phải là những tình cảm sôi nổi, không phải là những cảm xúc nhất thời và nông nổi khi đứng trước một hoàn cảnh hay sự việc. Nhiệt thành đòi hỏi phải giữ vững bầu nhiệt quyết trong mọi tình huống và kiên trì cho đến cùng, không nao núng trước mọi thách đố và thất bại. Thất bại và hiểu lầm có thể xảy ra, nhưng lòng nhiệt thành thì luôn vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ có thể không hoàn thành trước mặt người đời nhưng hoàn thành chính mình theo ý định của Thiên Chúa, là mục tiêu cuối cùng của ơn gọi nên thánh trong mọi hoạt động và trong mọi tương quan của đời sống làm người. Vì thế, hãy cố gắng luôn để niềm vui của Chúa được tỏ hiện nơi bạn. Và rồi nhiệt thành của bạn sẽ lớn lên thành niềm vui của Chúa.

Để phát huy lòng nhiệt thành, trên phương diện tiêu cực :

– Cần dẹp tan những ý định buông xuôi, chùng bước, và triệt thoái những ý nghĩ buồn phiền, chán nản, ngờ vực, lo sợ, lưỡng lự không dám quyết định và tiến bước.

– Tránh những kiểu nói “bàn ra”, những lời không có tính cách động viên, và những câu dèm pha gây tính cách nghi ngờ, thối chí, trong nhiệm vụ chung của mình và của mọi người.

– Tránh những cách làm cẩu thả, xuề xoà, qua loa cho xong việc hoặc tránh né bổn phận và trách nhiệm chung, tìm cách đẩy công việc cho người khác để mình được yên thân nhàn nhã.

Trên phương diện tích cực :

– Cần suy tư, thao thức, nghiền ngẫm và say mê những công việc trong nhiệm vụ chung của mình cũng như của anh chị em, đồng thời dám có những sáng kiến táo bạo và độc đáo để đưa công việc đến hoàn thành.

– Động viên, mở đường và trợ lực cho nhau trước những khó khăn và thử thách.

– Năng nổ, xả thân trong bổn phận của mình và nhiệt tình hưởng ứng trong việc góp phần cho ích lợi chung.

Lạy Chúa, “lòng nhiệt thành nhà Chúa đêm ngày thôi thúc con”, nhưng con thường nhiệt thành với những điều hợp sở thích và khuynh hướng của con thôi, và vì điều đó làm cho con sáng giá và trổi vượt hơn anh chị em mình, chứ ít khi con dám buông mình theo tác động của Thánh Thần trong những điều hèn mọn nhỏ bé và âm thầm để ý Chúa được thực hiện. Xin cho con lòng nhiệt thành khiêm tốn để sống tha thiết và tận tình với những gì mà Chúa đang muốn thực hiện nơi con và nơi anh chị em con.

LM. Thái Nguyên

Simmon Hòa Đàlạt

Chia sẻ Bài này:

Related posts