Kẻ Giấu Mặt

Bạn có bao giờ nhận được một bức thư (vd: email) trong đó có một tấm hình về Chúa, Đức Mẹ, hay một Thánh nào đó, kèm theo một thông điệp đại ý như sau: “Ông A sau khi nhận được tấm hình này đã làm lơ, thế là người nhà ông bị tai nạn; hay chị B nhận được mà xóa đi thì sau đó bị mất việc làm,…” và lời ‘khuyên-dọa’: “Bạn hãy chuyển nó đến nhiều người để gặp may. Nếu bạn không chuyển, bạn sẽ gặp xui xẻo.”

Mình cũng nhận được những email như thế từ lâu. Suy nghĩ… Quan sát…. Và mình chợt nhận ra có một sự nguy hiểm đàng sau thông điệp có vẻ rất bình thường ấy. Xin được mời bạn cùng đi 4 bước đơn giản sau để nhìn rõ sự việc hơn: phân tích, đối chiếu, đặt nghi vấn, nhận định.

Trước hết, phân tích: Thông điệp kia ẩn ý rằng nếu ai từ chối hay coi thường bức hình nọ (liên quan đến Chúa, Đức Mẹ, Thánh nào đó) thì sẽ gặp hậu quả đáng tiếc như một vài người đã bị, nghĩa là họ “ đã bị trừng phạt”. Ai phạt? Dĩ nhiên là nhân vật trong bức hình. Có dấu ấn của bạo lực ở đây. Thêm nữa, cách ‘trừng phạt’ này khá tiểu nhân: không làm theo ý thì tức giận đánh phạt.

Tiếp theo, đối chiếu: Những nhân vật trong tấm hình thường liên quan đến Chúa, Đức Mẹ, một vị Thánh nên ở đây ta cần so sánh thông điệp trên một cách trực diện với Tin Mừng – chuẩn mực tối thượng cho niềm tin của chúng ta. Đối chiếu một chút, ta sẽ nhận ra một sự mâu thuẫn trầm trọng: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa do chính Thầy Giêsu mạc khải, và vị Thiên Chúa này từ chối bạo lực. Chỉ cần nhìn vào Thập Giá thì sẽ thấy rõ ngay điều ấy. Những kẻ coi Thầy Giêsu là thù địch nhạo báng, sỉ nhục, thách thức Thầy sử dụng bạo lực. Nhưng, Thầy đã chiến thắng cơn cám dỗ này. Thêm nữa, Thiên Chúa tình yêu của chúng ta không bao giờ lại có cách ứng xử kiểu tiểu nhân: được lòng thì chiều chuộng (ban ơn, cho vận ‘hên’), còn phật lòng thì tức giận đánh phạt (gửi ‘xui xẻo’). Không, Thiên Chúa của chúng ta không phải là như thế. Ngược lại, Thiên Chúa đối xử với con người bằng tình yêu vô điều kiện cùng với sự tha thứ không bao giờ biết mệt mỏi. Kinh Thánh ngập tràn những ví dụ về tha thứ và khoan dung. (Xem Mt 6:14-16, 18:21-22; Mc 11:25; Lc 6:37, 15; Cl 3:13; Rm 5:8;…)

Thứ ba, đặt nghi vấn: Ai là người đầu tiên truyền đi những bức ảnh thánh thiêng nhưng lại kèm theo thông điệp tiêu cực kia? Mục đích của họ là gì? Có ai đứng đàng sau người đầu tiên ấy không? …

Cuối cùng, nhận định: 1/ Những bức ảnh về Chúa, Đức Mẹ, các Thánh được gửi ra thường không có vấn đề. 2/ Lý do đa số những ai nhận được tấm hình-thông điệp ấy đều tiếp tục chuyển đến nhiều người khác là vì họ đơn sơ hoặc lo sợ có chuyện chẳng lành xảy ra. Tâm lý này tạm coi là bình thường. 3/ Vấn đề nằm ở chỗ: bức hình được kèm theo một thông điệp có nội dung mâu thuẫn nghiêm trọng đối với Tin Mừng của Đức Giêsu – chuẩn mực đức tin chân chính. 4/ Người đầu tiên tạo ra bức hình-thông điệp ấy rồi gửi đi là ai, biết hay không thật ra không quan trọng lắm. Kẻ ta cần nhận dạng và vạch mặt là kẻ đứng đàng sau người ấy. Hắn là ai? 5/ Ta có thể thấy: hắn là kẻ muốn phá đi hình ảnh chân thật về một Thiên Chúa tình yêu (1Ga 4:8) mà Thầy Giêsu đã dùng chính máu mình để loan báo và bảo vệ. Ai có kinh nghiệm cũng biết rằng: hình ảnh mà một người có về Thiên Chúa sẽ quyết định cách sống, cách tương quan của họ với Chúa và với đồng loại. Khi hình ảnh ấy tích cực thì cách sống của người đó sẽ tích cực. Nếu hình ảnh ấy méo mó lệch lạc thì hành xử của họ sẽ tiêu cực, tàn nhẫn. Kẻ giấu mặt nham hiểm kia muốn dùng thông điệp (tiêu cực) kia để làm cho nhân vật trong bức hình (tích cực) bị mang màu sắc của một “ác thần”. Một khi người ta nghĩ hay tin Thiên Chúa cũng có những hành động của một ác thần thì người ta sẽ lìa xa Thiên Chúa, chán ngán, trách móc Người, thất vọng, hoặc cũng sẽ hành xử ác độc. Kẻ giấu mặt nguy hiểm ấy có tên là: Satan.

+++

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ thôi, còn nhiều trường hợp khác tương tự và có thể tinh tế hơn nữa. Mong cùng nhau cẩn thận đề phòng, hóa giải để niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu được vững vàng, vẹn toàn mà tránh những khổ đau vô nghĩa.

Giuse Việt, O.Carm.

Chia sẻ Bài này:

Related posts