Lời kinh bình dị

Thơ tôi đã rũ sạch mọi điểm trang loè loẹt, không còn kiểu cách, huênh hoang. Vật trang sức sẽ làm hại tình thân giữa đôi ta, sẽ ngăn cách người với tôi, và khi va chạm thành tiếng xủng xẻng sẽ át cả tiếng người thì thầm.

Trước mặt người lòng hợm hĩnh thi nhân của tôi chết trong hổ nhục. Ôi thi bá thi hào! Tôi đã đến ngồi dưới chân người. Chỉ xin để tôi biến đời mình thành bình dị, thẳng ngay, như chiếc sáo sậy để người phả đầy âm nhạc vào trong.

(R. Tagore)

Không điểm trang loè loẹt, không kiểu cách, huênh hoang. Những lời thơ như thoát ra từ miệng trẻ thơ, đó là một ước nguyện độ trong sáng của thơ ca Tagore hằng ao ước.

Như tâm hồn trẻ thơ: Những buồn vui lo lắng là không có.

Không màu mè hoa lá bởi vì lời từ con trẻ là lời chân thật. Khúc hát dâng đời bằng tấm lòng thành thật của con trẻ làm nên những kỳ diệu.

Một trong những điều làm cho người lớn bị trở ngại là “danh dự”, danh dự là một điều đáng giữ và trân trọng nhưng không phải vì thế mà tô bóng danh dự một cách quá đáng. Trên con đường trút bỏ, người ta có thể trút bỏ nhiều thứ, nhiều của cải, nhưng có một điều rất khó nhận ra để từ bỏ, đó là danh dự. Thánh nữ Têrêsa d’Avila chia sẻ: “Ai muốn tiến tới trên con đường tìm kiếm Chúa mà vẫn còn thấy nhạy cảm đối với danh dự bản thân, thì hãy tin điều tôi nói và hãy cắt đứt dây ràng buộc này, vì nó là dây xích không giũa nào giũa cho nó đứt được, chỉ có Thiên Chúa mới có thể bẻ gẫy nó khi chúng ta cầu nguyện và tận lực cố gắng.”

Lời cầu nguyện chân thành vứt hết mọi điểm trang loè lọet là một lời cầu nguyện phát xuất từ dứt bỏ, dứt bỏ mọi thứ dây ràng buộc có thể cản trở. “Thơ tôi đã rũ sạch mọi điểm trang loè lọet, không còn kiểu cách, huênh hoang. vật trang sức sẽ làm hại tình thân giữa đôi ta, sẽ ngăn cách Người với tôi, và khi va chạm thành tiếng xủng xẻng sẽ át tiếng Người thì thầm.” Đến với Chúa, bao nhiêu trang sức đều trở thành vật cản và gây nên khỏang cách. Những trang sức bằng vàng như danh dự cũng chỉ để che đậy bản thân, Thánh nữ Têrêsa d’Avila chia sẻ kinh nghiệm “có những người phong cách thánh thiện và đã thực hiện được những công trình hiển hách khiến mọi người ngạc nhiên. Vậy mà, lạy Chúa, xin tha thứ cho con,tại sao những linh hồn ấy cứ xà xà dưới mặt đất? Làm sao họ không vươn tới đỉnh hoàn thiện được? Cái gì ngăn cản con người họat động rất nhiều cho Thiên Chúa như thế tiến tới đỉnh hòan thiện? Lý do đơn sơ chỉ vì họ quá bận tâm đến danh dự bản thân! Điều tệ hại hơn hết là loại người này sẽ không nhận ra mình vướngvào chướng ngại ấy. Đôi khi do ma quỷ xúi dục họ nghĩ rằng họ có bổn phận phải bảo tòan danh dự của họ”. Đấy là kinh nghiệm của người tu đức trên con đường thánh thiện. Chúng ta cũng có thể gặp tâm hồn của những con người thường kinh nghiệm về việc dứt bỏ này như trong thi ca Hàn Mặc Tử:

“Đây rồi! Đây rồi! chuỗi ngọc vàng kinh

Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý.

Trượng phu lời và Tông Đồ triết lý.

Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh,

Là Nguồn đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh”.

Một cảm nghiệm đi từ đời rất thực: Giữa cơn đau của căn bệnh làm méo mó đôi tay, khuôn mặt và cả thân hình, con người như bị đánh quỵ về mọi hình thức để có được cái giao tiếp bình thường. Như một sự trút bỏ tận cùng kể cả về danh dự, Hàn Mặc Tử lại tìm thấy một chân dung của một con người đã trút bỏ hoàn toàn để chỉ “Xin Vâng” cứ làm cho tôi những điều Thiên Chúa muốn. Đọc “Ave Maria” mà cảm thấy chuỗi ngọc vàng kinh, và toát ra những vần thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý. Ngừơi quân tử, người biết quên mình xả thân cho người khác, người biết tự huấn luyện mình một cách khắc nghiệt để tu thân. Lời thơ quân tử ý cũng là lời thơ dứt mọi điểm trang loè loẹt, để trở nên nguồn trăng vừa là nguồn đau đến quỳ lạy dưới chân Thánh Nữ Maria. Nguồn Trăng và nguồn đau như một nối kết giữa trăng và căn bệnh phong. Giữa tuyệt mỹ có sự nối kết với cái đau thấu xương của một hành trình dứt bỏ. Đức Maria đã đi hết chặng đường từ bỏ tột cùng ấy để thấy một điều mà Hàn Mặc Tử ưa gọi: “Thơ mầu nhiệm ra đời”.

Hành trình dứt bỏ mọi điểm trang loè loẹt là một hành trình khó khăn nhưng hoa trái lại dồi dào và phong phú nhất.

“Trước mặt Người lòng hợm hĩnh thi nhân của tôi chết trong ô nhục. Ôi thi bá thi hào! Tôi đã đến ngồi dưới chân Người. Chỉ xin tôi biến đổi đời mình thành bình dị, thẳng ngay, như chiếc sáo sậy để Người phả đầy âm nhạc vào trong.”

Vẫn là ước mong được khoét rỗng thân sậy thẳng ngay, bình dị để trở thành cây sáo trên tay Người thổi. Ước nguyện này liên tưởng đến kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi: “Xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. Như khí cụ, con người được Thiên Chúa dùng, nếu ý thức được phận nhỏ bình thường nhưng không tầm thường, con người được mời gọi cộng tác vào công trình yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra sự kỳ diệu của con người: “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại.” Thân sậy trước gió không nỡ bị đạp dập nhưng còn biết chịu đựng vượt qua những gió lớn cuộc đời. Thân sậy mỏng manh, rỗng ruột chính Người thổi hơi để âm vang lên những khúc nhạc sáo đồng quê. Mầu nhiệm của con người được khám phá ra sự lớn lao trong lúc để Thiên Chúa thực hiện. Tại sao chúng ta lại không thưa được như Đức Maria: “Xin cứ làm cho tôi những điều Thiên Chúa muốn.” Đấy là một hành trình đi từ thấp đến cao, bước từ gần đến xa. Thiên Chúa không nghèo hơn con người, chính Người là nguồn sung mãn cho con người chúng ta.

Thanh âm chỉ được vang lên trong khung đàn trống rỗng, hồng ân Thiên Chúa hiệu quả khi con người đổ rỗng cái tôi của mình.

Xin Người rộng lượng phút giây này, cho hơi thở của Người thổi vào thân xác hay chết của chúng con.

 

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Chia sẻ Bài này:

Related posts